Những điểm mới về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Về mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(1). Như vậy, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán, xuyên suốt, nhưng có sự bổ sung rõ hơn, toàn diện hơn cả về nội hàm và phạm vi bảo vệ. Điểm nhấn ở đây được văn kiện lần này chỉ rõ: Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là để ứng phó với chiến tranh; mà vấn đề quan trọng và thiết yếu hơn là, tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là sự vận dụng nhuần nhuyễn lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Bảo vệ phải gắn với xây dựng, xây dựng phải đi đôi với bảo vệ. Mục tiêu của bảo vệ là để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho xây dựng và phát triển đất nước; và, xây dựng, phát triển đất nước sẽ tác động trở lại tạo cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mục tiêu là, giải quyết mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa việc bảo vệ Tổ quốc về mặt tự nhiên - lịch sử với việc bảo vệ Tổ quốc về mặt chính trị - xã hội trong tính chỉnh thể thống nhất; chỉ rõ hướng đích phát triển đất nước là theo định hướng xã hội chủ nghĩa; vì vậy, phải gắn chặt việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ với bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; phải gắn chặt việc giữ vững ổn định chính trị, xã hội với bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Mục tiêu đó cũng khẳng định rõ lập trường và ý chí của toàn dân tộc quyết tâm, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là quan điểm biện chứng khách quan, cụ thể, lịch sử và phát triển, đáp ứng sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực, của đất nước và yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Điểm mới được bổ sung trong văn kiện lần này là việc xác định rõ: Bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước. Đây là vấn đề mới, quan trọng trong mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phản ánh đúng xu thế và đặc điểm tình hình đất nước. Bởi lẽ, con người là vấn đề có tính chiến lược, là trung tâm của mọi hoạt động, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước và bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa mà nước ta đang xây dựng cũng hướng đến bảo vệ cuộc sống bình yên, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, trong bối cảnh mới hiện nay, bảo đảm an ninh con người, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để mang lại hạnh phúc cho nhân dân là vấn đề đặc biệt quan trọng, cần được tập trung thực hiện. Một điểm mới trong văn kiện lần này là các nội dung, vấn đề trong mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh được đặt trong một tổng thể chung, có quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời. Đây là những định hướng quan trọng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Về phương thức và giải pháp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục có những bước phát triển mới trong tư duy về phương thức và giải pháp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta “Xác định “chủ động phòng ngừa” là chính. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”(2). Đây là sự kế thừa, vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm “giữ nước từ lúc chưa nguy”, phát triển tư tưởng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” để xác định rõ phương thức, giải pháp “chủ động phòng ngừa” là chính. Điều đó thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược của Đảng về quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, nhằm chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi, giải tỏa các “điểm nóng”, các nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang; nhất là việc chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống đang ngày càng gia tăng và đe dọa trực tiếp đối với an ninh quốc gia và toàn cầu hiện nay. Thực tế hiện nay, đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra phản ánh rõ tính chất phức tạp và đặc biệt nguy hiểm của an ninh phi truyền thống, mà mọi quốc gia, dân tộc đều phải chung tay giải quyết.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định: “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”(3). Quan điểm trên thể hiện sự nhất quán với các quan điểm trước đó của Đảng, nhưng có sự nhấn mạnh rõ hơn là phải: phát huy mạnh mẽ và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; coi đó là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo vệ Tổ quốc. Ở đây, nét mới trong phương thức, giải pháp bảo vệ Tổ quốc chính là: Đảng ta đã đặt các thành tố kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong một chỉnh thể gắn kết, thống nhất. Đây cũng là bước phát triển, bổ sung mới về phương thức bảo vệ Tổ quốc, làm tăng khả năng phát huy nội lực, tiềm năng, bản sắc và truyền thống của dân tộc Việt Nam trong bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước hiện nay; phát huy và làm sâu sắc thêm tính chất toàn dân, toàn diện của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Xét trong tính tổng thể, các phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được sử dụng một cách tổng hợp, linh hoạt, mềm dẻo, đặt trong mối quan hệ và sự tương tác lẫn nhau để huy động sức mạnh tổng hợp và vai trò của mọi lĩnh vực, mọi lực lượng để bảo vệ Tổ quốc.

Một nét mới khác về phương thức và giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc đó là việc Đảng ta xác định rõ: Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và củng cố các tuyến phòng thủ biên giới, biển, đảo; vừa có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh. Đó là bước phát triển mới về mặt tư duy trong định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, phản ánh đúng yêu cầu thực tiễn. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ tạo sức mạnh tổng hợp cho cả quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ khác, tạo ra nguồn lực lớn cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.

Cán bộ, chiến sĩ Hải quân vùng 4 chia tay người thân lên đường ra nhận nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa_Ảnh: TTXVN

Về lực lượng và sức mạnh quốc phòng, an ninh

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là nòng cốt”(4). Sức mạnh tổng hợp tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán, là sức mạnh, lực lượng của toàn thể dân tộc, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt. Đó còn là sức mạnh bên trong, kết hợp với sức mạnh bên ngoài, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Đặc biệt, điểm mới trong văn kiện lần này, Đảng ta đã xác định rõ phương hướng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”(5); trong đó, tiếp tục nhấn mạnh và chỉ rõ việc xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “vững mạnh về chính trị”.

Quan điểm trên thể hiện ý chí, quyết tâm và nỗ lực của Đảng ta trong suốt nhiều nhiệm kỳ Đại hội trước đó, nhằm xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, ở văn kiện lần này, Đảng ta đã xác định rõ các mốc thời gian cụ thể là: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là định hướng đặc biệt quan trọng trong thời gian tới để phát triển tiềm lực và sức mạnh của quân đội và công an, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện phải lấy xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị làm cơ sở; bảo đảm cho lực lượng vũ trang luôn tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, gắn bó máu thịt với nhân dân; không mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác; tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” của các thế lực thù địch.

Một điểm mới và điểm nhấn quan trọng nữa là, trong văn kiện lần này, Đảng ta đã xác định rõ: “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”(6). Trải qua quá trình nghiên cứu và tổng kết không ngừng từ thực tiễn, các chiến lược để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên mọi phương diện đã được xây dựng một cách tổng thể và đồng bộ. Đây là các chiến lược rất quan trọng và là một thể thống nhất, liên quan mật thiết với nhau, tác động trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thể hiện quan điểm quốc phòng, an ninh toàn diện. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các chiến lược đó sẽ tạo ra thế và lực, lực lượng và sức mạnh để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.

----------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 156
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 156 - 157
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 157
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 156
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 157 - 158
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 160

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hà Nội chính thức tăng diện tích tách thửa đất ở tối thiểu lên 50m2

(ĐCSVN) - Ngày 27/9/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định 61/2024/QĐ-UBND quy định về một số nội dung thuộc lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website