Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế vùng trung du và miền núi Bắc Bộ

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó nhấn mạnh những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những ý tưởng mới, tinh thần mới, nội dung mới của Nghị quyết

Theo Tổng Bí thư, có 3 điểm mới đáng chú ý của Nghị quyết như sau:

Một là, về quan điểm, nhận thức và tư tưởng chỉ đạo: Nghị quyết lần này đã kế thừa, bổ sung, phát triển 3 quan điểm rất ngắn gọn (chỉ 20 dòng) của Nghị quyết số 37-NQ/TW thành 5 quan điểm chỉ đạo mới, phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Ở đây có nhiều nội dung thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm rất cao của Đảng ta quyết tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ - nơi "địa đầu", "phên giậu", "lá phổi" của Tổ quốc; là vùng đất có bề dày lịch sử với nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số; có truyền thống cách mạng vẻ vang; là "cội nguồn dân tộc"; và "cái nôi của cách mạng Việt Nam"; là nơi có các di tích gắn với lịch sử dựng nước và giữ nước của Dân tộc ta như di tích đền Hùng (Phú thọ), Hang Pắc Bó (Cao Bằng), Cây đa Tân Trào và An toàn khu (Tuyên Quang), Điện Biên Phủ (Điện Biên)…; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong Vùng luôn có truyền thống yêu nước, đoàn kết, thống nhất và có ý chí, quyết tâm cao.

Thời gian qua, nhất là từ khi ban hành Nghị quyết số 37-NQ/TW, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tập trung ưu tiên phát triển Vùng, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng nhưng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém (như đã nêu ở trên). Vì vậy, để tạo sự chuyển biến có tính đột phá, chúng ta phải nhận thức thật sâu và xác định thật rõ: Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái lẫn quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Phát triển nhanh và bền vững Vùng, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước; coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn là, và trước hết là về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của các địa phương trong vùng và cả nước.

Phải đặt vấn đề phát triển vùng trong tổng thể phát triển chung của cả nước, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia; phù hợp với chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Chú ý phát triển và khai thác tối đa kết cấu hạ tầng hiện có, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế toàn vùng, từng tiểu vùng và từng địa phương trong vùng; hình thành các hành lang kinh tế, một số vùng động lực, các cực tăng trưởng; phát triển các chuỗi ngành kinh tế, vùng đô thị và công nghiệp, nhằm tạo sự bứt phá cho toàn vùng; xây dựng cơ chế liên kết và điều phối phát triển vùng một cách tích cực, có hiệu lực, hiệu quả; mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với các địa phương của hai nước bạn có chung đường biên giới với nước ta.

Đồng thời, phải khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu tiên đặc biệt, phù hợp với điều kiện cụ thể của vùng; cải thiện mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân, cho phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho hạ tầng giao thông và những địa bàn xa xôi, đặc biệt khó khăn; coi đây là vấn đề có ý nghĩa trọng yếu đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc biên giới của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...

Hai là, về mục tiêu: Có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới. Nếu như Nghị quyết số 37-NQ/TW chỉ đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2010 thì Nghị quyết lần này đã xác định rất rõ mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện rõ khát vọng, ý chí và quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, nhất là cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong vùng: Phấn đấu đến năm 2030, "vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên, khoáng sản; bảo vệ môi trường, an ninh sinh thái và an ninh nguồn nước. Một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước; bản sắc văn hoá các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện và nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường"; và đến năm 2045 "vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện; hình mẫu phát triển xanh của cả nước, trong đó có khoảng 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá trong cả nước...".

Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Nghị quyết lần này đề ra đầy đủ, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bao gồm các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; về phát triển nhanh và bền vững kinh tế vùng; về phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và bối cảnh tình hình mới”.

Thực hiện có kết quả Nghị quyết

Từ những kinh nghiệm và bài học thành công cũng như chưa thành công trong việc thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương và nhất là các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng thời gian qua và để có sự thống nhất cao hơn nữa về nhận thức và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Tông Bí thư nhấn mạnh thêm một số vấn đề sau:

Một là, về nhận thức: Phải quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, của người dân và cộng đồng các doanh nghiệp về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng. Đổi mới tư duy phát triển, nhất là về liên kết vùng, tiểu vùng; về cơ chế, chính sách đặc thù; về phân bổ nguồn lực; về nguồn nhân lực và tiềm năng, lợi thế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, các tiểu vùng và từng tỉnh trong vùng, tiểu vùng; giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng.

Đồng thời, phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước - cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của các ban, bộ, ngành Trung ương; của các địa phương trong vùng để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết theo đúng tinh thần "đúng vai, thuộc bài" như tôi đã nhiều lần nói.

Hai là, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác. Đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng.

Ba là, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng. Các cơ quan ở Trung ương phải tăng cường phối hợp với Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan toả, giải quyết các vấn đề phát triển vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi địa đầu của Tổ quốc.

Bốn là, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng. Thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ.

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có sự chuyển giao, kế thừa chặt chẽ giữa các thế hệ. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đoàn thể nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng; sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng. Xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân trong vùng với nhân dân các nước bạn láng giềng.

Năm là, ngay sau Hội nghị này, căn cứ vào Nghị quyết và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp uỷ và tổ chức đảng ở Trung ương và các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh.

Ban cán sự đảng Chính phủ cần ráo riết chỉ đạo khẩn trương xây dựng, ban hành Chương trình hành động triển khai Nghị quyết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương trong vùng. Chương trình hành động phải bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung của Nghị quyết, đồng thời sát hợp với từng địa phương trong vùng và tiểu vùng. Các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng cần cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động của Chính phủ bằng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và nguồn lực cụ thể, có tính khả thi cao. Trước mắt, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình./.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website