Vị trí vai trò của trí thức trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XI PGS,TS. Nguyễn Khánh Bật - Học viện CT-HCQG Hồ Chí Minh

1. Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và vị trí, vai trò của trí thức.

Lịch sử phát triển của mỗi quốc gia dân tộc đều phải trải qua thời kỳ công nghiệp hoá đất nước.

Ở Việt Nam từ Đại hội III (1960) đến Đại hội V (1982) về đường lối xây dựng kinh tế, Đảng ta chủ trương ''tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt, đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ”1.

Tại Đại hội V và Đại hội VI, Đảng ta đưa ra khái niệm: ''chặng đường trước mắt'', ''chặng đường đầu tiên'' của thời kỳ quá độ. Theo đó: ''Chặng đường đầu tiên là một bước quá độ nhỏ trong bước quá độ lớn''2. Độ dài và vị trí của chặng đường này được khẳng định trong Văn kiện Đại hội V: ''Chặng đường trước mắt bao gồm thời kỳ đầu 5 năm 1981 - 1985 và kéo dài đến năm 1990, là khoảng thời gian có tầm quan trọng đặc biệt''3.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội V, đến Đại hội VI, Đảng ''Xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế xã hội, tiếp tục xây dựng tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội trong chặng đường tiếp theo”4.

Đại hội VII (1991) của Đảng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong Cương lĩnh 1991, Đảng Cộng sản Việt Nam đã gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa. Cương lĩnh viết: Phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại là nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.

Tháng 1 - 1994, Đảng ta tiến hành Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII. Trên cơ sở đánh giá khách quan những thành tựu và hạn chế của đất nước, Hội nghị cho rằng: ''Mặc dù còn nhiều yếu kém phải khắc phục, nhưng thành tựu quan trọng đạt được đã và đang tạo ra những tiền đề đưa đất nước chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy tới một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước''5 .

Đại hội VIII (1996) của Đảng khẳng định những thành tựu sau 10 năm đổi mới (1986-1996) đề ra phương hướng phát triển cho chặng đường tiếp theo. Văn kiện Đại hội VIII viết: Công cuộc đổi mới 10 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thế và lực của nước ta về chất đã  có sự chuyển biến về chất. ''Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm, tuy còn một số mặt chưa vững chắc, song đã tạo được tiền đề cần thiết chuyển sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước''6. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa được Đảng ta khẳng định từ Đại hội VIII, tiếp tục được bổ sung, phát triển trong các văn kiện Đại hội IX, X, XI và các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa VIII, IX, X.

Tuy vậy, cho đến nay vẫn còn những nhận thức khác nhau về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa:

- Tại Đại hội X của Đảng có ý kiến cho rằng chúng ta bàn nhiều về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng đến nay vẫn chưa thực sự đưa ra được những tiêu chí cơ bản của một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa để làm mục tiêu phấn đấu. Giải trình vấn đề này, Đoàn chủ tọa Đại hội X cho biết xin tiếp thu bổ sung vào văn kiện Đại hội, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để làm rõ những tiêu chí một nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2010 – 20207.

- Mới đây, tại Đại hội XI vẫn còn ý kiến đề nghị làm rõ các tiêu chí của mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xác định rõ nội dung cụm từ ''nước công nghiệp''.

- Việc ghi các chỉ tiêu định lượng vào mục tiêu phấn đấu trong văn kiện Đại hội X có 3 loại ý kiến khác nhau:

+ Không ghi các chỉ tiêu đó vào trong Nghị quyết Đại hội.

+ Nhiều chỉ tiêu đề ra là quá cao, khó thực hiện.

+ Một số chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết còn thấp chưa tương xứng với mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.

Giải trình những ý kiến trên, Đoàn Chủ tịch Đại hội XI cho biết trong quá trình chuẩn bị văn kiện Đại hội XI, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã chỉ đạo nghiên cứu, tính toán, cân nhắc kỹ để xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế xã hội, môi trường đến năm 2020.

Mục tiêu tổng quát mà chúng ta cần đạt được là ''phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, vị trí của Việt Nam được tiếp tục nâng lên, tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau''8

Từ mục tiêu tổng quát nêu trên, Đại hội XI còn đề ra những mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đến năm 2020: GDP năm 2020 bằng khoảng 2,2 lần so với 2010, GDP bình quân đầu người khoảng 3,5 lần so với năm 2010, tỉ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm khoảng 85 % trong GDP, tỉ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm khoảng 30 - 35 % lao động xã hội, chỉ số phát triển con người HDI đạt nhóm trung bình của thế giới, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, lao động qua đào tạo đạt từ 70 %, đào tạo nghề đạt 55 % tổng lao động xã hội, số sinh viên đạt 450 trên một vạn dân. Điểm mới trong văn kiện Đại hội XI là Đảng đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu về bảo vệ môi trường: Đến năm 2020 tỉ lệ che phủ rừng đạt 45 %, hầu hết dân cư ở cả thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch, trên 80 % các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Có thể nói với Đại hội XI của Đảng, mục tiêu tổng quát và những mục tiêu chủ yếu về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường của nước Việt Nam đến năm 2020 đã được xác định trên những nét chủ yếu.

Một trong nhĩmg nhân tố quan trọng nhất để đạt các mục tiêu trên là đội ngũ trí thức - nguồn lực chất lượng cao chủ yếu của đất nước.

Quán triệt quan điểm Hồ Chí Minh: Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc, trong đấu tranh giành chính quyền cần trí thức, kháng chiến, kiến quốc cần trí thức, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội càng cần trí thức hơn, Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định''. Đội ngũ cán bộ khoa học, đặc biệt là cán bộ có trình độ khoa học cao là vốn quý báu của dân tộc”9.

Ngay từ Đại hội VIII - Đại hội xác định nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng đã chỉ rõ: Cùng với khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Văn kiện Đại hội III yêu cầu: Phát triển và kết hợp chặt chẽ các ngành khoa học phục vụ việc xác định phương hướng, bước đi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng pháp luật, chính sách, kế hoạch, chương trình kinh tế xã hội.

Trong văn kiện Đại hội XI từ đổi mới mô hình tăng trưởng đến phát triển nhanh gắn với phát triển bền vững. Đảng ta đều chú trọng làm nổi bật vị trí, vai trò của trí thức. Đảng ta khẳng định phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo đảm phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước10.

2. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức và vị trí, vai trò của trí thức.

Từ thập kỷ 80 thế kỷ XX đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học, công nghệ, sự bùng nổ các công nghệ cao, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ tin học đã tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến nền kinh tế thế giới và xã hội loài người. Nền kinh tế thế giới bước sang một giai đoạn mới: Trí thức trở thành yếu tố quyết định nhất đối với sự phát triển sản xuất. Hiện nay, có nhiều tên gọi khác nhau cho giai đoạn phát triển mới của lực lượng sản xuất. Kinh tế tri thức (KTTT) là khái niệm được các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nêu lên từ năm 1985 và hiện đang được sử dụng phổ biến, KTTT là trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất khi hàm lượng lao động cơ bắp, hao phí lao động cơ bắp trong lao động xã hội ngày một giảm đi trong khi hàm lượng tri thức, hao phí lao động trí óc ngày càng tăng. KTTT là sự sản sinh, phổ cập và sử dụng tri thức của con người đóng vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống. 11

Theo quy định một ngành, một nước có thể nói là đã trở thành KTTT khi tỉ lệ đóng góp của yếu tố tri thức trong tăng trưởng kinh tế, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ chiếm từ 70% trở lên.Có người đưa ra quy định tiêu chí của KTTT được thể hiện ở 4 con số trên 70%.

- Trên 70 % GDP là do các ngành sản xuất và dịch vụ sử dụng công nghệ cao mang lại.

- Trên 70 % cơ cấu giá trị gia tăng là do kết quả của lao động trí óc.

- Trên 70 % lực lượng lao động là công nhân trí thức.

- Trên 70 % tư bản là tư bản con người12.

Từ năm 2000 ở một số nước phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Canađa,  KTTT chiếm tỉ lệ trên 50 %. Cũng từ năm 2000 trong các nước OECD công nhân trí thức chiếm trên 35% lực lượng lao động.

Đảng ta quan niệm KTTT là một xu thế khách quan, một trình độ phát triển mới của lực lượng sản xuất. Việc nước ta tích cực, chủ động tiếp thu KTTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa như là một biểu hiện cụ thể của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Với chủ trương đó, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Văn kiện Đại hội IX khẳng định: Phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trung tâm. Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước, vừa có những bước tuần tựvừa có bước nhảy vọt. Phát huy lợi thế của đất nước, tranh thủ áp dụng ngày càng nhiều hơn, ở mức cao hơn, phổ biến hơn những thành tựu mới về khoa học công nghệ, từng bước phát triển kinh tế KTTT13.

Mười năm sau, nhận thức của Đảng ta về KTTT đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã có bước tiến rõ rệt. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI viết: ''Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và bảo vệ tài nguyên môi trường”14.

Cũng như vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề KTTT mấy năm gần đây trong Đảng và ngoài xã hội còn những nhận thức khác nhau:

- Một số ý kiến cho rằng trong điều kiện nước ta, chưa nên gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với KTTT. Bởi vì, cho đến nay nước ta vẫn còn là nước nông nghiệp, hơn 70 % dân cư vẫn sống ở địa bàn nông thôn. Nên chăng chỉ dùng cụm từ ''từng bước phát triển KTTT như chủ trương tại Đại hội IX của Đảng''.

Một số ý kiến khác bày tỏ quan điểm không nên coi KTTT là chiếc đũa thần có thể giải quyết được mọi việc. Quá chú trọng đầu tư vào lĩnh vực này là vượt quá khả năng của nước nhà.

Cần nhận thức rằng chúng ta chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển KTTT là cần thiết và có tính khả thi vì:

- KTTT là xu thế phát triển mới của thế giới hiện nay. Tất cả mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chung mà cần tích cực, chủ động phát triển KTTT phù hợp với điều kiện bên trong và xu thế bên ngoài.

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển KTTT vừa thể hiện bước tiến trong nhận thức của Đảng vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Ở Việt Nam, phát triển KTTT thực chất là thực hiện chiến lược công nghiệp hóa rút ngắn dựa trên tri thức.

- Trên thực tế, những năm gần đây ở nước ta đã xuất hiện những mô hình phát triển mới dựa vào tri thức. Đó là Tổng công ty Bưu chính viễn thông, là những cánh đồng cho thu hoạch 500 - 600 triệu đồng/ l ha ở Hải Dương, Đà Lạt. Đó còn là việc ứng dụng những công nghệ cao trong một số cơ sở sản xuất công nghiệp như đóng tàu, dầu khí, nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Việc phát triển KTTT đã đặt người trí thức vào vị trí trung tâm của sự phát triển đó. Văn kiện Đại hội XI viết: ''Thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao, đổi mới các ngành, lĩnh vực chủ yếu mũi nhọn. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức''15. Văn kiện Đại hội XI còn chỉ ra những ngành, những lĩnh vực khoa học công nghệ làm nền tảng cho phát triển KTTT cần tập trung để phát triển là: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ môi trường.

3. Lựa chọn khâu đột phá chiến lược để khai thông các điểm nghẽn và vị trí, vai trò của tri thức.

Đối với Việt Nam việc gắn công nghiệp hoá với hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa với KTTT đều khá mới mẻ. Đi vào các lĩnh vực này nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ là một tất yếu. Các văn kiện của Đảng trước Đại hội XI đã nhiều lần đề cập đến ách tắc, khó khăn, bất cập cần giải quyết. Đại hội Đảng lần thứ XI nêu lên 3 điểm nghẽn cản trở sự phát triển đất nước;

- Thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện.

- Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, yếu kém.

- Kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.

Vấn đề đặt ra cần tháo gỡ ở điểm nghẽn thứ hai không phải là nguồn nhân lực nói chung mà là chất lượng nguồn nhân lực. Có thể nói Việt Nam đang ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực: Thừa nhân lực phổ thông, lao động giản đơn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề, nhất là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu đàn. Văn kiện Hội nghị Trung ương bảy, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc chỉ rõ ở nước ta: ''Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít”. Đây là một nguyên nhân trực tiếp tạo nên điểm nghẽn thứ hai và tác động đến các điểm nghẽn khác.

Để từng bước tháo gỡ 3 điểm nhấn nêu trên, Đại hội XI của Đảng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược:

- Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất luợng cao.

- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. 16

Có thể coi 3 khâu đột phá chiến lược như là những giải pháp để tháo gỡ 3 điểm nghẽn.

Từ việc giải quyết 3 điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn thứ hai, Đảng ta đã khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức: ''Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển''.

Như vậy, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đòi hỏi phải lựa chọn con đường phát triển rút ngắn, phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn nhân lực, tiềm năng trí tuệ của dân tộc, đặc biệt năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức.

____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tập 43, tr. 57-58.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, tr. 175.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 43, tr. 59.

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 47, tr. 376.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 53, tr. 196.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.12

7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.338

8. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.103

9. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 50, tr. 565.

10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.41-130.

11. Ban Khoa giáo Trung ương: Triển khai Nghị quyết Đại hội IX trên lĩnh vực khoa giáo, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 320.

12. Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Những vấn đề về kinh tế tri thức, số 5, 2000, tập 1, tr.72.

13. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.75

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.75

15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.130

16. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.106

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website