Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khái quát quá trình cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng từ năm 1930 đến nay và khẳng định với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua đã đưa nước ta phát triển một bước chưa từng có về mọi mặt, "có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới". Đồng thời, Cương lĩnh tổng kết được 5 bài học kinh nghiệm lớn, trong đó có một bài học về không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế". Đây là bài học rất giá trị đối với Đảng và nhân dân ta trong xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đề ra chủ trương "tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại", từng bước xây dựng thành công xã hội XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên đất nước ta. Chủ trương ấy, được thực hiện trong điều kiện có những thuận lợi, những cũng gặp không ít khó khăn, thách thức rất quyết liệt của tình hình kinh tế trong nước và những diễn biến rất phức tạp trên thế giới và khu vực nhất là những phức tạp về giữ vững và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo ở biển Đông. Quán triệt, nhận thức sâu sắc bài học nêu trên, tìm những giải pháp thực hiện tốt trong thực tiễn thực sự là vấn đề rất cần thiết. Cần tập trung vào những điểm chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, về sức mạnh của đoàn kết
Cương lĩnh khẳng định: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta. Điều khẳng định này, tuy không mới, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, song điều đáng qua tâm là trong các Văn kiện Đảng trước đây Đảng ta khẳng định, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân "là nguồn sức mạnh tất thắng của cách mạng"(1). Trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta chỉ ra rõ hơn và khẳng định: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là nguồn sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta.
Điều khẳng định nêu trên, chỉ rõ và đầy đủ hơn các nhân tố tạo nên sức mạnh của cách mạng nước ta trong quá khứ, hiện tại và trong tương lai; khẳng định vai trò của đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam là một bộ phim rất quan trọng tạo nên sức mạnh của cách mạng nước ta. Sự khẳng định đó còn có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện quan điểm nhất quán của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong điều kiện hiện nay, khi mà các thế lực thù địch đang tăng cường hoạt động chia rẽ các dân tộc trên đất nước ta vì mục đích không trong sáng của chúng.
Từ khẳng trong Cương lĩnh, cho thấy, đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế quan hệ mật thiết với nhau. Tổng hợp bốn nhân tố này, sẽ tạo nên sức mạnh to lớn của cách mạng nước ta, đảm bảo thắng lợi của cách mạng. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công.
Thứ hai, về vị trí, vai trò của đoàn kết trong Đảng đối với đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế
Đoàn kết toàn Đảng được Cương lĩnh đặt trong mối quan hệ mật thiết với đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Trong mối quan hệ này, đoàn kết toàn Đảng được đặt ở vị trí hàng đầu, vị trí xuất phát và là một bộ phận đặc biệt quan trọng, là hạt nhân của đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Điều này gợi mở nhận thức và có thể hiểu về luận điểm: Đoàn kết thống nhất toàn Đảng là cơ sở của đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm chuẩn bị thành lập Đảng ta. Người viết: "Cách mệnh trước hết phải có gì?
Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải làm theo chủ nghĩa ấy(2). Tức là Đảng muốn đoàn kết được toàn dân, và đoàn kết quốc tế thì trước hết toàn Đảng phải đoàn kết. Điều này cũng được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong Di chúc của Người: "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác"(3).
Cơ sở trực tiếp của đoàn kết toàn Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đúng đắn của Đảng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; tình thương yêu đồng chí, tôn trọng lẫn nhau giữa những đảng viên cộng sản. Cơ sở sâu xa và cơ bản nhất của đoàn kết toàn Đảng là sự thống nhất về lợi ích. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc Đảng ta không có lợi ích nào khác(4). Nhờ đó, toàn thể đảng viên là một khối thống nhất về ý chí và hành động, toàn dân, các dân tộc trên đất nước ta là một khối dưới sự lãnh đạo của Đảng; từ đó, sẽ tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới; cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Thực tế hiện nay cho thấy, cùng với việc quan tâm đến cơ sở trực tiếp của đoàn kết toàn Đảng, cần đặc biệt quan tâm đến cơ sở sâu xa và cơ bản nhất của đoàn kết toàn Đảng. Nếu để hình thành các nhóm lợi ích trong các tổ chức đảng, hoặc trong hoạt động, tổ chức đảng bị chi phối bởi một nhóm lợi ích nào đó, thì khó tránh khỏi mất đoàn kết; ảnh hưởng không nhớ đến đoàn kết toàn dân và đoàn kết dân tộc; thậm chí Đảng khó tránh khỏi tan rã; khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc cũng không thể tồn tại và cách mạng không tránh khỏi thiệt hại.
Thứ ba, về truyền thống đoàn kết
Cương lĩnh khẳng định: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế là truyền thống quý báu của Đảng, của toàn dân Việt Nam và của các dân tộc trên đất nước ta. Thực ra, trong các văn kiện Đảng và các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định Đảng ta, dân tộc ta và các dân tộc trên đất nước ta có truyền thống đoàn kết, song gắn kết các truyền thống này với nhau và đặt trong một tổng thể thì đây là lần đầu tiên Đảng ta bàn tới trong Văn kiện đại hội XI. Điều này xuất phát từ thực tế là Đảng ta và dân tộc ta gắn bó mật thiết với nhau, Đảng đã hoá thân vào dân tộc, đại diện cho dân tộc, đưa dân tộc từng bước tiến đến mục tiêu cao cả là xây dựng thành công CNXH trên đất nước ta.
Thứ tư không ngừng củng cố, tăng cường truyền thống đoàn kết trong Đảng. Đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, trước hết là đoàn kết toàn Đảng là một giải pháp quan trọng để Đảng đảm đương được vai trò lãnh đạo trong điều kiện hiện nay.
Văn kiện Đại hội XI chỉ rõ: "Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng"(5).
Như vậy, giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng được Đại hội xác định là một giải pháp quan trọng để Đảng vững mạnh về chính trị tư tưởng và tổ chức, đảm đương được vai trò lãnh đạo trong điều kiện hiện nay. Đồng thời, Đại hội cũng chỉ ra những giải pháp chủ yếu để giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng: "tăng cường dân chủ và kỷ luật trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái"(6).
Theo tinh thần những điểm nêu trên, để giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong điều kiện hiện nay càn tập trung vào những điểm chủ yếu sau đây:
Một là, tăng cường giáo dục về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với việc giữ gìn truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; về kỷ luật của Đảng, kỷ luật phát ngôn và những điều đảng viên không được làm; về thái độ và trách nhiệm đối với những lời nói và việc làm sai trái; về đoàn kết quốc tế trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng và sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nước.
Giữ gìn truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chấp hành nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ luật phát ngôn và những điều đảng viên không được làm; đấu tranh không khoan nhượng với những lời nói và việc làm sai trái là thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên đối với việc giữ gìn truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.
Hai là, ngăn chặn và loại trừ tình trạng mất đoàn kết đang có xu hướng tăng lên ở nhiều nơi. Bởi vì, có giữ vững và tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng thì mới có thể thực hiện được đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, không phải đợi đến khi loại trừ được tình trạng mất đoàn kết trong các tổ chức đảng mới thực hiện đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, mà phải tiến hành đồng thời.
Củng cố và tăng cường đoàn kết thống nhất trong các tổ chức đảng phải sử dựng nhiều giải pháp, trong đó hai vấn đề rất quan trọng phải giải quyết là lựa chọn và bố trí đúng cán bộ, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng và cơ quan chính quyền cung cấp, xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc; ngăn chặn và loại trừ sự chi phối của các nhóm lợi ích đối với hoạt động của các tổ chức đảng, nhất là trong việc đề ra các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và những quyết định về công tác cán bộ.
Ba là, cùng với phát triển kinh tế cần từng bước giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển mọi mặt giữa các vùng, miền, các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, tạo nên sự thống nhất về lợi ích cơ bản đưa các giai cấp, tầng lớp đó. Bởi vì, thực tế đã chứng tỏ rằng, nếu không có sự thống nhất về các lợi ích cơ bản thì khó có thể có sự thống nhất về ý chí, hành động, và không thể thực hiện được đoàn kết toàn dân và đoàn kết dân tộc.
Bốn là, giữ gìn truyền thống đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế phải bằng chủ trương, đường lối, chính sách đúng, được cụ thể hoá, thể chế hoá kịp thời để tổ chức thực hiện trong toàn xã hội với quyết tâm chính tả cao của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và toàn dân.
Năm là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân và sự suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, tăng cường dân chủ tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Sáu là, xây dựng Mật trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, thực sự giữ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào đoàn kết quốc tế. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, công chức.
___________
(l) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, H. 19911 , tr. 131
(2). Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 267-268.
(3), (4). Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 510.
(5), (6). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 89- 90.