Nhận thức của Đảng về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ Cương lĩnh năm 1930 đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc(*)

Mùa xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự kiện có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, chấm dứt những năm tháng khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước và mở ra hướng đi mới cho toàn dân tộc. Với Cương lĩnh, đường lối đấu tranh làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và đi tới xã hội cộng sản, Đảng đã lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam vượt qua biết bao gian khổ, hy sinh đi đến những thắng lợi vẻ vang.

Trải qua 45 năm lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến cứu nước với những thắng lợi vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước đã được hoàn toàn độc lập, thống nhất. Những năm 1930–1954, chủ nghĩa xã hội mới chỉ là định hướng phát triển. Từ năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội được thực hiện trên phạm vi miền Bắc. Tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1954 – 1975) và trên cả nước (1975 - 1986) đã đạt được những thành tựu quan trọng, tỏ rõ tính ưu việt và sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa trong xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bộc lộ những khuyết điểm và hạn chế trên nhiều mặt, nhất là về chính sách và cơ chế quản lý kinh tế. Bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội, làm trái quy luật khách quan, quan liêu, không nắm vững thực tiễn đất nước và cả chủ nghĩa giáo điều là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội từ năm 1979. Đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng tạo tiền đề cho sự phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân trở thành yêu cầu bức thiết và mệnh lệnh của cuộc sống.

Toàn Đảng từ Trung ương đến các cấp ủy địa phương phát huy quyền làm chủ, trí tuệ và sáng kiến của nhân dân đã quyết tâm khảo nghiệm, từng bước tìm con đường đổi mới. Đó là quá trình kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới nhận thức và tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ với tổng kết thực tiễn để đi đến đường lối đổi mới tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986) - đại hội có giá trị bước ngoặt lịch sử đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển có hiệu quả theo đường lối đổi mới.

Hơn một phần tư thế kỷ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng bổ sung, phát triển đường lối, đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội VII (tháng 6-1991) và bổ sung, phát triển tại Đại hội XI (tháng l-2011). Với đường lối đổi mới và Cương lĩnh đúng đắn, cùng hoạt động thực tiễn sôi động, phong phú, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Một trong những thành tựu đó là nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn.

Sáng tỏ về mục tiêu và mô hình của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Chủ nghĩa xã hội là sự giải phóng triệt để con người khỏi mọi áp bức, bất công, tạo dựng một xã hội thật sự dân chủ, tự do vì hạnh phúc của nhân dân, của con người. Con người là mục tiêu mà chủ nghĩa xã hội phụng sự và cũng chính là chủ thể, lực lượng quyết định xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: "Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình"1.

Khi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra ở miền Bắc, năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh mục tiêu: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu, nước mạnh"2. Người nhiều lần nhắc lại quan điểm về chủ nghĩa xã hội là làm cho nhân dân được tự do, ấm no, sung sướng, hạnh phúc, có nhà ở, được học hành, ốm đau được chữa bệnh, già yếu được chăm sóc. Người khẳng định: "Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa"3.

Thấm nhuần chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ Cương lĩnh đến hành động, Đảng ta luôn đặt mục tiêu hàng đầu là vì lợi ích, cuộc sống của nhân dân, của mọi ngườiQuá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng coi trọng lợi ích kinh tế chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, coi lợi ích đó là mục tiêu và động lực cho sự phát triển. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước từ xóa đói, giảm nghèo đến khuyến khích làm giàu chính đáng, từ chính sách kinh tế đến chính sách xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục... đều vì cuộc sống tốt đẹp của nhân dân, vì sự phát triển của con người.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 2020 do Đại hội XI của Đảng đề ra đã nêu rõ 5 quan điểm phát triển, trong đó nhấn mạnh quan điểm: "Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển"4. Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gồm 8 đặc trưng, trong đó đặc trưng thứ nhất là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc trưng thứ hai: do nhân dân làm chủ. Đặc trưng thứ năm: Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Mục tiêu vì nhân dân, vì con người là nội dung cốt yếu nhất của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, các đặc trưng khác là điều kiện cần thiết để đạt mục tiêu cao cả đó.

Các đặc trưng về chế độ kinh tế (đặc trưng thứ ba), về văn hóa (đặc trưng thứ tư), về bình đẳng, đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam (đặc trưng thứ sáu), về thiết chế nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo (đặc trưng thứ bảy), về bản chất hòa bình, hữu nghị của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (đặc trưng thứ tám) là những điều kiện căn bản để thực hiện một xã hội mới hiện thực, tốt đẹp. Các đặc trưng đó cũng chính là mục tiêu cần đạt tới khi tạo dựng một cấu trúc, một mô hình cả trong nhận thức và thực tiễn. Xét trên tổng thể, 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà Đại hội XI xác định đã đặt ra và xử lý các mối quan hệ giữa mục tiêu và điều kiện bảo đảm thực hiện mục tiêu đó, giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa chế độ kinh tế với thiết chế chính trị (bao gồm nhà nước pháp quyền, quyền làm chủ của nhân dân và dân chủ), giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giữa dân tộc và quốc tế, bao trùm là mối quan hệ giữa nền tảng kinh tế và kiến trúc thượng tầng.

Đại hội XI của Đảng khẳng định: "Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh, hạnh phúc"5. Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhận thức rõ hơn về những nội dung của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam từ điểm xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu lại trải qua chiến tranh giải phóng lâu dài nên cần được nhận thức và vận dụng phù hợp với thực tiễn của đất nước. Từ những điều kiện như thế, khi miền Bắc mới bước vào thời kỳ quá độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quan điểm: "chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần"6 "tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể một sớm một chiều"7. Người đặt vấn đề: chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác-Lênin để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lênin mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta"8.

Những vấn đề của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được Đảng chú trọng tổng kết từ thực tiễn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Năm 1970, Đảng đề ra nội dung của bước đi ban đầu là tích lũy vốn cho công nghiệp hóa và cải thiện đời sống nhân dân, xử lý đúng đắn quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng. Đại hội V của Đảng (tháng 3-1982) xác định những nhiệm vụ của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ, sửa chữa những khuyết điểm về chủ quan, nóng vội, duy ý chí. Quá trình tìm đường để đi đến hoạch định đường lối đổi mới tại Đại hội VI (tháng 12-1986) là quá trình đổi mới tư duy lý luận kết hợp với khảo nghiệm thực tiễn để nhận thức rõ những đặc trưng và quy luật khách quan của thời kỳ quá độ. Thực tiễn đổi mới ở Việt Nam, bài học từ sự biến động ở các nước Đông Âu và Liên Xô càng đòi hỏi Đảng ta phải chú trọng tổng kết thực tiễn, nắm vững đặc điểm của Việt Nam, phát triển nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh được bổ sung, phát triển tại Đại hội XI của Đảng đã phản ánh quá trình phát triển nhận thức đó.

Trong thời kỳ quá độ cần nhận thức đúng đắn vai trò của hệ thống chính trị. C.Mác từng nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết phải có sự lãnh đạo của một chính đảng của giai cấp vô sản và một hình thức nhà nước đã tìm thấy qua bài học của Công xã Pa-ri năm 1871. V.I.Lênin và Đảng Bôn-sê-vích đã lãnh đạo thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Mười, thiết lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Nga năm 1917. Nhà nước đó do Đảng Cộng sản lãnh đạo và trở nên tuyệt đối cần thiết để tổ chức toàn dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, cải tạo và chuyển dần nền kinh tế theo con đường của chủ nghĩa xã hội. V.I.Lê-nin nhấn mạnh: "danh từ nước Cộng hòa xô-viết xã hội chủ nghĩa có nghĩa là Chính quyền xô-viết quyết tâm thực hiện bước chuyển lên chủ nghĩa xã hội, chứ hoàn toàn không có nghĩa là đã thừa nhận chế độ kinh tế mới là chế độ xã hội chủ nghĩa"9.

Ở Việt Nam, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Hệ thống chính trị được xây dựng, củng cố và phát triển qua các thời kỳ tiến hành cách mạng, kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị không ngừng được hoàn thiện. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã làm sáng tỏ vai trò của hệ thống chính trị và của Đảng. Cương lĩnh khẳng định: "Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực"10. Toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị nhằm thông qua hoạt động của Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo"11. Cương lĩnh xác định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Cương lĩnh nêu rõ: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản"12. Đảng là bộ phận của hệ thống chính trị và lãnh đạo hệ thống chính trị. Đảng là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy, để lãnh đạo xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Đảng phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận và năng lực tư duy; không ngừng bổ sung, phát triển và bảo đảm tính đúng đắn hiện thực của Cương lĩnh, đường lối, phòng và chống nguy cơ sai lầm về đường lối; tăng cường sức mạnh tổ chức kỷ luật; đổi mới phương thức lãnh đạo, gắn bó mật thiết với nhân dân; rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chống bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ đảng viên.

Đảng đã nhận thức rõ hơn đặc trưng về chế độ kinh tế của thời kỳ quá độ, khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. "Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh"13. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các loại thị trường từng bước được xây dựng, phát triển (thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tiên tệ tín dụng, thị trường bảo hiểm, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ). Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng, phát triển kinh tế tri thức.

Xây dựng  chủ nghĩa xã hội cần nhận thức đúng đắn những vấn đề về văn hóa, xã hội. Đại hội XI tiếp tục khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển... Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển"14. Đại hội XI nhấn mạnh: "Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân.trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"15. Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân, kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. "Xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh, trong đó các giai cấp, các tầng lớp dân cư đoàn kết, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội"16, "Xây dựng, phát huy vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo, bồi dưỡng, phát huy mọi tiềm năng và sức sáng tạo của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước"17. Đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, phụ nữ. Chú trọng xây dựng đội ngũ những nhà kinh doanh có tài. Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Quan tâm thích đáng lợi ích và phát huy khả năng của các tầng lớp dân cư khác, có chính sách đúng đắn với đồng bào định cư ở nước ngoài.

Về khả năng bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

Luận cương tháng 10-1930 đã xác định cách mạng nước ta có thể bỏ qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản, tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa. Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) nêu rõ: "Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại"18. Thời kỳ quá độ là lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ.

Đại hội XI khẳng định đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen"19. Cần phải phát huy tối đa những thuận lợi, đẩy lùi những nguy cơ, thách thức để phát triển nhanh và bền vững.

Cần nhận thức và thực hiện có hiệu quả 8 phương hướng cơ bản được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, "phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí"20.

Từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới, những vấn đề thực tiễn và lý luận trên đây sẽ ngày càng sáng tỏ hơn, khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Bác Hồ - sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930  với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

__________

* PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia.

l. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.272

2. Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.226

3. Hồ Chí Mmh: Sđd, t.9, tr.291

4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.100.

5. Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr.71.

6,7,8. Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.226, 228, 494.

9. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t.36, tr.362.

10, 11. Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr.84-85, 85.

12,13,14,15: Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr.88, 73, 75-76, 79.

16,17. Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr.80.

18. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.84.

19,20. Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr.70, 72-73.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website