1. Mặt trận châu Âu vẫn là mặt trận chính của cuộc chiến tranh giữa hai phe phát xít và dân chủ thế giới.
Đã hơn một nǎm nay, Hồng quân Nga liên tiếp tấn công với một sức mạnh dẻo dai ghê gớm làm cho quân Đức đại bại, hết bỏ thành này đến thành khác. Hiện nay, ở tây Ucraina (Ukraine), Hồng quân đã vượt qua biên giới đánh sâu vào đất Ba Lan và ở miền Bắc đang tiến trên đất éttôni (Estonie).
Gần đây, Anh - Mỹ cũng đem không quân đánh kịch liệt vào Tây Âu. Nhưng những cuộc hành quân yếu ớt của Anh- Mỹ trên đất ý vẫn làm cho hoàn cầu nhận thấy hai nước chưa quyết tâm tiêu diệt phát xít Đức. Song trước sự thức giục của dân chúng và trước những thắng lợi lớn của Nga, Anh - Mỹ không thể nào lừng chừng mãi được. Họ phải mau thành lập mặt trận thứ hai chính thức để sẻ bớt gánh nặng chiến tranh cho Liên Xô và gây dựng thế lực mình trên lục địa châu Âu.
2. Quay về Viễn Đông, mặc dầu Nhật khoe thắng, chúng ta vẫn thấy Nhật đã mất nhiều đảo quan trọng trên Thái Bình Dương và đang phải rút lui ở mặt trận Tàu và Diến Điện. Những cuộc hành quân này của Đồng minh (Anh - Mỹ - Tàu) tuy có mạnh mẽ, song còn rời rạc và lẻ tẻ. Đồng minh mới có mục đích chiếm những cǎn cứ quân sự quan trọng để mở cuộc tổng tấn công sau này và làm cho Nhật không thực hiện nổi chương trình "hoà bình khai thác". Do đó, nền kinh tế Nhật ngày càng kiệt quệ.
3. Những thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít đã ǎn nhịp với sức tiến triển của phong trào cách mạng thế giới. Dân quân Nam Tư đã gần làm chủ được nước mình.
Chính phủ bình dân Tây Ban Nha đã thành lập ở Marốc (châu Phi). Tại hầu hết các nước ở châu Âu bị Đức chiếm đóng đều có phong trào phá hoại nền kinh tế chiến tranh của Đức như đốt phá nhà máy, chiếm giữ hầm mỏ, v.v.. ở đây, mặt trận thứ hai chính thức thành lập sẽ châm ngòi cho cách mạng bùng nổ.
Và nhờ có sức chiến đấu mãnh liệt và sự cương quyết ủng hộ cách mạng thế giới của Nga, chế độ dân chủ đang được mở rộng và cách mạng sẽ nhất định thành công trong nhiều nước.
II- TÌNH HÌNH ĐÔNG DƯƠNG
Đông Dương đang đứng vào một tình thế vô cùng nghiêm trọng. Dưới hai tầng áp bức, bóc lột của Nhật - Pháp, mọi phương diện đều bị khủng hoảng dữ dội.
Nền kinh tế trong xứ bị Nhật - Pháp chỉ huy sinh sản ra các nguyên liệu cần thiết cho chiến tranh để cung cấp cho chúng. Thóc gạo, tiền bạc, nhân công đều bị chúng cướp sống.
Hơn nữa, Đông Dương không có kỹ nghệ nặng thành ra kinh tế không thể nào tự cấp được. Trong hoàn cảnh chiến tranh, nó trở nên bị cô độc, bám vào Nhật lại càng làm cho nó nguy ngập bội phần. Rồi đây, sự thiếu thốn sẽ lên tới mực nào vì nhiều nhà máy đã bị tàn phá, đường giao thông tắc nghẽn, kho nguyên liệu cạn dần.
Tình hình chính trị lại càng rối bét. Thật là một hiện tượng quái gở chưa từng thấy trong lịch sử. Đông Dương sống dưới hai chính quyền Nhật - Pháp đi song song với nhau và chống chọi nhau; không những mâu thuẫn giữa chính quyền Nhật với Pháp mà còn mâu thuẫn giữa Nhật với Nhật, giữa Pháp với Pháp, Nhật - Pháp đang đi tới chỗ dùng phương pháp cuối cùng là võ lực để giải quyết mối mâu thuẫn ấy. Bởi vậy giặc Nhật đang dự định cho bọn Việt gian thân Nhật bạo động đánh Pháp, rồi nhân đó, Nhật đứng ra can thiệp truất quyền Pháp đi, cho bọn Việt gian thân Nhật lập chính phủ bù nhìn.
Tình trạng kinh tế và chính trị trên đây đã hãm các tầng lớp nhân dân Đông Dương vào con đường cùng cực, phải chịu khổ nhục, chịu đói rét lại còn bị chết lây vì bom đạn nữa. Bởi thế dân chúng ngày càng chán ghét lũ giặc nước, muốn có một cuộc thay đổi lớn trong xứ. Tuy nhiên, phân tách kỹ ra, chúng ta thấy có bốn xu hướng dưới đây.
1. Một số tin tưởng vào chính sách "Liên á" của Nhật.
2. Một số còn tin tưởng vào cuộc phục hưng của Pháp Pêtanh (Pétain)
3. Một số đông hoang mang, hoài nghi và do dự.
4. Còn một số nhưng mỗi ngày một đông, có ý thức rõ ràng và quyết tâm theo chính sách cứu quốc của Việt Minh.
III- TÌNH HÌNH ĐẢNG BỘ BẮC KỲ
Mặc dầu có nhiều cuộc khủng bố liên tiếp xảy ra, trong sáu tháng vừa qua, Đảng bộ Bắc Kỳ, vẫn được phát triển. Số lượng và chất lượng đều tǎng tiến hơn trước nhiều. Các đồng chí đã biết đưa quần chúng vào những hình thức tổ chức thích hợp với trình độ của họ để phát triển phong trào và lãnh đạo quần chúng ra tranh đấu chống giồng đay, nộp thóc, bắt phu, bắt lính, v.v..
Nhưng đứng trước tình thế nghiêm trọng hiện thời, những công tác ấy của đảng bộ ta còn ít và kém cỏi quá. Nhất là muốn cho Đảng xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp thợ thuyền và của cả dân tộc, Đảng bộ ta đã không gây được một phong trào công nhân rộng rãi. Đảng bộ ta đã phạm phải một khuyết điểm rất lớn là hoạt động ở một xứ tương đối tập trung vô sản hơn hết trong nǎm xứ ở Đông Dương, mà cơ sở của Đảng ở xí nghiệp lại rất hiếm.
Trải qua 15 nǎm trên trường tranh đấu bằng máu và thép, bao phen bị khủng bố, bao phen cải tổ lại thế mà Đảng bộ ta không phải là không có nhiều kinh nghiệm vẫn mắc phải bệnh làm ẩu, bao biện, tổ chức không được ngǎn nắp thành ra bị nhiều thất bại đáng tiếc.
Lại có nhiều đồng chí coi thường kỷ luật sắt của Đảng, hành động vô chính phủ và không theo đúng nguyên tắc làm việc để giữ bí mật cho Đảng. Nghị quyết và chỉ thị của Đảng không được cương quyết thi hành đến nơi đến chốn làm cho Đảng không đối phó với tình thế một cách mau lẹ được.
Đã thế, nhiều đồng chí lại kém tinh thần tự chỉ trích và không nhớ rằng "tự chỉ trích" là phương pháp duy nhất làm cho người cộng sản trở nên Bônsơvích hoá.
Việc tuyên truyền lại lộn xộn và hẹp hòi làm cho Đảng với hội quần chúng không phân biệt nhau và làm cho chính sách cứu quốc của Đảng chưa thật được ǎn sâu lan rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Còn về việc lãnh đạo tranh đấu đôi nơi vẫn còn đưa quần chúng ra tranh đấu như tập thể thao. Các đồng chí chỉ huy ở đấy đã không biết thay đổi hình thức tranh đấu cho thích hợp với trình độ tinh thần tranh đấu của quần chúng và không biết nhân các cuộc tranh đấu mà huấn luyện quân sự cho quần chúng.
Trên đây là những khuyết điểm chính mà hội nghị đã vạch ra. Hội nghị mong rằng trong một thời gian ngắn, Đảng bộ ta tránh được những khuyết điểm đó để lực lượng Đảng được tǎng cường, đặng làm trọn sứ mệnh lịch sử vĩ đại của nó lúc này.
IV- CHỐNG PHÁT XÍT NHẬT VÀ BỌN VIỆT GIAN THÂN NHẬT
Cǎn cứ vào những hành động của giặc Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật gần đây, chúng ta nhận thấy chúng đạng âm mưu hất cẳng Pháp làm cho Đông Dương trở thành thuộc địa chính thức của Nhật. Các đồng chí phải nhận đó là một vấn đề thời sự hết sức quan trọng phải mau mau bóc trần mưu gian phản quốc hại nòi của bọn Việt gian thân Nhật theo các phương pháp sau đây:
1. Dùng truyền đơn vạch rõ âm mưu của Nhật và kêu gọi Pháp Đờ Gôn hay dân chủ và Hoa kiều cùng ta thành lập mặt trận dân chủ chống phát xít ở Đông Dương.
2. Dùng truyền đơn, biểu ngữ, mít tinh, biểu tình vạch ra cho nhân dân nhận rõ âm mưu của Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật.
3. Phải đem việc bọn Việt gian Nguyễn Trác, đốc tờ Lai bị Pháp bắt mà Nhật lờ đi không can thiệp để chỉ cho quần chúng nhầm theo bọn Việt gian thấy rõ sự đểu giả và bất lực của phát xít Nhật làm cho họ nhận khẩu hiệu "đánh đuổi Nhật - Pháp" của Việt Minh là đúng và cần thiết.
4. Muốn cho Mặt trận dân chủ chống phát xít mau thực hiện thì từ nay các cấp đảng bộ ở nơi nào phải tìm các mối Hoa kiều, Pháp Đờ Gôn nơi ấy rồi báo cáo lên thượng cấp.
5. Trong việc bắt tay với Pháp Đờ Gôn, các đồng chí phải giải thích cho quần chúng nhận định rõ ràng các điều kiện và nguyên tắc liên minh, nếu không quần chúng sẽ sa vào chỗ thân Pháp.
6. Trong việc liên minh với Hoa kiều chống Nhật ở đây, các đồng chí phải khôn khéo làm cho họ nhận rõ chủ trương liên Hoa, kháng Nhật của mình.
V- CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA
Vấn đề chuẩn bị khởi nghĩa là một việc hết sức khẩn thiết trong lúc này.
Hội nghị đã xét kỹ và quyết nghị các phương pháp thi hành sau đây:
A- Tổ chức các đội tự vệ
Tự vệ đội là một lực lượng quan hệ cho công cuộc khởi nghĩa, chẳng những nó giúp cho bộ đội du kích chiến đấu dễ dàng thắng lợi mà nó còn trở thành những bộ đội chiến dấu nữa. Xét các đội tự vệ mà chúng ta đã tổ chức rất là xộc xệch và hẹp hòi bởi nguyên nhân sau này:
a) Các đội tự vệ khi đã tổ chức rồi, không có sinh hoạt cả về phương diện chính trị lẫn quân sự. Do đó, các đội viên không hiểu nhiệm vụ mình, không quen với các công việc thường thức như canh gác, do thám, v.v..
b) Thiếu tài liệu huấn luyện quân sự canh gác, do thám, phá hoại, v.v.. Hoặc có chút ít thì lại không đem nghiên cứu cho họ đến nơi đến chốn.
c) Thiếu cán bộ chuyên môn về quân sự để tổ chức và huấn luyện cho các đội tự vệ.
Để mau mau chấn chỉnh lại và phát triển các đội tự vệ, các cấp đảng bộ phải thi hành ngay mấy điều này:
1. Nơi nào có một đoàn thể cứu quốc chính thức, bắt buộc phải tổ chức đội tự vệ. Nơi nào có đội tự vệ rồi, phải chú ý tìm trong các hội viên cứu quốc hǎng hái tuyển vào tự vệ. Trừ trường hợp đặc biệt, thí dụ như cần phải ở lại tổ chức cũ để chỉ huy, còn các đội viên tự vệ phải tách ra không được tham gia vào một tổ chức cứu quốc khác.
2. Các đồng chí bắt đầu gây tổ chức cứu quốc ở một nơi nào, có thể tổ chức ngay đội tự vệ.
3. Các đội viên tự vệ không nhất định phải tuyển trong các tổ chức cứu quốc khác. Một người quần chúng mới giác ngộ có thể dưa ngay vào đội tự vệ nếu họ có đủ điều kiện.
4. Các đội viên tự vệ phải tuỳ từng trình độ được huấn luyện theo các chương trình sau đây:
a) Chương trình huấn luyện cho các đội viên thường.
b) Chương trình huấn luyện cho các đội trưởng.
c) Chương trình huấn luyện cho các cán bộ quân sự (đặc biệt).
5. Phải tổ chức các hội học võ, bảo an, nghĩa dũng để tuyển lựa người tốt tổ chức thành các đội tự vệ.
6. Phải thống nhất các đội tự vệ theo như chỉ thị công tác tổ chức của Trung ương nǎm 1942 (cứ thống nhất tới đâu thống nhất tới đó không phải chờ đợi).
B- Tổ chức các tiểu tổ du kích
Các tiểu tổ du kích trong lúc lâm thời sẽ biến thành những bộ đội chiến đấu. Vậy nơi nào có điều kiện tổ chức, các cấp đảng bộ không được bỏ qua.
C- Sửa soạn võ khí
(Sẽ có chỉ thị riêng).
D- Tổ chức binh lính đế quốc
Nếu công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa chỉ vẻn vẹn nằm trong phạm vi tổ chức những đội tự vệ, những tiểu tổ du kích, và những bộ đội chiến đấu thì hẹp hòi quá. Chúng ta cần phải có nhiều lực lượng chiến đấu ở bên ngoài ủng hộ mới được Vậy vấn đề tổ chức quân đội đế quốc cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng trong công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của chúng ta (sẽ coi kế hoạch vận động binh lính trong mục binh vận).
VI- THỐNG NHẤT MẶT TRẬN CỨU QUỐC VỆT NAM
Cǎn cứ vào tình hình hiện tại, chúng ta đã ở vào lúc có thể xảy ra những biến cố to lớn phi thường. Cho nên các đoàn thể cứu quốc cũng như Mặt trận dân tộc phải được gấp rút thống nhất lại. Vậy các đồng chí phải đề nghị với các đoàn thể cứu quốc thực hiện bằng được sự thống nhất ấy.
VII- MỞ RỘNG CƠ SỞ ĐẢNG VÀ CỦNG CỐ ĐẢNG
Muốn cho Đảng ta xứng đáng là đội quân tiền phong của giai cấp thợ thuyền và của cả dân tộc, các đồng chí phải nỗ lực làm việc hơn bao giờ hết để thực hiện cho bằng được những quyết nghị phát triển cơ sở đảng và củng cố đảng dưới đây:
1. Phát triển cơ sở các địa phương và các xí nghiệp.
2. Huấn luyện cán bộ:
a) Xứ uỷ phải có hai người chuyên môn phụ trách huấn luyện.
b) Huấn luyện ngay cho các đồng chí chỉ huy ở các địa phương.
c) Lấy "vấn đề chủ nghĩa Lênin", "chính sách Việt Minh", "công tác", "chống khủng bố", "khởi nghĩa Bắc Sơn" và các loại sách du kích làm tài liệu huấn luyện.
d) Phải chú ý huấn luyện cho các đồng chí mới thoát ly trước khi giao công việc cho đồng chí ấy.
3. Việc chắp mối các nơi, các đảng bộ địa phương phải có người chuyên môn chịu trách nhiệm.
4. Phải gây cơ sở đảng ở những tỉnh chưa có phong trào.
5. Điều động cán bộ cho có phương pháp và hợp lý.
a) Cǎn cứ vào nǎng lực và tinh thần của mỗi đồng chí khi nào bất đắc dĩ hãy đổi đi nơi khác.
b) Trước khi đổi một đồng chí phạm lỗi đi nơi khác, phải nói rõ sự lầm lỗi của họ nhưng phải ôn tồn khuyến khích họ, khi họ tới nơi nào phải chỉ rõ nhiệm vụ của họ, giúp họ kế hoạch thi hành công tác của họ.
6. Nâng cao tinh thần tôn trọng kỷ luật Đảng bằng cách tranh đấu chống lại lối làm việc cảm tình cá nhân, làm việc vô chính phủ, vô nguyên tắc, v.v..
7. Xứ uỷ phải luôn luôn ra chỉ thị và thông cáo về công tác bí mật.
VIII- VẬN ĐỘNG CÁC GIỚI
A- Công vận
Tình cảnh thợ thuyền Đông Dương rất nguy khốn, không riêng những người bị thất nghiệp mà ngay đến cả những người có công ǎn việc làm cũng vậy. Thế mà trong thời gian vừa qua, Đảng bộ ta không gây được một phong trào công nhân rộng rãi. Khuyết điểm đó là do Đảng bộ ta không đặc biệt chú ý vận động công nhân. Vấn đề này giờ đây rất khẩn thiết và có quan hệ lớn tới công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của Đảng. Vậy muốn gây một phong trào công nhân mạnh mẽ, các cấp đảng bộ phải thi hành đến nơi đến chốn những quyết nghị dưới đây:
1. Chấn chỉnh lại uỷ ban công vận xứ và tổ chức các tiểu ban công vận tại các khu kỹ nghệ.
2. Đưa cán bộ chui vào xí nghiệp quan trọng nhất.
3. Các liên, các tỉnh phải đưa quần chúng cứu quốc muốn thoát ly hay bị thất nghiệp vào các nhà máy, hầm mỏ.
4. Phải chú ý vận động công nhân trên các đường giao thông vận tải và ở các tổ chức công khai, kéo họ về mình.
5. Công cuộc vận động phải bao gồm cả cai, ký, thợ chuyên môn.
6. Phải tìm những công nhân hǎng hái, huấn luyện đặc biệt cho họ để đào tạo họ thành cán bộ công vận.
7. Phải gây nhiều chi bộ xí nghiệp.
8. Báo Lao động phải ra cho đều.
9. Phải làm cho thợ nhận thức về nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng này.
10. Phải kịch liệt tranh đấu chống lại bọn khiêu khích (các đồng chí công vận ở Hà Nội phải chú ý chống lại sự phá hoại phong trào công nhân của bọn tờrốtkít và các đồng chí công vận ởNam Định, Hải Phòng, v.v., phải chú ý chống lại mưu mô chia rẽ và mê hoặc thợ thuyền của bọn cố đạo cầm đầu các hội "Lao động công giáo" và "Thanh niên công giáo").
11. Phải khôn khéo lãnh đạo thợ thuyền tranh đấu và đẩy hình thức tranh đấu từ thấp tới cao (từ mít tinh, biểu tình, đến đình công, bãi công, v.v.).
B- Binh vận
Công việc vận động này đã có uỷ ban binh vận chuyên môn phụ trách, nhưng vì thiếu cán bộ, lại thiếu cả sự giúp đỡ của xứ uỷ nên trong thời gian vừa qua công cuộc binh vận mới tiến hành được một phần rất nhỏ. Muốn cho cơ sở đảng được kịp thời phát triển trong quân đội đế quốc, hội nghị nhận thấy công tác này không ỷ lại hẳn vào uỷ ban chuyên môn, các cấp đảng bộ phải thực tế tham gia vận động binh lính mới được theo quyết nghị dưới đây:
1. Các cấp đảng bộ địa phương phải cho người vận động binh lính ở đồn trại, phủ huyện nơi mình.
2. Địa phương nào có binh lính về phép phải chú ý tuyên truyền nhiệm vụ cứu quốc cho họ.
3. Phải chú ý vận động các cựu chiến binh.
4. Phải chú ý tuyên truyền người nhà binh lính tại ngũ để do đó làm quen với binh lính và gây cơ sở "quân nhân cứu quốc" cho nhanh.
5. Đưa quần chúng giác ngộ vào lính để vận động binh lính.
6. Các địa phương phải giúp cán bộ cho ban binh vận (rút người làm việc trong quần chúng thường hay tuyển người giao cho ban binh vận huấn luyện).
7. Người phụ trách binh lính ở các cấp đảng bộ địa phương cũng phải chuyên môn.
8. Phải tiếp tục xuất bản báo Chiến đấu và gửi bản chương trình vận động binh lính về các tỉnh.
C- Nông vận
Không ai chối cãi rằng phong trào nông dân tương đối trội hơn hết. Nhưng xét ra phong trào ấy chưa được sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân ở thôn quê và chưa theo kịp với tình thế nghiêm trọng trong xứ. Xét về số lượng thì có tiến nhưng chất lượng vẫn không cho phép ta được lạc quan vì trình độ chính trị của nông dân thấp kém quá, hơn nữa lại thiếu tinh thần trọng kỷ luật và nguyên tắc lâm việc thành ra những tổ chức nông dân không được chặt chẽ, không có quy củ sinh hoạt không đều. Cho được đẩy mạnh phong trào nông dân tiến lên, các đồng chí hãy đem thực hiện những quyết nghị dưới đây:
1. Phải chú ý thuyết phục kỳ hào và phụ lão.
2. Tìm cách cho sự sinh hoạt của các tiểu tổ Nông dân cứu quốc được đều
3. Những kỳ khai hội nên họp ngắn giờ, bàn ít vấn đề và đem sách báo ra nghiên cứu chung.
4. Mở những lớp huấn luyện phổ thông cho nông dân.
5. Xuất bản những thi ca làm tài liệu tuyên truyền nông dân.
6. Lợi dụng tranh đấu bênh vực quyền lợi chung để do đó xoá bỏ những sự hiềm khích chia rẽ trong làng.
7. Phải lãnh đạo nông dân ra tranh đấu chống nộp thóc; giồng đay và bắt phu, bắt lính (sẽ có chỉ thị riêng).
D- Thanh vận
Trong các phong trào đấu tranh của nhân dân vừa qua, anh em thanh niên tham gia khá đông. Nhưng phần nhiều là thành viên thôn quê, còn thanh niên thành thị thì rất ít.
Hiện giờ đây, vì bị một tình thế mới xô đẩy, một số đông thanh niên muốn tìm đường lối hoạt động. Vậy Đảng bộ ta phải nắm lấy tình thế đó để phát triển phong trào thanh niên. Cǎn cứ vào những khuyết điểm công tác vận động thanh niên gần đây, hội nghị ấn định các điều sau này:
1. Thành lập ngay uỷ ban thanh vận xứ và tiểu ban thanh vận ở các địa phương đặc biệt là ở Hà Nội.
2. Phải chui vào các đoàn thể thanh niên công khai và vận động cho khôn khéo.
3. Ra tờ báo của thanh niên toàn xứ.
4. Không được tuyên truyền biệt phái, phải nhằm mục đích chính cứu quốc mà tuyên truyền.
5. Phải biết tổ chức thanh niên theo nhiều hình thức thích hợp với mỗi hạng thanh niên.
Đ- Phụ vận
So sánh với mấy nǎm trước, phong trào phụ nữ gần đây bị sút kém hẳn xuống. Sự kém cỏi đó cũng do một phần lớn là không lôi kéo được chị em thành thị tham gia phong trào, thành ra phong trào phụ nữ bị cô độc. Cũng như vấn đề thanh niên, công cuộc vận động phụ nữ phạm phải rất nhiều khuyết điểm. Hội nghị cǎn cứ vào đó quyết nghị như sau:
1. Thành lập uỷ ban phụ vận xứ.
2. Tìm cách phát triển phong trào phụ nữ thành thị.
3. Cần phải tuyên truyền và tổ chức các bà già và phụ nữ có con.
4. Phải dùng mọi hình thức thấp như "hội vợ lính", "hội đi chùa", "hội tương tế", v.v. để tổ chức phụ nữ.
5. Sửa lại chương trình huấn luyện phụ nữ và đào tạo cán bộ phụ nữ.
6. Xuất bản báo phụ nữ.
7. Xuất bản ngay cuốn "Phụ nữ Việt Nam dưới gót sắt Nhật - Pháp".
8. Phải lợi dụng mọi hoàn cảnh để vận động những cuộc tranh đấu riêng của phụ nữ.
IX- TUYÊN TRUYỀN ẤN LOÁT VÀ PHÂN PHÁT TÀI LIỆU
Cǎn cứ vào trình độ thấp kém của số đông đồng chí chúng ta và của quần chúng, các tài liệu xuất bản phải cho thật phổ thông dễ hiểu, sự ấn loát phải cho rõ ràng dễ đọc.
Mặc dầu các tài liệu gần đây có tiến nhiều về cả nội dung lẫn hình thức, nhưng xét ra vẫn còn khó hiểu, khó đọc.
Muốn tránh những khuyết điểm đó, hội nghị vạch ra những điều sau này:
A- Các tài liệu xuất bản
1. Phải cố viết cho thật phổ thông dễ hiểu.
2. Chữ phải viết to cho dễ đọc.
3. Cần ra cuốn "Sinh hoạt chi bộ", "Cộng sản vấn đáp" và các sách quân sự phổ thông.
B- Việc phân phát tài liệu
1. Không nên phát tài liệu của Đảng cho bất cứ hạng quần chúng nào.
2. Phải kiểm soát và đôn đốc các đồng chí và quần chúng nghiên cứu tài liệu và đọc báo.
3. Số tài liệu phát hành phải cǎn cứ vào số quần chúng có tổ chức và cảm tình cách mạng (các liên phải báo cáo rõ về chỗ này).
C- Thông tin cho báo chí
1. Các tỉnh phải có phóng viên cho báo Đảng và báo của Mặt trận.
2. Việc thông tin phải liên tiếp và đúng kỳ hạn.
D- Ấn loát
1. Các địa phương phải ủng hộ xứ về vật liệu ấn loát như giấy, mực, chỉ, bìa, v.v..
2. Các tỉnh phải tích trữ giấy, mực, thạch, v.v. để khi cần có thể tự động ra truyền đơn, biểu ngữ.
*
* *
Các đồng chí!
Hồng quân đang đánh Đức mạnh như vũ bão và thắng lớn.
Phát xít Nhật bị thua đậm ở Thái Bình Dương và ở Diến Điện.
Phong trào cách mạng đang tiến tới mạnh mẽ và mau lẹ.
Tại Đông Dương hai bầy sói Nhật - Pháp đang gầm gừ nhau. Tấn kịch máu Nhật - Pháp cắn giết nhau không tài nào tránh khỏi.
Trong tình thế nghiêm trọng ấy công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa của Đảng ta đã nổi bật hẳn lên và rõ ràng là vô cùng cấp thiết. Tất cả công tác của chúng ta đều phải quy tụ chung quanh công cuộc vĩ đại ấy.
Các đồng chí!
Đảng đang đòi hỏi ở các đồng chí tinh thần cương quyết, hy sinh, hǎng hái hoạt động. Tổ quốc đang đòi hỏi máu nóng của các đồng chí để rửa hận cho giống nòi.
Tỉnh táo và sáng suốt, các đồng chí hãy nỗ lực thực hiện cho được đến nơi đến chốn bản nghị quyết này. ấy là các đồng chí đã đáp lại một cách hùng hồn, lòng ước vọng tha thiết của hội nghị, của Đảng và của Tổ quốc.
Công tác! Công tác! chỉ có công tác mới đảm bảo cho vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng. Chỉ có công tác mới là thực tế, mới đưa ta tới chỗ thành công.
Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp!
Ủng hộ Liên Xô!
Đông Dương độc lập!
Hội nghị cán bộ Bắc Kỳ
Thông qua ngày 7-3-1944
Lưu tại Kho Lưu trữ Trung ương Đảng.