Nghị quyết Hội nghị quân sự toàn quốc của Đảng, ngày 19-10-1946

A. Thống nhất cơ quan chỉ huy

 

1. Thống nhất Quân uỷ và Quốc phòng

 

Vì nhìn thấy sự phiền phức và trở ngại về mặt quân sự như: quân nhu, vũ khí, quân y, v.v. toàn thể Hội nghị quyết định phải thống nhất, nhưng theo nguyên tắc: giản dị, thiết thực và dự phòng sau này (tổ chức quốc phòng uỷ viên hội) đồng thời phải phân quyền hạn, nhiệm vụ cho rõ ràng.

 

2. Chỉnh đốn các cơ quan chỉ huy và công tác bàn giấy

 

.....

 

Về công việc bàn giấy, phải chỉnh đốn theo quy tắc chính quy. Phải giáo dục cho nhân viên và binh sĩ biết giữ bí mật.

 

B . Vấn đề cán bộ

 

Kiểm điểm thấy trong một nǎm qua, cán bộ tuy có tiến về công tác nhưng thường chạm phải những tính quan liêu, hủ hoá, đảng tính kém, hơn nữa một số cán bộ vǎn hoá kém tiến không kịp thời. Theo chỉ thị của Trung ương, toàn thể Hội nghị quyết định các cán bộ bắt buộc phải học tập.

 

1. Về nguyên tắc và nội dung

 

a) Làm việc gì học việc ấy (học về chuyên môn).

 

b) Học từ nhỏ đến lớn, từ những điểm thường thức đến những công việc to tát.

 

c) Học về vǎn hoá, lý luận, chính trị, công tác đảng.

 

2. Phương pháp thực hành

 

a) Trung ương Quân uỷ phải phụ trách quy định chương trình học, cách thức học và kiểm tra sự học. Chương trình phải đi sát với công tác trung tâm.

 

b) Phái những cán bộ Đảng vào các trường huấn luyện để học tập thêm.

 

c) Những cán bộ khi làm việc phải có tính sáng tạo, đặt ra các bài vở cho những cấp dưới mình học tập.

 

3. Điều chỉnh cán bộ

 

a) Cần phải điều chỉnh những cán bộ từ tiểu đoàn trở lên cho hợp lý.

 

b) Sau này Bộ Chính trị1) phải có một cơ quan phụ trách chuyên về cán bộ, nhưng trong lúc này Trung ương Quân uỷ phải phái người đi kiểm tra.

 

4. Thống nhất trường huấn luyện

 

Sau khi Quân uỷ, Quốc phòng thống nhất thì các trường huấn luyện như Võ bị, Lục quân Quảng Ngãi, Trường bổ túc đều phải thống nhất. Về kế hoạch, chương trình cũng được quy định thống nhất.

 

C. Vấn đề bộ đội và dân quân

 

Vì những lý do về chiến lược, chiến thuật, vũ khí kém, cán bộ thiếu, quân nhu thiếu, nên quyết định:

 

a) Giảm bớt số quân xuống, nhưng đồng thời phải củng cố các đội cảnh vệ và tự vệ.

 

b) Phải có một trường huấn luyện chuyên về cán bộ dân quân.

 

c) Phải nâng cao chất lượng cho bộ đội bằng cách viết sách nhỏ và chương trình huấn luyện.

 

d) Trung ương Quân uỷ phụ trách nghiên cứu một kế hoạch chỉnh đốn.

 

D. Vấn đề quân nhu, vũ khí, quân y

 

1. Vấn đề quân nhu

 

a) Để giảm bớt sự phiền phức về cách lĩnh tiền, cần phải yêu cầu với Bộ Tài chính hết sức làm giản đơn cách thức giấy má.

 

b) Đề nghị sửa lại sắc lệnh, Bộ tài chính chỉ có việc phát tiền còn về thu chi sẽ do Bộ quốc phòng.

 

c) Những nơi đắt đỏ thì theo thời giá tǎng thêm.

 

d) Số tiền hiện giờ Bộ quốc phòng phát ra, phải phát hết cho các bộ đội; còn việc khấu làm tiền chung do các đơn vị đại đội hoặc trung đội độc lập tự quyết định lấy.

 

đ) Những nơi bộ đội đóng, lấy đại đội hay trung đội độc lập làm đơn vị, bắt buộc phải tham gia sản xuất, trồng rau, chǎn nuôi.

 

e) Mở lớp huấn luyện cho cán bộ quân nhu.

 

2. Vũ khí

 

a) Phải nghiên cứu cách phân phối vũ khí cho hợp lý.

 

b) Các nhà máy chế tạo phải thống nhất và có một kế hoạch sản xuất những thứ cần thiết.

 

c) Phải thu hút những nhân tài chuyên môn.

 

3. Quân y

 

a) Định rõ sự quan hệ giữa bộ đội và ngành quân y (xem và thi hành thông tư số...).

 

b) Phải đi tới sự đào tạo những bác sĩ chuyên môn trong bộ đội.

 

c) Phải kiểm tra thuốc men do Quân y phát cho bộ đội.

 

d) Quy định thuốc quinine cho bộ đội ở những nơi nước độc.

 

đ) Can thiệp với các bác sĩ phụ trách không được tự tiện cho binh sĩ giải ngũ.

 

Đ. Vấn đề công tác chính trị

 

Các đồng chí chính trị viên các khu báo cáo rất dài và rất rành mạch, có một vài khu về thành tích chính trị rất khả quan, tinh thần bộ đội cao, được dân chúng tín nhiệm, về điều này xác nhận rằng công tác chính trị đã thắng nhiều trong giai đoạn khó khǎn, đó là nhờ sự nỗ lực của các đồng chí chính trị viên.

 

Toàn thể Hội nghị quyết định:

 

a) Chỉnh đốn các cán bộ chính trị viên bằng cách đưa người có nǎng lực vào.

 

b) Quy định rõ chế độ chính trị viên và các cơ quan chính trị trong bộ đội.

 

c) Phải khai hội nghị cán bộ chính trị hàng tháng.

 

d) Chấn chỉnh tờ báo Sao vàng.

 

đ) Tổ chức việc phát sách báo Cứu quốc, Sự thật cho các bộ đội.

 

e) Tổ chức thư viện trong bộ đội.

 

g) Mở trường huấn luyện chính trị viên.

 

h) Định kinh phí đầy đủ về mặt tuyên truyền và giáo dục trong bộ đội.

 

Những công việc trên đây do Trung ương Quân uỷ giải quyết.

 

E. Đoàn kết, kỷ luật, tǎng cường Đảng tính

 

Sau một lúc thẳng thắn phê bình, mỗi đồng chí đều thành thực nhận lỗi và những khuyết điểm đó bao gồm trong mấy điểm chính nêu ra sau đây:

 

1. Hết sức tránh bao biện: vì tính bao biện hay đi tới cá nhân chủ nghĩa, độc lập chủ nghĩa (phản tập trung chủ nghĩa).

 

2. Phải trọng tập đoàn chỉ huy, phản đối chủ nghĩa phân tán, cá nhân, phải tuyệt đối phục tùng đoàn thể.

 

3. Tôn trọng kỷ luật của Đảng, tôn trọng bằng cách thi hành những quyết nghị án, phục tùng Trung ương.

 

4. Phải luôn luôn tự kiểm điểm, thấy có lỗi phải sửa, người khác phê bình mình có lỗi phải thành thật nhận.

 

5. Cách phê bình cán bộ phải thành khẩn, thản bạch, khéo léo, mục đích để cứu vãn và nâng đỡ cán bộ về mặt chính trị cũng như về mặt tư tưởng công tác.

 

Đồng chí N.2) kết luận: trước giai đoạn khó khǎn, Đảng ta phải thống nhất ý chí, hành động và kỷ luật mới ứng phó mọi mặt quá trình đấu tranh dài dặc khó khǎn và phức tạp; muốn thế, chúng ta những người đảng viên phải đoàn luyện lấy mình, bỏ lợi ích cá nhân, phục tùng lợi ích Đảng, bộ phận phục tùng toàn Đảng. Phải có tổ chức mới có sinh hoạt, có sinh hoạt phải có tập đoàn chỉ huy, có tập đoàn chỉ huy mới tránh được sai lầm và chắc chắn đi đến thắng lợi.

 

Đồng chí G.2) nói thêm: trong lúc làm việc, tất nhiên không tránh khỏi những điều sai lầm, chúng ta phải dùng vũ khí tự phê bình và phương pháp học tập để sửa mình. Chúng ta có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhiều khuyết điểm, chúng ta còn cần phải sửa chữa.

 

 

G. Vấn đề Đảng trong bộ đội

 

1. Tổ chức đơn vị: mỗi đại đội hay một cơ quan từ tiểu đoàn bộ trở lên sẽ tổ chức một chi bộ.

 

2. Hệ thống dọc và ngang: hệ thống dọc là hệ thống chính, còn ngang là để giải quyết vấn đề địa phương. Tuy vậy trong Trung ương Quân uỷ chưa tiến hành kịp thì những tài liệu nghiên cứu tạm thời liên lạc với xứ.

 

3. Kỳ hạn phát triển: trong hai tháng, những đại đội nào chưa có chi bộ phải tổ chức xong, những đại đội nào có chi bộ rồi phải phát triển tới các trung đội, mỗi trung đội một tổ.

 

4. Hình thức phát triển: bí mật tổ chức những nhóm xung phong trong bộ đội.

 

5. Kỳ hạn báo cáo: mỗi tháng một lần, các khu uỷ phải báo cáo rành mạch số, chất lượng, thành phần công tác trong khu mình.

 

Hiện nay quân tiếp phòng chỉ là tạm thời, nên không tổ chức theo hệ thống dọc mà cứ liên lạc ngang với các khu như trước kia, nhưng vẫn phải liên lạc dọc và báo cáo về chính trị viên tiếp phòng.

 

H. Vài điểm nhận xét về bản tạm ước

 

Thái độ của quân Pháp sau khi ký bản tạm ước thì đang chuẩn bị lấn về kinh tế, chính trị cũng như về quân sự, chúng dùng cục bộ quân sự để đòi thi hành bản tạm ước, mục đích chúng để ép ta phải ký một bản hiệp định mà ta sẽ phải thiệt thòi, tuy vậy nhưng còn do lực lượng của ta và tình hình chính trị của Pháp quyết định, chính quân địch cũng sợ ta tấn công, bởi vậy ta càng phải chống lại từng cục bộ nhưng nên nhớ nguyên tắc là hết sức tránh lan rộng. Vậy có mấy chỉ thị dưới đây:

 

1. Hết sức thân thiết, tránh khiêu khích như việc bắt Việt gian công khai chẳng hạn, hoặc đối phó trong lúc chúng khiêu khích những chuyện nhỏ.

 

2. Nếu cục bộ bị xâm chiếm thì cương quyết tự vệ đối phó lại, nhưng không để lan rộng.

 

3. Phải bố phòng những địa điểm quân Pháp có thể chiếm đóng.

 

4. Trong những nơi đã chiếm đóng, phải đề phòng những cơ quan chúng có thể đến đánh úp và nếu chúng đến đánh úp thì kiên quyết đề kháng, dù phải hy sinh.

 

5. Khi quân tiếp viện đến, dùng barricades3) ngǎn lại, nếu nó đánh vào, mình kiên quyết đối phó.

 

6. Chuẩn bị đề phòng cuộc tổng tấn công sau này và lan dần cục bộ hiện giờ.

 

Chú ý: Các cấp chỉ huy phải giải thích cho bộ đội hiểu rõ bản tạm ước chỉ là một cuộc thoả thuận tạm thời không dứt khoát, bởi vậy:

 

a) Phải luôn luôn chuẩn bị đề phòng, đề phòng hơn trước kia.

 

b) Phải học tập ráo riết về quân sự.

 

c) Phải tự tin rằng tuy kém về kỹ thuật, vũ khí nhưng với một tinh thần dẻo dai bền bỉ, mình nhất định sẽ thắng.

 

d) Phải nhận định nhất định không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định phải đánh Pháp.

 

đ) Phải đập tan những không khí thái bình cho rằng ký hiệp định rồi sẽ không còn đánh nhau nữa, quan niệm này hiện giờ đang biểu hiện trong các bộ đội bằng cách xin giải ngũ, xin ra học.

 

 

 

In trong Vǎn kiện Đảng 1945-1954,

Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng

Trung ương xuất bản, Hà Nội,

1978, t.1, tr.86-94.

___________

 

1) Tức Tổng cục chính trị (B.T).

2) Đồng chí N; Đồng chí G : chúng tôi chưa rõ tên thật của hai người này (B.T).

3) Barricades: vật chướng ngại, chiến luỹ (B.T).

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website