Chủ tịch Hồ Chí Minh với sức khoẻ tuổi thơ

Thạc sĩ triết học Cao Thị Sính

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng nhân dân. Mục đích cao cả của Người là giành lại quyền sống, quyền tự do, hạnh phúc cho mọi người. Sinh thời, Người có một hoài bão lớn là làm sao cho đất nước ta được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ǎn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người đã dành một sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề sức khỏe cua toàn dân vì theo Người: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công" (Hồ Chí Minh toàn tập tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, trang 212). Người cho rằng: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh... Dân cường thì quốc thịnh" (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, 1995, trang 212). 

Trong sự quan tâm đến sức khỏe của toàn dân. Hồ Chi Minh rất chú trọng tới vấn đề chǎm sức sức khỏe các cháu thiếu niên nhi đồng. Người luôn nhắc nhở mọi người: "Phải chú ý chǎm sóc các cháu bé ớ nhà trẻ, mẫu giáo" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11. 1996, tr.193). Tình thương bao la trời biển của Người đối với các cháu không hề chung chung, trái lại là sự chǎm lo rất cụ thể, thiết thực. 

Điều đáng quý biết bao là ngoài nói lên tầm quan trọng của sức khoẻ mọi người dân, nhắc nhở toàn dân chǎm lo sức khỏe các cháu, Người còn nói rất cụ thể đến các biện pháp để các cháu giữ gìn và nâng cao sức khỏe. 

Trong Nǎm điều Bác Hồ dạy các cháu thiếu niên nhi đồng, có điều "Giữ gìn vệ sinh thật tốt". "Giữ gìn vệ sinh thật tốt" để giữ gìn sức khỏe. Người nhắc nhở người lớn "Phải chǎm sóc giữ gìn vệ sinh cho các cháu" (Sđd, 1996, tập 10, tr.457). Người ân cần dạy bảo các cháu "cần phải giữ gìn kỷ luật cho tốt, phải sạch sẽ, gọn gàng" (Sđd, 1996, tập 11, tr.331). Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc vệ sinh phòng bệnh và coi việc vệ sinh phòng bệnh là điều cực kỳ cần thiết cho sức khỏe của trẻ em. Khi Người về thǎm cán bộ và nhân dân Sơn La, Người nói: "ở đây đồng bào nhiều người còn sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột không, bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ǎn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ" (Sđd, 1996, tập 9, tr.442). Có lẽ ngành y tế và mọi người chúng ta, đặc biệt là các cháu thiếu niên nhi đồng đều coi câu nói này của Bác là phương châm giữ gìn sức khỏe: "Muốn giữ gìn sức khỏe thì phải ǎn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch" (Sđd, 1996, tập 10, tr.335). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện thân thể, luyện tập thể dục thể thao của thế hệ trẻ. Ngay từ khi còn là học sinh, chàng thiếu niên Nguyễn Tất Thành đã hiểu ý nghĩa khẩu hiệu "Một tâm hồn trong sáng trong một thân thể tráng kiện của Trường Quốc học Huế, đến khi là thầy giáo giảng dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), được phân công đảm nhiệm dạy thể dục cho học sinh toàn trường, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rất quan tâm đến việc rèn luyện thân thể cho học sinh. "Mỗi buổi sáng thầy Nguyễn Tất Thành lên lớp hướng dẫn học sinh bài thể dục, rồi kéo xà đơn, chạy, nhảy, nhảy cao, nhảy xa" (Theo Trương Quốc Uyên - Chủ tịch Hồ Chí Minh với thể dục thể thao – Nxb. Thể dục Thể thao - 2000, tr.78). Sau này ở cương vị Chủ tịch nước, Người cũng nhấn mạnh: "Muốn giữ sức khỏe thì nên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao" (Sđd, 1996, tập 10, tr.116) và nhắc các cháu: "Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang" (Sđd, 1996, tập 4, tr.16). Giữa nǎm 1964. Hồ Chí Minh đến xem triển lãm Mười nǎm phát huy truyền thống Điện Biên Phủ tại khu triển lãm Vân Hồ (Hà Nội). Sau khi Người xem hết gian trưng bày thể dục thể thao, Người bǎn khoǎn nói với cán bộ khu triển lãm: "Bác cảm thấy hình như các chú chưa quan tâm đến việc sản xuất dụng cụ thể thao cho các cháu, và tại đây cũng không thấy hình ảnh của các cháu rèn luyện thể dục thể thao. Các chú nên nhớ rằng, các cháu là mầm non, là tương lai của đất nước và của ngành thể dục thể thao nên các cháu phải mạnh khoẻ, có thể lực tốt" (Uỷ ban Thể dục Thể thao - Bác Hồ với thể dục thể thao Việt Nam - Nxb Thể dục Thể thao, 1995. tr.119). Theo Hồ Chí Minh việc rèn luyện thể thao không tách rời với việc vui chơi giải trí, vì đối với các cháu vui chơi giải trí cũng là một cách để phát triển nhân cách: "Cần tổ chức những hoạt động vǎn hóa vǎn nghệ, thể dục thể thao" (Sđd, 1996, tập 10, tr.412). Người còn nhấn mạnh sự kết hợp rèn luyện thể dục và vui chơi giải trí lành mạnh trong môi trường tập thể lành mạnh: "Cần có những thứ vui chơi vǎn hóa, thể dục có tính chất tập thể và quần chúng" (Sđd, 1996, tập 7, tr. 456). 

Để nâng cao sức khỏe của các cháu, theo Người còn phải biết tổ chức quản lý đời sống thật tốt, biết kết hợp học tập và lao động vì lao động không những tạo ra của cải vật chất mà còn làm cho con người khỏe mạnh. Người nói: "Do lao động, trí thức tǎng thêm. Do lao động, sức khỏe tǎng hơn" (Sđd, 1996, tập 9, tr.295). Như vậy trong quan niệm về sức khỏe của Hồ Chí Minh có sự kết hợp biện chứng giữa sức khỏe và lao động, lao động là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao sức khỏe của con người. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Người tát nước gầu sòng, lội ruộng bùn thǎm lúa... như một người nông dân thực thụ. Sau giờ làm việc Người thường đi câu cá, tưới rau. Đối với Người, lao động không chỉ để thư giãn mà còn để rèn luyện sức khỏe, đồng thời tạo ra của cải vật chất. Trong lao động Người rất chú ý việc tổ chức lao động sao cho hợp lý: "Phải biết quý trọng sức người là vốn quý nhất của ta. Chúng ta hết lòng chǎm sóc sức khỏe và sử dụng thật hợp lý sức lao động của nhân dân ta" (Sđd, 1996. tập 10, tr.313, 314). Qua câu nói này toát ra một nguyên lý: chǎm sóc sức khỏe tốt để có sức lao động tốt, lao động tốt để có sức khỏe tốt. Tư tưởng vì con người của Hồ Chí Minh, theo chúng tôi còn thể hiện ở sự hợp lý trong phân công lao động: "Sức người có nhiều loại: có thanh niên, có phụ nữ, có người trẻ, có người già. Phải phân công cho hợp lý, người khỏe thì làm việc nặng, người yếu thì làm việc nhẹ" (Sđd, 1996, tập 12, tr.194). Đối với các cháu thiếu nhi Người khuyên "Học tập tốt, lao động tốt", "lao động tốt" nhưng phải "tùy theo sức của mình". Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt" của ngành giáo dục phổ thông và sư phạm (1963), Người cǎn dặn các nhà giáo dục: "Về học tập và giảng dạy, phải thực hiện tốt phương châm giáo dục kết hợp với lao động sản xuất. Về lao động, cần chú ý tổ chức cho thích hợp với lứa tuổi và sức khỏe của học sinh" (Sđd, 1996, tập 11, tr.615). 

Nǎm 1968, trong Thư gửi cán bộ, cô giáo, thầy giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu nǎm học mới, Người lại nhắc nhở: "Các cô, các chú, các cháu phải cùng nhau tổ chức và quản lý đời sống vật chất và tinh thần ở các trường học ngày một tốt hơn, tǎng cường bảo đảm sức khỏe và an toàn" (Sđd, 1996, tập 12, tr.403). 

Hồ Chí Minh còn lưu ý đến vấn đề môi trường. Người yêu cầu mỗi nhà "trong nhà, ngoài vườn luôn sạch sẽ gọn gàng", mỗi làng, "đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt và giếng nước uống phải phân biệt và sǎn sóc cẩn thận..." (Sđd, 1996, tập 5, tr.100, 101). 

Ngày 28/11/1959 với bút danh Trần Lực, Người viết bài báo Tết trồng cây phát động phong trào trồng cây gây rừng, theo Người ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế "cây cối còn ảnh hưởng tốt đến khí hậu và sức khỏe của nhân dân". Đến thǎm Trường trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương, tiền thân của Trường Thể dục Thể thao ngày nay, Người cǎn dặn: cố gắng tổ chức học tập cho tốt, chú ý học sinh là con em các dân tộc ít người, học sinh gái. Nên cố gắng trồng nhiều cây có bóng mát để học sinh có nơi trú nắng (Chuyển dẫn từ Trương Quốc Uyên - Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thể dục Thể thao - Nxb Thể dục Thể thao - 2000, tr.112, 113). 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, Người để lại "muôn vàn tình thương yêu" cho mọi người dân Việt Nam. Một trong những biểu hiện cụ thể của "muôn vàn tình thương yêu" ấy của Người đối với các cháu thiếu niên nhi đồng mà Người vô cùng yêu quý là sự quan tâm đặc biệt tới sức khỏe của các cháu.

Báo Sức khoẻ và Đời sống, số 65, ngày 30/5/2002

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website