Hồ Chí Minh với vấn đề nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, ngǎn chặn sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên

PGS. Cao Văn Lương
Viện Sử học

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Trong suốt quá trình lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, suốt 24 năm đứng đầu Đảng và Nhà nước và cho tới lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm, chăm lo đến việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người đã sớm phát hiện và sớm đề ra những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ thoái hoá, biến chất của Đảng cầm quyền và của những cán bộ nắm quyền lực trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

Như chúng ta đã biết, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp trở thành một Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước (Đảng cầm quyền). Khi đã có chính quyền, phần lớn các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước đều do những người đảng viên Đảng Cộng sản đảm nhiệm. Trong điều kiện đó, vấn đề đầu tiên được đặt ra cho Đảng ta là phải phòng chống những nguy cơ thoái hoá biến chất của một Đảng cầm quyền. Nguy cơ thoái hoá, biến chất của một Đảng cầm quyền. Nguy cơ thoái hoá, biến chất của Đảng cầm quyền thường là:

- Do sai lầm về đường lối

- Chủ nghĩa cá nhân phát triển làm tha hoá, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm quyền lực trong bộ máy Đảng và Nhà nước.

- Tệ quan liêu, mệnh lệnh xa rời nhân dân, làm sói mòn quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Xa dân và mất dần quần chúng là nguy cơ của mọi nguy cơ, tai hoạ của mọi tai hoạ đối với một Đảng cầm quyền.

Việc đề phòng nguy cơ thoái hoá, biến chất của Đảng cầm quyền liên quan đến toàn bộ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Xây dựng Đảng là vấn đề hàng đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Trong quá trình lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, phòng chống nguy cơ thoái hoá, biến chất của Đảng cầm quyền, đi đôi với việc chăm lo xây dựng đường lối cách mạng đúng đắn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; giữ vững và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vừa mới ra đời đã phải đứng trước một tình thế hiểm nghèo: "ngàn cân treo sợi tóc". Trong tình hình đó, để khắc phục những khó khăn chồng chất, giữ vững được chính quyền cách mạng, trước hết phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng, củng cố chính quyền về mọi mặt, làm cho chính quyền đó thật sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Trong quá trình chấn chỉnh, củng cố chính quyền các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Dưới bút danh Chiến Thắng,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một loạt bài, đăng trên báo Cứu Quốc với các nhan đề: "Chính phủ là công bộc của dân", báo Cứu Quốc, 19-9-1945; "Muốn trở thành cán bộ tốt phải có tinh thần tự chỉ trích", báo Cứu Quốc 26-9-1945; "Sao cho được lòng dân", báo Cứu Quốc, 13-10-1945, ...

Thông qua các bài trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình, nhắc nhở các cán bộ phải luôn luôn nhớ rằng: "Mình là đầy tớ của dân, chứ không phải là những ông quan cách mạng", rằng: "Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư".

Tiếp sau những bài trên đây, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Uỷ ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Người nhắc nhở cán bộ phải luôn luôn nhận rõ và giữ đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân, nhận rõ Nhà nước vừa là người dẫn đường, vừa là dầy tớ của dân, phải chăm lo đời sống của nhân dân. Người viết: "Nhờ có dân ta đoàn kết một lòng và Chính phủ lãnh đạo khôn khéo, mà chúng ta bẻ gãy xiềng xích nô lệ, tranh được độc lập tự do. Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì dân không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ với dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Người viết tiếp: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ thống trị của Pháp, Nhật.

Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh.
Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta
". Người đã thẳng thắn vạch ra những sai lầm, khuyết điểm trong một số cán bộ nắm quyền lực trong bộ máy Đảng, Nhà nước, chỉ rõ phải mau chóng khắc phục các căn bệnh như: làm ăn trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Người cũng đã nghiêm khắc chỉ ra rằng: "Ai đã phạm những lỗi lầm trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa, thì Chính phủ sẽ không khoan dung".

Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho các cán bộ trong bộ máy Nhà nước trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên nguy cơ thoái hoá, biến chất của một đảng cầm quyền, của những người nắm quyền lực trong bộ máy Nhà nước đã bị chặn lại ngay từ khi Nhà nước non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời. Cũng nhờ đó mà quan hệ giữa nhân dân với Đảng, giữa nhân dân với chính quyền vẫn được duy trì và phát triển. Sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền, Nhà nước là nhân tố rất quan trọng đảm bảo thắng lợi của cuộc đấu tranh gian khổ, phức tạp nhằm giữ vững và củng cố chính quyền nhân dân trong năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1946).

Từ năm 1947, để đảm đương nhiệm vụ tổ chức chỉ đạo kháng chiến, bộ máy chính quyền các cấp được thiết lập, củng cố và kiện toàn thêm một bước. Trong năm 1947, Chính phủ ra nhiều sắc lệnh quy định cụ thể việc kiện toàn và củng cố chính quyền các cấp cho phù hợp với tình hình mới. Trong quá trình củng cố, kiện toàn chính quyền các cấp, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên Nhà nước. Ngày 1-3- 47, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và tiếp theo đó viết thư gửi các đồng chí Trung Bộ. Người khuyên cán bộ, nhân viên Nhà nước, trước hết là đảng viên phải thật thà đoàn kết, thương yêu nhau, phải hết lòng phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phải có nhiệt tình cách mạng và phẩm chất đạo đức. Người yêu cầu cán bộ phải gương mẫu về đạo đức, thống nhất về tư tưởng và hành động. Người nhấn mạnh: "Cuộc trường kỳ kháng chiến này tức là dân tộc cách mệnh đến trình độ cao. Trong lúc này, tư tưởng và hành động của mỗi một đồng chí rất quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to; sai một ly đi một dặm"Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải kiên quyết tẩy sạch những khuyết điểm, như: "địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt, quan liêu, cô độc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, ích kỷ, kiêu ngạo, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm".

Để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến của toàn dân đi tới thắng lợi hoàn toàn, việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và phòng chống sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên nắm quyền lực trong bộ máy Đảng, Nhà nước càng phải được quan tâm. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, cán bộ có một vị trí rất quan trọng. "Cán bộ là gốc của mọi công việc", "Cán bộ quyết định mọi việc". Cán bộ, đảng viên là cái cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng mối quan hệ tốt giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân. Người chỉ rõ: "Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn". "Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng".

Đặc biệt, trước những biểu hiện sa sút, yếu kém về phẩm chất, đạo đức của một số cán bộ, đảng viên, tháng 10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cuốn sách Sửa đổi lối làm việc, làm tài liệu tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong cho cán bộ, đảng viên.

Sự ra đời của tác phẩm Sửa đổi lối làm việc vừa là kết quả một quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh chăm lo đến việc giáo dục đạo đức, phong cách, lề lối làm việc cho cán bộ, nhân viên Nhà nước, vừa là nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác kiện toàn, củng cố bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên cho phù hợp với điều kiện mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đề cập một cách khá toàn diện về vấn đề cán bộ, bao gồm những vấn đề sau đây: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; tư cách và dạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ (huấn luyện cán bọ, dạy cán bộ, dùng cán bộ, lựa chọn cán bộ, cách đối với cán bộ, mấy điểm lớn trong chính sách cán bộ); Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa.

Cũng như những tác phẩm, những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trình bày ở trên, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người vẫn hết sức coi trọng vấn đề giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Người viết: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân...".

Từ quan điểm "đạo đức là cái gốc của cách mạng", trong tác phẩm nổi tiếng của mình: Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả một phần quan trọng để trình bày về Tư cách và đạo đức cách mạng. Trong phần này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập tới: Tư cách của Đảng chân chính cách mạng (gồm 12 điểm); Phận sự của đảng viên và cán bộ; Tư cách và bổn phận đảng viên; Phải rèn luyện tính Đảng.

Về Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, Đảng "phải luôn luôn do nơi quần chúng mà kiểm soát những khẩu hiệu và chỉ thị đó có đúng hay không"; rằng "phải luôn luôn xem xét lại tất cả công tác của Đảng. Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về phía quần chúng. Phải đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà dạy bảo cán bộ, đảng viên và nhân dân". Về cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Phải luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết; lợi ích của cá nhân phải phục tùng lợi ích của dân tộc, của Đảng. Muốn trở thành người cách mạng chân chính phải thực hiện tốt 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm". Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện chí công vô tư, khức phục các bệnh: bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh hữu danh vô thực, bệnh xu nịnh, a dua...

Để khắc phục những sai lầm , thiếu sót, những căn bệnh kể trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phải đẩy mạnh phê bình và tự phê bình. Người nhấn mạnh: "Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".

Như vậy, có thể nói, cùng với những tác phẩm, những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 1945 - 1947, tác phẩm Sửa đổi lối làm việc đã giáng đòn mạnh mẽ vào chủ nghĩa cá nhân, vào những căn bệnh của một đảng cầm quyền, góp phần vào việc giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức cán bộ, đảng viên; xây dựng, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân; chấn chỉnh, củng cố và tăng cường hiệu lực của bộ máy Nhà nước. Qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới. Yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc trong giai đoạn mới đòi hỏi phải không ngừng củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chấn chỉnh, kiện toàn và tăng cường hiệu lực của bộ máy Nhà nước, nâng cao phẩm chất, đạo đức và năng lực của cán bộ, đảng viên. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ các cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập lý luận, khắc phục các căn bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần. Người còn chỉ rõ phải thực hiện dân chủ trong Đảng, phê bình và tự phê bình, phát triển lối làm việc tập thể, củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng.

Phát triển tư tưởng, quan điểm trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và ngăn chặn sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một loạt bài về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, làm cho bộ máy chính quyền trong sạch, thật sự là chính quyền của dân, do dân, vì dân. Người xác định tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, bộ đội và Chính phủ: chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng, là dân chủ ()Để cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, quan liêu đạt kết quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Cán bộ cao cấp mỗi nơi phải thật thà tự kiểm thảo để làm gương mẫu; thật thà báo cáo tình hình cả đơn vị mình cho mọi người trong toàn đơn vị, toàn ngành biết rõ"...

Sức mạnh của Đảng, của Nhà nước ta, trước hết bắt nguồn ở phẩm chất, năng lực của mỗi cán bộ, đảng viên, ở sự gắn bó chặt chẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, cũng như trong các tác phẩm khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày ở trên, chúng ta thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến hai nhân tố quan trọng này. Nhờ việc nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ, đảng viên đi đôi với củng cố, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân, Đảng ta đã đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới thắng lợi hoàn toàn.

Từ tháng 7- 1954, Cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kỳ mới - thời kỳ cả nước tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng ở hai miền đất nước: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Trong thời kỳ mới của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn đặt lên hàng đầu sự quan tâm đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân.

Cũng như trong các thời kỳ trước, trong thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên viết bài nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, ra sức học tập lý luận, văn hoá, đấu tranh chống tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Người chỉ rõ, muốn tu dưỡng trở thành người đảng viên tốt thì phải; "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Theo Người: "Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân". Người đã viết một loạt bài về xây dựng đạo đức cách mạng và khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Đặc biệt, nhân kỷ niệm lần thứ 39 năm thành lập Đảng (3-2-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài: "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân". Trong bài này, đi đôi với việc khẳng định thành tựu to lớn, đáng tự hào của Đảng, của số đông cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung phê phán chủ nghĩa cá nhân ở một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người viết: "Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước. Họ không lo "mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình". "Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ". Và, "cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân ()Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã sớm dự báo tác hại to lớn của chủ nghĩa cá nhân. Người chỉ rõ: "Một dân tộc, một đảng và một con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân().

Chỉ bảy tháng sau khi viết bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta! Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân một bản Di chúc thiêng liêng - một văn kiện lịch sử vô giá. Trong Di chúc này, Người xác định việc làm trước tiên là phải Chỉnh đốn lại Đảng. Người kêu gọi phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con người của mắt mình; phải thực hành dân chủ trong Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình. Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, vì Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đảng cầm quyền phải vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người viết: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".

* *
*

Như vậy, có thể nói xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và phòng chống nguy cơ thoái hoá, biết chất của một Đảng cầm quyền là mối quan tâm thường xuyên, liên tục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn chăm lo đến công tác cán bộ, giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực cho cán bộ, đảng viên. Người nghiêm khắc lên án, phê phán chủ nghĩa cá nhân, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thực hành tiết kiệm, chí công, vô tư, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và thực hành phê bình và tự phê bình.

Đối với một Đảng cầm quyền, tệ tham ô lãng phí, quan liêu và sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là một nguy cơ lớn. Nó làm suy yếu Đảng từ bên trong làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, ngay từ khi nhân dân ta giành được chính quyền và Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền cũng như trong suốt 24 năm đứng đầu Đảng, Nhà nước và cho tới lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn cảnh báo, ngăn chặn tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu và sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong bộ máy Đảng, Nhà nước.

Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, ngăn chặn sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, mãi mãi là kim chỉ nam, soi sáng cho cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.

 

 

Nghiên cứu lịch sử 5 (306) (IX - X)/1999

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website