Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao việc trọng dụng người tài, đồng thời yêu cầu cao về đạo đức ở người tri thức. Theo Người, « Đức » là cái gốc, còn “Tài” là cái quan trọng.
Suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mang trong lòng nỗi đau của dân tộc, những khát vọng về độc lập, tự do của dân tộc, tin tưởng ngày toàn thắng của dân tộc và mong muốn tột bực là dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Trước khi đi xa, Người còn căn dặn rằng, đến ngày thắng lợi, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Phải chăng, những bậc hiền tài thường cả đời phải trăn trở, suy tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành một đại trí thức, một thiên tài của nhân loại thế kỷ 20, một nhà văn hóa lớn của thế giới trong bối cảnh lịch sử như vậy.
Với con mắt của một trí thức tầm có lớn của thời đại, Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào trí thức và nhân tài. Sự thấu thị và cái Tâm ấy chỉ có ỏ những trí thức lớn, ở những bộ não thông tuệ có một không hai trong cuộc đời này.
Điều hạnh phúc của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam là có Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa là vị lãnh tụ, vừa là một nhà trí thức lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn gắn việc đào tạo, giáo dục đội ngũ trí thức từ công, nông với phong trào cách mạng dân tộc dân chủ cũng như cách mạng xã hội chủ nghĩa. Các nhà yêu nước tiền bối đều dựa vào tầng lớp trên làm nòng cốt cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương lấy “Công nông làm gốc của cách mạng» nhưng lại xây dựng lực lượng Cộng sản hạt nhân gồm những trí thức giác ngộ cách mạng giác ngộ chủ nghĩa Mác - Lênin khi chuẩn bị thành lập Đảng. Trong số những trí thức này phải kể đến Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ… Thời kỳ mặt trận Dân chủ Đông Dương những trí thức cách mạng như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Cừ… là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận văn hoá, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giải thích đường lối chính sách của Đảng. Những tên tuổi Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Đặng Thai Mai, Hải Triều… đều là những trí thức cách mạng gắn liền với công việc đào tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được rất nhiều trí thức, bổ sung những thành viên mới cho Mặt trận, tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc, khẩn trương chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Cách mạng Tháng Tám 1945 là thắng lợi của ý chí và trí tuệ của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của giới trí thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ta một mẫu mực về thái độ đối xử với trí thức, giải tỏa những tâm trạng, những mặc cảm của trí thức. Cái bí quyết đó là chỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện dân chủ thực sự đối với trí thức. Người yêu cầu: “Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người ». Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề có định kiến với trí thức, kể cả trí thức đã phục vụ trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Điều này thấy rõ thành phần nội các của Chính phủ lâm thời năm 1945: Trong 14 vị tham gia Chính phủ lúc đó, phần lớn là nhân sĩ trí thức: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Phan Anh... là những vị hoàn toàn được sự tin cậy của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh. Bác Hồ luôn coi đội ngũ tri thức là động lực thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhìn về lịch sử của giới trí thức Việt Nam, Người thấy rõ giới trí thức của dân tộc luôn gắn mình với tiến trình đấu tranh giữ gìn độc lập, phát triển văn hoá, hun đúc những truyền thống dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương : Đào tạo trí thức mới; Cải tạo trí thức cũ; Công nông trí thức hóa; Trí thức công nông hóa.
Tất cả những trí thức Việt Nam tập hợp dưới lá cờ của Đảng, kể cả những trí thức từ nước ngoài trở về (như Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Phạm Huy Thông...) là một bộ phận khăng khít của nhân dân lao động theo hướng «Công nông hóa».
Về cải tạo trí thức cũ, Bác Hồ đã giải thích một cách giản đơn, chân tình khiến trí thức cũ yên tâm “Dùng hai chữ “cải tạo” thì không khỏi mếch lòng những bạn trí thức quá giàu lòng tự ái. Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng: về chuyên môn và trong mức nào đó, thì anh chị em trí thức khá. Song, vì ngày trước, anh chị em đã bị giáo dục trong đường lối và khuôn khổ thực dân và phong kiến cho nên tư tưởng và lề lối làm việc của anh chị em không khỏi ảnh hưởng của thực dân và phong kiến. Điều đó không phải lỗi tại anh chị em. Dù sao, thoát khỏi cái xiềng xích của ảnh hưởng ấy thì tài năng của trí thức ta sẽ tiến bộ vượt bực, sẽ rõ ích lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân vì nó sẽ hợp với nhiệm vụ mới, tinh thần mới, xã hội mới của nước ta”.
Trong bài viết về cán bộ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tóm tắt về đạo đức cách mạng :
“Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.
Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”.
Và Người giải thích : “Suốt trong những năm kháng chiến, chúng ta đã vượt mọi khó khăn, thu nhiều thắng lợi, một trong những nguyên nhân căn bản là: Cán bộ ta đã nhận rõ đánh giặc cứu nước là Phải, rụt rè cầu an là Trái. Họ đã giữ vững lập trường cách mạng, không lay động, không hoang mang. Do đó, cán bộ ta đã vui vẻ chịu đựng mọi gian khổ, bền bỉ làm mọi công tác nặng nề. Họ đã hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, anh hùng hy sinh cho Tổ quốc”.
Ngày nay, khi đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và từng bước tiếp cận với kinh tế tri thức, bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính vẫn là những tiêu chí xem xét ai là trí thức trong những người được Đảng và Nhà nước cho học nhiều, đạt tới học vị và chức danh khoa học cao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh mong mỗi người tài tham gia vào công việc kiến quốc “... chúng tôi mong rằng đồng bào ta ai có tài năng và sáng kiến về những công việc đó lại sẵn lòng hăng hái giúp ích nước nhà thì xin gửi kế hoạch rõ ràng cho Chính phủ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kế hoạch ấy một cách kỹ lưỡng có thể thực hành được thì sẽ thực hành ngay” và “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phái có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức”… “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Đọc những dòng này, nhiều người xúc động và rồi tự hỏi: Làm thế nào để xây dựng được cơ chế “nghe cho đến, thấy cho khắp trong công tác, vận động trí thức”. Làm sao khắc phục được tình trạng để đồng thau lẫn với vàng ròng trong chính sách và cơ chế lựa chọn, sử dụng, cất nhắc những người tài đức?
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, báo Nhân dân ngày 19/5/2006