"Đạo đức là cái gốc của người cách mạng" - giá trị của luận điểm này đối với việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên trước thử thách của kinh tế thị trường

Trung tướng, TS. Nguyễn Tiến Quốc

Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng mà còn là nhà tư tưởng lớn về đạo đức. Mặc dù, Người không để lại những công trình khoa học chuyên sâu về đạo đức, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người thể hiện sâu sắc trong các bài viết, bài nói chuyện và toát lên từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có ý nghĩa thiết thực đối với công tác giáo dục, rèn luyện, trao dồi phẩm chất, đạo đức, nhân cách người cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

Hiện nay, nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu thường xuyên, cơ bản, vừa mang tính cấp bách đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, đồng thời khẳng định rõ hơn những đóng góp to lớn của Người đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam - sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình độc lập dân tộc và thực hiện tiến bộ xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ta nêu rõ: "Mỗi người Cộng sản chúng ta phải suốt đời học tập noi gương đạo đức, tác phong của Bác Hồ, người thầy của cách mạng Việt Nam, ghi nhớ và làm theo lời dạy của Người, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân"1.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội dung tư tưởng đạo đức cách mạng tập trung, nổi bật ở luận điểm: "Đạo đức là cái gốc của người cách mạng". Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người luôn quan tâm chăm lo xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng; luôn coi đạo đức là "cái gốc" của người cách mạng, Người ví đạo đức cách mạng như gốc của cây, ngọn nguồn của sông, của suối. Theo Người, điều kiện tiên quyết để người cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là phải có đạo đức cách mạng. Người chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"2. Đạo đức là cái gốc của người cách mạng, bởi vì nó liên quan trực tiếp tới khả năng và quyết định hiệu quả "gánh vác" công việc của Đảng cầm quyền. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ và trăn trở về nguy cơ có thể xảy ra đối với một đảng cầm quyền, đó là sự sai lầm về đường lối chính trị, sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, đảng cầm quyền lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước, nếu cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa bản chất con người. Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: muốn làm cách mạng, trước hết con người phải có cái tâm trong sáng, có đạo đức cao đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và đối với dân tộc, luôn phải kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người khẳng định: “Người cách mạng, phải có đạo đức cách mạng”3. Đây không chỉ là yêu cầu về phẩm chất, năng lực mà còn là vấn đề có tính nguyên tắc trong chỉ đạo nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.

Mặc dù coi đạo đức là gốc, chiếm vị trí hàng đầu trong thang giá trị nhân cách người cách mạng nhưng Hồ Chí Minh luôn đặt đạo đức và tài năng trong mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động và quy định lẫn nhau. Bởi vì, nhờ có phẩm chất và năng lực, đức và tài mà cán bộ, đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì nhân dân phục vụ, quyết tâm đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng  lợi cuối cùng. Khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa tài và đức Hồ Chí Minh viết: "Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người"4.

Quán triệt và thực hiện lời dạy của Người, Đảng ta luôn đặc biệt chú trọng xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng khẳng định: “Chú trọng trẻ hóa và nâng cao trình độ của đảng viên; lấy đạo đức làm gốc, đồng thời bồi dưỡng về kiến thức, trí tuệ, năng lực để làm tròn nhiệm vụ người lãnh đạo”5.

Những chuẩn mực đạo đức mới, theo tư tưởng Hồ Chí Minh là những chuẩn mực đạo đức cách mạng giúp con người hướng tới "chân, thiện, mỹ"; tựu trung ở những phẩm chất: Trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người, cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng nhân đạo.

Hồ Chí Minh dạy rằng, căn cứ vào nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử, thời kỳ cách mạng, Đảng cần phải có chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Đảng, sao cho họ có đủ phẩm chất và năng lực, đức và tài để đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng tức là đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải vừa "hồng", vừa "chuyên". Vì vậy, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bao vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, nội dung, yêu cầu về phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên vừa mang những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, của cách mạng, vừa đòi hỏi phải có sự phát triển mới.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, có thể thấy bản chất, nội dung đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay là: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tin tưởng vào thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, luôn xứng đáng là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân: có lòng nhân ái và gương mẫu về đạo đức, lối sống, thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Không ngừng học tập để nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; có tinh thần tự giác học tập, rèn luyện; tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác. Có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tích cực, dũng cảm trong đấu tranh tự phê bình và phê bình; chăm lo xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong tổ chức Đảng và trong nhân dân.

Quá trình thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước có thể sẽ làm thay đổi một số mối quan hệ xã hội. Đáng chú ý là tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là mặt trái của nó đối với đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Điều đó tất yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

Thực tế đổi mới đất nước ta chỉ ra rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mặt tích cực của nó là đề cao tinh thần trách nhiệm và phát huy tính tích cực của người cán bộ, đảng viên trong công tác, lãnh đạo, quản lý, trong lao động, sản xuất học tập, nâng cao trình độ và năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Về phương diện đạo đức, ảnh hưởng của kinh tế thị trường làm cho con người tự chủ, tự lập, rèn luyện ý thức tích cực và sáng tạo; tôn vinh những phẩm chất đạo đức tốt đẹp như là tình thân ái, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với cộng đồng, Tổ quốc và nhân dân, đề cao ý chí, lòng dũng cảm, tinh thần vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đồng thời đề cao tính nguyên tắc, sự trung thực và khiêm tốn của mọi người và mỗi người cán bộ, đảng viên.

Cũng cần thấy rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta có những điểm khác biệt so với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa thời kỳ tự do cạnh tranh, đồng thời cũng khác với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đương đại. Nền kinh tế thị trường ở nước ta được xây dựng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng có những mặt trái, tiêu cực, đối lập với bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội; nó không những không giải quyết thỏa đáng các vấn đề xã hội, mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường đến tư tưởng đạo đức, lối sống của người dân Việt Nam, trong đó có đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Sự tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến lĩnh vực đạo đức, nhân cách cán bộ, đảng viên thể hiện ở nhiều khía cạnh, đó là: bản thân nó luôn tạo môi trường "thuận lợi" cho việc nảy sinh và phát triển chủ nghĩa cá nhân, nếu như chúng ta thiếu chủ trương, biện pháp kìm hãm mặt tiêu cực của nó. Do khát vọng mong muốn làm giàu bằng mọi cách, tâm lý chạy theo, sùng bái đồng tiền, lấy đồng tiền làm thang giá trị cao nhất để đánh giá, xem xét mọi việc, vì thế, họ bất chấp pháp luật, coi nhẹ lương tâm, coi thường đạo lý. Mặt trái nền kinh tế thị trường kích thích thói ích kỷ, tự tư tự lợi, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, xã hội và đất nước. Nó tạo ra lối sống hưởng lạc, lối sống gấp của xã hội tiêu thụ, lối sống thực dụng v.v... Lối sống này trái với bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa và truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta.

Thực tiễn cho thấy, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường đến lĩnh vực đạo đức đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác xây dựng Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống nói chung và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên nói riêng. Thực chất đó là thách thức đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh quyết liệt giữa hai lối sống: lối sống vì mục tiêu, lý tưởng cộng sản, lành mạnh, trung thực, có ý thức chăm lo bảo vệ của công, bảo vệ lợi ích của tập thể, của đất nước với lối sống thực dụng, cơ hội, hữu khuynh. Thách thức trong cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng rất cần phê phán, đấu tranh ngăn chặn và khắc phục. Để giữ vững sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, giữ vững vai trò tiên phong trong lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quyết tâm đi tới thắng lợi hoàn toàn.

Từ khi nước ta chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa có một thực tế là, hệ thống thang giá trị chuẩn mực xã hội được hình thành trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã và đang biến đổi: từ chỗ coi trọng đạo lý, đề cao nghĩa tình, đến chỗ đề cao các giá trị vật chất, sùng bái đồng tiền. Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng có điều kiện phát triển, mục tiêu làm giàu và coi trọng lợi ích vật chất đã và đang trở thành cái đích hướng tới của không ít người. Do vậy, đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với một số người có chức, có quyền nếu thiếu tu dưỡng đạo đức cách mạng, họ rất dễ bị cám dỗ và sa ngã bởi lợi ích vật chất "che mắt", việc lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân, tham nhũng, làm giàu bất chính dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, biến chất về phẩm chất chính trị là hệ quả tất yếu. Mỗi người cần thấy rằng, những biểu hiện tiêu cực đó đã và đang cản trở bước tiến của cách mạng và là một trong những thử thách nghiêm trọng đối với sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Rõ ràng, muốn xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển nhanh, bền vững, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở nước ta thì nhất thiết phải giữ vững và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, đồng thời phải xây dựng hệ thống chuẩn mực đạo đức mới, có chương trình giáo dục, rèn luyện để mọi cán bộ, đảng viên thấu triệt và thực hiện nghiêm túc đạo đức cách mạng.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng một nền đạo đức mới đạt kết quả vững chắc phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thật sự lành mạnh, hiện đại, văn minh; chú trọng công tác giáo dục toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, văn học pháp luật, giữ vững, kế thừa những giá trị truyền thống đạo đức của dân tộc và của cách mạng. Ngăn chặn và đẩy lùi những hiện tượng suy thoái, tiêu cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống, cản trở công tác bồi dưỡng, xây dựng đạo đức cách mạng và lối sống xã hội chủ nghĩa của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Đó cũng là một trong những nội dung, biện pháp quan trọng của công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng đạo đức, lối sống, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Xây dựng nền đạo đức mới trong tình hình hiện nay cần phải khai thác và phát huy tốt mặt tích cực, đồng thời phải kiên quyết đấu tranh chống lại và khắc phục cho được mặt tiêu cực của nó, do nó gây ra. Làm tốt việc này chúng ta mới xây dựng thành công nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên con đường đi tới thành công của sự nghiệp cách mạng, Đảng và nhân dân ta luôn có ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường, dẫn lối, tấm gương đạo đức cách mạng của Người để học tập, noi theo.

Nhìn lại quá khứ, suy ngẫm về hiện tại và hướng tới tương lai, chúng ta càng hiểu rõ rằng, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói chung, quan điểm của Người về "đạo đức là cái gốc của người cách mạng nói riêng" có ý nghĩa sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cũng như đối với công tác xây dựng Đảng trong điều kiện lịch sử mới: mở cửa, hội nhập, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Đảng ta khẳng định, phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa có tâm, có tầm, vừa có đức, có tài, phát huy tốt vai trò "đầu tàu" gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là yêu cầu cấp bách hiện nay. Điều đó có ý nghĩa quyết định đối với việc giữ vững định hướng chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sự trong sạch, vững mạnh của từng tổ chức Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới. Trong công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, rất cơ bản và cấp bách. Thấy rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức cách mạng, Đảng ta đã phát động cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"Một trong những vấn đề có ý nghĩa định hướng nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của cuộc vận động là luận điểm: "Đạo đức là gốc của người cách mạng" mà Người đã nêu ra. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên luận điểm đó chính là định hướng cơ bản, nội dung xuyên suốt và tiêu chí hàng đầu trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đó cũng là liều thuốc "đặc trị" giúp cán bộ, đảng viên phòng, chống những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường một cách hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay.

Bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trước tác động của cơ chế kinh tế thị trường là một đòi hỏi tất yếu khách quan, xuất phát từ vai trò của đạo đức, yêu cầu giữ vững và phát huy đạo đức mới, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện đảng cầm quyền. Đó cũng là vấn đề có tính nguyên tắc trong nhận thức và chỉ đạo công tác xây dựng Đảng hiện nay. Do vậy, công tác nghiên cứu, soạn thảo các văn bản pháp quy, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ "chuẩn mực đạo đức người cách mạng"; cán bộ, đảng viên tuân thủ nghiêm ngặt Điều lệ Đảng và các quy định của Đảng về những điều đảng viên được làm và không được phép làm. Dưới ánh sáng tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, giữ vững và phát huy giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đạo đức mới, đạo đức của người cách mạng. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã xây đắp nên truyền thống, văn hóa, đạo đức, nhân cách con người Việt Nam. Nét đặc sắc của truyền thống Việt Nam là yêu nước, thương nòi, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, sống nhân nghĩa, thủy chung, thông minh, hiếu học, đề cao nhân phẩm, quý trọng tình người, khiêm tốn, trung thực, cần kiệm, luôn chí công, vô tư. Những đức tính ấy đã trở thành tình cảm sâu sắc, lẽ sống cao đẹp, phong tục tập quán văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, được các thế hệ con cháu trân trọng, bồi đắp và giữ gìn. Kế thừa và phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là một tất yếu của sự phát triển. Đó là cái nền gốc vững chắc để phát triển đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên trong thời kỳ lịch sử mới của dân tộc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hai là, cần nghiên cứu, xác định bổ sung, hoàn chỉnh định hướng chuẩn mực, thang giá trị đạo đức người cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường; trước tác động của cơ chế thị trường, sự biến đổi thang giá trị đạo đức và các chuẩn giá trị đạo đức của thời mở cửa, hội nhập đang diễn ra nhanh chóng trong xã hội. Do vậy, định hướng giá trị đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phải được quan tâm đặc biệt, được nghiên cứu công phu và triển khai đồng bộ, thống nhất thiết thực và hiệu quả hơn nữa với những yêu cầu, nội dung của định hướng và biện pháp thật cụ thể. Những năm qua, công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cho cán bộ, đảng viên nhìn chung đã được quan tâm thường xuyên, chúng ta đã triển khai sâu rộng trong toàn xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp của tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần có tầm nhìn xa trông rộng và làm tốt hơn công tác dự báo khoa học để kịp thời điều chỉnh các định hướng, thang giá trị đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là điều kiện tiên quyết giúp cán bộ, đảng viên chủ động, phòng, chống ngăn chặn, khắc phục những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường.

Ba làtăng cường giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng gắn với nâng cao tính tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của từng cán bộ, đảng viên. Những phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên đương nhiên phải được xây dựng và phát triển theo thang giá trị về phẩm chất, nhân cách của người cộng sản. Đó là những tiêu chuẩn mà đạo đức mới, đạo đức cách mạng đặt ra, yêu cầu cần có. Tuy nhiên, đạo đức cách mạng không từ trên trời rơi xuống, muốn là có được. Thực tế chứng minh, không phải ra tăng trưởng kinh tế là đạo đức cách mạng được nâng lên, không phải đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện thì sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống tự động được khắc phục. Bởi vì, sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức cách mạng của mỗi người cán bộ, đảng viên không diễn ra tự phát, mà nhất thiết phải thông qua quá trình giáo dục và tự giáo dục, rèn luyện của mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong"6. Tăng cường giáo dục đạo đức hiện nay cần phải đẩy mạnh công tác học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chú trọng và làm tốt giáo dục truyền thống đạo đức và phát huy các giá trị đạo đức của dân tộc. Kết hợp giáo dục đạo đức và giáo dục chính trị, tư tưởng và giáo dục pháp luật; trong đó, cán bộ, đảng viên tuyệt đối chấp hành Điều lệ Đảng và những điều cấm đảng viên không được làm. Kết hợp giáo dục đạo đức với đẩy mạnh đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, ngoài mặt tích cực, thì nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân tạo ra môi trường "thuận lợi" cho chủ nghĩa cá nhân phát triển và chính nó là một trong những nguyên nhân chủ yếu của những tệ nạn tiêu cực đã và đang nảy sinh, tồn tại trong xã hội. Do vậy, giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết và nhất thiết phải kết hợp với đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Với di sản tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh, cuộc vận động này đã đáp ứng kịp thời yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt được kết quả tốt hơn nữa cần phải thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp; trong đó, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng và phát huy tính tích cực tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng đạo đức thật sự sát thực tế, thiết thực, hiệu quả; đặc biệt coi trọng giáo dục mục tiêu, lý tưởng cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa. Làm tốt việc nêu gương người tốt việc tốt, tôn vinh người có công với cách mạng, có thành tích trong lao động, sản xuất, v.v., để tạo động lực đẩy mạnh phong trào thi đua, hướng vào thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và những năm tiếp theo.

Tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là di sản quý giá mà Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta và dân tộc Việt Nam ta. Đó chính là di sản quý của một danh nhân văn hóa thế giới để lại góp vào kho tàng tinh hoa văn hóa của nhân loại.

_____________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H.1987. tr.183.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.252 – 253.

3,4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.283, 172.                          

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  X, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006. tr.133.

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.9, tr.293.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website