Ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh

PGS, TS. Thành Duy

Viện Khoa học và xã hội Việt Nam 

Tư tưởng Hồ Chí Minh với hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa dân tộc, về con người và văn hóa, về chủ nghĩa nhân văn và đạo đức, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và về nhiều vấn đề khác… vốn mang ý nghĩa và giá trị thời đại, được khẳng định từ Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, tự nó đã nói lên ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Song, từ Hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh lần trước đến nay, thế giới đã trải qua hai thập kỷ với rất nhiều biến động lớn, tư tưởng Hồ Chí Minh còn mang ý nghĩa và giá trị thời đại như thế nào, cần được khẳng định. Trong bối cảnh nền văn minh nhân loại đã có sự chuyển hóa sâu sắc về nhiều mặt, tạo nên cục diện thế giới mới đang ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đến quá trình phát triển của tất cả các nước và cả ở nước ta thì đương nhiên tư tưởng Hồ Chí Minh cũng phải chịu sự tác động và thử thách lớn. Rõ ràng, đây là thời cơ nhưng cũng là thách thức cho sự tồn tại và phát triển của một hệ thống tư tưởng mang tầm thời đại gắn liền với học thuyết cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và đã tạo nên những thành công kỳ diệu ở nước ta.

Trong rất nhiều diễn biến lớn của thế giới, có thể nói đến ba hiện tượng nổi bật: một là, sự phát triển bùng nổ của khoa học và công nghệ, đặc biệt là khoa học công nghệ viễn thông với mạng Internet toàn cầu, tạo ra một nền văn minh mới - văn minh trí tuệ, đồng thời tạo cơ sở thuận lợi cho sự phát triển sức sản xuất, trước hết là đẩy mạnh sức sản xuất tư bản chủ nghĩa; hai là, toàn cầu hóa mọi mặt đời sống xã hội, dẫn đến thế giới hình thành một thị trường chung trên nhiều phương diện, đặc biệt là thị trường tài chính tiền tệ; ba là, những diễn biến mới trong lòng chủ nghĩa tư bản, tạo nên sự phát triển không bình thường giữa quan hệ sản xuất với phương thức phân phối, dẫn đến những khủng hoảng không thể tránh khỏi. Ðây là một hiện tượng mới thuộc khuyết tật bẩm sinh của chủ nghĩa tư bản mà từ lâu C.Mác đã thấy trước: “Có một sự vận động tăng lên không ngừng trong những lực lượng sản xuất, một sự vận động phá hoại không ngừng trong những quan hệ xã hội, một sự vận động hình thành không ngừng trong những ý niệm”1. Cuộc vận động tăng lên không ngừng trong những lực lượng sản xuất đã dẫn đến toàn cầu hóa hay còn gọi là chủ nghĩa tư bản phiên bản 3.0, khiến cho của cải vật chất ngày càng dồi dào, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng tăng tiến; Cuộc vận động phá hoại không ngừng trong quan hệ xã hội dẫn đến sự phân hóa trong chính giai cấp tư sản, hình thành thị trường tài chính tiền tệ và các nhà tư bản tài chính đầu cơ tài chính tiền tệ nhằm tìm kiếm siêu lợi nhuận, dẫn đến cuộc đấu tranh giữa các nhà tư bản ngày càng khốc liệt, xảy ra khủng hoảng là đương nhiên; và, một sự vận động hình thành không ngừng trong những ý niệm, đó chính là những quan niệm khác nhau về lý thuyết phát triển chủ nghĩa tư bản. Trong bối cảnh mới và đặc biệt ấy, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, khám phá về ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng, trước hết cần làm rõ quan niệm về thời đại hiện nay là gì. Ðây là một vấn đề lớn có ý nghĩa thời sự cấp thiết, vì nó có tác động trực tiếp đến việc định hướng quan điểm phát triển của nhiều nước, nhất là những nước chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản như Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có ý nghĩa và giá trị thời đại khi thời đại đó được nhìn nhận và định nghĩa theo quan niệm duy vật mácxít. Trái lại, nếu thời đại được nhìn nhận theo một quan điểm khác thì việc nêu ý nghĩa thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ vô nghĩa. Để xác định một quan niệm đúng đắn thật sự khách quan và khoa học về thời đại, trước tiên cần xuất phát từ một phương pháp luận khoa học.

Lịch sử nhân loại thường diễn ra những sự kiện tưởng như ngẫu nhiên nhưng thực tế vẫn nằm trong quy luật, nhưng là quy luật nào thì thường có ý kiến rất khác nhau, tùy thuộc vào các quan niệm về thời đại, nhất là vị trí của người đề ra học thuyết. Do đó, quan niệm về thời đại như thế nào còn tùy thuộc vào những quan điểm khác nhau thường diễn ra trong suốt quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Chỉ đến khi xuất hiện học thuyết Mác với chủ nghĩa duy vật lịch sử, quan niệm về thời đại mới được xác định theo các phương thức sản xuất. Và phát hiện của Mác về lịch sử tiến hóa của nhân loại là lịch sử đấu tranh giai cấp, thời đại đã được xác định theo bước tiến của các phương thức sản xuất gắn với các chế độ xã hội, từ chế độ nô lệ đến chế độ phong kiến, từ phong kiến đến chủ nghĩa tư bản và đương nhiên từ chủ nghĩa tư bản phải đi lên một xã hội mới là xã hội chủ nghĩa.

Với quan niệm duy vật về lịch sử và khẳng định quá trình phát triển của nhân loại diễn ra trong đấu tranh giai cấp và hình thành các phương thức sản xuất, rõ ràng Mác đã giúp chúng ta một định hướng đúng đắn về phương pháp luận trong việc đi tìm định nghĩa về thời đại. Tuy nhiên, trong thời của mình, Mác cũng chưa thấy rõ thời đại tiếp theo chủ nghĩa tư bản được định nghĩa là gì, vì trong thời đại của Mác chưa rõ thực tế biểu hiện thời đại đó. Chỉ đến V.I. Lênin với sự kiện thành công Cách mạng Tháng Mười Nga, thời đại mới được xác định rõ ràng, cụ thể.

Với thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin là người đầu tiên đặt mốc mới cho thời đại hiện nay là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin viết: “Chúng ta có quyền tự hào và thực tế, chúng ta tự hào là chúng ta có vinh hạnh được bắt đầu xây dựng Nhà nước xôviết và do đó, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử thế giới, thời đại thống trị của giai cấp mới, giai cấp bị áp bức trong tất cả các nước tư bản chủ nghĩa và ở bất cứ nơi nào cũng đang tiến tới một cuộc đời mới, tiến tới chiến thắng giai cấp tư sản, tiến tới chuyên chính của giai cấp vô sản, tiến tới giải phóng loài người khỏi ách tư sản, khỏi những cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa”2.

Nhưng, tiếp theo Mác, Lênin cũng chỉ vạch ra những đường nét cơ bản để xác định thời đại mới chứ chưa thể thấy rõ thời đại ấy sẽ diễn ra như thế nào khi thế giới không chỉ có các nước tư bản phát triển mà còn số lớn các nước kém phát triển với hàng tỷ người trên trái đất chưa biết chủ nghĩa tư bản là gì. Phải đến Hồ Chí Minh, vấn đề thời đại mới thấy rõ nét và bao quát hơn, được bổ sung những nhận định mới rất cơ bản, bao gồm không chỉ các nước tư bản phát triển mà toàn thể nhân loại cần lao trên khắp hành tinh, trong đó có số lớn các nước lạc hậu chưa qua phát triển chủ nghĩa tư bản như Việt Nam, dù cho tên gọi về thời đại vẫn giữ nguyên.

Chính vì vậy, trong nhiều văn kiện của Ðảng và Nhà nước cũng như nhân dân ta đã từng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với nước ta mà còn mang ý nghĩa và giá trị thời đại. Thậm chí, có người còn khẳng định thời đại hiện nay là thời đại Hồ Chí Minh. Dĩ nhiên, các định nghĩa thời đại mang tên Người như vậy còn mang tính chủ quan chưa có cơ sở khoa học, do đó khó thuyết phục không chỉ ở ngoài nước mà ngay cả ở trong nước ta.

Tuy nhiên, việc khẳng định ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là sai mà ngày càng thể hiện rõ tầm cao trí tuệ cũng như giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua biên giới Việt Nam đến với nhiều quốc gia dân tộc có hoàn cảnh như Việt Nam trong đấu tranh vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Nói về Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng các dân tộc và cả loài người, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”. Sau đó, Hồ Chí Minh đã trích câu nói trên của Lênin về ý nghĩa vĩ đại của Cách mạng tháng Mười Nga. Tiếp theo Người viết: “Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là một ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại đã trở thành một hiện thực trong xã hội, có sức mạnh vô cùng to lớn cuốn hàng nghìn triệu người vào hành động cách mạng, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

“Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, đảm bảo cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của loài người. Giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam ngày càng thấm nhuần những lời dạy của Lênin và những bài học lớn của Cách mạng Tháng Mười”3.

Vấn đề là ở chỗ, cần làm rõ ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh trên lĩnh vực lý luận cũng như thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước ta trong bối cảnh hiện nay như thế nào.

1. Tiếp thu đồng thời phát triển học thuyết Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã thấy thế giới là thống nhất, không chỉ gồm các nước tư bản phát triển mà cả nhân loại cần lao đang cần được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, khỏi nghèo nàn, lạc hậu để có cuộc sống thật sự ấm no, hạnh phúc, cuộc sống đúng với ý nghĩa của nó. Người tìm thấy đối tượng cần được giải phóng cũng như nguồn lực sức mạnh đấu tranh giải phóng con người không chỉ có giai cấp vô sản mà là những người lao động trên khắp hành tinh, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, mầu da, nam, nữ và cả chính kiến.

Chính vì lẽ đó, từ khi đi tìm đường cứu nước, tiếp cận với học thuyết Mác và chủ nghĩa Lênin, Hồ Chí Minh không chỉ tìm được con đường cứu nước mà còn trang bị cho mình một nhân sinh quan mới, tìm thấy con đường phát triển của một đất nước còn lạc hậu, kém phát triển như Việt Nam. Ðây là quá trình Hồ Chí Minh tìm hiểu và vận dụng những nguyên lý cách mạng và học thuyết của học thuyết Mác và chủ nghĩa Lênin vào Việt Nam sao cho thích hợp chứ không phải là quá trình đơn giản, máy móc. Chính quá trình đó, Người không chỉ thành công trong việc vận dụng một học thuyết vốn có cơ sở thực tế từ xã hội phương Tây tư bản chủ nghĩa vào thực tiễn một nước thuộc địa, nông nghiệp, chưa phát triển như Việt Nam mà còn phát triển học thuyết Mác lên một tầm cao mới phù hợp không chỉ với thế giới tư bản chủ nghĩa mà cả với phần thế giới còn lại chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản mà Việt Nam là một điển hình.

Từ đó, có thể nói, nếu học thuyết Mác và chủ nghĩa Lênin mang tính thời đại bao nhiêu thì tư tưởng Hồ Chí Minh cũng mang giá trị thời đại tương xứng bấy nhiêu. Với Mác, ý nghĩa thời đại của học thuyết cách mạng và khoa học chỉ diễn ra trực diện và phù hợp với những nước phát triển chủ nghĩa tư bản; với Lênin, thời đại đã được xác định với tên gọi cụ thể nhưng vẫn tập trung ở ý nghĩa đấu tranh giai cấp giữa giai cấp công nhân và chủ nghĩa tư bản; còn với Hồ Chí Minh, ý nghĩa và giá trị thời đại không chỉ diễn ra ở các nước tư bản phát triển mà còn bao quát hơn ở tất cả các nước chưa phát triển; không chỉ bao gồm cuộc đấu tranh sống còn giữa giai cấp công nhân với chủ nghĩa tư bản mà cuộc đấu tranh đã được mở rộng trên tất cả các phạm vi và lĩnh vực đời sống xã hội; không chỉ là đấu tranh giai cấp với ách áp bức, bóc lột mà cả đấu tranh xóa bỏ đói nghèo, sự ngu dốt và lạc hậu, nhằm tạo ra một thế giới mới theo mục tiêu lý tưởng của Mác: "Tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người".

Hồ Chí Minh tiếp thu Mác ở hai khía cạnh lớn: Ðó là phương pháp luận biện chứng và nhân sinh quan tất cả vì con người, cho con người và do con người. Đương nhiên, nói đến học thuyết Mác không chỉ nói đến nhân sinh quan mà cả thế giới quan. Hồ Chí Minh không trái với thế giới quan mác-xít khi thừa nhận thế giới diễn ra trong đấu tranh giai cấp và bóc lột giá trị thặng dư vốn được xem là hai phát hiện vĩ đại của Mác. Nhưng, Người tập trung hơn vào phát hiện thứ ba của Mác được Ăngghen nhắc đến sau khi Mác qua đời, đó là lịch sử phát triển các nền văn minh, tập trung vào lý tưởng giải phóng con người không chỉ khỏi áp bức, bóc lột mà còn phải giải phóng con người khỏi nghèo nàn và lạc hậu. Ðây là vấn đề có ý nghĩa thời đại cấp bách hiện nay khi nhân loại ngày càng bị phân hóa, ngày càng phát triển những tệ nạn xã hội, ngày càng xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức, ngày càng mất niềm tin vào con người và tương lai tươi sáng của mọi thời đại mới…

2. Từ những phát hiện mới, Hồ Chí Minh phát huy chủ nghĩa dân tộc chân chính gắn với chủ nghĩa quốc tế chân chính nhằm giải phóng Việt Nam và định hướng phát triển đất nước ta theo con đường kết hợp độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Ðó là sự khởi đầu mang tính thời đại một cách sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày nay chủ nghĩa tư bản không còn phát triển bình thường nữa, chính nó đã tạo ra sự vận động hình thành không ngừng những ý niệm, vì theo Mác, “những quan hệ sản xuất trong đó giai cấp tư sản vận động, không có một tính chất nhất trí, một tính chất đơn mà là một tính chất kép, rằng trong cùng những quan hệ ấy, sự giàu có được sản sinh ra thì sự khốn cùng cũng được sản sinh ra; trong cùng những quan hệ ấy, có sự phát triển của lực lượng sản xuất thì cũng có một lực lượng sản sinh ra áp bức; rằng những quan hệ ấy chỉ sản sinh ra sự giàu có tư sản, nghĩa là sự giàu có của giai cấp tư sản, bằng cách không ngừng thủ tiêu sự giàu có của những thành viên cấu thành của giai cấp ấy và bằng cách sản sinh ra một giai cấp vô sản không ngừng tăng lên”4. Ðó là biểu hiện của sự thoái trào của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa dẫn đến sự phá sản tất yếu của nó, là hậu quả tất yếu của phương thức sản xuất hiện đang tồn tại "những dấu hiệu chứng tỏ rằng phương thức sản xuất đó bắt đầu tan rã" như Ăngghen dự báo.

Trên cơ sở thực tiễn ấy, Hồ Chí Minh đã rút ra nhận định: "Thời đại chủ nghĩa tư bản lũng đoạn cũng là thời đại của một nhóm nước lớn do bọn tư bản tài chính cầm đầu thống trị các nước phụ thuộc"5. Chính nhóm nước lớn, do bọn tư bản tài chính cầm đầu được xem là "thầy phù thủy" không kiểm soát nổi của chủ nghĩa tư bản, đang tạo nên sự phá sản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đòi hỏi một phương thức sản xuất mới thay thế. Ðó chỉ có thể là chủ nghĩa xã hội. Không phải là ngẫu nhiên, trong sự vận động hình thành những ý niệm trong lòng chủ nghĩa tư bản, cũng xuất hiện cả ý niệm về chủ nghĩa xã hội. Ðiều đó chứng minh rằng, chủ nghĩa xã hội và chỉ có chủ nghĩa xã hội mới thay thế chủ nghĩa tư bản. Sự kết thúc của lịch sử không phải là chủ nghĩa xã hội dù cho Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ. Bi kịch hiện nay là ở chỗ với sự phát triển của khoa học và công nghệ tạo ra sức sản xuất mới đáng lẽ phải có một chế độ xã hội mới cao hơn là chủ nghĩa xã hội tương ứng với nó, nhưng xã hội mới đó lại chưa đủ mạnh để thay thế chủ nghĩa tư bản đã không còn thích hợp nữa. Cho nên, không phải là ngẫu nhiên khi tỏ thái độ không tán thành với luận điểm cho rằng chủ nghĩa xã hội sụp đổ là “sự kết thúc của lịch sử”, nhà triết học Nhật Bản Taleshi Umehara cho rằng: “Sự đổ vỡ của Liên bang Xôviết cũ chỉ là dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của chủ nghĩa tự do phương Tây – trào lưu chủ yếu của thời đại ngày nay… Chủ nghĩa tự do sẽ là con cờ đôminô đổ vỡ tiếp mà thôi”6. Điều đó, ngày nay đã trở thành hiện thực. Trong bối cảnh đó, nhân loại hướng về việc tìm kiếm một mô hình về chủ nghĩa xã hội, dường như là điều tất yếu. Và, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội không chỉ có ý nghĩa và giá trị đối với Việt Nam mà chắc chắn còn có ý nghĩa và giá trị thời đại ở ngay cả các nước tư bản phát triển, dù cho quan niệm về chủ nghĩa xã hội đang cũng có nhiều ý kiến khác nhau.

3. Phát hiện quan trọng nữa của Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở những nước chưa phát triển như Việt Nam, không chỉ là đấu tranh giai cấp mà trước hết và trên hết phải tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, làm sao cho dân giàu, nước mạnh, nhân dân được tự do, hạnh phúc. Ðó là con đường phấn đấu lâu dài, gian khổ, liên tục trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị đến văn hóa và xã hội, y tế và giáo dục… Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có ý nghĩa và giá trị thời đại khi con đường phát triển xã hội mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, khi dân không còn đói, nghèo, lạc hậu, xứng đáng với một nước độc lập đi lên chủ nghĩa xã hội.

4. Ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực khác về xây dựng con người và văn hóa... Nhưng trong bối cảnh mới, tư tưởng của Người mang ý nghĩa và giá trị mới. Có thể nói chưa bao giờ thế giới lại diễn ra nhiều nghịch lý như hiện nay. Thế giới càng giàu lên thì hiện tượng nghèo đói và sự phân hóa giàu nghèo càng trở lên sâu sắc. Quả như một đại biểu người Chilê đã từng nói từ lâu: “Chúng ta đang vận động không theo hướng tạo ra sự bình đẳng về khả năng  cho những tầng lớp nghèo đói của xã hội, mà theo hướng tạo ra ngày càng nhiều khả năng hơn cho người giàu”. Chính hiện tượng nghịch lý đó đang tạo ra những khủng hoảng về niềm tin, về tâm lý, dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội như một tất yếu ở các nước được xem là văn minh, vào chính con người ở ngay các nước giàu có nhất. Kỳ lạ thay, cái thế giới văn minh đến tuyệt đỉnh khiến con người có đủ mọi thứ, thực hiện được mọi ước mơ mà trước kia chỉ là huyền thoại lại vẫn có vô số sự bất công, vô số người mất lòng tin đã tìm đến cái chết để trốn tránh cuộc đời. Kỳ lạ thay, chính ở những nước có nền kinh tế phát triển, có nhiều người là tỷ phú đôla, lại nảy sinh hiện tượng khủng hoảng về lẽ sống, phải tìm đến những cách sống xa lạ trái với tự nhiên, tạo nên những tệ nạn xã hội. Phải chăng, đó cũng chính là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức khi con người chỉ hướng vào "cái tôi" thuần túy, chạy theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan. Trong bối cảnh đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa nhân văn, về đạo đức mới đang có ý nghĩa định hướng cho con người hành động, cho con người thấy hướng đi đúng đắn.

Không phải ngày nay chúng ta mới thấy được ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ rất lâu, nhân loại tiến bộ trên thế giới, nhất là những trí thức lớn, những chính khách giàu lòng bác ái, đã từng ca ngợi và bày tỏ sự khâm phục tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng, có thể nói, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đan xen những thời cơ và thử thách, những tiêu cực và tích cực, những nghịch lý cuộc đời... thì ý nghĩa và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh càng được tỏa sáng hơn bao giờ hết.

____________

1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.187-188.

2. V.I.Lênin: Toàn tập, bản tiếng Pháp, Nxb.Xã hội, Paris và Nxb.Ngoại văn, Mátxcơva, 1961, t.33, tr.47. (trích lại theo Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, tr.301).

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.303.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.382.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.567.

6. Xem Tài liệu phục vụ nghiên cứu TN-19, Viện Thông tin khoa học xã hội, 1998.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website