Con đường tiếp biến văn hoá nhân loại của Hồ Chí Minh - giá trị và bài học

       GS. Song Thành

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh 

Hồ Chí Minh là một hiện tượng đa văn hoá. Hồ Chí Minh không phải  là một ông già xứ Nghệ thuần chất. Các nhà báo nước ngoài từng tiếp xúc với Hồ Chí Minh đều nhận xét: trong văn hoá Hồ Chí Minh có chất "uymua" Anh, chất lịch thiệp, trang nhã Pháp, chất thâm thuý, hàm súc của các nhà hiền triết phương Đông.

Bàn về tư tưởng và văn hoá Hồ Chí Minh, nếu coi đó là một “nền tảng tinh khiết, không pha trộn” – với ý nghĩa là thuần chất Mác-Lênin - chưa hẳn đã là một lời khen, bởi nó vừa không đúng về khoa học, vừa sai với thực tế. Trong tự nhiên cũng như trong xã hội, không có hiện tượng nào thuần tuý tinh khiết, không pha trộn. Văn hoá càng như thế. Chính Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định điều này: “Văn hoá Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hoá Đông phương và Tây phương chung đúc lại”. Và Người đã nhắc nhở các nhà văn hoá Việt Nam: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hoá Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hoá xưa và nay, trau dồi cho văn hoá Việt Nam có tinh thần thuần tuý Việt Nam, để hợp với tinh thần dân chủ”1. Mặt khác, Người cũng căn dặn: “Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. Mình đừng chịu vay mà không trả2, nghĩa là phải biết học tập  một cách sáng tạo,  để có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hoá của nhân loại. Đó là nguyên tắc phương pháp luận nhất quán của Hồ Chí Minh trên con đường tiếp biến các giá trị văn hoá của loài người.

Hồ Chí Minh được thừa nhận là biểu tượng sáng ngời của sự  tích hợp văn hoá Đông - Tây, trước hết đó là kết quả của một đời không ngừng học tập và thâu thái; mặt khác cũng là do Người đã luôn biết xuất phát từ bản lĩnh, bản sắc của văn hoá dân tộc để tiếp thu và biến hoá những giá trị của loài người, làm phong phú vốn văn hoá của mình mà vẫn giữ được tinh thần thuần tuý Việt Nam.

1.Truyền thống khoan dung, cởi mở của văn hoá Việt Nam

Việt Nam nằm ở ngã tư giao lưu văn hoá từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. Viêt Nam khi hình thành quốc gia trên bán đảo Ấn Độ - Trung Quốc thì hai quốc gia châu Á vĩ đại này đã có nền văn hoá phát triển rực rỡ, đang toả ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nước xung quanh. Văn hoá Việt Nam có chung cơ tầng văn hoá bản địa với các nước Đông Nam Á, nhưng đã sớm chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hoá của Trung Quốc và Ấn Độ. Bản thân hai nền văn hoá lớn này cũng có chung đặc điểm của văn hoá phương Đông là tính hỗn dung, cộng sinh cao, nên cũng không trái với truyền thống khoan dung, đối thoại cởi  mở của văn hoá Việt Nam.

Nho giáo với tư tưởng “trung hoà”, chủ trương kết hợp hài hoà các mặt đối lập: “thiên nhân hợp nhất”, “tri hành hợp nhất”, coi “thiên thời, địa lợi bất như nhân hoà”; điều đó đã góp phần làm cho nội bộ dân tộc đoàn kết,  quốc gia hoà hợp, xã hội ổn định, mong đạt tới “mưa thuận gió hoà”. Bản thân Nho giáo, trong quá trình phát triển cũng tiếp thu những yếu tố nhất định của Phật học, Đạo học, Lý học,…để tạo ra sức sống mới trong mỗi thời kỳ phát triển.

Văn hoá Phật giáo cũng mang tính dung hoà rất mềm dẻo, không ham hố tranh giành, chủ trương hoà hợp, hoà giải, kêu gọi tình thương yêu, tha thứ, chấp nhận lẫn nhau. Phật giáo vào Việt Nam từ  đầu công nguyên, góp phần đặt nền tảng nhân văn, hướng thiện cho văn hoá Việt Nam, cho lễ nghi, phong tục Việt Nam, góp phần xây dựng và củng cố nền chính trị và ngoại giao của nhà nước phong kiến Việt Nam trong những thế kỷ đầu vừa giành lại độc lập. Đến khi Nho giáo thịnh lên, Phật giáo mất đi địa vị quốc giáo, nhưng Nho-Phật vẫn cùng nhau chung sống, theo tinh thần “Nhật, Nguyệt tịnh minh, các hữu sở chiếu", (nghĩa là mặt trời, mặt trăng đều chiếu sáng, mỗi cái có cách chiếu riêng) “Ngày vừng ô chiếu sáng, đêm bóng thỏ rạng soi”, “Thích lo việc đạo, Nho lo việc đời “, cả hai đều cần thiết cho cuộc sống con người. Phật giáo chủ trương sự dung thông, vượt lên sự khác biệt về học thuyết, không loại trừ nhau mà dung hoà với  nhau, cùng tồn tại.

Lão giáo (Đạo học) lại thể hiện tinh thần bao dung theo một hướng khác, chủ trương sống hoà hợp với tự nhiên, tôn trọng quy luật của đất trời, từ đó nêu lên thuyết “vô vi, bất tranh”, “được ít không chê, được nhiều không mừng, cái vui đến thì tận hưởng, cái vui đi không than tiếc, vui vẻ với bốn mùa, hoà hợp cùng ngoại vật…”. Lão Tử kêu gọi: “Khoáng hề kỳ nhược cốc”(Hãy trống không như hang núi), nghĩa là “hãy không là gì cả” thì đời sẽ trở nên cực kỳ đơn giản và tốt đẹp.

Kitô giáo vốn là một tôn giáo bất khoan dung, lại được truyền sang phương Đông vào thời đại chủ nghĩa thực dân đi xâm chiếm thuộc địa, mở rộng thị trường, nên lúc đầu không mấy được hoan nghênh. Trong khi cố gắng phúc âm hoá của các linh mục thừa sai tại các nước Viễn Đông như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc,…ít đạt kết quả, thì Đạo Kitô lại sớm tạo được chân đứng ở Việt Nam. Ngoài “lòng nhân ái cao cả” như Hồ Chí Minh nhận xét, thì tôn giáo này dễ được tiếp nhận ở nước ta  hơn nhiều nơi khác, có thể nói cũng là nhờ tinh thần hoà đồng tôn giáo của văn hoá Việt Nam.

Còn với đông đảo người nông dân Việt Nam thời xưa thì họ có thể vừa thờ Thần, Phật lại vừa thờ cả ma quỷ (thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề), không hoàn toàn tin, nhưng cũng không muốn để nó trở thành kẻ thù có thể làm hại mình.

Những giá trị khoan dung này đã tạo cho con người Việt Nam một nếp tư duy mềm mại, uyển chuyển, không cực đoan. Trong văn hoá đối thoại, người Việt Nam thường nhớ đến một câu Kiều: “Mà trong lẽ phải có người, có ta”, tức là không hề có ý giành độc quyền chân lý! Bởi mỗi sự vật, hiện tượng vốn chứa đựng nhiều khía cạnh, nhiều tầng ý nghĩa, mỗi người, từ góc nhìn của mình, chỉ có thể tiếp cận được một phần chân lý, chứ chưa thể nắm ngay được toàn bộ chân lý tuyệt đối. Nếu “chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường”, thì  mỗi vấn đề chính trị-xã hội còn có những nhận thức khác nhau là điều bình thường. Vì vậy, cần thiết có sự lắng nghe nhau, tôn trọng nhau, hợp tác với nhau trong tìm tòi chân lý.

Hồ Chí Minh chính là biểu tượng nổi bật của tinh thần khoan dung văn hoá Việt Nam.

2. Con đường tích hợp các giá trị văn hoá nhân loại của Hồ Chí Minh

Khi còn ở trong nước, Nguyễn Tất Thành đã được hấp thụ một nền quốc học và Hán học khá cơ bản, đủ sức tạo cho anh một bản lĩnh văn hoá vững vàng để có thể không bị choáng ngợp trước nền văn  minh của phương Tây.

Ra nước ngoài, anh Thành có điều kiện đi nhiều, hiểu rộng, biết nhiều ngoại ngữ, đến được nhiều nước, làm nhiều nghề, tiếp xúc với nhiều vĩ nhân,…do đó có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hoá, gia nhập nhiều tổ chức, vào nhiều hội, đoàn (Công đoàn lao động hải ngoại ở Anh, các Hội du lịch, Hội nghệ thuật và khoa học, Câu lạc bộ Faubourg, vào Đảng Xã hội rồi Đảng Cộng sản, kể cả vào Hội Tam điểm,…) để học cách tổ chức, tìm hiểu các cơ chế chính trị – xã hội,…nhằm chắt lọc lấy cái hay, cái tốt, cái thích hợp, phục vụ cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng nước Việt Nam độc lập trong tương lai.

a. Trên hành trình đến với văn hoá nhân loại, Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của văn hoá Pháp trước tiên và có lẽ nó cũng để lại những dấu ấn sâu đậm trong tư tưởng và phong cách văn hoá của Người.

Tại Pháp, Người đã tiếp thu lý tưởng nhân quyền, dân quyền và pháp quyền của các nhà Khai sáng Pháp và vận dụng nó vào cuộc đấu tranh, phê phán chế độ thực dân, đòi các quyền ấy cho các dân tộc thuộc địa. Có thể tìm thấy dấu ấn ảnh hưởng các giá trị của nền Cộng hoà Pháp trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam, lời mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập 1945, trong Hiến pháp đầu tiên 1946,…

Đúng là Hồ Chí Minh đã sớm bị hấp dẫn bởi lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái của Đại cách mạng Pháp và muốn đi sang Pháp để tìm hiểu xem những gì ẩn đằng sau ba từ ấy. Và Người đã nhận ra rằng nền Cộng hoà Pháp chủ yếu được xây dựng trên quan điểm giá trị vềcon người cá nhân, nhất là về quyền tự do, bình đẳng của cá nhân theo tinh thần cách mạng tư sản Pháp; còn Hồ Chí Minh xuất phát từ vị trí người dân thuộc địa phương Đông, vốn đề cao tinh thần cộng đồng, luôn đặt quốc gia, dân tộc lên trên cá nhân. Với Hồ Chí Minh, Tự do trước hết vẫn là tự do của toàn dân tộc chứ chưa phải là tự do cá nhân; Bình đẳng cũng được Hồ Chí Minh nâng lên thành quyền bình đẳng giữa các dân tộc; còn Bác ái (fraternité) – một khái niệm quá rộng, như lòng bác ái của Chúa đòi hỏi phải “yêu cả kẻ thù của mình”, là điều khó chấp nhận đối với các dân tộc bị áp bức! Hồ Chí Minh hiểu khái niệm này theo đúng nghĩa của nó là tình hữu ái, như tinh thần “tứ hải giai huynh đệ”, nên Người thường quen gọi những người lao động, các dân tộc bị áp bức là anh em (hỡi anh em ở các thuộc địa!, các dân tộc anh em, các nước anh em,…).

Tóm lại, Hồ Chí Minh nhận thức Tự do, Bình đẳng, Bác ái qua lăng kính của ngươì dân bị áp bức châu Á chứ không theo tinh thần cách mạng tư sản Pháp, nên chỉ coi đó là những yếu tố cần chứ chưa đủ. Cái giá trị lớn nhất mà Hồ Chí Minh theo đuổi suốt đời là: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Điều quan trọng ấy lại không có trong bảng giá trị của nền Cộng hoà Pháp, vì vậy, trong thư kêu gọi những người Pháp  hãy cộng tác bình đẳng, thân thiện với Việt Nam để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc, Người đã chủ động bổ sung vào khẩu hiệu ấy một từ nữa: “Người Việt và người Pháp cùng tin tưởng vào đạo đức: Tự do, Bình Đẳng, Bác ái, Độc lập3. Thêm Độc lập để ràng buộc họ: “Nước Pháp muốn độc lập, không có lý gì lại muốn nước Việt Nam không độc lập?”

Như vậy, con đường Hồ Chí Minh tiếp biến các giá trị văn hoá nhân loại là  lựa chọn, tích hợp những nhân tố tiến bộ, hợp lý, cải biến nó cho phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc và nhu cầu đất nước để tạo ra cách làm riêng, không vay mượn nguyên xi một mô hình ngoại lai nào; tức là tiếp thu trên cơ sở phê phán, tiếp nhận gắn liền với đổi mới, theo các tiêu chí: Dân tộc, Dân chủ  Nhân văn.

         

b. Hồ Chí Minh  đến với chủ nghĩa Mac-Lênin, được hấp thụ một thế giới quan, nhân sinh quan triệt để cách mạng và khoa học, một vũ khí sắc bén để cải tạo xã hội và con người. Nhưng từ giác độ văn hoá phương Đông, Hồ Chí Minh nhận thấy chủ nghĩa Mác-Lênin chủ yếu vẫn được hình thành  trên nền tảng triết lý phương Tây, mang dấu ấn đấu tranh giai cấp ở phương Tây. Để được hoàn thiện, Người kiến nghị cần bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông, bởi phương Tây chưa phải là toàn thế giới !

Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác đương nhiên Người đã tiếp thu học thuyết đấu tranh giai cấp của Mác, nhưng tiếp thu và vận dụng nó vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước là hai việc khác nhau. Xuất phát từ đặc điểm của văn hoá phương Đông và Việt Nam, nhất là trong hoàn cảnh đang đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh vẫn chú trọng hơn đến đoàn kết, thống nhất, đồng thuận dân tộc. Hồ Chí Minh đã không tuyệt đối hoá đấu tranh giai cấp như một số người, chỉ thấy đấu tranh giai cấp mà không thấy sách lược liên minh, hợp tác giai cấp ở mỗi giai đoạn cụ thể (tất nhiên là vừa hợp tác, vừa đấu tranh); không thấy vấn đề đoàn kết giai cấp  trong đại đoàn kết dân tộc; không thấy vấn đề  liên minh giai cấp  trong mặt trận dân chủ chống phát xít,…

Vì vậy, trong đấu tranh giải phóng dân tộc, với nhận thức rằng “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”, “người ta không thể làm gì được cho người An Nam nếu như không dựa trên cái động lực vĩ đại và duy nhất trong đời sống xã hội của họ”, Hồ Chí Minh rất coi trọng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ dân tộc, đã ra sức củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Trong kháng chiến chống Pháp, có lần Người đã phê phán những biểu hiện tả khuynh của một số người: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng đề ra khẩu hiệu giai cấp  đấu tranh mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”4, “trong lúc cân toàn dân đoàn kết mà chủ trương giai cấp đấu tranh là môt điều ngu ngốc5”.

Hồ Chí Minh  đánh giá rất cao Luận cương của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, coi Luận cương đã đem lại  một thứ ánh sáng như là thiên khải (lux-fiat), giúp Người bừng sáng về con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Việt Nam. Nghĩa là Hồ Chí Minh đến với Lênin trước hết vẫn từ chủ nghĩa yêu nước, ca ngợi Lênin là người yêu nước vĩ đại nhất, vì sau khi đã giải phóng nước Nga, ông còn muốn giải phóng tất cả các dân tộc thuộc địa! Có thể nói, Hồ Chí Minh  là người rất mực tôn sùng Lênin, không phải ở lý luận về chuyên chính vô sản mà trước hết là ở đạo đức của Người (coi khinh sự xa hoa, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị,…), nghĩa là vẫn từ góc nhìn của văn hoá phưong Đông, văn hoá Việt Nam. Còn lý luận về nhà nước thì Hồ Chí Minh lại chủ trương xây dựng nhà nước dân chủ cộng hoà, nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc.

Nêu qua một vài dẫn chứng như trên để thấy rõ: Hồ Chí Minh là người cộng sản có tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, với chủ nghĩa Mác-Lênin, Người cũng không tiếp thu một cách giáo điều, mà lựa chọn những “cái cần thiết”, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc và nhu cầu thực tiễn của đất nước. Đó là sự tiếp thu có cải biến,  đổi mới, theo các tiêu chí đã được nêu ở trên.

Từ lý luận cách mạng vô sản của phương Tây vận dụng vào cách mạng giải phóng thuộc địa ở một nước thuộc địa phương Đông, nếu rập khuôn, giáo điều thì chỉ có thất bại. Muốn thắng lợi, đòi hỏi phải biết điều chỉnh một cách sáng tạo, biết tìm ra cách làm khác, thậm chí có điều phải làm ngược lại. Chính trên ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh không chỉ là người biết tiếp thu và vận dụng sáng tạo mà còn là người đã góp phần cải biến, phát triển, làm phong phú chủ nghĩa Mác-Lênin trên một loạt luận điểm quan trọng.

Chỉ mới hơn một năm sống ở Maxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã dám đưa ra một luận điểm mà nhiều nhà cách mạng thế giới phải suy nghĩ: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết học nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại!”.

Nguyễn Ái Quốc đã xuất phát từ truyền thống văn hoá Việt Nam để tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác. Ông là người cộng sản đầu tiên nhận ra và đánh giá cao tiềm lực của cách mạng phương Đông. Trong một bài đăng trên tạp chí Cộng sản số tháng 5-1921 của Đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã nêu vấn đề: “Chế độ cộng sản có thể áp dụng ở châu Á nói chung và ở Đông Dương nói riêng không?”.

Câu trả lời của Nguyễn là trái ngược với quan điểm của Quốc tế Cộng sản đầu những năm 20. Lúc bấy giờ, thuyết "Européo-centrisme" còn đang  thống trị châu Âu, vẫn coi châu Âu là trung tâm của thế giới, xem thường phương Đông lạc hậu, nhất là các dân tộc nhược tiểu. Các đảng xã hội Quốc tế II chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề dân tộc thuộc địa. Các đảng cộng sản theo Quốc tế III thì cho rằng: vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa chỉ có thể được giải quyết khi nào cách mạng vô sản giành được thắng lợi ở chính quốc. Cả Mác, Ăngghen, rồi Lênin cũng chưa nghĩ đến khả năng các dân tộc thuộc địa có thể tự giải phóng mình ngay giữa vòng vây của chủ nghĩa đế quốc.

Thế mà Nguyễn Ái Quốc lại cả gan đưa ra một quan điểm trái ngược, “phi kinh điển” so với các luận điểm trên. Từ sự phân tích những điều kiện kinh tế- chính trị- xã hội…của châu Á (chế độ ruộng công, thuyết bình đẳng về tài sản, sự giáo dục và lao động cưỡng bức đối với người lớn, chế độ phúc lợi cho người già, tư tưởng “dân vi quý”, sự lên án nghiêm khắc thói ăn bám,…), Nguyễn Ái Quốc đưa ra nhận định: “chủ nghĩa cộng sản thâm nhập dễ dàng vào châu Á, dễ dàng hơn là ở châu Âu”, nghĩa là theo Nguyễn Ái Quốc, cách mạng thuộc địa đi theo con đường vô sản có thể nổ ra ở châu Á, nếu “chúng ta có nhiệt tình tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản và thực tâm muốn giúp đỡ những người lao động lật đổ ách của những kẻ bóc lột” thì họ sẽ trở thành một lực lượng khổng lồ “và trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc” họ cũng “có thể giúp đỡ những người anh em ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”6.

Đó quả thật là một luận điểm táo bạo, mới mẻ, lạ lùng nữa, trước đó chưa có ai nhìn ra và chưa ai dám khẳng định mạnh mẽ như thế về khả năng thắng lợi trước của cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa.             

Tóm lại, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã từ người yêu nước trở thành người cộng sản, ngược lại Người cũng đã góp phần bổ sung cơ sở lịch sử của chủ nghĩa Mác bằng dân tộc học phương Đông, làm cho chủ nghĩa Mác từ học thuyết đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản, đồng thời còn là học thuyết đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX. Điều đó chính là kết quả của việc Hồ Chí Minh đã tiếp biến chủ nghĩa Mác-Lênin từ truyền thống văn hoá Việt Nam, văn hoá phương Đông và từ kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng Việt Nam.

c. Sau khi về Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc có dịp tiếp xúc với chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn, tiếp thu những yếu tố phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, để đề ra mục tiêu "dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc", nghĩa là vận dụng Tôn Trung Sơn nhưng đã có sự đổi khác.

- Tôn Trung Sơn đề ra chủ nghĩa dân tộc vì theo ông, Trung Quốc mới chỉ có chủ nghĩa gia tộc, chủ nghĩa tông tộc mà chưa có chủ nghĩa dân tộc. Đối với gia tộc và tông tộc, người Trung Quốc có sức liên kết vô cùng mạnh mẽ, sẵn sàng vì nó mà hy sinh, còn với quốc gia, trước nay người ta chưa có tinh thần đó. Hiện Trung Quốc tuy là nước độc lập nhưng đang bị các nước đế quốc áp bức, xâu xé như một "thứ thuộc địa", do đó phải đề xướng chủ nghĩa dân tộc, chống đế quốc, làm cho Trung Quốc hưng thịnh.

Việt Nam khác Trung Quốc, chủ nghĩa gia tộc và tông tộc không nặng như Trung Quốc, trái lại, do lập quốc sớm, nên chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đoàn kết dân tộc phát triển rất mạnh, Hồ Chí Minh không nói chủ nghĩa dân tộc mà đề ra mục tiêu dân tộc độc lập.

- Tôn Trung Sơn đề ra chủ nghĩa dân quyền, theo ông, các nước Âu - Mỹ thời quân chủ không có tự do nên mới nêu khẩu hiệu đấu tranh cho tự do; trái lại, Trung Quốc từ xưa đến nay đã sống đầy đủ trong tự do rồi, vì vậy, ông đề ra nội dung của chủ nghĩa dân quyền là dân chủ, bình đẳng. "Chủ nghĩa dân quyền của chúng ta chủ trương đạp đổ chế độ quân chủ, giành bình đẳng về địa vị chính trị cho mọi người dân, ví như các nước Âu - Mỹ giành được tự do rồi, vẫn phải tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, vì dân chủ còn bị hạn chế".

Hồ Chí Minh không nói chủ nghĩa dân quyền như Tôn Trung Sơn, mà nói dân quyền tự do, vì Việt Nam là thuộc địa của Pháp, mất quyền độc lập, phải giành lại độc lập mới có tự do, do đó mới nhấn mạnh "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!".

- Tôn Trung Sơn đề ra chủ nghĩa dân sinh, coi đó là động lực tối cao, là trọng tâm của mọi hoạt động lịch sử. Mục tiêu của ông là xoá bỏ tình trạng nghèo nàn, làm cho mọi người được quân bình về mặt tài phú mà không còn đại bần nữa. Biện pháp thực hiện của ông:

+Một là, thực hiện bình quân địa quyền, giải quyết được vấn đề ruộng đất coi như giải quyết được một phần hai vấn đề dân sinh.

+Hai là, tiết chế tư bản đồng thời xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, do nhà nước sở hữu và quản lý, lợi tức thuộc về nhân dân. Đó là hình ảnh về một thế giới đại đồng mà Khổng Tử mong muốn.

Hồ Chí Minh không nói chủ nghĩa dân sinh mà nói dân sinh hạnh phúc, làm cho ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được sống một đời hạnh phúc. Nếu nước độc lập, tự do mà dân không được hưởng hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Tóm lại, Hồ Chí Minh có mô phỏng, học theo, nhưng không sao chép nguyên văn, mà có chọn lọc, biến đổi cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

3. Giá trị và bài học từ tấm gương Hồ Chí Minh

Tiếp biến văn hoá là một quy luật tất yếu trong quá trình giao thoa văn hoá giữa các vùng miền, giữa các dân tộc; nó thể hiện phép biện chứng của tính dân tộc và tính nhân loại trong quá trình phát triển. Hồ Chí Minh được mệnh danh là nhà văn hoá kiệt xuất vì Người là một trong số ít chính khách sớm nhận thức được vai trò động lực của văn hoá, đã sớm đưa văn hoá vào chiến lược phát triển của đất nước ngay từ những ngày đầu vừa giành được độc lập. Sau 80 năm bị kìm hãm dưới chế độ cai trị của thực dân, đời sống vật chất và văn hoá của dân ta đều lạc hậu,  thấp kém, thiếu thốn nhiều bề. Chúng ta sẽ củng cố nền độc lập của nước Cộng hoà non trẻ  bằng con đường nào? Ngay từ năm 1945, Hồ Chí Minh đã lựa chọn khởi đầu bằng một chiến lược văn hoá: phát động chiến dịch chống giặc dốt, gây dựng phong trào đời sống mới, xây dựng thuần phong, mỹ tục mới, xác định văn hoá là một mặt trận, kêu gọi các nhà văn hoá phải ra sức nghiên cứu,  học tập tinh hoa văn hoá thế giới, xưa và nay,…để làm cho nền văn hoá của ta vươn lên theo tầm cao của văn hoá nhân loại. Văn hoá Việt Nam phải từ dân tộc đến với nhân loại.

Dưới sự chỉ đạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hoá Việt Nam đã không ngừng phát triển, từng bước đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất: thúc đẩy kinh tế, biến đổi phong hoá, cải tạo con người.

Trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay, để có thể đi tắt đón đầu, nhanh chóng đuổi kịp các nước tiên tiến, không có con đường nào khác, là phải dồn mọi tâm lực học hỏi, nghiên cứu để chiếm lĩnh cho được những thành tựu văn hoá, khoa học – công nghệ của loài người, biến nó thành tài sản trí tuệ của dân tộc, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng mong mỏi: “Thế giới ngày nay đang tiến những bước khổng lồ về mặt kiến thức của con người. Khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội không ngừng mở rộng ra những chân trời mới”. Người nhắc nhở thế hệ thanh niên phải ra sức “vượt mọi khó khăn để mà chiến thắng, để hưởng thụ tất cả nhưng khoa học, những hiểu biết của thời đại thế kỷ XX”7, “nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật”8.

Trong công việc này, chúng ta cần phải kế thừa và vận dụng tốt di sản tinh thần vô giá mà Hồ Chí Minh đã để lại :

- Tiếp biến văn hoá trên tinh thần độc lập, tự chủ, xuất phát từ nhu cầu và đặc điểm dân tộc, từ truyền thống văn hoá của đất nước; học người để làm giàu cho mình, hội nhập mà không đánh  mất bản sắc dân tộc, vẫn giữ được tinh thần thuần tuý Việt Nam”.          

- Không tiếp thu “cả gói" mà biết lựa chọn những cái hợp lý, cái cần thiết, tiếp thu trên tinh thần phê phán, vận dụng có đổi mới, không rập khuôn, giáo điều.

- Tiếp biến văn hoá trong thời đại hiện nay phải có chiến lược tổng thể, toàn diện, chủ động (phải khắc phục tính thời vụ, vá víu, chữa cháy), đồng thời phải nhớ đừng “chỉ có vay mà không có trả”-  như  Hồ Chí Minh đã căn dặn - tức là phải nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, phải chống lại sự dễ dãi, tầm thường, phấn đấu vươn tới  những thành tựu đỉnh cao, để có những sản phẩm xứng đáng góp  phần vào kho tàng văn hoá của nhân loại.

_____________

1. Hồ Chí Minh: Về công tác văn hoá văn nghệ, Nxb. Sự thật, H.1971, tr.71.

2. Báo Cứu Quốc, ngày 9-10-1945.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4. tr. 458.

4. Sđd, t.5, tr.272.

5. XYZ: Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Tài liệu của Ban huấn luyện Trung ương (chưa đưa vào Hồ Chí Minh: Toàn tập).

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1. tr. 36.

7. Sđd, t.9, tr.355, 497.

8. Sđd, t.12, tr.403.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website