Tư tưởng độc lập tự do với sự kiện lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước pháp quyền của toàn thể dân tộc

PGS. Lê Mậu Hãn

Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn 

"Nói đến vấn đề dân tộc tức là đã nói đến sự tự do độc lập của mỗi dân tộc tùy theo ý muốn của mỗi dân tộc... Riêng dân tộc Việt Nam..., sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới... Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc..."l.

1. Chủ trương chiến lược cách mạng giải phóng vì tự do độc lập dân tộc dưới ánh sáng của học thuyết Hồ Chí Minh

Thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề quyền tự do độc lập và quyền tự lựa chọn của mỗi dân tộc. Đối với Việt Nam, học thuyết sáng tạo về cách mạng giải phóng vì độc lập tự do của Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn của quốc gia dân tộc, đáp ứng khát vọng thiêng liêng nhất của toàn dân, "đặc biệt là các tầng lớp thanh niên trí thức, học sinh, có tinh thần yêu nước nồng nàn, thiết tha mong muốn bảo vệ truyền thống văn hóa đẹp đẽ của dân tộc, khôi phục những giá trị tinh thần cao quý của cơn người Việt Nam bị bọn đế quốc phong kiến chà đạp. Họ tỏ ra thức thời và nhạy cảm với thời cuộc..."2. Nhiều lớp huấn luyện cán bộ được mở ở Quảng Châu (Trung Quốc) do Hồ Chí Minh chỉ đạo và là giảng viên chính để đào tạo cán bộ nhằm truyền bá lý luận về đường cách mệnh", theo học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển vì độc lập tự do của Người để truyền bá vào Việt Nam, chuẩn bị để thành lập một "đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi"3. Các học viên được học tập ở Quảng Châu đã "bí mật về nước truyền bá lý luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân"4, đã làm dấy lên trong toàn quốc một phong trào đấu tranh dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, có tính chất chính trị, tính "tự giác", có tổ chức chỉ đạo của các chiến sĩ theo học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó các tổ chức cộng sản đã ra đời vào mùa thu năm 1929 và hoạt động riêng lẻ. Nhu cầu thành lập một đảng cách mệnh duy nhất đã chín muồi.

Với trọng trách lịch sử đối với dân tộc và trên cương vị là một phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề có liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, bằng thái độ chân thành, có sức thuyết phục, các đại biểu dự Hội nghị hợp nhất Đảng họp từ ngày 6-1-1930 tại Cửu Long, Hồng Kông đã đồng thuận quyết định thống nhất các tổ chức đảng đang hoạt động riêng lẻ để thành lập một đảng với tên gọi đúng đắn là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cùng các văn kiện chính trị khác. Cương lĩnh của Đảng tuy còn vắn tắt song là một Cương lĩnh cách mạng sáng tạo, thấm đượm yếu tố dân tộc về cả mục tiêu chính trị và sự tập hợp đại đoàn kết các giai cấp và tầng lớp nhân dân đấu tranh vì độc lập, tự do. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, thông qua sự thử thách, sàng lọc, chọn lựa lịch sử là sự hiện thực hóa, cuộc đấu tranh cửa dân tộc Việt Nam theo học thuyết cách mạng Hồ Chí Minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm trực tiếp của sự kết hợp học thuyết cách mạng của Hồ Chí Minh cùng với sự tác động của chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào dân tộc Việt Nam (bao gồm công nhân, nông dân, những tầng lớp lao động và học sinh, trí thức yêu nước) trong những năm 20 của thế kỷ XX. Đây là một thành công sáng tạo của Hồ Chí Minh trong cuộc vận động tổ chức một đảng tiên phong cách mạng, để lãnh đạo và tổ chức cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.

Ngay sau khi Đảng mới được thành lập, một phong trào cách mạng có tính quần chúng nổ ra ở nhiều địa phương, tiêu biểu là ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã cuốn hút mạnh mẽ lực lượng quần chúng đông đảo, không chỉ có công nhân, nông dân mà còn có trí thức, sĩ phu, phú nông, trung tiểu địa chủ và cả một số quan lại nhỏ ở nông thôn. Sự thật lịch sử đó bước đầu đã minh chứng giá trị hiện thực của tư tưởng và đường lối giương cao ngọn cờ độc lập tự do của Hồ Chí MinhNét sáng tạo độc đáo này của Hồ Chí Minh khác với quan điểm của Quốc tế Cộng sản. Theo chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, của Xtalin, Hội nghị tháng 10-1930 của Ban Chấp hành đã phê phán và quyết định thủ tiêu Chánh cương vắn tát, Sách lược vắn tắt và vạch ra một Cương lĩnh mới - Luận cương chánh trị của Đảng, đặt hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, độc lập dân tộc và người cày có ruộng ngang nhau. Còn trong chỉ đạo thực tiễn, xu hướng tả khuynh đã xuất hiện với khẩu hiệu thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ! Xu hướng "tả" khuynh đó cũng sớm được Ban Thường vụ Trung ương Đảng phê phán và nhắc nhở các cấp bộ Đảng phải sửa chữa.

Lịch sử có lúc gập ghềnh, quanh co, thậm chí sai lầm, song cuối cùng phải chảy xuôi dòng. Trải qua nhiều năm đấu tranh, rèn luyện trong thực tiễn, rút kinh nghiệm của phong trào cách mạng trong nước dưới sự chỉ đạo của Đảng và kinh nghiệm quốc tế, sự chỉ đạo của Đảng ngày càng sắc bén về chính trị, tôn trọng sự thực khách quan nên đã có sự đổi mới về đường lối, chủ trương, kể cả chủ trương mạnh dạn là thay đổi cả chiến lược cách mạng cho phù hợp với đòi hỏi của lịch sử. Trong văn kiện chung quanh vấn đề Chiến sách mới của Đảng ngày 30-10-1936, Đảng đã nêu rõ hai điều rất cơ bản về chiến lược cách mạng và về Đảng cộng sản. Đó là:

- Về chiến lược, Đảng nêu rõ: cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa... lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng.

- Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng của dân chúng bị áp bức, đội tiên phong cho cuộc giải phóng dân tộc Đông Dương.

Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đế quốc Pháp tham chiến.

Chúng thi hành chính sách thời chiến ở Đông Dương. Vấn đề sống còn của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương được đặt ra một cách cấp bách hơn bao giờ hết. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã đề ra chủ trương phải thay đổi chiến lược cách mạng.

Năm 1940, phát xít Nhật bắt đầu xâm lược Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì thực dân Pháp đã đầu hàng đón Nhật. Dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích nô lệ của Pháp và Nhật. Trong thời gian này, Hồ Chí Minh không còn phải "sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng" đã trở về đến Việt Nam ngày 28 tháng 1 năm 1941. Người đã triệu tập và trực tiếp chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Pắc Bó, Cao Bằng (từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941). Hội nghị đã phân tích một cách khoa học, tác động của cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đối với nhân loại giống như một cơn lốc lớn đang làm biến đổi số mệnh của hàng triệu con người, thúc đẩy các dân tộc phải vùng lên tự giải phóng cho mình khỏi ách nô dịch của chủ nghĩa đế quốc và thực dân. Đối với dân tộc Việt Nam lúc này: "Nhân dân Việt Nam... ai cũng chán ghét cuộc đời nô lệ, ai cũng mong muốn độc lập, tự do, và đang trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ"5.

Từ thực tiễn khách quan đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng được sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh, đã tiếp tục và phát triển tư tưởng và đường lối chiến lược cách mạng của Cương lĩnh đầu tiên của Đảng với một quyết định dứt khoát về vấn đề dân tộc rằng: "Nói đến vấn đề dân tộc tức là nói đến sự tự do độc lập của mỗi dân tộc tùy theo ý muốn của mỗi dân tộc... Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tùy theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tùy ý văn hóa của mỗi dân tộc..., tiếng mẹ đẻ của các dân tộc sẽ được tự do phát triển, tồn tại và được bảo đảm. Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng..."6.

Từ nhận thức đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định:

a. Thay đổi chiến lược cách mạng, coi cách mạng ở Đông Dương lúc đó không phải là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, phải giải quyết song song hai nhiệm vụ phản đế và điền địa nữa mà là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, nhằm đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp, giành lấy độc lập tự do. (Sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng tư sản dân quyền tạo tiền đề để tiến lên con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa).

Cách mạng giải phóng dân tộc là việc chung của cả dân chúng được tổ chức thành một mặt trận đại đoàn kết dân tộc bao gồm các giới đồng bào không phân biệt công nhân, nông dân, phú nông, địa chủ, tư sản bản xứ, già trẻ, trai gái, tôn giáo và xu hướng chính trị, ai có lòng yêu nước phải ra sức chuẩn bị tiến lên thực hiện một cuộc khởi nghĩa của toàn dân - khởi nghĩa dân tộc, đánh đuổi Nhật - Pháp làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, dân Việt Nam được hoàn toàn tự do.

b. Sau khi đánh đuổi được Nhật - Pháp sẽ thành lập một kiểu nhà nước dân tộc theo thể chế dân chủ cộng hòa. Nghị quyết khẳng định: "Dân tộc Việt Nam..., sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới... Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nan thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy"7. Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử ra và lấy lá cờ đỏ ngôi sao năm cánh làm lá cờ toàn quốc.

Sự đổi mới về tư duy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương thực hiện chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc vì tự do, độc lập, lập nên nhà nước dân chủ mới của toàn dân tộc đã đáp ứng nguyện vọng bức thiết của mọi người Việt Nam yêu nước, phấn đấu theo Chương trình của Việt Minh, chuẩn bị đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, không ỷ lại vào ai hết.

2. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước pháp quyền của chung cả toàn thể dân tộc

Cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 truất quyền của Pháp, chiếm hẳn lấy Đông Dương làm thuộc địa riêng của phát xít Nhật đã tạo ra cơ hội cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi. Cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ đã diễn ra phong phú bao gồm nhiều hình thức khác nhau, trong đó đã nổ ra các cuộc khởi nghĩa từng phần, tập chính quyền bộ phận, dẫn đến sự ra đời của khu giải phóng bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang, và một số vùng lân cận thuộc Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên. Tân Trào được chọn làm thủ đô tạm thời của Khu giải phóng. Hơn một triệu đồng bào trong Khu giải phóng đã bắt đầu hưởng được hạnh phúc cách mạng. "Một nước Việt Nam mới đang nảy nở. Nhiều chiến khu ở các địa phương khác cũng lần lượt được thành lập. Một phần Bắc Bộ đã thực tế đặt dưới chính quyền cách mạng. Nước Việt Nam mới phôi thai từ đó"8.

Giữa tháng 8-1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã đến. Theo dõi sát tiến trình của thời cuộc thế giới và trong nước, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào đã quyết định phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc trước khi quân Đồng minh kéo vào nước ta.

Ngay sau Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng vừa bế mạc thì Đại hội quốc dân đã khai mạc trưa 16-8-1945. Dự Đại hội có khoảng 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái yêu nước, các đoàn thể cứu quốc, các dân tộc ít người, tôn giáo, có cả đại biểu từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Việt kiều ở Lào và Thái Lan. Đại hội đã có ba quyết định lớn:

- Tán thành chủ trương sáng suốt của Đảng do Tổng Bí thư Trường Chinh báo cáo là: "Lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy tước vũ khí của Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương, giành lấy chính quyền từ tay Nhật và bọn bù nhìn tay sai của Nhật, dùng địa vị cầm quyền mà tiếp đón quân Đồng minh vào giải ngũ quân Nhật trên đất Đông Dương"9.

- Thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào toàn quốc phải tích cực phấn đấu thực hiện, trong đó điều mấu chốt đầu tiên là giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.

- Thành lập ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam cũng như Chính phủ lâm thời của ta lúc bấy giờ có nhiệm vụ chủ trì mọi công việc đối nội và giao thiệp với nước ngoài.

Quốc dân Đại hội Tân Trào là một biểu hiện sáng tạo, độc đáo của Hồ Chí Minh trong việc vận dụng, phát triển và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong đêm trước của cuộc Tổng khởi nghĩa. Đây "là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của ta ngót một thế kỷ nay", một tổ chức chính trị mang tầm vóc lịch sử, một Quốc hội của nước Việt Nam mới, một cơ quan quyền lực lâm thời tối cao của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc. Nhận xét về sự kiện lịch sử này, một sĩ quan tình báo Mỹ đã từng có mặt tại Việt Nam là Archimedes L.A Patti lúc bấy giờ đã viết, khi biết tin sự sụp đổ của phát xít Nhật, Hồ Chí Minh "đã hành động một cách kiên quyết và nhanh chóng... ông Hồ biết rằng ông phải làm cho mọi người thấy rõ được cả tính chất hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ vai trò lãnh đạo và phát triển phong trào".

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã thành công trong cả nước. Chính quyền cách mạng thuộc về toàn dân, ủy ban dân tộc giải phóng đã được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và thế giới: "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời". Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện mang tính pháp lý tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ mới do cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do - quyền thiêng liêng trời cho của mọi dân tộc là chính nghĩa, hợp lý và hợp pháp.

Một nhà nước độc lập, dân chủ phải là nhà nước chung của cả dân tộc, do nhân dân cử ra và quản lý xã hội bằng luật pháp, phải có hiến pháp dân chủ. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: dưới chế độ quân chủ đến chế độ thực dân, nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Vì vậy, Người đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai, gái mười tám tuổi trở lên đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...

Ngày 6-1-1946, cuộc tổng tuyển cử đã diễn ra thắng lợi trong cả nước. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội (2-3-1946), Chính phủ liên hiệp kháng chiến đã được thành lập. Đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội, họp ở Hà Nội (từ 28-10 đến 9-ll-1946), bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã được Quốc hội thông qua với 240 đại biểu tán thành trên 242 đại biểu có mặt tại kỳ họp. Hiến pháp: đạo luật cơ bản đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi rõ:

"Cuộc cách mạng tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa...

Bản Hiến pháp xây dựng trên những nguyên tắc sau:

"- Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo.

- Đảm bảo các quyền tự do dân chủ.

- Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân"11.

Tính chất dân tộc, dân chủ của toàn dân được phản ánh trong Hiến pháp, các Sắc lệnh của Chính phủ và trong thực tiễn cuộc sống của toàn dân. Kỳ họp thứ hai của Quốc hội họp trong thời điểm lịch sử rất gay go, đất nước sắp bước vào cuộc chiến đấu để chống lại âm mưu mỏ rộng cuộc tái chiếm đất nước ta của thực dân Pháp trên cả nước, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi, dân chủ, có khi gay gắt song cuối cùng đã đi đến thống nhất. "Nếu có ai có thành kiến của giai cấp, của đảng phái, của tôn giáo thì đến trong phòng này (phòng họp của Quốc hội tại nhà hát lớn Hà Nội) cũng đã để lòng nghe theo tiếng gọi cao cả và thiêng liêng hơn cả bấy nhiêu tiếng gọi lúc thường: tiếng gọi của Tổ quốc. Cái không khí ấy đã hoàn toàn phản chiếu được tình trạng của đất nước..., tình trạng thống nhất ý chí và hành động. ."12.

Tổ quốc trên hết! Đoàn kết, đại đoàn kết! Không phân biệt đảng phái! Đó là ý chí cơ bản của Quốc hội theo ngọn cờ độc lập tự do, thống nhất quốc gia dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng ta chỉ có một "Đảng Việt Nam" - đội tiên phong của dân tộc.

Trong vòng hơn một năm quản lý xã hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã triển khai hoạt động của mình trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự, ngoại giao vì lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do, hạnh phúc trong điều kiện đất nước đang phải trải qua muôn vàn khó khăn. Chính phủ đã "tỏ rõ một ý muốn duy nhất làm sao đem lại cho dân chúng được tự do độc lập hoàn toàn và để cho tất cả mọi phần tử quốc dân được hưởng tự do, độc lập ấy như muôn vật được hưởng ánh sáng mặt trời"13.

Nguồn giá trị truyền thống văn hóa tư tưởng của tổ tiên, học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển dân tộc vì độc lập tự do của Hồ Chí Minh thực sự là cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng dẫn đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập là chính nghĩa, hợp pháp, hợp hiến.

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc.

Thực chất vấn đề dân tộc là vấn đề tự do độc lập, quyền vô cùng thiêng liêng của Việt Nam cũng như mọi quốc gia trên thế giới. Dựa trên cơ sở triết lý lịch sử của Việt Nam và các quốc gia dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh đã nêu một quan điểm có giá trị nhân loại rằng: "Tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc"l4.

Nhận thức tính khách quan và giá trị thiêng liêng của quyền tự do độc lập, Đảng ta do Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và tổ chức đã thực thi quyền thiêng liêng đó ngay từ đêm trước và trong năm đầu của sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945- 1946) là sáng tạo tuyệt vời về trí tuệ và sức mạnh của Đảng, của toàn dân tộc Việt Nam, tạo nên một động lực vĩ đại cho sự trường tồn và phát triển của Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững và phát triển quyền tự do và độc lập.

Giá trị về lý luận và bài học về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc hay như cách nói của Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương tháng 5-1941 là của chung của cả toàn thể dân tộc - vẫn tiếp tục làm cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng và toàn dân trên con đường xây dựng và phát triển đất nước theo đường lối đổi mới.

__________

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.113-114.

2. Lê Duẩn: Tuyển tập (1965-1975), Nxb.Chính trị quốc gia, H,2008, t.2, tr.557.

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.1, tr.267-268.

4. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb.Văn nghệ, H.1956, tr.71.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.3,tr.173-174.

6,7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.7, tr.113-114.

8,9. Trường Chinh: Cách mạng dân chủ nhân dân, Nxb.Sự thật, t.1, tr. 384,350.

10. Archimedes L.A Patti: Tại sao Việt Nam, Nxb.Đà Nẵng, H.1995,tr.146.

11. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.1, tr.103.

12. Diễn văn bế mạc của Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, ngày 9-11-1946, Hồ sơ số 1, Văn phòng Quốc hội.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.45.

14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.5, tr.7.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website