Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

PGS, TS. Nguyễn Khánh Bật

 Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh 

1. Sự áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến đã đẩy nhân dân Việt Nam đến tình trạng "hấp hối trong vòng tử địa", Hồ Chí Minh viết: "Tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hóa làm cho dân ngu, lấy phép luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham. Nó làm cho dân nghe đến 2 chữ cách mệnh thì sợ rùng mình"l. Như vậy, có áp bức, bóc lột thì có đấu tranh. Khi sự áp bức, bóc lột càng nặng nề, tàn bạo thì tinh thần đấu tranh của quần chúng lao khổ càng mạnh mẽ, quyết liệt. Trước sự diệt vong của dân tộc, giống nòi, người Việt Nam ngày càng ý thức được rằng có cách mạng thì sống, không có cách mạng thì chết, "muốn sống thì phải làm cách mạng". Từ đây, Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: "Cách mệnh trước hết phải có cái gì?". Câu trả lời được Hồ Chí Minh khẳng định, cách đây hơn 80 năm là: "Trước hết phải có Đảng cách mệnh"2.

Đối với chủ nghĩa Mác-Lênin, sự ra đời của Đảng Cộng sản trước hết là để đáp ứng đòi hỏi sự nghiệp giải phóng giai cấp, để giải quyết mâu thuẫn đối kháng giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản. Đối với Hồ Chí Minh "cách mạng trước hết cần có Đảng" là để đáp ứng đòi hỏi giải phóng cả dân tộc Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) không chỉ vì lợi ích của giai cấp công nhân hay những người cộng sản mà trước hết là để cứu lấy con Lạc, cháu Hồng, con Rồng, cháu Tiên, con dân nước Việt. Đây là một quan điểm mới mẻ, sáng tạo của Hồ Chí Minh về tính tất yếu phải có Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa.

Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ rõ: Đảng Cộng sản là tổ chức tiên tiến của giai cấp công nhân. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen viết: "Những người cộng sản là bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước, họ là bộ phận luôn thúc đẩy phong trào tiến lên, họ hơn bộ phận khác của giai cấp vô sản ở chỗ họ hiểu rõ những điều kiện, tiến trình và kết quả của phong trào vô sản3. Chủ nghĩa Mác-Lênin cho rằng, Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân nhưng lợi ích của những người Cộng sản không chỉ gắn bó chặt chẽ với giai cấp công nhân mà còn không thể tách rời lợi ích của dân tộc. Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng đòi hỏi giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp trong dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc. V.I.Lênin nhấn mạnh: Những người cộng sản chỉ hoàn thành vai trò người chiến sĩ tiên phong đấu tranh cho tự do "khi không một lúc nào quên vai trò đặc biệt của họ trong xã hội hiện nay, không lãng quên những nhiệm vụ đặc biệt, có tính chất lịch sử toàn thế giới của họ là giải phóng nhân loại khỏi ách đô hộ về kinh tế, đồng thời giương cao ngọn cờ của toàn dân đấu tranh cho tự do"4. Từ các quan điểm trên đây của chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã bổ sung, phát triển sáng tạo những quan điểm mới về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam.

2. Trong các Văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Tư tưởng trên đây được Hồ Chí Minh quán triệt trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết sau đó. Nói chuyện với công nhân mỏ Quảng Ninh, Hồ Chí Minh vạch rõ: Đảng là tổ chức tiên phong của nhân dân lao động mà trước hết là giai cấp công nhân.

Tuy nhiên, từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa Đảng với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc có bước phát triển. Cách mạng Tháng Tám mới thành công, Nhà nước non trẻ dân chủ cộng hòa lại bị đặt trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Các thế lực xâm lược từ phương bắc, phương đông, phương Tây tràn vào Việt Nam. Mục tiêu hàng đầu của chúng là "tiêu diệt Đảng ta". Trước tình hình đó, Hồ Chí Minh vạch rõ: "Đảng không thể do dự, phải dùng mọi cách để sống còn, phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp đau đớn để cứu vãn tình thế"5Giải pháp đúng đến ứng phó được Hồ Chí Minh và Đảng ta đưa ra là: ngày 11-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán. Đảng rút vào hoạt động bí mật tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Lý do chính thức được Đảng giải thích là: "Để tỏ rằng, những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiên phong của dân tộc, bao giò cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc dân lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc"6. Tiếp tục phát triển tư tưởng Đảng của dân tộc, tháng 1-1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: "vì hoàn cảnh và trách nhiệm, tôi phải đứng ra ngoài mọi đảng phái..Nếu cần có đảng thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc hoàn toàn độc lập"7.

Tư tưởng Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và cả dân tộc, tiếp tục được Hồ Chí Minh phát triển những năm 50.

Báo cáo chính trị tại Đại hội toàn quốc lần thứ II (1951), Hồ Chí Minh vạch rõ: "Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam"8. Trong tác phẩm Thường thức chính trị (1953), Hồ Chí Minh viết: Đảng ta có hàng chục vạn đảng viên, Đảng có mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng như chân tay ruột thịt. Các đảng viên của Đảng đều quyết tâm, một lòng, một chí phụng sự giai cấp và nhân dân. "Vì vậy, Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân"10. Tháng 10-1957, Hồ Chí Minh nói: "Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc"11.

Những năm 60 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh nhiều lần thể hiện quan điểm của mình về mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản với giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Phát biểu trước những người tham dự Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn Trung ương (l-1965), Hồ Chí Minh khẳng định: "Đảng ta xứng đáng là đội tiên phong, là bộ tham mưu của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc"5.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập lãnh đạo và rèn luyện luôn luôn trưng thành và quán triệt tư tưởng của Người.

Luận cương cách mạng Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tại Đại hội II của Đảng (1951) chỉ rõ: "Đảng Lao động Việt Nam không phải chỉ là đội tiền phong và bộ tham mưu cửa giai cấp công nhân mà thôi. Nó cũng là đội tiên phong, bộ tham mưu chung của nhân dân lao động, mà chính vì thế, nó là đội tiên phong và bộ tham mưu của dân tộc Việt Nam nữa"12.

Cần nhấn mạnh rằng, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nhiều lần chỉ rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Lao động Việt Nam là đội tiên phong, bộ tham mưu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam. Tuy vậy, về thực chất chính Đảng cách mạng được thành lập ở Việt Nam từ năm 1930 luôn là chính Đảng mang bản chất giai cấp công nhân. Ngay từ Đại hội II, Đảng ta đã khẳng định: một Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, lấy dân chủ tập trung làm nguyên tắc tổ chức, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển. Một đảng có những điều kiện cốt yếu về nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức và quy luật phát triển Đảng như trên thì thực tế là chính Đảng cách mạng kiểu mẫu của giai cấp công nhân, là Đảng mácxít lêninnít.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất giai cấp của Đảng và cách diễn đạt về Đảng. Báo cáo bổ sung sửa đổi Điều lệ Đảng do Ban Chấp hành Trung ương khóa IX trình Đại hội X cho rằng, hiện nay trong cách diễn đạt về Đảng cần làm rõ những nội dung cơ bản sau:

Một là, phải khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Bản chất đó được thể hiện ở mục tiêu, lý tưởng của Đảng là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trưng dân chủ, Đảng liên hệ mật thiết với quần chúng, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển.

Hai là, cần thể hiện rõ hơn mối quan hệ giữa Đảng với giai cấp và dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đại hội nhấn mạnh trong điều kiện hiện nay khi chúng ta nêu cao tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc thì cũng cần quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong cách diễn đạt về Đảng.

Ba là, theo Hồ Chí Minh quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc là thống nhất, ngoài mục đích phục vụ lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam không có mục đích nào khác. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng vì lợi ích của giai cấp công nhân mà cũng vì lợi ích của nhân dân lao động và cả dân tộc Việt Nam .

Bốn là, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ xuất thân từ giai cấp công nhân mà được lựa chọn từ tất cả những người ưu tú, tiên tiến trong giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc. Điều lệ vắn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo và được Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thông qua đã viết: Ai tin theo chủ nghĩa Cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế Cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh của Đảng, đóng đảng phí và chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng thì được vào Đảng. Điều lệ vắn tắt cũng quy định những điều kiện cần thiết để công nhân, thợ thủ công, dân cày, học sinh, các giai cấp khác, các đảng phái khác có thể gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1960, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: đảng ta là con nòi, xuất thân từ giai cấp lao động"l3.

Quán triệt các quan điểm trên, Văn kiện Đại hội X khẳng định: "Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc"l4 . Có thể nói, ở nước ta không chỉ những người cộng sản mà quần chúng nhân dân đều coi Đảng Cộng sản Việt Nam là "Đảng của chúng ta".

Quan điểm trên đây đã tạo được sự đồng thuận cao tại hội nghị đại hội đảng các cấp tại Đại hội X. Tại Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, có 78,7% số ủy viên tán thành. Tại Đại hội đảng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương số đại biểu tán thành là 72%. Tại Đại hội đảng toàn quốc lần thứ X, số dại biểu tán thành đạt tỉ lệ 76,83%"15.

Tóm lại, cách diễn đạt như Văn kiện Đại hội X là sự khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, phù hợp với quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin, vừa nêu được nét đặc thù của Đảng, phù hợp với sự phát triển sảng tạo của Hồ Chí Minh, vừa đáp ứng nguyện vọng, tình cảm của nhân dân. Cách diễn đạt ấy hoàn toàn không phải là sự hạ thấp bản chất giai cấp công nhân của Đảng mà chính là để hiểu bản chất ấy một cách sâu sắc, nhuần nhuyễn hơn. Cách diễn đạt của Đại hội X, đòi hỏi Đảng chẳng những phải ngày càng nâng cao lập trường, tư tưởng phục vụ lợi ích giai cấp công nhân mà còn phải học tập, kế thừa. phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tăng cường sự đồng thuận xã hội, đoàn kết, tập hợp toàn dân tộc, phấn đấu cho lợi ích của nhân dân lao động và cả dân tộc.

_________

1,2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002, t.2, tr.267.

3. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb.Chính tri quốc gia, H 2002, t.4, ti.614-615.

4. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M 1975, t.5. tr. 411-412.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc Gia, H.2002. t.6, tr.161.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.8, tr.19.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.4, tr.161.

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia H 2002. t.6, tr. 175.

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia. H.2002, t.7, tr.231.

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.8, tr.295.

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc Gia, H.2002, t.11, tr.372.

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2000, t.12, tr.160.

13. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2002, t.10, tr.2.

14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, tr.52.

15. Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương: Chuyên đề nghiên cứu Nghị quyết Đại hội X của Đảng (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb.Chính trị quốc gia, H.2006, tr.268.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website