Tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nhà nước ta là xây dựng một nhà nước dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân. Theo Người, dân chủ là của quý báu nhất của dân ta, dân chủ có nghĩa là dân làm chủ, nhân dân trong nhà nước dân chủ được đặt ở vị trí tối cao. Người viết: "Dân chủ là thế nào ? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, ủy viên này khác làm gì ? Làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân dân, chứ không phải làm ông quan cách mạng"(1). Những người trong bộ máy nhà nước dù ở cấp nào cũng đều do dân bầu cử ra để đại biểu cho quyền lợi của dân cho nên bổn phận của họ là phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, không được dựa vào quyền lực để "đè đầu cưỡi cổ nhân dân", "doạ nạt nhân dân". Người yêu cầu cán bộ công chức Nhà nước phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng để xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Quyền hành và công việc mà cơ quan, nhân viên nhà nước thực hiện là của dân, do dân và vì dân, nó bắt nguồn từ ý chí, nguyện vọng của dân và chịu trách nhiệm trước dân. Đối với chế độ ta, dân làm chủ nhà nước là vấn đề thuộc về nguyên tắc, là bản chất của chế độ dân chủ mới do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước là do nhân dân xây dựng nên thông qua bầu cử. Để Nhà nước thực sự là của dân, do dân và vì dân, Người còn yêu cầu đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra và phê bình để Nhà nước làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ thật trung thành, tận tụy của nhân dân. Và ngược lại, Nhà nước muốn quản lý, điều hành xã hội có hiệu lực thì nhất thiết phải dựa vào dân, phải đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Người chỉ rõ là: Chủ tịch nước hay là nhân viên nhà nước, nếu không làm được việc cho dân, không đem lại được lợi ích cho dân thì dân không cần đến nữa.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề có tính nguyên tắc phải tuân thủ nghiêm ngặt trong xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân là luôn giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản gắn liền với việc coi trọng tính dân tộc và tính nhân dân của Nhà nước kiểu mới. Xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và sáng suốt là sự tối cần thiết để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động, là công cụ sắc bén để thực hiện chuyên chính đối với âm mưu và hành động của các thế lực thù địch đang tìm cách chống phá Nhà nước ta. Đó cũng là yêu cầu mang tính tất yếu khách quan của việc quản lý xã hội bằng pháp luật, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với mọi công dân và là cơ sở để mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, nhờ đó làm cho Nhà nước trong sạch, vững mạnh, có đủ sức để ngăn ngừa, chống mọi biểu hiện tiêu cực nảy sinh trong bộ máy nhà nước như quan liêu, tham ô, lãng phí… Người cho rằng, muốn cho các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng đều là đầy tớ của nhân dân thì việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước có đức, có tài, am hiểu pháp luật, thông thạo chuyên môn nghiệp vụ là việc làm quan trọng và hết sức cần thiết. Một nhà nước thật sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân phải coi việc phục vụ nhân dân, đem lại hạnh phúc cho dân là mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình.
Cán bộ công chức Nhà nước là người thay mặt nhân dân gánh vác công việc chung của dân, nên phải là "công bộc" của dân. Tư cách "công bộc" đã phản ánh bản chất tốt đẹp của Nhà nước kiểu mới mang tính nhân dân sâu sắc. Đó là cơ sở bền vững của chế độ mới do dân làm chủ, là sự kết tinh những giá trị văn hoá của dân tộc và thời đại, là bài học xương máu trong kế sách dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gìn giữ, vận sáng tạo vào xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, Người luôn đòi hỏi cán bộ, công chức Nhà nước phải là những người có đức, có tài, và nhấn mạnh "đức là gốc", tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân, hết lòng phụng sự cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, cầu tiến bộ, luôn gắn bó với dân, thấy việc có lợi cho dân thì gắng sức làm, thấy việc có hại cho dân thì kiên quyết tránh. Đó cũng chính là điều tốt nhất để ngăn ngừa các tiêu cực nảy sinh từ ngay trong bộ máy nhà nước. Mỗi cán bộ công chức Nhà nước trong sạch, vững mạnh là góp phần làm cho Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhiều thế hệ kế cận nhau trưởng thành. Đó là một trong những nhân tố then chốt hợp thành cội nguồn sức mạnh của Nhà nước ta, là yếu tố bảo đảm cho sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có một số người đã bị tha hoá, biến chất, tự đánh mất những phẩm chất tốt đẹp của người công bộc của dân. Họ xa rời dân, chạy theo danh vọng, tiền tài, quyền lực và tự biến thành những "ông quan cách mạng" đầy hách dịch. Cuộc đấu tranh chống lại những thói hư tật xấu ấy đang gặp không ít khó khăn; song, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân đã và đang tìm ra những ung nhọt để cắt bỏ, làm trong sạch, lành mạnh bộ máy nhà nước. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang đem lại sức sống mới để đội ngũ cán bộ công chức Nhà nước thực sự xứng đáng là công bộc của dân, để Nhà nước ta thực sự xứng đáng là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân tiếp tục được Đảng, Nhà nước ta khẳng định trong Hiến pháp và các văn kiện của Đảng. Tại Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 viết: Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: "Nhà nước là trụ cột của hệ thống chính trị, là công cụ thực hiện quyền lực của nhân dân. Đảng ta tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quản lý, xã hội bằng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước"(1). Việc xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản, cấp bách sau đây:
- Phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân bằng việc thực hiện những quy chế cụ thể, nền nếp, theo đúng phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", nhanh chóng khắc phục các biểu hiện dân chủ hình thức; kiên quyết đấu tranh chống tệ tham nhũng, phong cách làm việc quan liêu, giấy tờ, hình thức, thủ tục hành chính phức tạp, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho dân; trừng trị những kẻ vi phạm quyền làm chủ của dân.
- Đổi mới chính sách, xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có phẩm chất đạo đức và năng lực tốt, đủ sức hoàn thành chức trách và nhiệm vụ nhân dân giao phó; kiên quyết xử lý, bãi nhiệm những người tha hoá, biến chất, không đủ đức tài, không còn xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, đổi mới phương thức lãnh đạo; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; kiên quyết đấu tranh, phê phán, khắc phục mọi biểu hiện buông lỏng, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; đồng thời khắc phục tình trạng chồng chéo, bao biện, Đảng làm thay chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân là những quan điểm cách mạng, khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn trong chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. Vì vậy, học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Nhà nước kiểu mới - Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Tiến Dũng, Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự, tháng 5/2004