Luận điểm các đội du kích "phải có con đường chính trị đúng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị chỉ đạo thực tiễn xây dựng quân đội về chính trị hiện nay

Ngay từ năm 1941, để chỉ đạo quá trình xây dựng và hoạt động của các đội du kích, làm cơ sở tiến tới thành lập lực lượng vũ trang, quân đội tập trung, thống nhất của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm "Cách đánh du kích". 

Vấn đề đầu tiên đề cập trong tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là, các đội du kích "phải có con đường chính trị đúng". Đây là luận điểm cơ bản hết sức đặc sắc, thể hiện tầm tư duy chính trị sâu rộng và sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cách mạng Việt Nam, là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt, chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang cách mạng nói chung và quân đội cách mạng nói riêng. 

Luận điểm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, vấn đề cốt yếu nhất là phải bảo đảm cho các đội du kích, lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng mang bản chất giai cấp công nhân. Đây là "vận mệnh của quân đội cách mạng". Quân đội phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là mục tiêu chiến đấu, là con đường chính trị đúng đắn của lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra. Đồng thời xuất phát từ kinh nghiệm truyền thống và thực tiễn Việt Nam, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giai cấp và dân tộc, nhìn thấy sức mạnh to lớn của nhân dân trong đấu tranh cách mạng, Người đã khẳng định, các đội du kích, lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng phải mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; phải là quân đội của dân, do dân và vì dân: "Trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ"(1); quân đội phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì mới không ngừng trưởng thành lớn mạnh và chiến thắng vẻ vang. Người cho rằng, chỗ dựa vững chắc nhất là lòng dân, và phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân". Đây là nội dung nổi bật trong tư tưởng xây dựng quân đội về chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khác hẳn với quan điểm quân sự tư sản, chỉ thấy vai trò của chỉ huy, của quân đội nhà nghề được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại. Chủ tịch Hồ Chí Minh không dừng lại ở chỗ vạch ra con đường chính trị phải theo mà Người còn nêu ra biện pháp xây dựng và dẫn dắt lực lượng vũ trang, quân đội cách mạng giữ vững và đi đúng con đường chính trị đã chọn. Theo Người, trước hết, "Đoàn thể" - tức Đảng Cộng sản phải là người tổ chức và lãnh đạo các đội du kích "Tổ chức của đội phải lấy chi bộ đảng làm hạt nhân lãnh đạo"; phải chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ cho các đội du kích. Đội ngũ cán bộ đủ, vững thì các đội du kích sẽ "theo con đường đúng mà tiến tới"; phải làm tốt công tác chính trị để toàn thể cán bộ, đội viên đội du kích hiểu rõ con đường cách mạng cứu nước, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì dân, vì cách mạng. "Không có công tác chính trị đúng, các đội du kích sẽ mất tính chất cách mạng, dễ đi vào sai lầm có hại cho cách mạng". Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng xây dựng, bố trí và phát huy vai trò cán bộ chính trị các cấp "cấp nào cũng có một người chính trị phái viên. Đó là đại biểu của Đảng Cộng sản", "chính trị viên là linh hồn của đội du kích" và Người yêu cầu chính trị viên phải luôn là người đi đúng và dẫn dắt đội du kích đi đúng đường lối chính trị của đoàn thể. "Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt". Đồng thời, Người còn chỉ ra hàng loạt vấn đề về mối quan hệ máu thịt với nhân dân, mối quan hệ con người và vũ khí trong xây dựng và hoạt động của các đội du kích. Đó là những luận điểm rất cơ bản, là cơ sở tư tưởng lý luận cho quá trình thực tiễn xây dựng, chiến đấu và chiến thắng của quân đội ta trong 60 năm qua. 

Quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng quân đội, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực hiện nay, bảo đảm cho quân đội luôn đi đúng con đường chính trị; thực sự là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân, cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau: 

Một là, giữ vững và không ngừng tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định bản chất cách mạng, sự trưởng thành lớn mạnh và chiến thắng của quân đội. Vấn đề quan trọng hàng đầu bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với quân đội là phải xây dựng Đảng bộ Quân đội, hệ thống tổ chức đảng thực sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên quyết chống tiêu cực, chống suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, những biểu hiện lệch lạc về chính trị; sự tấn công xâm nhập của các khuynh hướng sai trái và của các thế lực thù địch; ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, có sức chiến đấu cao là nhân tố trước hết quyết định bảo đảm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. 

Hai là, không ngừng tăng cường hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội, công tác đảng, công tác chính trị phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức hoạt động, tập trung làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng; mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, chiến đấu của quân đội; nhận rõ đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù; xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần kỷ luật, không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực hoàn thành mọi nhiệm vụ. Đồng thời công tác đảng, công tác chính trị góp phần đắc lực xây dựng các tổ chức trong quân đội vững mạnh, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng - hạt nhân lãnh đạo chính trị, nhân tố quyết định giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc của quân đội; bảo đảm cho quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ. 

Ba là, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đội ngũ cán bộ chính trị và cơ quan chính trị các cấp. Đội ngũ cán bộ là lực lượng trực tiếp tổ chức quán triệt và thực hiện mọi đường lối, chính sách của Đảng; lực lượng nòng cốt trong xây dựng và hoạt động của các tổ chức, giữ vai trò quyết định trong xây dựng quân đội vững mạnh. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chính trị, cơ quan chính trị được giao trọng trách đảm nhiệm tổ chức tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, xây dựng quân đội về chính trị, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, phát huy bản chất cách mạng của quân đội… Thực tiễn đã chứng minh, công tác đảng, công tác chính trị mạnh hay yếu, có hiệu lực cao hay thấp phụ thuộc trước hết vào phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ chính trị và cơ quan chính trị. Vì vậy, xây dựng quân đội về chính trị đòi hỏi phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đội ngũ cán bộ chính trị các cấp. Đối với cán bộ phải coi trọng cả tài và đức, đức là gốc. Cán bộ chỉ huy phải có hiểu biết về công tác đảng, công tác chính trị, khi cần có thể làm cán bộ chính trị. Cán bộ chính trị phải có hiểu biết về chỉ huy, tham mưu, khi cần có thể làm cán bộ chỉ huy. Do đó, đội ngũ cán bộ cần phải được đào tạo bồi dưỡng toàn diện, đặc biệt chú trọng về phẩm chất chính trị, đạo đức, phải thực sự là người gương cao ngọn cờ của Đảng và định hướng mọi hoạt động trong đơn vị. 

Bốn là, tăng cường mối liên hệ máu thịt với nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí, tạo cơ sở nền tảng chính trị - xã hội vững chắc của quân đội. Đây là yêu cầu rất quan trọng hiện nay trong xây dựng quân đội về chính trị. Quân đội ta là quân đội của dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Sức mạnh chiến thắng của quân đội bắt nguồn từ sức mạnh của thế trận lòng dân, thế trận chiến tranh nhân dân. Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã khẳng định chân lý trên. Ngày nay, trong điều kiện mới, quân đội không những phải làm tốt nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ nhân dân mà còn phải làm tốt công tác dân vận, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng môi trường chính trị - văn hoá - xã hội lành mạnh trong nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của quân đội. Vì vậy, cần phải chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, cán bộ chiến sĩ tiêu biểu phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ"; nâng cao năng lực vận động quần chúng cho cán bộ chiến sĩ, nhất là các đơn vị hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tiến hành công tác dân vận, tích cực đấu tranh chống mọi tiêu cực, tệ nạn xã hội và âm mưu thủ đoạn phá hoại, chia rẽ quân đội với nhân dân của các thế lực thù địch… góp phần giữ vững, không ngừng củng cố mối quan hệ quân dân - cội nguồn sức mạnh chiến thắng của quân đội ta. 

Theo TS. Phạm Đình Nhịn, Tạp chí Giáo dục Lý luận Chính trị Quân sự

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website