Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của chính trị trong hoạt động quân sự và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam

Trong di sản lý luận quân sự vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về vai trò của chính trị trong hoạt động quân sự và xây dựng quân đội có vị trí rất quan trọng. Việc nghiên cứu tuyên truyền giáo dục tư tưởng này cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta là vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa là nhiệm vụ lâu dài. 

Do yêu cầu của cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược giành độc lập tự do cho Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành nhiều thời gian nghiên cứu về những vấn đề quân sự và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Người đã thấm nhuần sâu sắc và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về cách mạng bạo lực và xây dựng tổ chức quân sự kiểu mới phù hợp với điều kiện của nước ta. Ngay trong văn kiện "Chánh cương vắn tắt của Đảng" do Nguyễn ái Quốc khởi thảo tháng 2 - 1930, đã xác định về "phương diện chính trị" có một việc quan trọng đó là "tổ chức ra quân đội công nông", với mục tiêu nhằm đánh đổ kẻ thù chủ yếu của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc. Theo Người, đường lối nhiệm vụ, mục tiêu chính trị cách mạng đã định hướng cho việc tổ chức ra quân đội cách mạng. Để giữ vững mặt chính trị của quân đội ta trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh đều kiên trì nguyên tắc "các đảng phái không được có quân đội riêng". 

Năm 1941, trong bài "Chiến thuật du kích", Hồ Chí Minh xác định "mục đích chính trị của chiến thuật du kích giải thích theo ý nghĩa sâu rộng của nó là cốt để hoàn toàn tiêu diệt địch nhân, giành độc lập cho dân tộc"(1). Người còn chỉ rõ vấn đề cơ bản hàng đầu để tổ chức, lãnh đạo các đội du kích là "phải có con đường chính trị đúng". Tháng 10 - 1944, Hồ Chí Minh nhận định: "Cơ hội cho toàn dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh". Để nắm bắt cơ hội nghìn năm có một này, Hồ Chí Minh đã trực tiếp chuẩn bị về mặt quân sự qua việc "Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân" (chỉ thị ra đời ngày 22 - 12 - 1944). Điều đầu tiên trong chỉ thị, Hồ Chí Minh khẳng định: "chính trị trọng hơn quân sự"(1). Luận điểm gốc rễ này là sự định hướng hành động của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân lúc đó. Chính trị theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là cuộc đấu tranh cách mạng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Chính trị đó là bao hàm chính cương, nghị quyết, chính sách của Đảng, mà quân đội phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm chỉnh. Chính trị đối với người cộng sản, người quân nhân cách mạng là: "… suốt đời làm cách mạng phấn đấu cho Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, làm cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thắng lợi hoàn toàn trên Tổ quốc ta và trên thế giới"(2). Phải trên nền tảng chính trị đúng đắn thì quân đội ta mới thực sự trở thành một quân đội chân chính của nhân dân, có đầy đủ bản chất giai cấp công nhân và tính dân tộc sâu sắc. 

Trong bài nói chuyện tại Trường Chính trị trung cấp quân đội (25 - 10 - 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "phải học tập chính trị: quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng"(3). Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có sự phát triển về vai trò của chính trị đối với quân sự. Chính trị phải được coi trọng hơn quân sự vì chính trị là gốc của quân sự. Trong các hoạt động quân sự, cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang đều phải tuân thủ đường lối chính trị của Đảng. Theo Người: "chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương chính sách rồi thì phải thực hiện nếu thuộc làu mà không biết đánh giặc thì vô dụng"(4) và "vấn đề là ở chỗ tinh thần của con người phải truyền qua súng"(5). Tuy nhiên cần phải thấy rằng "đánh giặc" là nhiệm vụ chủ yếu nhưng không phải là duy nhất của quân đội và do đó, chính trị không chỉ biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. 

Tháng 4 - 1953, trong Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 3 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày đã chỉ rõ: "Muốn cho quân đội ta quyết chiến quyết thắng hơn nữa thì phải săn sóc đời sống vật chất của họ, nâng cao trình độ chiến thuật và kỹ thuật của họ, nhất là giáo dục chính trị, làm cho có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong việc chỉnh huấn bộ đội, phải lấy chính trị làm gốc, phải khởi đầu từ cán bộ dần dần đến toàn thể nhân viên. Phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ công nông"(1). Nếu xác định các công việc, nhiệm vụ mà cán bộ, chiến sĩ hoạt động trong lĩnh vực quân sự thực hiện là "chuyên môn" thì "chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn là cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi chuyên môn sau"(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: "… người không hiểu biết chính trị chỉ phất phơ cốt làm sao cho hết ngày hết giờ thôi. Do đó giáo dục chính trị, tư tưởng là một điều rất quan trọng"(3). 

Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra những công tác lớn, trong đó xác định: "Công tác lãnh đạo tư tưởng là quan trọng nhất"(4). Đến tháng 3 - 1958, khi nói với quân đội về tình hình và nhiệm vụ trước mắt tại Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ để quân đội hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình thì trước hết "phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội"(5). Ở đây thấy rõ Người không những chỉ ra vai trò của chính trị trong quan hệ với quân sự, mà còn đưa ra những giải pháp có tính nguyên tắc để thực hiện vai trò đó, đảm bảo cho quân đội ta luôn hoạt động đúng hướng, đáp ứng yêu cầu của cách mạng và hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về "chính trị trọng hơn quân sự", "chính trị làm gốc" là nền tảng cho các hoạt động quân sự thể hiện sự nhận thức và vận dụng sáng tạo những luận điểm quan trọng trong học thuyết quân sự Mác-Lê-nin vào điều kiện nước ta. Đó là các luận điểm về quan hệ giữa quân đội, chiến tranh với chính trị, về vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần trong các cuộc chiến tranh và hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Bàn về bản chất của chiến tranh, Lê-nin đã chỉ rõ: chiến tranh là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn bạo lực. Quân đội do nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng và sử dụng để tiến hành chiến tranh nên nó bao giờ cũng hoạt động theo một phương hướng mục tiêu chính trị giai cấp nhất định. Không có quân đội nào mà tổ chức và hoạt động của nó tách rời chính trị của giai cấp thống trị, mà chỉ có sự khác nhau về bản chất chính trị của các giai cấp khác nhau. Lê-nin kịch liệt phê phán quan điểm quân sự đơn thuần, quân đội trung lập đứng ngoài chính trị và vạch rõ đây là những quan điểm mang tính lừa bịp, dối trá. Các nhà kinh điển Mác-Lê-nin cũng đã khẳng định vai trò con người là chủ thể quyết định trong hoạt động quân sự mà sau này Hồ Chí Minh nói một cách dễ hiểu dễ nhớ là "người trước, súng sau". Trong con người thì nhân tố chính trị tinh thần có vai trò đặc biệt quan trọng. Nói theo Lê-nin thì nhân tố này "rốt cuộc quyết định thành bại của mọi cuộc chiến tranh". 

Kinh nghiệm tổ chức xây dựng các đội quân tiến bộ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta là một trong những cơ sở quan trọng để Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định vai trò của chính trị trong hoạt động quân sự và xây dựng quân đội. Đó là truyền thống "Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo", là xây dựng "đội quân một lòng như cha con", là tuyển chọn, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ đức và tài. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị còn là kết quả của sự tiếp thu, phát triển kinh nghiệm tổ chức xây dựng quân đội về chính trị trên thế giới, đặc biệt là của Hồng quân Liên Xô do Lê-nin sáng lập và lãnh đạo. Nhờ coi trọng xây dựng quân đội về chính trị mà Hồng quân Liên Xô thật sự đã là: "…một quân đội đầu tiên trong lịch sử biết vì sao mà chiến đấu, vì sao mà hy sinh" và Hồng quân là một đội quân vô địch, lập nên những chiến công lừng lẫy được lịch sử nhân loại ghi nhận như một dấu ấn bằng vàng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng quân đội về chính trị nhưng không tuyệt đối hoá mặt chính trị. Người đã nhiều lần nhấn mạnh quân đội phải ra sức học tập cả về quân sự, không ngừng nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, kỹ thuật, văn hoá, nghiệp vụ… Với quan điểm toàn diện, Người chỉ rõ: "Bộ đội… biết đánh là cái tốt nhưng chỉ biết đánh mà coi nhẹ chính trị, kinh tế, tuyên truyền giáo dục nhân dân tức là chỉ biết có một mặt, vì đánh không thể tách rời được với chính trị và kinh tế"(1). 

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mọi hoạt động trong tổ chức quân sự, cán bộ, chiến sĩ quân đội đều phải lấy chính trị làm gốc, làm nền tảng. Tính Đảng, tính chính trị giai cấp phải được thể hiện qua các hoạt động quân sự như chiến đấu, công tác, lao động sản xuất. Quan điểm quân sự, chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần tách rời chính trị là hoàn toàn trái với tư tưởng Hồ Chí Minh, cần được phê phán. Tư tưởng chính trị trọng hơn quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh không có nghĩa là coi trọng cán bộ và cơ quan chính trị hơn cán bộ và cơ quan quân sự, cũng không phải chính trị chỉ là việc riêng của cán bộ chính trị và cơ quan chính trị. Cần phải nắm và thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của cán bộ chính trị và cơ quan chính trị góp phần quan trọng vào xây dựng quân đội ta về chính trị. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của chính trị trong hoạt động quân sự và xây dựng quân đội, đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện nay đang tiếp tục có những biến đổi, nét nổi bật hiện nay là sự phát triển khoa học kỹ thuật quân sự đang tạo ra nhiều loại vũ khí công nghệ cao, phương thức tiến hành chiến tranh có sự thay đổi lớn. Tình hình này làm cho một bộ phận quân nhân nhận thức không đầy đủ về vai trò của nhân tố chính trị trong hoạt động quân sự, nảy sinh tư tưởng đề cao vai trò của vũ khí trang bị. Trong khi đó, âm mưu thủ đoạn "diễn biến hoà bình", thực hiện phi chính trị hoá quân đội của các thế lực thù địch tiếp tục được thực hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Ở trong nước, mặt trái của nền kinh tế thị trường và những tiêu cực xã hội đang hàng ngày, hàng giờ tác động không nhỏ vào tư tưởng và hành động của cán bộ, chiến sĩ… Tình hình này đòi hỏi hơn bao giờ hết, để giữ vững và tăng cường vai trò của chính trị đối với hoạt động quân sự và xây dựng quân đội cần tập trung làm tốt việc giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc hơn nữa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của chính trị trong hoạt động quân sự và xây dựng quân đội. Tiếp tục bổ sung, phát triển đường lối chính sách, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng đối với hoạt động của quân đội, coi trọng công tác kiểm tra việc học tập và thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đơn vị trong toàn quân. Tích cực bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị từ những cán bộ chuyên môn, am hiểu nghề nghiệp chuyên môn quân sự. Kịp thời phát hiện, đấu tranh khắc phục nhanh chóng các hiện tượng hiểu biết không đầy đủ, thiếu sâu sắc về chính trị, coi nhẹ chính trị, tuyệt đối hoá chuyên môn nghiệp vụ trong quá trình công tác của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ quân đội. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao lập trường chính trị, giác ngộ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh cho quân nhân. 

Theo TS Nguyễn Văn Thế , Tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website