Học tập, quán triệt, làm theo lẽ sống của Bác Hồ

Đạo đức, tác phong ấy của Người là lẽ sống ở đời và để thành người, vì như Người dạy: “Người có 4 đức: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một đức thì không thành người”. Để thành người: cần học tập, quán triệt, làm theo những lẽ sống mà Bác Hồ đã dạy và nêu gương sáng. 

Thứ nhất, Bác Hồ dạy về tình người. Theo Bác, nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác là vấn đề ở đời: ở đời thì phải thân dân, hết sức gần gũi quần chúng, tôn trọng phục vụ quần chúng. Đó là lòng nhân ái bao la, thương yêu, tôn trọng, tin cậy con người. Mục đích cao nhất của cuộc đời Bác Hồ là làm sao cho mọi người đều có cơm ăn, áo mặc và được học hành. Giữa mùa đông rét mướt, Bác đã từng cởi chiếc áo của mình cho một tù binh. Bác không thích gọi một trận đánh tiêu diệt nhiều địch là một trận đánh đẹp. Bác thích cái đẹp, cái nghĩa ở đời là tình người “thương yêu lẫn nhau”. 

Bản chất tộc loại của con người là con người cần đến con người, gắn bó với nhau, nương nhờ vào nhau để phát triển đời sống xã hội của mình. Tình yêu thương giữa con người với con người bắt nguồn từ chiều sâu lịch sử nhân loại là trở thành giá trị của lòng nhân ái mang tính người. Hê-ghen, nhà triết học cổ điển Đức nói: “Tình thương là một sự đánh mất cái tôi của mình vì một cái tôi khác, nhưng trong sự đánh mất đó lần đầu tiên ta tìm thấy bản thân mình”. Tình thương yêu con người được thể hiện trong mối quan hệ bạn bè, đồng chí với mọi người bình thường trong quan hệ hàng ngày. Nó đòi hỏi mọi người phải luôn chặt chẽ, nghiêm khắc với mình, rộng rãi độ lượng với người khác. Nó đòi hỏi thái độ tôn trọng con người, phải biết cách nâng con người lên, chứ không phải vùi dập con người. Người Việt Nam ta thường tâm niệm: “Thương người như thể thương thân” đó là đạo lý, là lẽ sống của dân tộc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bác Hồ đã đúc kết lại truyền thống đó của dân tộc là: “Nhân dân ta từ lâu sống với nhau có tình, có nghĩa. Từ khi có Đảng lãnh đạo, giáo dục tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà”. 

Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Bác không quên dặn lại “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải chăng, Bác muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta rằng “Tình yêu thương lẫn nhau” là điều quan trọng hàng đầu để đảm bảo đoàn kết và bao trùm lên tất cả trong các quan hệ giữa người với người. Nếu không xuất phát từ tình yêu thương lẫn nhau sẽ chẳng có điều gì có ý nghĩa cả. Vì vậy, Bác đã dạy “Trong lúc tranh đấu dễ mất một người cán bộ. Vì vậy, Đảng phải yêu thương cán bộ. Nhưng, thương yêu không phải là vỗ về, nuông chiều, thả mặc. Thương yêu là giúp họ học tập thêm, tiến bộ thêm... Thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ... cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu... Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”. Trong cuộc sống hàng ngày, chính Người đã lấy tình thương của mình để che chở, nâng đỡ mọi người, vì lẽ đó, Người là một người đầy lòng nhân ái cao cả, đẹp lạ thường. Và chính tình yêu bao la của Bác Hồ tạo nên một huyền thoại thẩm mỹ về lòng nhân ái Hồ Chí Minh, đó là lòng yêu trẻ, kính già, tôn trọng phụ nữ, thương yêu mọi người, nhất là nhân dân lao động. Mong sao, đạo lý Bác Hồ dạy về tình người là một tấm gương để soi sáng cho ta giữ gìn “Bản sắc dân tộc, đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”... 

Thứ hai, Bác Hồ dạy về lòng trung thành. Đó là lòng trung thành với Tổ quốc, với giai cấp, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với chủ nghĩa Mác - Lê nin. Lòng trung thành là thước đo thái độ, bản chất của từng con người đối với sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc, của đất nước. Có trung thành mới dám xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân. Có trung thành mới biết đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Trung thành có thể hiểu là “hiếu”. Hiếu thời xưa là hiếu với cha mẹ mình, hiếu của thời nay là hiếu với Tổ quốc, với nhân dân. Trung với nước, hiếu với dân đó là đại hiếu, cho nên Bác dạy: “Thờ dân trọn đạo hiếu. Thờ nước vẹn lòng trung” “Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp”. 

Bác Hồ đã giành cả cuộc đời của mình để phấn đấu cho chữ “hiếu trung”. Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, nhân dân của Người sống trong cuộc đời bần cùng của kiếp người mất độc lập, tự do, Người đã nghẹn ngào nuốt nước mắt, đau nỗi đau dân tình, và thế là Người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để tìm cho dân, cho nước con đường đi. Người tuyệt đối trung thành với nhân dân, với đất nước “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn”. Lòng trung thành này suốt đời chi phối Người, vì vậy mà với Người: “Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu tôi cũng chỉ đeo đuổi một mục đích là làm cho ích quốc lợi dân”. Cả cuộc đời của Người là “trung với nước, hiếu với dân”, đó là châm ngôn Người nêu cho mình và cho các cán bộ của Đảng và Nhà nước. Châm ngôn đó thể hiện lòng hiếu trung của Người đối với Đảng, với non sông đất nước và đồng bào. 

Với lý tưởng Người đã tìm được, Người tuyệt đối trung thành và phụng sự. Điều đó như Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, Liên Xô hơn 70 năm trung thành với lý tưởng đã chọn, nên là đất nước siêu cường trên thế giới, nhưng rồi đến khi xa rời sự trung thành, đất nước trở nên tuyệt vọng. May mắn thay cho dân tộc ta, nhờ lòng trung thành của lãnh tụ Hồ Chí Minh với lý tưởng Người đã tìm thấy, đất nước, nhân dân lại trung thành với Người, nên đã vượt qua được sự biến động khắc nghiệt của thời cuộc. Bởi vậy, nhân loại đã ca ngợi lòng trung thành của chúng ta: Sự vững vàng của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế hiện nay là may mắn có Bác Hồ và Đảng của Bác Hồ. 

Khi phải đi xa, Người biểu thị lòng trung thành của mình với non sông đất nước, với đồng bào “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Và Người nhắn nhủ thế hệ tương lai rằng “Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. “Trên vì nước, dưới vì nhà. Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh”. 

Học tập, quán triệt và làm theo đạo lý trung hiếu của Bác Hồ thì mới làm tròn được nhiệm vụ, giải pháp và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng: dân là gốc và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân; cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là công bộc của nhân dân. Đảng và Nhà nước phải chịu giám sát của nhân dân; sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân; nhân dân là cội nguồn của sức mạnh, là cái gốc của thắng lợi, là tài sản quý báu của Đảng”. 

Thứ ba, Bác Hồ dạy sống khiêm tốn, giản dị... Theo Người đây là vấn đề làm người, làm người thì phải chính tâm, phải cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đó là đạo đức của người cách mạng, là gốc, là cái căn bản để thực hiện lý tưởng và mục tiêu cách mạng. Khiêm tốn, giản dị là đức tính cao quý của con người. Đức tính ấy và tấm gương của Bác về đức tính đó không phải là sự hình thành bộc phát, nhất thời, mà nó hình thành trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh của Người và của dân tộc Người chống bọn xâm lược. Trong suốt thời gian đi tìm chân lý cho dân tộc, mặc dù phải trải qua những ngày gian nan, vất vả và tiếp xúc với mọi hoàn cảnh, Bác Hồ luôn luôn thể hiện một cuộc sống khiêm tốn, giản dị. Đức tính khiêm tốn, giản dị của Người đã trở thành tác phong của toàn Đảng ta. Tác phong ấy đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng đạo đức, Đảng văn minh”. Tác phong ấy là đường hướng trong việc “Xây dựng con người Việt Nam có những đức tính: có tinh thần yêu nước, có ý thức tập thể; có lối sống lành mạnh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa; lao động chăm chỉ; thường xuyên học tập”. 

Bác Hồ coi đức tính khiêm tốn, giản dị là chân lý của cuộc sống. Người khuyên “người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính... do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư, thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt ngày càng thêm… Tính tốt ấy gồm: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm... Nó là đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở mọi người “Phải học lấy bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính”. Đối với cán bộ công chức nhà nước, Bác dạy rằng: “những người trong các công sở từ làng cho đến Chính phủ Trung ương đều có nhiều ít quyền hành... Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”... “Người mà không liêm không bằng súc vật, ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Đây chính là sức mạnh của chân lý, đạo lý làm người mà Bác Hồ đã kiến trúc lên. 

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Mình vô cùng giản dị và khiêm tốn, đã hoà làm một với cuộc sống của dân tộc, luôn luôn toả sáng trên đất nước Việt Nam và toả sáng ra ngoài biên giới Việt Nam. Người luôn mong “Mỗi đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ... Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”. Khiêm tốn, giản dị giúp cho con người đặc biệt là cán bộ, đảng viên tránh được cái hư hỏng của con người, mà như Bác dạy “Xét cho cùng cái xấu trong con người là danh và lợi, bao nhiêu thứ bệnh quy về đấy, bao nhiêu tác hại là do đấy”. 

Mặc dù đã là lãnh tụ của phong trào giải phóng dân tộc, lãnh tụ của Đảng, của đất nước, nhưng lúc nào Người cũng là người khiêm tốn, giản dị và đôn hậu. Đức tính ấy cảm hoá được mọi người, dìu dắt mọi người đoàn kết chiến đấu, chính từ đức tính cao đẹp sống vì dân, chết cũng vì dân, công danh phú quý là nhờ dân, mà Bác Hồ là một con người thật sự mang tình người trong thời đại chúng ta. 

Đời nào cũng vậy, xã hội nào cũng thế, sống khiêm tốn giản dị là đạo lý đẹp đẽ nhất, cao cả nhất và người đời kính trọng nhất. Bác Hồ là người tiêu biểu của mẫu hình khiêm tốn giản dị và chính vì thế Người không bao giờ chết và người đời mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân. Khiêm tốn giản dị thật sự là hình mẫu của tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá. 

Thứ tư, Bác Hồ dạy: Lời nói phải đi đôi với việc làm. Lời nói là thể hiện lương tâm, bản lĩnh, lý trí và tình cảm ở trong mỗi con người. Việc làm là thể hiện hành vi đạo đức cụ thể của con người. Kinh thánh đã dạy: “Khởi thuỷ là lời nói”. Đại thi hào Gớt đã viết “Khởi thuỷ là hành động”. Bác Hồ bảo “Nói cái gì phải cho tin – nói và làm cho nhất trí - làm thế nào cho dân tin”. Ở Bác Hồ, lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn, nói là để mà làm, làm phải đúng như điều đã nghĩ, đã nói. Thống nhất giữa lời nói và việc làm là nguyên tắc đạo đức của Bác Hồ, bởi đó là sự thể hiện ở tấm lòng gương mẫu đạo đức của bản thân Người và những lời Người răn về đạo đức. 

Sức thuyết phục mạnh mẽ trong tấm gương đạo đức của Bác Hồ là ở chỗ dù việc lớn hay nhỏ, đối với Người bao giờ cũng là lời nói đi đôi với việc làm. Bác nêu cho cán bộ, đảng viên một luận điểm quan trọng “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”... “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”, “nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. 

Người đề xuất toàn dân tiết kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói thì Người thực hiện nhịn ăn trước; khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy giống như cán bộ, như dân; khi về thăm các địa phương, Bác mang cơm nắm với muối vừng để tiết kiệm gạo tiền của nhân dân. 

Người khuyên cán bộ phải cần, kiệm, liêm chính thì Người đã sống giản dị, thanh bạch: người khước từ ở ngôi nhà sang trọng là Phủ toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ toàn quyền, đến khi nhận một chút tài sản của Đảng, của nhân dân giành cho thì Người đã nhận một ngôi nhà sàn đúng như điều Người muốn: “Riêng về phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng rau... Không dính líu gì đến vòng danh lợi”; Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước đi dép lốp, mặc áo vá vai, dùng loại ô tô xoàng nhất, cũ nhất... Bác làm những việc như thế để thực hiện điều Bác nói “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra, vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”. Đạo lý này, lẽ sống này hẳn sẽ là một tấm gương soi sáng cho ta trong việc thực hiện mục tiêu của Đảng đề ra: Xoá đói, giảm nghèo, công bằng xã hội. 

Người dạy mọi người chống chủ nghĩa cá nhân, thì Người đã nêu gương chống sùng bái cá nhân, sống khiêm tốn. Trong suốt thời kỳ đi tìm phương cữu nguy cho dân tộc đến cả thời kỳ đứng đầu Nhà nước và cho đến lúc ra đi “Gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”, cũng như những con người thật sự vĩ đại khác, Bác Hồ không bao giờ nghĩ mình là bậc vĩ nhân, không bao giờ đặt cái tôi cao hơn dân tộc và sự nghiệp của dân tộc, cho dù đó là con người tiêu biểu nhất của dân tộc. Người chỉ ôm ấp một ước nguyện, một đạo lý là làm sao cho nước nhà hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành; vào dịp ngày sinh của mình, Người thường tìm cách vắng nhà để tránh việc mọi người đến chúc thọ, tặng quà; khi đi vào cõi trường sinh, Người dặn không tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thời giờ, tiền bạc của nhân dân... 

Nói đi đôi với làm mà Bác Hồ dạy chúng ta, và những việc mà Bác làm để làm “mực thước” cho mỗi chúng ta, đó chính là lẽ sống “Thật” và “Thật sự”. Vì “Thật” đối lập với giả, với dối; “Thật sự, đối lập với qua loa, nửa vời, làm thứ vũ khí hữu hiệu để chống lại những kẻ gian giảo, xảo quyệt nói không đúng với làm, nói một đằng làm một nẻo, dùng lời nói để giấu diếm tội lỗi”, như Bác Hồ đã chỉ cho chúng ta rõ “Có những người miệng thì nói phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân”. 

Những lẽ sống ở đời mà Bác Bồ đã nêu gương sáng, là mẫu hình của vị anh hùng dân tộc vĩ đại, nhà văn hoá lớn của thời đại, người cộng sản mẫu mực và chiến sĩ quốc tế trong sáng, thuỷ chung, tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, thương dân, về tư tưởng, trí tuệ, và nhân cách, đạo đức lối sống cho các thế hệ Việt Nam. Chúng ta chỉ có thể học tập, quán triệt và làm theo lẽ sống ấy của Người thì mới đáp đền sự mong muốn của Người “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”; mới thực hiện được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. 

Theo TS Trần Viết Hoàn, Tạp chí Dân vận tháng 9/2005.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website