Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc nâng cao đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay

1 - Trong sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đạo đức. Người viết: "Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang"(1). Chính vì vậy, Người hết sức chú trọng đến việc xây dựng nền tảng đạo đức cách mạng của Đảng, của cán bộ, đảng viên. Người coi trọng cả đức và tài, nhưng đức là "gốc", tài phải lấy đức làm cơ sở. Nếu không có đức thì dù tài giỏi mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với quan niệm đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Người sử dụng một cách tài tình những phạm trù đạo đức cũ quen thuộc trong xã hội phong kiến, cải tạo chúng và đưa vào những nội dung mới có tính cách mạng sâu sắc. Tư tưởng đạo đức của Người rất phong phú, hàm súc, nhưng cái cốt lõi là tư tưởng trung với nước, với Đảng, hiếu với dân; Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người chỉ rõ: "Đó là đạo đức cách mạng,... không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người"(2). 

Theo Người, trung với nước, với Đảng là tự nguyện, tự giác suốt đời phấn đấu cho độc lập của Tổ quốc, tự do của nhân dân, xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, biến lý tưởng cao đẹp của Đảng thành hiện thực, bất chấp mọi khó khăn, thử thách, kể cả sự hy sinh khi cần thiết. Hiếu với dân là phải tự coi mình là công bộc của dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Đảng ta từ nhân dân mà ra. Cán bộ, đảng viên là con em của nhân dân. Có thể nói, nếu không có nhân dân thì không có cách mạng, không có Đảng. Cán bộ, đảng viên có thật sự là công bộc của dân thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu, mới lãnh đạo được nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng công bộc của dân. Thái độ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, sách nhiễu dân, "lên mặt làm quan cách mạng", vi phạm quyền làm chủ của dân là trái với đạo đức cách mạng và tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Trong tám đức lớn: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người viết: 

"Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. 

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. 

Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. 

Thiếu một mùa, thì không thành trời. 

Thiếu một phương, thì không thành đất. 

Thiếu một đức, thì không thành người"(3). 

Cần, Kiệm, Liêm, Chính được Người giải thích một cách cặn kẽ và nêu lên những thí dụ cụ thể, sinh động. Xin nêu những điểm chính: 

Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng dẻo dai, là luôn luôn cố gắng, biết nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình để làm việc lâu dài. 

Kiệm là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. 

Cần và Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của một con người. Cần mà không Kiệm thì "làm chừng nào, xào chừng ấy". Kiệm mà không Cần thì không tăng thêm, không phát triển được. Muốn tiết kiệm có kết quả tốt thì phải khéo tổ chức. Không biết tổ chức thì không biết tiết kiệm. 

Liêm là trong sạch, không tham lam. Liêm phải đi đôi với Kiệm, cũng như Kiệm phải đi đôi với Cần. Có Kiệm mới Liêm được, vì xa xỉ mà sinh tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng đều là bất Liêm. 

Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không thẳng thắn, đứng đắn là tà. 

Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. 

Đối với người, không nịnh hót người trên, không xem khinh kẻ dưới. Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, phải thật thà đoàn kết. Phải học người và giúp tiến bộ, phải thực hành chữ bác ái. 

Đối với việc, phải để việc nước lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi, đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm. 

Bất kỳ việc to, việc nhỏ, phải có sáng kiến, phải có kế hoạch, phải cẩn thận, phải quyết làm cho thành công. 

Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm, việc dở thì dù nhỏ mấy cũng tránh. 

Việc gì có lợi cho mình, phải xét có lợi cho nước không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước quyết không làm. 

Cần, Kiệm, Liêm, Chính là thiện. 

Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác. 

Có Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì mới đạt đến Chí công vô tư được. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những dày công xây dựng nền tảng đạo đức cách mạng của Đảng, giáo dục cán bộ, đảng viên tu dưỡng rèn luyện mà Người còn ra sức thực hành, nêu gương cho cán bộ, đảng viên noi theo. Nhờ vậy, Đảng ta có một đội ngũ cán bộ, đảng viên vững vàng, kiên định. Trong cách mạng và kháng chiến, họ đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách ác liệt, không quản ngại gian khổ, hy sinh; nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, mưu trí, dũng cảm, tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo và thâm độc. Họ được dân tin, dân phục, dân yêu, được nhân dân đùm bọc, che chở, bảo vệ. Nhờ đó, Đảng đã tổ chức lãnh đạo nhân dân làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thành công và đưa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi vẻ vang, giành độc lập hoàn toàn và thống nhất đất nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. 

2 - Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy. Đảng chủ trương xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ nhằm huy động mọi nguồn lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Đảng khuyến khích và tạo điều kiện để mọi người vươn lên làm giàu chính đáng; để các nhà doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế kinh doanh hợp pháp, hợp đức, vừa lợi nhà, vừa ích nước. Những người làm ăn giỏi, những nhà doanh nghiệp giỏi ở bất cứ thành phần kinh tế nào đều được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh. Họ chính là đại biểu cho mặt tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Tuy nhiên, mặt trái của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa cũng tác động tiêu cực đến xã hội, đến đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đã nảy sinh và phát triển tư tưởng "sùng bái" đồng tiền, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thực dụng, vị kỷ, vụ lợi. Để kiếm được nhiều tiền, càng nhiều càng tốt, nhiều người dùng mọi thủ đoạn như gian lận thương mại, lừa đảo, buôn lậu, trốn thuế, làm hàng giả, buôn bán ma túy, mua chuộc, hủ hóa cán bộ v.v. làm tổn hại đến lợi ích của nhà nước và của nhân dân, làm cho không ít cán bộ bị sa ngã. 

Trong khi đa số cán bộ, đảng viên ra sức phấn đấu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, góp phần tạo ra những thành tựu to lớn về mọi mặt, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thì có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị khuất phục bởi sức mạnh của đồng tiền, dẫn đến sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức, làm xói mòn nền tảng đạo đức cách mạng của Đảng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp, làm tổn thương mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Biểu hiện điển hình của sự suy thoái về đạo đức là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, lối sống hưởng lạc, sa đọa, không lành mạnh. Đứng trước thực trạng nêu trên, Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, biện pháp để khắc phục. Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, Chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt gắn với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách nền hành chính nhà nước, làm cho Đảng, Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh ngang tầm với nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới. Nhiều vụ trọng án có dính líu với tham nhũng, hối lộ của một số cán bộ có chức, có quyền đã được đưa ra xét xử theo pháp luật. 

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tại Đại hội Đảng lần thứ IX, Đảng ta đã thẳng thắn thừa nhận: "Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến". Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa IX nhận định: "Điều làm cho nhân dân còn nhiều bất bình, lo lắng, bức xúc nhất hiện nay là tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, và phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn rất nghiêm trọng, kỷ cương, phép nước trong nhiều việc, nhiều lúc chưa nghiêm". Thực trạng đó đang trở thành vấn đề ngày càng bức bách, nhất là trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Đảng đang cố gắng hoàn thiện đường lối đổi mới để đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới,tạo nên một sự phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển nhanh và bền vững là vấn đề sống còn của cách mạng nước ta. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang là một lực cản to lớn của sự nghiệp đổi mới đất nước, gây tổn thất nghiêm trọng trong lĩnh vực kinh tế, gây ảnh hưởng xấu trong lĩnh vực chính trị, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, có lợi cho các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá cách mạng nước ta, nhằm thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", gây bạo loạn, lật đổ của chúng. 

Do đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức của cán bộ, đảng viên hiện nay có tầm quan trọng đặc biệt. Đảng cần chăm lo củng cố nền tảng đạo đức cách mạng của Đảng; cần coi trọng yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức trong việc thực hiện nhiệm vụ then chốt xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Phải hết sức coi trọng việc giáo dục thường xuyên tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tập trung vào bốn đức cần, kiệm, liêm, chính, làm cho nó "sâu rễ, bền gốc" trong cán bộ, đảng viên, trước hết là trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể các cấp và trong các tổ chức kinh tế. Cán bộ lãnh đạo có thấm nhuần và thực hành đạo đức cần, kiệm, liêm, chính mới chí công vô tư, làm gương cho cán bộ, đảng viên noi theo, mới gây được ảnh hưởng tốt trong xã hội. Người xưa đã có câu nói rất đúng "Thượng chính thì hạ yên, thượng bất chính thì hạ tắc loạn". Cán bộ lãnh đạo mà thực hành cần, kiệm, liêm, chính thì cán bộ, nhân viên dưới quyền mình cũng phải thực hành, vì nếu không thực hành mà tham ô, lãng phí thì sẽ bị lãnh đạo khiển trách, bị kỷ luật, sa thải, thậm chí bị truy tố trước pháp luật nếu cấu thành tội phạm. Cán bộ, đảng viên thấm nhuần đạo đức cần, kiệm, liêm chính và biến thành hành động, đó là cách "miễn dịch" tốt nhất chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sống buông thả, sa đọa... Có như vậy Đảng, Nhà nước và các tổ chức trong hệ thống chính trị mới thật sự trong sạch, vững mạnh, mới tự bảo vệ được mình và mới làm cho xã hội lành mạnh, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Đảng có đường lối chính trị đúng đắn, có đội ngũ cán bộ, đảng viên cần, kiệm, liêm, chính thì vai trò lãnh đạo của Đảng cầm quyền mới được củng cố vững chắc, mới được "dân tin, dân phục, dân yêu", không một thế lực nào có thể đánh bại được. "Được lòng dân thì được thiên hạ, mất lòng dân thì mất thiên hạ". Câu nói đó của người xưa quả là chân lý. 

Để củng cố nền tảng đạo đức cách mạng của Đảng, cán bộ, đảng viên cần học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đảng cần xây dựng một quy chế học tập, tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên đạo đức cần, kiệm, liêm, chính cho tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo. Học một cách nghiêm túc, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, học đi đôi với hành. Hiện nay, tệ tham nhũng, hối lộ, đục khoét của công khá phổ biến và nghiêm trọng trong một số cán bộ có chức, có quyền. Điều này, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm. Theo Người, để thực hiện chữ Liêm, cần tuyên truyền, kiểm soát, giáo dục pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên. Trước nhất là cán bộ các cơ quan, đoàn thể, từ cao xuống thấp. Người viết: "Quan tham thì dân dại". Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hóa ra LIÊM. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ. Để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM, pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Theo Người, cần làm cho mỗi người phải nhận rằng tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân. Cán bộ thi đua thực hành liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh mẽ về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ. Như vậy, Người đã đề ra những biện pháp kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống" trong lĩnh vực đạo đức. 

Vấn đề tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trước hết là vấn đề tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền là những người có trách nhiệm rất lớn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đảng cần quan tâm giáo dục thường xuyên và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tiến hành đồng thời với việc nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ quyền hạn của mình trong việc kiểm soát cán bộ và có cơ chế, quy chế cụ thể để nhân dân thực hiện có hiệu quả quyền kiểm soát ấy. Đối với cán bộ, đảng viên, không còn giữ được cần, kiệm, liêm, chính, sa đọa về phẩm chất, đạo đức thì kiên quyết xử lý nghiêm minh bằng kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phải kết hợp chặt chẽ giữa "xây" và "chống", trong "xây" có "chống", trong "chống" có "xây", làm cho tổ chức đảng, bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, Đảng ta xứng đáng là một Đảng đạo đức, văn minh, lãnh đạo toàn dân đoàn kết, đưa nước ta phát triển trên con đường dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. 

Theo Lê Hữu Nghĩa
Tạp chí Cộng sản (2+3-2006)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website