Bồi dưỡng, phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh bảo vệ vững chắc Tổ quốc

Để đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, chủ động ngăn chặn nguy cơ chiến tranh xâm lược và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù, chúng ta cần tích cực bồi dưỡng nâng cao chất lượng tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân, của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó cần chú trọng nâng cao chất lượng chính trị-tinh thần của dân tộc, mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 

Trong suốt hành trình lịch sử của mình, dân tộc Việt Nam liên tục trải qua những cuộc chiến tranh điển hình về tính chất ác liệt và sự gian khổ hy sinh, luôn phải đương đầu với những thế lực xâm lược điển hình về tính chất tàn bạo và sự hiếu chiến, có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần, nhưng dân tộc ta không chịu khuất phục, không bị đồng hoá như một số dân tộc khác trong lịch sử nhân loại. Vì sao như vậy? Đó là vì dân tộc ta đã tự xây dựng được bản lĩnh chính trị, bản sắc văn hoá và sức mạnh chính trị-tinh thần to lớn, mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Đó là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định trong sức mạnh của dân tộc Việt Nam để trường tồn và phát triển. 

Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh thắng hai thế lực xâm lược lớn là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Dân tộc ta tiếp tục vượt lên qua cơn lốc sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, thu được những thành tựu to lớn và rất quan trọng trong công cuộc đổi mới theo định hướng XHCN, đồng thời bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chính trong điều kiện lịch sử đó, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được bồi đắp và phát triển lên tầm cao mới, từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống lên chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 

Hiện nay và trong những thập kỷ tới, do ở vị trí chiến lược quan trọng và luôn kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Việt Nam là một trong những trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Chúng đang ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, tăng cường chống phá về chính trị tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội v.v…Để thúc đẩy tự diễn biến trong nội bộ ta, ra sức lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, “dân chủ”, “nhân quyền” để cô lập Việt Nam trong quan hệ quốc tế; nhằm kích động chống đối ở trong nước và tạo cớ can thiệp từ bên ngoài, không loại trừ khả năng kẻ thù tiến hành chiến tranh xâm lược kiểu mới đối với nước ta. Chúng ta không thể xem nhẹ sự nguy hiểm của “cuộc xâm lăng mới về văn hoá”, khi các thế lực thù địch ra sức truyền bá, áp đặt những “giá trị văn hoá” của TBCN phương Tây, mà cốt lõi là chủ nghĩa cá nhân thực dụng cực đoan, âm mưu dùng văn hoá để “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang nhân dân và cả dân tộc ta, nhất là đối với thanh thiếu niên, làm phai nhạt những giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chúng ta cũng cần tỉnh táo trước những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, làm cho không ít người đánh mất lòng tự hào dân tộc, bị cuốn hút vào vòng xoáy của chủ nghĩa cá nhân thực dụng, đáng chú ý là sự chuyển hoá từ cơ hội thực dụng về kinh tế sang cơ hội thực dụng về chính trị. 

Dưới góc độ khoa học chính trị-quân sự, chúng ta có thể dự báo cuộc chiến tranh xâm lược kiểu mới của các thế lực thù địch tiến hành đối với nước ta sẽ gay go, quyết liệt hơn gấp nhiều lần các cuộc chiến tranh vừa qua ở: vùng Vịnh, Nam Tư, Ápganixtan, Irắc, không phải chỉ do phương thức tiến hành chiến tranh xâm lược kiểu mới, với vũ khí trang bị công nghệ cao mà còn là cuộc đấu tranh về hệ tư tưởng, về đường lối, quan điểm và thể chế chính trị-xã hội. Nếu phải đối phó với cuộc chiến tranh ấy, chắc chắn chúng ta vẫn thua kém về tiềm lực kinh tế, quân sự, vũ khí và phương tiện chiến tranh. Chúng ta chỉ có thể giành thắng lợi bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam, với đường lối chính trị-quân sự đúng đắn và nghệ thuật quân sự Việt Nam, với sự vượt trội kẻ thù về sức mạnh chính trị-tinh thần, mà cốt lõi là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 

Để bồi dưỡng phát huy chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, chúng ta cần tiến hành đồng bộ những chủ trương, giải pháp trên các lĩnh vực: chính trị-tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội v.v. Trong bài viết này, xin đề xuất một số vấn đề cơ bản, cấp thiết sau đây: 

Một là, tăng cường giáo dục sâu rộng chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong cán bộ, đảng viên, trong lực lượng vũ trang nhân dân và trong thanh thiếu niên, định hướng giá trị cho sự phát triển những phẩm chất nhân cách của con người Việt Nam đương đại. 

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh được định hướng và thể hiện tập trung ở lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH dựa trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Công tác chính trị-tư tưởng của chúng ta cần làm cho các yếu tố được quán triệt sâu sắc trong tư duy chiến lược, trong hoạch định chiến lược phát triển, được cụ thể hoá và xã hội hoá sâu rộng trong các phong trào xã hội và hoạt động xã hội, được chuyển hoá thành nhận thức, tình cảm, trách nhiệm và hoạt động của mỗi người, của mọi tổ chức chính trị-xã hội. 

Chúng ta cần khảo sát thực tiễn để có những chủ trương, giải pháp cụ thể thiết thực khắc phục tình trạng tuổi trẻ bị lôi kéo vào các hoạt động tôn giáo (ở thành phố Hồ Chí Minh có 50 ngàn học sinh, sinh viên tham gia tổ chức “tuổi trẻ công giáo”, “sinh viên công giáo”), bị kích động ly khai dân tộc dẫn đến tham gia biểu tình bạo loạn chống lại chế độ hoặc bị cuốn hút vào lối sống chạy theo đồng tiền mà đánh mất lòng tự tôn dân tộc (hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài; hiện tượng sống buông thả, suy đồi, nghiện hút... nổi lên rất nhức nhối như ở các tỉnh phía Nam). 

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh có cội nguồn lịch sử, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Do đó, chúng ta cần tăng cường giáo dục truyền thống để khơi dậy lòng tự hào và tự tôn dân tộc trong mỗi người Việt Nam,không để xẩy ra tình trạng như ở Tây Nguyên vừa qua. 

Hai là, thực hiện tốt các chiến lược, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường quốc phòng-an ninh, chứng minh và khẳng định cho được tính chất tiến bộ và ưu việt của chế độ kinh tế-xã hội mới đang được xây dựng và bảo vệ trên đất nước ta. Đây là cơ sở vững chắc bảo đảm cho sự phát triển và phát huy tố chất chính trị-tinh thần của mỗi người và trạng thái chính trị-tinh thần lành mạnh của xã hội, tạo nên động lực chính trị-tinh thần to lớn của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. 

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng và bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh của giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, bồi đắp cơ sở xã hội sâu rộng và vững chắc của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. 

Trước đây trong chiến tranh giải phóng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam được định hướng và qui tụ dưới ngọn cờ tư tưởng thống nhất giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Ngày nay, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam được định hướng và qui tụ dưới ngọn cờ tư tưởng thống nhất độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, với khát vọng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là sự kế tục, bổ sung và phát triển chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh lên tầm cao mới, đáp ứng sự phát triển của tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Đó cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu bảo đảm cho đất nước ta luôn chủ động về chiến lược trong mọi tình huống, ổn định và phát triển bền vững . 

Theo Thiếu tướng Nguyễn Tiến Bình, tạp chí Nghệ thuật quân sự Việt Nam, tháng 9,10/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website