Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền ở Việt Nam

Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của một dân tộc đại bộ phận là nông dân, chưa qua giai đoạn phát triển CNTB, lại phải tiến hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức sức mạnh tạo nên động lực cách mạng ở nước ta là ở nhân dân. Khái niệm nhân dân theo Hồ Chí Minh là “bốn giai cấp bao gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác. Nhân dân phải giành lấy chính quyền là khẩu hiệu của Hồ Chí Minh. Người khẳng định rất sớm rằng: “cách mệnh trước hết phải làm cho dân giác ngộ, phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”, phải đoàn kết toàn dân, tuyệt đối tránh chia rẽ, bè phái làm cho sức dân chúng yếu đi như “đũa mỗi chiếc mỗi nơi”. 

Xuất phát từ yêu cầu phải có đảng lãnh đạo cách mạng mới thành công triệt để, đồng thời nói rõ lập trường cách mạng của mình đối với một đảng cách mạng chân chính, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên hệ với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam... Bây giờ, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. 

Như vậy là, một mặt, Hồ Chí Minh khẳng định vị trí của giai cấp công nhân và vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nhân tố quyết định sự nghiệp cách mạng và đòi hỏi nhân dân phải giành lấy chính quyền, mặt khác, Người khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản (ĐCS), coi sự lãnh đạo của ĐCS là nhân tố quyết định đảm bảo thành công của sự nghiệp cách mạng. 

Điều này có vẻ hơi khác với những ý kiến của Mác, Ăngghen khi các ông nói về vị trí của giai cấp vô sản (GCVS) mỗi nước phải giành lấy chính quyền, phải tự mình trở thành dân tộc. Nhưng, nói khác mà không trái, trái lại, chính ý kiến Hồ Chí Minh mới thực sự phù hợp với thực tế lịch sử xã hội Việt Nam, nơi ở đó hơn 90% dân số là nông dân, nơi đó nhân dân lao động nói chung phải chịu sự áp bức, bóc lột cùng cực của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến; ở đó động lực cách mạng không chỉ tập trung vào giai cấp công nhân (GCCN) mà chủ yếu là ở phong trào cách mạng của nông dân trên mọi miền của đất nước. 

Chính những điều Hồ Chí Minh nói tuy có hơn khác với Mác, Ăngghen, Lênin, nhưng không trái ấy đã thể hiện tinh thần vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin của Người. Người đề cao vị trí, vai trò của nhân dân nhưng không hạ thấp vị trí, vai trò của GCVS, nhất là vai trò lãnh đạo của ĐCS. Trái lại, Hồ Chí Minh luôn khẳng định rằng chỉ có sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của đảng cách mạng chân chính của GCCN thì cách mạng mới thành công, cách mạng mới “đến nơi”, để nhân dân không phải làm một cuộc cách mạng khác nữa. 

Cho nên, khi nói đến xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh đã từng nói : “Nay tôi chỉ có một tin tưởng vào Dân tộc độc lập. Nếu cần có đảng phái thì sẽ là Đảng dân tộc Việt Nam. Đảng đó sẽ chỉ có một mục đích làm cho dân tộc ta hoàn toàn độc lập. Đảng viên của đảng đó sẽ là tất cả quốc dân Việt Nam, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài”, sau đó một lần nữa, Người tuyên bố trước Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai, rằng: “Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”. Đến khi đổi tên ĐCS thành Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh còn nói rõ hơn: “Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. 

Nói rằng ĐCS là đảng của dân tộc, đảng của nhân dân, mọi công dân Việt Nam đều có thể đứng trong hàng ngũ của Đảng, trừ những kẻ phản quốc và những kẻ tham ô ra ngoài, thì hình như không đúng với điều nói về ĐCS của Mác, Ăngghen và Lênin, bởi lẽ, những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn nhấn mạnh tính GCCN của đội tiền phong của GCCN. Rõ ràng, Hồ Chí Minh không bao giờ không thừa nhận tính đúng đắn có ý nghĩa nguyên tắc trong việc xây dựng ĐCS. Chính Người vẫn thường nói Đảng ta là Đảng của GCCN hay đội tiền phong của GCCN. Nhưng, với một đảng ra đời trong hoàn cảnh một đất nước đại bộ phận là nông dân, một đất nước thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu như nước ta, Hồ Chí Minh không thể máy móc và giáo điều khi xây dựng ĐCS Việt Nam theo tiêu chí của một ĐCS ra đời trong xã hội công nghiệp phát triển như ở châu Âu. Tức là nếu theo tiêu chí đó thì ở nước ta sẽ không thể xây dựng được một ĐCS. Và, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể hình thành một đường lối cách mạng theo lập trường GCVS lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng, kim chỉ nam của hành động. 

Chính vì vậy, Hồ Chí Minh chủ trương phải mở rộng những điều kiện vào Đảng, coi bản chất của ĐCS Việt Nam không nhất thiết chỉ ở thành phần xuất thân mà chủ yếu là mục tiêu lý tưởng và đường lối cách mạng trong từng giai đoạn cụ thể, mặc dù Người không hề coi nhẹ thành phần xuất thân là GCCN. Cho nên, Người coi ĐCS Việt Nam là đảng của GCCN và nhân dân lao động. Nói đến vai trò của Đảng khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh thấy rất sớm vấn đề xây dựng nhà nước kiểu mới. Quan niệm của Hồ Chí Minh về việc xây dựng nhà nước kiểu mới xuất hiện từ trong tác phẩm Đường cách mệnh, ra đời năm 1927, khi Người phê phán những nhà nước tư sản của Mỹ và Pháp đồng thời đề cao Nhà nước Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917. Nhưng, phải đến sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh mới bắt tay vào việc xây dựng chính quyền của dân và hoàn thiện về quan niệm nhà nước kiểu mới, tức nhà nước của dân, do dân và vì dân. 

Nói rõ tính chất và quan niệm về nhà nước kiểu mới này tại cuộc họp Quốc hội đầu tiên năm 1946, Hồ Chí Minh khẳng định: Chính phủ sau đây là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Điều đó chứng tỏ Hồ Chí Minh luôn nghĩ đến việc xây dựng một nhà nước thực sự của dân, đó cũng là nhà nước của cả dân tộc. Điều này còn phản ánh rõ ý nguyện xây dựng một nhà nước kiểu mới “lấy dân làm gốc”, cũng có thể gọi là nhà nước của nhân dân, nhưng không quan niệm nhân dân theo kiểu vô chính phủ. Trái lại, nhân dân nói ở đây là lực lượng cách mạng đã giác ngộ, đã được tổ chức và nhất là có sự lãnh đạo đúng đắn của ĐCS hướng theo mục tiêu phấn đấu do Đảng đề ra. 

Vậy, thực chất quan điểm Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền (ĐCQ) là thế nào, gồm những nội dung gì? 

1. Trước hết, khái niệm ĐCQ là do Lênin đề ra đầu tiên sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917. Hồ Chí Minh không chỉ dùng khái niệm ĐCQ mà Người cũng rất có ý thức đến vai trò cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước cũng như đối với dân tộc. Điều đó có nghĩa là, Người đã thấy rõ trách nhiệm trước dân tộc của Đảng ta trong điều kiện đã giành được chính quyền. Cho nên, dù hoạt động công khai hay bán công khai thì Đảng ta vẫn phải có trách nhiệm lãnh đạo trực tiếp và toàn diện chính quyền nhân dân hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc và hướng đất nước theo mục tiêu xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam như Cương lĩnh đầu tiên do Đảng đề ra. 

Với tư cách một lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh không bao giờ quên nhắc nhở cán bộ đảng viên phải nhớ đến trách nhiệm của một ĐCQ. Người luôn chú ý giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và toàn Đảng nói chung về trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân, đối với Nhà nước của dân cũng như đối với toàn dân tộc. Cho đến cuối đời, trong Di chúc, Người vẫn không quên nhắc lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Trong bối cảnh đất nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, vận hành đất nước theo cơ chế thị trường như hiện nay, điều căn dặn, nhắc nhở đó của Hồ Chí Minh càng trở nên rất cần thiết và thiêng liêng hơn bao giờ hết. Có thấy rõ Đảng ta là một ĐCQ thì mới thấy hết trách nhiệm của mình trước những khó khăn của nhân dân, mới không lơ là giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên ý thức trách nhiệm đối với nhân dân và dân tộc, mới mạnh dạn đấu tranh với những cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất trong đảng và trong bộ máy nhà nước để vượt qua những khó khăn, thách thức nhằm xây dựng đất nước trong bối cảnh và điểu kiện mới. 

2. Quan trọng hơn là phải hiểu quan niệm của Hồ Chí Minh về ĐCQ, về bản chất của nhà nước kiểu mới và về mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thấy rõ Đảng ta là một ĐCQ là cần thiết nhưng chưa đủ, mà phải hiểu rõ quan niệm của Hồ Chí Minh về ĐCQ phải như thế nào, để từ đó không chỉ chuẩn bị những cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng Đảng nói chung cũng như việc xây dựng nhà nước kiểu mới thực sự của dân, do dân và vì dân như Người đòi hỏi. 

Vấn đế đặt ra đối với Hồ Chí Minh là, chính quyền cách mạng đã thuộc về nhân dân, thì tất cả quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân. Để đạt mục tiêu ấy, Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ và lo lắng rằng ĐCQ phải làm thế nào để nhân dân thực sự làm chủ, thực sự nắm quyền lực nhà nước, thực hiện lý tưởng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Người luôn có ý thức đề phòng ĐCQ sẽ làm biến chất đảng viên, nhất là đảng viên có chức có quyền, và do đó sẽ làm biến chất Đảng dẫn đến biến chất cả Nhà nước. Từ đó, Đảng sẽ không những không thực hiện được sứ mệnh lãnh đạo Nhà nước, mà ngược lại, còn có thể làm tha hoá Nhà nước, tha hoá Đảng khi đảng viên biến chất nắm được quyền lực trong tay. Cho nên, khi nói đến ĐCQ, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và vai trò của dân đối với Đảng và Nhà nước. 

3. Nói về bản chất của ĐCQ, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho CNXH hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới. Đó là mục tiêu lý tưởng của Đảng đề ra khi mới thành lập mà bất cứ một đảng viên nào khi vào Đảng đều được nhắc đến lý tưởng cao cả đó như một điều kiện đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng khi Đảng đã trở thành một ĐCQ, không ít đảng viên dễ quên đi cái lý tưởng cao cả mà mình vẫn tâm niệm, tuyên thề. 

Thấy rõ nguy cơ biến chất, tha hoá của một ĐCQ, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đảng viên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, không được chủ quan tự mãn khi đã nắm quyền trong tay, không được biến thành những “ông quan cách mạng”. Không phải là ngẫu nhiên Hồ Chí Minh lại luôn đề cao đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân một cách quyết liệt như chúng ta đã thấy. Hơn thế nữa, Người còn nói rõ ĐCQ phải vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của dân. Có lẽ, trong các lãnh tụ của ĐCS, không một ai nói rõ, nói mạnh mẽ về vai trò của ĐCQ đối với nhân dân như Hồ Chí Minh. 

Trong suốt 24 năm lãnh đạo Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Cho đến cuối đời, Người viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, đăng trên báo Nhân dân ngày 3/2/1969, trước lúc Người qua đời chỉ có 7 tháng. Trong bản Di chúc, Người vẫn không quên căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. 

Với Hồ Chí Minh, đây là một nguyên tắc lớn không thể thay đổi, nếu thay đổi cũng có nghĩa là thay đổi bản chất của ĐCS, cũng có nghĩa là Đảng không còn là ĐCQ. Cầm quyền, không phải là đứng trên nhân dân, trái lại, theo Hồ Chí Minh, cái quyền mà Đảng có được, là do dân, nhờ dân và của dân, cho nên, cầm quyền không phải là đứng trên dân như cách hiểu của những người trong xã hội cũ mà là công bộc thực sự của nhân dân. Hơn nữa, Hồ Chí Minh còn đòi hỏi Đảng phải “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Mới nghe qua quả là khó hiểu, và trong thực tế không dễ thực hiện điều đó, nếu không thật sự quán triệt và tu dưỡng mình như quan niệm của Hồ Chí Minh. Nhưng càng ngẫm nghĩ, càng thấy rõ ý thức sâu xa và thâm thuý khi thấy Hồ Chí Minh đề cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân đối với một ĐCQ như Đảng ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đương nhiên, phải hiểu “đầy tớ” theo nghĩa là phục vụ hết mình cho nhân dân, cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh, và phấn đấu tu dưỡng theo mục tiêu thực sự là “đầy tớ” của nhân dân thì mới coi Nhà nước là công cụ của nhân dân để phục vụ dân, mới biến quyền lực nhà nước thành quyền lực của nhân dân. 

Trong thực tế những năm gần đây, những điều Hồ Chí Minh nói về ĐCQ cũng như về cán bộ, đảng viên đã diễn ra đúng như Người dự báo. Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự giao lưu, hợp tác rộng rãi với các nước trên thế giới, đã có không ít cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất. Nếu mỗi đảng viên cũng như toàn Đảng không có ý thức nâng cao cảnh giác, không ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, như Hồ Chí Minh đề phòng, thì Đảng không chỉ mất vị trí lãnh đạo, mất vị trí cầm quyền mà Nhà nước cũng có thể biến chất, không còn là Nhà nước của dân, do dân và vì dân nữa. Đó là bài học đã diễn ra ở một số nước XHCN. Đương nhiên, Đảng ta không phải là ngoại lệ, nếu không thực hiện kiên quyết và nghiêm túc những giáo huấn của Hồ Chí Minh về xây dựng ĐCQ và Nhà nước của dân, do dân và vì dân. 

4. Để thấy rõ vai trò của ĐCQ theo quan điểm Hồ Chí Minh, còn cần phải làm rõ quan điểm của Người về nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân. Nói đến trách nhiệm của ĐCQ, Hồ Chí Minh cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng là phải đảm bảo cho nhân dân thật sự quản lý công việc của Nhà nước. Đảng không chỉ chịu trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước mà cần phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về mọi hoạt động của Nhà nước. Đảng mạnh thì Nhà nước mạnh. Nhà nước hoạt động tốt, không quan liêu, không tham nhũng thì không những nhân dân yêu mến, tín nhiệm Nhà nước mà nhân dân cũng tin tưởng, yêu mến Đảng. Cho nên, theo quan điểm Hồ Chí Minh, ĐCQ gắn liền với Nhà nước kiểu mới. Điều đó phản ánh bản chất của nhà nước kiểu mới và chỉ có Nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân mới có hiện tượng dân thừa nhận một ĐCQ độc nhất. Bởi lẽ, Đảng đã vì dân thì tất nhiên dân cũng vì Đảng, bảo vệ Đảng và coi ĐCQ là của chính mình. 

Tóm lại, Đảng và Nhà nước, dưới con mắt của nhân dân không phải là hai mà chỉ là một, là Đảng ta, Nhà nước ta. Nhưng, giữa Đảng và Nhà nước ta lại không thể lẫn lộn trách nhiệm. Hồ Chí Minh cũng đề phòng sự lẫn lộn này dẫn đến bao biện chức năng giữa Đảng và Nhà nước. Người cho rằng, ĐCQ phải phát huy được vai trò của Nhà nước với tư cách bộ máy do nhân dân lập ra, dân giao phó những nhiệm vụ quản lý, điều hành đất nước. Nhà nước có mạnh thì dân mới mạnh. Còn Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối và phải tuân theo pháp luật chứ không thể đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Đảng tôn trọng Nhà nước cũng có nghĩa là tôn trọng quyền làm chủ của nhân dàn, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Hồ Chí Minh phê phán nghiêm khắc hiện tượng lạm quyền, “cậy thế mình là người của Đảng, phớt cả kỷ luật và cả cấp trên trong các đoàn thể nhân dân hoặc cơ quan Chính phủ”. Người yêu cầu “đảng viên chẳng những phải giữ gìn kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác của Đảng mà còn phải giữ gìn kỷ luật của chính quyền, của cơ quan đoàn thể cách mạng, của nhân dân”. 

Rất tiếc là, những điều Hồ Chí Minh đề phòng vẫn có lúc xảy ra như chúng ta đã thấy trước đây cũng như gần đây. Điều đó càng chứng tỏ, những điều răn dạy của Hồ Chí Minh có tầm quan trọng và bức thiết như thế nào đối với một ĐCQ trong bối cảnh xây dựng đất nước hiện nay. 

Đương nhiên, Đảng chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ của mình thông qua Nhà nước và nhất là được nhân dân ủng hộ. Song, tất cả những điều kiện đó cũng phụ thuộc vào trách nhiệm xây dựng Đảng ta thực sự là một ĐCQ duy nhất của dân, do dân và vì dân như chính mục tiêu xây dựng một nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, khi nói đến quan điểm Hồ Chí Minh về Đảng và ĐCQ, chúng ta không thể không nói đến nhà nước kiểu mới vốn gắn với một ĐCQ kiểu mới như Hồ Chí Minh quan tâm từ đầu và có sự nhất quán trong hệ thống tư tưởng của Người. 

Theo PGS.TS Thành Huy, Tạp chí Lịch sử Đảng tháng 9/2005.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website