Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và kỷ luật trong quân đội

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi dân chủ và kỷ luật là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng trong xây dựng quân đội cách mạng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của dân chủ và kỷ luật, 60 năm qua Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng phát huy dân chủ và tăng cường kỷ luật, tạo nên sức mạnh chiến đấu, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội. 

Ngay từ những ngày đầu thành lập quân đội, cũng như khi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tầm quan trọng của kỷ luật quân đội "là nền tảng thắng lợi trong cuộc kháng chiến kiến quốc". Khi chiến thắng thực dân Pháp, Người chỉ rõ: các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để giành thắng lợi trong hoà bình. Trong thời kỳ tạm thời hoà bình xây dựng đất nước, xây dựng quân đội Người xác định: "Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải học chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật của quân đội. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội". Về tầm quan trọng của dân chủ trong quân đội, Người coi đây là vấn đề thuộc về bản chất của quân đội cách mạng. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, mới đoàn kết nội bộ tốt và thực hành dân chủ để rút kinh nghiệm, để sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm, sẽ tiêu diệt được nhiều sinh lực địch và lập được chiến công nhiều hơn… Tóm lại, trong mọi giai đoạn, mọi thời kỳ đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định dân chủ và kỷ luật là một vấn đề quan trọng trong quân đội và thường xuyên nhắc nhở: "Các chú phải hết sức chú ý vấn đề dân chủ và kỷ luật. Kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật". 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ và kỷ luật trong quân đội là hai mặt thống nhất, quan hệ chặt chẽ không thể tách rời. Dân chủ và kỷ luật là điều kiện tồn tại và phát triển của quân đội. Nếu quan hệ đó không được giải quyết đúng đắn thì quân đội suy yếu. Công tác lãnh đạo, chỉ huy quân đội phải biết kết hợp chặt chẽ giữa dân chủ và kỷ luật. Người chỉ rõ: "Quân đội ta là quân đội dân chủ, nhưng dân chủ không phải là không có mệnh lệnh". Dân chủ phải đi liền với tập trung, với tổ chức, với kỷ luật, còn kỷ luật phải dựa trên cơ sở của dân chủ; dân chủ phải có sự lãnh đạo, chỉ huy tập trung thống nhất. Dân chủ mà không đặt dưới sự lãnh đạo tập trung là dân chủ cực đoan, dân chủ bừa bãi, dẫn đến sự hỗn loạn, vô chính phủ và như vậy cũng phá hoại luôn cả dân chủ; tập trung mà không dựa trên cơ sở dân chủ là tập trung tuyệt đối, chuyên quyền, sẽ không phát huy được tính tự giác cách mạng và hạn chế tính tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, và như vậy thì cũng không thể thực hiện được cả tập trung lẫn dân chủ. Cả hai khuynh hướng dân chủ cực đoan và tập trung tuyệt đối đều là nguy hiểm, đều làm suy yếu tổ chức và kỷ luật của quân đội. Người nhắc nhở mọi cán bộ, chiến sĩ: "Không nên hiều lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Những đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ để là bàn cãi cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy". 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ dân chủ là: "Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng". Về kỷ luật, Người quan niệm đó là mọi việc đều phải theo mệnh lệnh cấp trên; mệnh lệnh cấp trên ban xuống thì phải tuyệt đối phục tùng và triệt để thi hành; mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống mỗi đội viên; báo cáo từ dưới lên trên phải cho thật thà, nhanh chóng và thiết thực; thưởng phạt phải công minh, chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ; là cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương… Nói tóm lại, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kỷ luật trong quân đội là từ việc lớn đến việc nhỏ, từ đánh trận đến luyện quân, từ giúp dân đến xây dựng đất nước, mọi việc cán bộ, chiến sĩ đều phải tuân theo và triệt để thi hành mệnh lệnh của cấp trên, kỷ luật được thi hành bình đẳng, nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới, không phân biệt đối xử. 

Cách thức để thực hành dân chủ rộng rãi và kỷ luật nghiêm minh trong quân đội theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết là: phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội. Người khẳng định, thực hành dân chủ và giữ nghiêm kỷ luật của quân đội đều phải có sự lãnh đạo của Đảng, "Đảng và Chính phủ kiên quyết lãnh đạo bộ đội tiến lên chính quy", cán bộ các cấp phải ra sức lãnh đạo bộ đội xây dựng chính quy. Hai là, cán bộ phải gương mẫu, "Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch". Ba là, cán bộ phải thương yêu đội viên. Người yêu cầu cán bộ: "Đối với anh em ốm yếu, thương tật, cán bộ phải trông nom, thăm hỏi. Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên… Cán bộ có thân đội viên như chân tay, thì đội viên mới thân cán bộ như ruột thịt. Có như thế thì chỉ thị mệnh lệnh và kế hoạch cấp trên đưa xuống, đội viên sẽ tích cực và triệt để thi hành". Bốn là, phải biết tự phê bình và phê bình. Người nói: Muốn dân chủ tốt, kỷ luật cao, cán bộ, chiến sĩ phải gương mẫu phê bình, tự phê bình. Mục đích phê bình và tự phê bình để cho mình tiến bộ, quân đội và nhân dân tiến bộ, để tăng thêm tình đoàn kết giữa cán bộ với cán bộ, giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa quân đội với nhân dân. Người bày cách: "Tự phê bình phải thật thà, có gì phải nói hết, giấu giếm là khuyết điểm, thành kiến cũng là sai; nếu phê bình rồi mà không biết cách sửa chữa là một khuyết điểm to, và nếu không biết cách sửa chữa thì còn có đồng chí, có bộ đội, có nhân dân bày cho cách mà sửa chữa. 

Lịch sử 60 năm xây dựng quân đội cho thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và kỷ luật trong quân đội đã trở thành di sản tư tưởng, lý luận quý báu, là một trong những nguyên tắc căn bản xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ huy tập trung, thống nhất của Đảng, của cấp trên; phát huy tinh thần dân chủ sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội, đồng thời giúp cho toàn quân nâng cao ý chí chiến đấu, đề cao tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. 

Hiện nay, các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng các vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", "pháp quyền" để chống phá sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; đòi "phi chính trị hoá quân đội", kêu gọi "quân đội đứng ngoài chính trị", hay đề cao chủ nghĩa cá nhân, lối sống tự do chủ nghĩa, ăn chơi hưởng lạc, chạy theo danh lợi, vật chất tầm thường… là những mũi nhọn của chiến lược "diễn biến hoà bình" mà các thế lực thù địch sử dụng hòng phá hoại về chính trị, tư tưởng, dân chủ và kỷ luật của quân đội ta. 

Để thực hiện tốt hơn nữa vấn đề dân chủ và kỷ luật trong toàn quân, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn quân phải không ngừng đẩy mạnh việc tuyên truyền, quán triệt sâu sắc điều lệnh quân đội, các quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về giáo dục, rèn luyện, quản lý kỷ luật, xây dựng chính quy; về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam… Tích cực tuyên truyền, quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và kỷ luật trong quân đội tạo cơ sở nền tảng, thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức và hành động trong toàn quân. 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và kỷ luật trong quân đội luôn là một trong những vấn đề quan trọng định hướng, bảo đảm cho việc xây dựng quân đội nhân dân thực sự cách mạng, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Dân chủ tốt, kỷ luật nghiêm vừa là một nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, vừa là truyền thống tốt đẹp của quân đội ta, là sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Theo Th.S Nguyễn Văn Quang, tạp chí Giáo dục lý luận chính trị quân sự

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website