Cách đây 36 năm, trong một lần đến thăm các thương bệnh binh ra miền Bắc điều trị, Bác Hồ đã nói: Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Ông Võ Doãn Lâm, người cũng dự cuộc gặp mặt đó, kể lại:
Sau những năm tháng công tác và chiến đấu ở chiến trường B (tại chiến khu Thừa Thiên), tôi bị đau dạ dày và suy nhược thần kinh nặng, sức khỏe giảm sút nhiều, tôi được đưa ra miền Bắc điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, rồi Bệnh viện E1- Sơn Tây.
Một hôm, Ban lãnh đạo Hội đồng bệnh nhân thông báo: Tất cả thương binh, bệnh binh miền Nam đang điều trị tại các bệnh viện chung quanh Hà Nội sẽ được gặp Bác Hồ. Chúng tôi rất sung sướng, thấm thía trước tấm lòng của Bác, của các đồng chí trung ương đối với quân và dân miền nam. Tôi được biết, thời kỳ này, sức khỏe của Bác ngày một kém. Bác có ý định vào thăm đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhưng không thực hiện được, cho nên cán bộ, chiến sĩ ở miền Nam ra thường được Bác cho gọi vào gặp mặt.
Chiều 4-9-1968, Hội trường Ba Ðình, Hà Nội, đông nghịt người. Chúng tôi ai nấy đều hồi hộp, mắt chăm chăm hướng lên hàng ghế Ðoàn Chủ tịch.
Ðúng 14 giờ 15 phút, Bác từ phía sau hội trường bước ra cùng với đồng chí Trường- Chinh. Thủ tướng Phạm Văn Ðồng là người dìu Bác ra. Tôi nhìn lên hàng ghế Chủ tịch đoàn, có nhiều cán bộ cấp cao của Ðảng, Chính phủ, nhiều tướng lĩnh, đại diện các đoàn thể...
Cả hội trường đứng dậy hô vang: "Bác Hồ muôn năm" cùng với những tràng vỗ tay như sấm dậy. Bác giơ cao hai tay rồi hạ xuống, tiếng vỗ tay mới ngừng.
Một sự xúc động khó tả tràn ngập trong lòng tôi rồi tự nhiên có những giọt nước mắt nóng hổi trào ra hai khóe mắt. Tôi đã thật sự thấy Bác! Tôi đăm đăm nhìn Bác.
Bác không ngồi trên hàng ghế Chủ tịch đoàn mà trên một chiếc ghế đặt phía trước. Bác muốn tất cả mọi người ở phía dưới hội trường đều được nhìn rõ Người. Bác ngồi đó với bộ ka-ki thường mặc, râu tóc bạc phơ, vẻ mặt tươi cười đôn hậu.
Bác đề nghị Thủ tướng thay mặt Ðảng, Chính phủ và Bác thăm hỏi, chúc sức khỏe và dặn dò tất cả chúng tôi. Với lời lẽ giản dị, chân tình, thân mật như người anh ruột trong một gia đình, Thủ tướng thân ái thăm hỏi, động viên chúng tôi yên tâm chữa bệnh, rèn luyện thân thể để mau phục hồi sức khỏe sớm trở lại chiến trường hoặc công tác và học tập được tốt... Giọng sang sảng của Thủ tướng vừa dứt, Bác Hồ vẫy tay gọi: "Cháu nào muốn gặp Bác thì lên đây!". Tất cả đều giơ tay. Thủ tướng thấy đông quá bèn chỉ định người lên gặp Bác và cả hội trường vang lên tiếng "đồng ý".
Hai chị em dũng sĩ diệt Mỹ Ngô Thị Tuyết và Ngô Nết, quê ở Quảng Ngãi, được vinh dự lên gặp Bác trước tiên. Nết sà vào lòng Bác. Bác xoa đầu và âu yếm hôn Nết. Nết mừng quá, nước mắt rơi lã chã. Nết 12 tuổi, diệt được 5 tên Mỹ-ngụy. Nết là cháu nhỏ nhất trong buổi gặp mặt, kế đến là Ngô Thị Tuyết, đứng bên cạnh Bác. Bác nói lớn: Cháu Tuyết là chị của Ngô Nết, chị dũng sĩ trước, em dũng sĩ sau. Cả nhà cháu Nết là dũng sĩ diệt Mỹ. Ngô Thị Tuyết, 17 tuổi, một chiến sĩ du kích gan dạ ở Bình Sơn, đã tiêu diệt 25 tên Mỹ, liên tiếp ba lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất.
Cả hội trường vỗ tay ca ngợi thành tích diệt Mỹ của hai chị em Ngô Nết, của các cháu thiếu niên miền Nam nhỏ tuổi, chí lớn, đã cùng với cô bác chiến đấu anh dũng, mưu trí, lập nhiều chiến công xuất sắc.
Tiếp sau đó, một số đồng chí lần lượt lên thăm Bác. Bác trìu mến hỏi thăm sức khỏe, việc điều trị và hoàn cảnh gia đình.
Vì tình hình sức khỏe, Bác không ở được lâu và gặp được nhiều người trong chúng tôi. Tôi muốn lên gặp Bác quá mà không được. Thủ tướng Phạm Văn Ðồng gọi tên người cuối cùng là đồng chí Trường Sơn, ngồi ở hàng cuối cùng lên gặp Bác. Ðồng chí chống hai nạng gỗ đứng dậy, nhờ hai đồng chí ngồi cạnh dìu lên. Khi đồng chí đến gần, Bác đứng dậy đẩy chiếc ghế sang một bên, dang rộng hai tay bước ba bước đến bậc cấp cuối. Ðồng chí Trường Sơn vừa bước lên, Bác ôm hôn đồng chí Sơn thắm thiết. Bác nhường ghế Bác cho đồng chí Trường Sơn ngồi. Liền lúc đó, đồng chí cần vụ mang một ghế khác để Bác ngồi. Hai Bác cháu chuyện trò, đôi lúc thấy nét mặt của Bác buồn.
Chúng tôi nghẹn ngào xúc động và tràn ngập sung sướng trước sự quan tâm chăm sóc ân cần và những cử chỉ gần gũi, yêu thương hết mực của Bác. Nhiều chị em khóc ròng. Bên trái tôi là đồng chí Nguyễn Thị Thảo, cán bộ phụ nữ huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế; bên phải là đồng chí Lê Thị Thu Thủy, cán bộ phong trào sinh viên, học sinh Huế, mắt đỏ hoe. Tôi cũng thế.
Tất cả thương binh, bệnh binh được dự buổi gặp thăm Bác hôm ấy không bao giờ quên những giây phút thiêng liêng này. Lần gặp Bác đầu tiên và cũng là cuối cùng này đã để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp, nhiều tình cảm đậm đà và là kỷ niệm sâu sắc nhất không thể phai mờ.
Bác đã nói: Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi. Tình cảm tha thiết đó biểu lộ trong mọi hoạt động của Người, nhất là mỗi khi gặp cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam.
Có được nghe, được chứng kiến những sự kiện này mới thật thấm thía câu nói của Bác: Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi.
Đã 36 năm qua, kể từ lần gặp Bác vào một chiều thu năm ấy, hôm nay hồi tưởng những giờ phút quý báu bên Người, thấy Người như vẫn bên cạnh chúng ta trong từng suy nghĩ và việc làm.
VÕ DOÃN LÂM kể,
ÐINH CHƯƠNG ghi
(Báo Nhân dân)