Một lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sevgei Somov
Nguyễn Huy Hoàng dịch

Những năm 1960, khi tôi công tác ở Việt Nam, tôi có nhiều dịp gặp gỡ các sĩ quan cao cấp quân đội Việt Nam và đặc biệt là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tôi có một Album ảnh về họ. 

Giữa nhiều những bức ảnh, có một bức đã trở thành kỷ vật quý giá của tôi, đó là bức ảnh các phi công Liên Xô chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lần, những đứa cháu tôi rón rén đến ngắm bức ảnh, chúng hỏi tại sao tôi lại được đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tại sao chung quanh Người không có đội bảo vệ? Tôi nói với bọn trẻ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người vĩ đại, là lãnh tụ, là người thầy của dân tộc Việt Nam, Người không cần có vệ sĩ riêng, bởi ai cũng yêu quý, kính trọng Người, tất cả mọi người dân Việt Nam đều bảo vệ Người. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ thông thái, nhìn xa trông rộng, mà còn là một con người nhân hậu và khiêm tốn, là Con Người viết hoa. Có thể đưa ra hai thí dụ. Chủ tịch hoàn toàn có điều kiện sống và làm việc trong một tòa nhà lớn, nhưng Người lại thích sống và làm việc trong một ngôi nhà sàn nhỏ, có hoa bao quanh và tự tay Người chăm sóc. Một lẵng hoa hồng luôn luôn được đặt trong phòng làm việc và bất cứ ai được Người tiếp, sau khi chia tay đều được Người tặng một bông hồng như biểu tượng của cái đẹp và lòng hiếu khách. 

Một thí dụ khác. Năm 1963, Quốc hội Việt Nam quyết định trao tặng Người huân chương "Sao vàng" cao quý, nhưng Người từ chối phần thưởng, nói rằng vì lúc đó đất nước vẫn còn chưa thống nhất, tạm thời chia làm hai miền. 

Tôi là người rất đỗi hạnh phúc, bởi số phận đã ban cho tôi một cơ hội không chỉ được nghe lời Người chúc Tết qua đài nhân dịp Tết âm lịch năm 1961, mà còn được gặp gỡ, nói chuyện với Người. Sau đây là câu chuyện ấy. 

Vào mồng một Tết hằng năm, ở miền bắc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đến thăm các bạn chiến đấu trong Đảng, những đồng chí đã cùng Người trải qua con đường gian khổ trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vì độc lập và thống nhất Tổ quốc. 

Tết năm ấy, khi mọi người tiến hành công việc chuẩn bị cho chuyến công tác của Người lên phía bắc thì một chỉ thị được ban ra: chiếc máy bay trực thăng từng chở Người đã đến lúc sửa chữa định kỳ và phải hoàn thành trước ngày bay. Lãnh đạo không quân Việt Nam yêu cầu phải hoàn tất công việc để chuyến bay được thực hiện theo kế hoạch đã định. 

Sáng sớm ngày Chủ tịch lên đường đi công tác, tổ lái đã có mặt ở sân bay Gia Lâm. Chúng tôi cùng vị Tư lệnh Không quân Việt Nam nóng lòng chờ Người đến. Bất chợt, tôi thấy phía trước đường băng một chiếc xe con Liên Xô "Pôbêđa" lao tới. Tôi ngoảnh về đồng chí Tư lệnh nói: "Anh cho tập hợp lại kẻo anh em phân tán, để đón Chủ tịch". Đồng chí tư lệnh quan sát phía trước và nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh đang tới". 

Cả nhóm kỹ sư và đội bay đứng chờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh bước ra khỏi xe hơi. Cho đến lúc này tôi vẫn chưa lần nào được gặp Người, nhưng tôi biết khá rõ về cuộc đời hoạt động đầy gian truân của Người. Vì vậy, trong hình dung của tôi, tôi sẽ được gặp một người khỏe mạnh, phong trần, cao lớn như một chiến binh. Đại loại, vóc dáng của Hồ Chí Minh phải là như vậy. Nhưng thật ngạc nhiên khi từ trong xe bước ra là một người tầm thước với mái tóc gọn gàng đốm bạc, khuôn mặt điểm bộ ria cắt ngắn và một chòm râu bạc. Chủ tịch mặc bộ ka-ki trắng giản dị, đi đôi dép bình thường. 

Người mỉm cười như đã quen biết chúng tôi từ lâu, đôi mắt hơi nheo ngời lên tia sáng ấm áp và nhân hậu rất đặc trưng ở Người Việt Nam. Hồ Chí Minh chính là con người tôi vẫn gặp hằng ngày trên đường phố Hà Nội và trên những cánh đồng lúa Việt Nam. Tôi báo cáo với Người: Chuyến bay đã sẵn sàng, còn Người ngoái về phía tôi hỏi bằng tiếng Nga rành rọt: "Chú là quân nhân à?". Tôi trả lời: "Vâng ạ". Tôi biết Người nói được nhiều ngoại ngữ, nhưng quả thật tôi khó hình dung ra Người nói tiếng Nga trong sáng đến như vậy. Về sau này tôi biết được rằng, lần đầu tiên Người đến Liên Xô vào mùa hè năm 1923 để học trường Đại học Quốc tế Phương Đông. Ngày 27-1-1924, trong bộ quần áo mỏng, giữa mùa đông nước Nga giá buốt, Người đã xếp hàng suốt ngày ở lối đi vào phòng khánh tiết Nhà Công đoàn để được vĩnh biệt Lê-nin... 

Ngày hôm đó, chúng tôi không rời khỏi sân bay mà ở lại chờ Người quay trở về. Và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra khỏi máy bay, chúng tôi lập tức đến đứng quanh Người. Tôi bước đến gần Người và đề nghị chụp ảnh kỷ niệm với các phi công Liên Xô. Và thế là chúng tôi có một bức ảnh trở thành báu vật của gia đình như thế. 

Để kết thúc câu chuyện xúc động, khó quên này tôi không thể không kể thêm một chi tiết về vẻ đẹp của tâm hồn một con người thực sự vĩ đại. Khi hoa tiêu A.Xuốcnốp, bạn tôi, vừa chụp xong thì chúng tôi vội tản ra, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngăn lại. Người nói: Các chú đứng lại đã, chú chụp ảnh không có mặt trong ảnh. Một chú khác ra chụp lần nữa. Và khi đó Xuốcnốp được đứng bên cạnh Người, còn các phi công khác được chụp lần thứ hai. Trong ảnh tôi đứng bên phải Người, trong bộ áo mầu sáng.

Văn nghệ quân đội

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website