Phát biểu của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa TW tại buổi khai mạc Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội

Hôm nay, ngày 19 tháng 5, kỷ niệm lần thứ 113 ngày sinh của Bác Hồ kính yêu, chúng ta có mặt tại đây để làm một công việc có ý nghĩa và thiết thực, đó là khai mạc Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều có ý nghĩa hơn nữa là cuộc thi được bắt đầu tại một cơ sở của quận Ba Đình, thủ đô Hà Nội, nơi Bác sống và làm việc nhiều năm, nơi Bác yên nghỉ. Đây là cuộc thi mở màn cho chương trình Hội thi tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh trong cả nước. Cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân của phường tham gia, từ các bác cán bộ lão thành cách mạng đã về hưu đến các anh chị thanh niên đang là học sinh, sinh viên trên ghế nhà trường. Qua đây chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại và gần gũi của con người Hồ Chí Minh trong nhân dân, sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn bắt nguồn từ nhân dân, tồn tại trong nhân dân và được toàn thể nhân dân ủng hộ và thực hiện. Thay mặt Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, tôi nhiệt liệt chúc mừng các thí sinh tham gia cuộc thi ngày hôm nay. Chúc các bác, các anh chị, các bạn thanh niên hoàn thành xuất sắc bài thi của mình, chúc Hội thi của chúng ta thành tốt đẹp. 

Thưa các đồng chí! 

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc ta, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế, danh nhân văn hoá thế giới đã để lại cho chúng ta muôn vàn tình yêu thương, tình cảm gắn bó. Đồng thời Người đã trao cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu, đó là tư tưởng vĩ đại của Người, tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Suốt cuộc đời Người, từ nhỏ cho đến những năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng, của dân tộc, Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, như lời Người nói là: làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Từ mục tiêu phấn đấu suốt đời đó, Người đã đến với chủ nghĩa Mác- Lênin, tiếp thu tư tưởng và truyền thống văn hoá dân tộc, tinh hoa văn hoá của nhân loại, tích lũy những kinh nghiệm hoạt động thực tiễn rất phong phú, kết hợp với những phẩm chất cá nhân tuyệt vời và mẫu mực để hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh - thành quả đặc sắc của sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn, hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi to lớn trong giai đoạn cách mạng đã qua và làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, nhân dân không chỉ là yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, mà còn là tình cảm của nhân dân ta đối với Bác. Đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng đó, ngày 27/3/2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX đã ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là một sinh hoạt chính trị quan trọng nhằm trang bị cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc nguồn gốc, nội dung, giá trị, vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần, tư tưởng của xã hội ta. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tự giác của mỗi người, của các cấp, các ngành, các cơ sở trong vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để giải quyết những vấn đề thực tiễn, tạo ra phong trào rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng theo gương Bác Hồ vĩ đại, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống... Nội dung, yêu cầu được nêu trong Chỉ thị rất phong phú. Cần phát huy có hiệu quả các hình thức và phương tiện tuyên truyền hiện có để phổ biến rộng rãi nhất những nội dung của tư tưởng Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc tổ chức Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi về tư tưởng Hồ Chí Minh từ cơ sở đến toàn quốc là một hoạt động rộng rãi và thiết thực nhằm thực hiện Chỉ thị. 

Mục đích của Hội thi lần này là nhằm tạo ra một đợt tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên phong trào rộng rãi nghiên cứu, tìm hiểu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuyển chọn những báo cáo viên tài năng, tâm huyết trong nghiên cứu, tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Qua Hội thi, chúng ta cũng thúc đẩy hơn nữa công tác báo cáo viên, tuyên truyền viên miệng, một hình thức tuyên truyền quan trọng trong sự nghiệp tuyên truyền của Đảng... Từ mục đích đó, Ban Tư tưởng- Văn hoá đã đề nghị tất cả các cấp, các ngành quan tâm tổ chức các Hội thi từ cơ sở trở lên, bắt đầu từ ngày 19/5/2003 và chung khảo toàn quốc vào dịp kỷ niệm lần thứ 74 ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2004). 

Khai mạc Hội thi có ý nghĩa rất quan trọng này, tôi hết sức hoan nghênh Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã sớm triển khai cuộc thi trên địa bàn Thủ đô, rút kinh nghiệm cho cả nước. Tôi đề nghị Thường vụ Thành ủy dành cho sự quan tâm chỉ đạo ngang tầm một sinh hoạt chính trị của Đảng, kịp thời sơ kết nâng cao chất lượng cuộc thi. Đề nghị các báo cáo viên dự thi sẽ đào sâu nghiên cứu tư tưởng của Bác Hồ, liên hệ thực tế sinh động, làm sao mỗi tiếng nói trên diễn đàn cuộc thi là tiếng nói từ trái tim mình, đem lại trí tuệ và niềm tin cho những người tham dự. 

Tôi đề nghị các cơ quan tổ chức cuộc thi, Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng, các cơ quan báo chí thông tin cần tổ chức và tuyên truyền về cuộc thi thật chặt chẽ, tốt đẹp, xứng đáng một hoạt động có tầm cao tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, quận Ba Đình, phường Cống Vị, các đồng chí báo cáo viên, tuyên truyền viên dự thi, tất cả các đồng chí sức khoẻ, hạnh phúc./.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới

(ĐCSVN) - Ngày 23/5/2024, đồng chí Lương Cường đã ký ban hành Quy định 148-QĐ/TW về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới

(ĐCSVN) - Ngày 9/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website