Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam

Nguyễn Hữu Khiển

Đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân sau khi giành thắng lợi trong cuộc Cách Mạng tháng Tám lịch sử có một số điểm mang tính định hướng quan trọng: Có sự dẫn dắt về nhận thức, trực tiếp chỉ đạo và sự kiên trì cho mục đích, mục tiêu của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về một Nhà nước Việt Nam dân chủ bình đẳng và pháp quyền. Có sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ Tịch, sự điều hành, tổ chức thực hiện sáng tạo và hiệu quả của Nhà nước và sự đồng tâm hiệp lực to lớn của toàn dân tộc. Sau đây xin được trình bày một số nhận thức liên quan đến tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước Việt Nam trở thành Nhà nước của dân do dân và vì dân; một Nhà nước dân chủ pháp quyền. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cơ sở của một nhà nước pháp quyền Việt Nam là: Xã hội Việt Nam phải được tổ chức và quản lý bằng Hiến pháp và luật do nhân dân Việt Nam trực tiếp xây dựng. 
Pháp quyền trong một thể chế không chỉ dừng lại ở việc nhà nước đó có luật hay không mà là có pháp luật bắt nguồn từ một đạo luật cao nhất, ''luật gốc'' là hiến pháp. Lịch sử đã chứng minh rằng, không phải cứ có nhà nước, có pháp luật là có nhà nước pháp quyền. Phải chăng như các nhà nước cổ đại, phong kiến đã được coi là những nhà nước pháp quyền, bởi họ cũng có luật, thậm chí nhiều đạo luật còn rất văn minh nữa? Chưa thể gọi các chế độ đó là có pháp quyền là vì ở đó pháp luật không phải được hình thành từ ý chí của đa số nhân dân mà chỉ là ý chí cá nhân của các nhà chuyên chế. Đối lập với nền chuyên chế, lịch sử đã định ra cho nền dân chủ phải có hệ thống pháp luật xuất phát từ luật cơ bản, luật gốc là hiến pháp do nhân dân xây dựng nên. 
Có phải ở Việt Nam ta, người hiểu về nền dân chủ nhất, hiểu bản chất của các định chế trong một bản hiến pháp, của một nền pháp chế là Chủ tịch Hồ Chí Minh? Theo tôi đúng là như thế bởi vì: 
- Hồ Chủ Tịch chủ động đi tìm thực chất dân chủ, cái mà người Pháp tuyên truyền ở nước ta như thế nào, và Người đã nhìn thấy nhiều điều, trong đó có quan hệ hữu cơ giữa chế độ dân chủ và nền pháp chế bắt đầu bằng một bản hiến pháp. 
- Chỉ có sự thông minh đặc biệt, thiên phú (kết hợp với lòng yêu nước) Hồ Chí Minh mới có thể thực hiện một cuộc xuất dương để có các cuộc hành trình, tìm tòi sách vở tài liệu, trực tiếp gặp gỡ giao tiếp xã hội, viết những bài báo bằng tiếng nước ngoài liên quan đến dân chủ và pháp quyền. Những nền dân chủ với hai ngôn ngữ phổ biến nhất là tiếng Pháp và tiếng Anh người đều thành thạo cả, đã cho phép những gì người nhận thức được để cống hiến cho dân tộc là từ thực tiễn, từ ''bản gốc'' của những nền văn minh pháp lý liên quan đến dân chủ. 
-Từ thực tiễn của nước Pháp, nước Mỹ, nước Anh, Người đã nhận thức rằng nhà nước dân chủ thì phải có hiến pháp do đa số đân chúng của nước đó xây dựng nên, không cần phải nhờ, phải ''mua'' của ai cả. (Người Pháp không thể khai hoá cho nhân dân Việt Nam bằng hiến pháp và chế độ pháp lý của họ được). 
Điều đó giải thích vì sao ngay sau khi giành được chính quyền, cùng với việc lo cho dân khỏi đói (cho trước mắt), khỏi dốt (cho tương lai), Hồ Chủ Tịch đã lập tức chỉ đạo sao cho nước ta phải có ngay bản hiến pháp để mở đường pháp lý cho dân chủ. Theo Hồ Chủ Tịch không có bản hiến pháp do dân phúc quyết thì dân ta chưa thể có cái bảo đảm cho tự do dân chủ được. 
Điều đó còn cho phép chúng ta suy nghĩ: nhận thức về pháp quyền ở Hồ Chủ Tịch đã đạt tới bản chất nhất của khái niệm đó. Trong bài diễn ca ''Việt Nam yêu cầu ca'' của mình, Hồ Chủ Tịch nói 8 điều cốt yếu, trong đó có điều bảy nói về pháp quyền, dân chủ. Người viết ''Bảy xin hiến pháp ban hành; trăm điều phải có thần linh pháp quyền'' là: Hiến pháp phải có ngay ở nước ta càng sớm càng tốt (hiến pháp của ta, do dân ta soạn thảo và phúc quyết; mọi quan hệ trong xã hội đều phải dựa trên một nền tảng pháp lý công bằng dân chủ để xem xét thì mới tốt được! 
Trong nhà nước pháp quyền, người dân có vị trí đặc biệt. 

-Vị trí người chủ của chế độ: 

Đánh đuổi đế quốc để xoá bỏ pháp luật hà khắc của nó; đánh đổ địa chủ để đoạn tuyệt với trật tự phong kiến với một nền pháp lý đè nén, nô dịch người lao động. Cần phải tổ chức một nhà nước dân chủ bảo đảm cho người dân quyền làm chủ và làm chủ thực sự. (mọi chế độ dân chủ đều coi dân làm chủ; nhưng chỉ có dân chủ xã hội chủ nghĩa người dân mới là chủ thực sự). 
Vì vậy để có hiến pháp thực sự là của dân, Người kêu gọi Chính phủ lâm thời sớm tổ chức tổng tuyển cử tự do bình đẳng; ở đó người dân sẽ cầm lá phiếu tự quyết định sự lựa chọn bộ máy quản lý và phục vụ xã hội. Hồ Chủ Tịch đã bác bỏ tư tưởng bảo hộ (mà những kẻ xâm lược thường rêu rao) bằng việc dẫn những lời bất hủ của chính các nhà dân chủ Pháp và Mỹ trong bản tuyên ngôn (do Người trực tiếp soạn thảo) rằng: tạo hoá sinh ra cho mọi người đều có quyền bình đẳng, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Theo tôi đây là sự kết hợp tài tình giữa văn hoá và chính trong nhận thức Hồ Chí Minh. 
Muốn có tự do bình đẳng thật sự cho nhân dân, phải có bộ máy nhà nước do nhân dân lựa chọn, phải có Hiến pháp do nhân dân phúc quyết (bằng trực tiếp hoặc thông qua chế độ đại diện). Tự do chính trị mở đường cho tự do kinh tế là như vậy. 

-Vị trí của người chủ của nhân dân được chế độ bảo vệ 

Khi nói hoặc viết liên quan tới công việc của cán bộ Đảng và nhà nước, Người nhiều lần nhắc nhở: cán bộ là công bộc (là người tận tuỵ phục vụ nhân dân). Bản chất của chế độ dân chủ phải là như vậy, vì nguồn gốc của quyền lực hay chức vụ của một cán bộ, công chức nhà nước trong nền dân chủ là do nhân dân lựa chọn. Đây là khía cạnh quan trọng trong tư tưởng về nhà nước pháp quyền mà Hồ Chủ Tịch đã đặt nền móng, đồng thờì cũng chính là nguyên lý có tác dụng như sự “đối chứng” trong đời thường. Qua đó, xem ai là người đã làm đúng bổn phận và ai đã vi phạm nguyên lý này. Từ vị trí người chủ của nhân dân trong chính trị, bổn phận của nhà nước là tìm cách (chủ trương chính sách, pháp luật) cho nhân dân được ngày càng hạnh phúc no ấm và có trí tuệ trong đời sống thực tiễn… 

- Nhân dân có vị trí của người giám sát hoạt động của Nhà nước 

Hồ Chủ Tịch đã giải thích những vấn đề tưởng như đơn giản trong nhận thức nhưng lại xuất phát từ bản chất của chế độ. Người nói: dân chủ có nghĩa là dân làm chủ (không phải cán bộ như người chủ nhân dân là đầy tớ!). Quyền giám sát của người dân là hệ qủa tất yếu của chế độ dân chủ . Nó xuất phát từ chỗ: một là chế độ dân chủ đặt người dân ở địa vị người chủ và nhà nước là người phục vụ; hai là sự phục vụ của nhà nước thông qua những con người cụ thể. Họ có thể làm tốt, chưa tốt hoặc rất không tốt. Mỗi giai đoạn của cách mạng có những tác nhân, áp lực khác nhau tác động tới hoạt động của các cơ quan công quyền, các quan chức và công chức nhà nước. Đằng sau quyền giám sát của người dân là sự tuyên dương những người tận tụy, có tài và đức, phê bình người có sai sót và thay thế những người yếu kém về năng lực và phẩm chất… 

Trong nhà nước pháp quyền, nhà nước (công chức, cơ quan nhà nước) chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. 

Đây không phải chỉ là vấn đề của đạo đức mà của nguyên tắc chính trị trong chế độ dân chủ, của khoa học chính trị vật dụng trong khoa học quản lý xã hội. Trong khoa học chính trị, làm đúng quyền hạn, trách nhiệm là chống sự lạm quyền (giữa cơ quan này với cơ quan khác), chống sự lộng quyền ở một cá nhân, một chức vụ. Tâm lý chính trị cho thấy người có quyền dễ có xu hướng lạm quyền, làm cho quyền hạn của mình ngày càng to ra. Khi Hồ Chủ Tịch nói cán bộ là công bộc, cũng có ý nhắc nhở nguy cơ đó. 
Trong khoa học quản lý, bộ máy bao giờ cũng được phân công chức năng. Mỗi người làm một việc sẽ không chồng chéo, sẽ ngày càng thành thạo. Mỗi người làm một khâu, một việc sẽ “khép kín” toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước. 

Đạo đức công vụ có vị trí quan trọng trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam 

Có thể nói trong tổ chức và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hồ Chủ Tịch không tuyệt đối vai trò pháp trị; cũng không thần thánh hoá đức trị. Người đã tuỳ thời, tuỳ lúc mà chỉnh trang pháp chế hay uốn nắn đạo đức trong công vụ cho cán bộ nhà nước. 
Nhưng khi xét người cán bộ ở vị trí công bộc, Người lấy hai phẩm chất cơ bản là “hồng” và “chuyên” trong giáo huấn ứng xử. Người coi cán bộ tốt là rất cần nhưng thiếu chuyên môn thì làm việc gì cũng khó; cán bộ nếu có tài mà thiếu đức thì vô dụng. Thật vô cùng giá trị trong giáo huấn của Người về cái đức là gốc, nếu chúng ta nhìn nhận những trường hợp tha hoá của một số người được Đảng, Nhà nước giáo dục, nhân dân bỏ tiền ra nuôi dưỡng, ăn học; nhưng do hạ thấp cái đức nên đã trở thành người xấu, có hại cho sự nghiệp của Cách mạng.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website