(ĐCSVN) - Nếu khái niệm “tăng trưởng” chỉ đơn thuần bàn tới những số liệu cụ thể về kinh tế, thì khái niệm “phát triển” chứa đựng cả nội dung kinh tế và văn hoá, xã hội, môi trường; số lượng và chất lượng, trong đó, cơ bản và lâu dài thì chất lượng luôn có ý nghĩa quyết định.
Từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam(1991) với 6 đặc trưng: chính trị, kinh tế, văn hoá, con người, quan hệ dân tộc, quan hệ quốc tế, đến 8 đặc trưng xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng nêu trong Đại hội X(2006) chính là định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam:1- Xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. 2- Do nhân dân làm chủ. 3- Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình đọ phát triển của lực lượng sản xuất. 4- Có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 5- Con người được giải phóng khỏi áp bức bất công, có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc, phát triển toàn diện. 6- Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. 7- Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. 8- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Những đặc trưng đó vừa phản ánh hệ thống lý luận cơ bản vừa gắn với thực tiễn Việt Nam được đúc kết gần một thế kỷ từ khi Đảng ta ra đời, đặc biệt là qua 20 năm đổi mới. Điều này thể hiện quan điểm duy vật biện chứng, vừa là chủ nghĩa xã hội khoa học vừa là chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Việt Nam. Trên một ý nghĩa nào đó, định hướng xã hội chủ nghĩa là định hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, phát triển bền vững phải là sự phát triển đồng bộ trên tất cả các mặt: kinh tế, xã hội, môi trường.
Để phát triển bền vững trở thành hiện thực thì phải có những điều kiện nền tảng mà quan trọng nhất là nền kinh tế tri thức. Từ khoảng thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, nền kinh tế tri thức đã thay thế nền kinh tế công nghiệp, từng bước làm thay đổi tư duy về phát triển. Và đến tháng 9-2000, cùng với 189 vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam cam kết thực hiện Tuyên bố Thiên niên kỷ hay là Chương trình nghị sự XXI với 8 mục tiêu phát triển bền vững.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động trong thời đại nền kinh tế công nghiệp, nghĩa là chưa có nền tảng cho xu thế phát triển bền vững. Nhưng với tầm nhìn xa, trông rộng, những quan điểm của Người đã cho thấy một trí tuệ và tầm nhìn về phát triển bền vững theo 8 mục tiêu của Tuyên bố Thiên niên kỷ. (Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam, trong đó có chủ trương, biện pháp thực hiện 8 mục tiêu trên đây của Chương trình nghị sự XXI và tháng 9-2205 đã quyết định thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững).
1. Xoá bỏ tình trạng nghèo cùng cực
Lúc sinh thời , cùng với việc quan tâm tới đời sống văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực kinh tế với ý nghĩa là nền tảng vật chất của xã hội. Người quan niệm kinh tế liên quan tới đời sống nhân dân như nước với thuyền: nước lên thì thuyền lên. Người mong muốn ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng có nhà ở và phải xoá bỏ tình trạng nghèo đói. Người đề ra chủ trương nông thôn phải đuổi kịp thành thị, miền núi tiến kịp miền xuôi.
2. Đạt phổ cập giáo dục tiểu học
Ngay từ năm 1919, Người đã đòi Chính phủ Pháp phải trao quyền tự do giáo dục, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ. Người phê phán chính sách “làm cho dân ngu để dễ trị” của thực dân Pháp và thương hại cho Đông Dương nếu đám thanh niên sớm già của Người không sớm hồi sinh. Người ca ngợi nước Nga cách mạng “nếu chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con. Và Người cũng muốn làm cho trẻ con nước nhà Việt Nam cũng được học tập như trẻ em Liên Xô. Đảng vừa ra đời, Người ghi trong Chánh cương vắn tắt “Phổ thông giáo dục theo công nông hoá”. Trong Chương trình Việt Minh và “Mười chính sách Việt Minh” có đề cập huỷ bỏ nền giáo dục nô lệ, gây dựng nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục từ bực sơ học, “thanh niên có trường học nhiều”v.v..Một ngày sau khi nước nhà độc lập, Hồ Chí Minh đã khẳng định “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và phải “giáo dục lại nhân dân chúng ta”. Phải chống nạn thất học, nâng cao dân trí, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Bởi vì “dốt thì dại, dại thì hèn”.
3. Tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho, Hồ Chí Minh đã nhận ra những hạn chế của tư tưởng Nho giáo, mà một trong những hạn chế đó là coi thường phụ nữ theo kiểu “phụ nhân nan hoá”(phụ nữ khó dạy). Trên con đường thực hiên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc những lời sạy của Thầy C. Mác, rằng ‘ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc chắn không làm nổi”; “xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào”. Người tâm đắc lời dạy của Ăngghen về điều kiện, biện pháp giải phóng phụ nữ : “sự giải phóng phụ nữ, quyền bình đẳng giữa nam và nữ đều không thể có được, chừng nào mà phụ nữ vẫn còn bị gạt ra ngoài lao động sản xuất xã hội và còn bị bó hẹp trong công việc riêng tư của gia đình”. Người cũng quán triệt lời dạy của Thầy Lênin : “Chừng nào mà phụ nữ không những chưa được tự do tham gia đời sống chính trị nói chung mà cũng chưa được quyền gánh vác một công việc thường xuyên và chung cho cả mọi người, thì chừng ấy không những chưa có thể nói đến CNXH được, mà cũng chưa thể nói đến ngay cả một chế độ dân chủ toàn vẹn và bền vững được”. Theo quan điểm của Người, “nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng được một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng CNXH chỉ mới một nửa”. Theo nữ sử học người Mỹ là Sten-xơn thì chỉ có Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về chủ đề phụ nữ. Với Tuyên ngôn độc lập Hồ Chí Minh đọc năm 1945, theo bà Lady Borton, một phụ nữ gắn bó với Việt Nam, thành viên tổ chức Quaker, “cụ Hồ đã khôn khéo nhưng cuối cùng cũng thông báo được cho nhân dân của Cụ và thế giới một cuộc cách mạng thứ hai: đó là Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam". Với Hồ Chí Minh, “non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”.
4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em
Ngay từ những năm hai mươi khi còn hoạt động ở Liên Xô, thấy trẻ em ở đây được nuôi dưỡng chu đáo, Hồ Chí Minh càng nghĩ nhiều hơn đến trẻ con nước nhà. Người cũng muốn làm cho chúng sung sướng, mạnh khoẻ. Người coi “trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Ngày họp Đại hội quốc dân ở Tân Trào, thấy những em bé xanh xao, gầy gò đi theo đồng bào đến chúc mừng Đại hội, Người nói rằng “nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này”. Mong muốn của Người trước hết đối với trẻ em là mạnh khoẻ. “Phải giữ sạch sẽ” là một trong những điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng, và có lúc Người đặt “thể dục”(làm cho thân thể khoẻ mạnh, đồng thời giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung) trước trí dục, mỹ dục, đức dục(Thư gửi các em học sinh ngày 24-10-1955).
5. Tăng cường sức khoẻ bà mẹ
Hồ Chí Minh đã tố cáo tội ác thực dân đầu độc dân ta bằng thuốc phiện và rượu cồn. Đặc biệt chúng có những hành động bỉ ổi đối với phụ nữ. Người xúc động, thương xót trước cảnh ngộ phụ nữ bị đế quốc áp bức, đày đoạ. Vì vậy, Người đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ. Người dặn dò phải phải tổ chức giữ trẻ để phụ nữ yên tâm công tác. Quan điểm về “hôn nhân và gia đình”, về bình đẳng và hạnh phúc của phụ nữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt “Luật lấy vợ lấy chồng”..., thể hiện sự quan tâm sức khoẻ cho phụ nữ. Người phê phán thói “mẹ chồng hành hạ nàng dâu”. Theo Người, “dã man nhất là thói đánh vợ, chửi vợ”. Đó là tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông cần phải tiêu diệt. Tăng cường sức khoẻ cho phụ nữ là phải giải phóng sức lao động cho phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em tham gia lao động sản xuất, quản lý kinh tế, tham gia công tác xã hội, và phải thực hiện nam nữ bình quyền. Một điều sâu sắc trong quan điểm của Hồ Chí Minh khi Người khẳng định “Luật Hôn nhân và gia đình có quan hệ mật thiết đến mọi người dân trong nước, đến tương lai gia đình, xã hội, cả nòi giống Việt Nam ta”.
6. Kêt hợp chặt chẽ giữa phòng bệnh và chữa bệnh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hoá thế giới. Người chú trong tới vấn đề sức khoẻ, chống bệnh tật trước Tuyên ngôn Alma Ata của Tổ chức Y tế thế giới tới 32 năm. Trên cơ sở nhận thức nhiều tác hại của bệnh tật do chế độ thực dân, phong kiến để lại, và nghiên cứu nhiều nền văn hoá Đông –Tây, ngay sau khi nước nhà độc lập, Hồ Chí Minh quan tâm đến sự kết hợp chặt chẽ giữa phòng bệnh với chữa bệnh trong việc xây dựng đời sống mới. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Người đã chú ý tới việc phòng bệnh dịch theo tinh thần “đói cho sạch, rách cho thơm”. Một trong những nội dung quan trọng của Đời sống mới là vệ sinh, phòng bệnh. Sau Cách mạng thành công, Người đã nói tới việc cấm hẳn hút xách, thay đổi thói quen(như để tóc dài, thường có chấy, dơ bẩn) để chống dịch sốt. Đường sá phải sạch sẽ, ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi cho đỡ muỗi dễ gây ra bệnh sốt. Người còn quan tâm đến phòng chống các bệnh khác như bệnh đậu, đau mắt...
7. Bảo đảm bền vững về môi trường
Từ cuối thập kỷ năm mươi đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, Hồ Chí Minh đã quan tâm tới vấn đề môi trường, với một biểu hiện cụ thể là ‘trồng cây gây rừng”. Trước đó, ngay khi chính quyền vừa về tay nhân dân, Người đã chú trọng vấn đề vệ sinh từ trong gia đình đến công sở và đặc biệt là vệ sinh môi trường. Vấn đề này trở thành nỗi bận tâm của Người suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, xây dựng xã hội mới. Đến tận cuối đời, trước lúc vĩnh biệt chúng ta, Người đã dặn lại: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hoả táng”. Tôi mong rằng cách “hoả táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng...Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Người cũng chú ý tới môi trường lao động(vệ sinh lao động). Trong ý định xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh, Người chú trọng khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế, góp phần tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.
8. Thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển
Từ những ngày đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ toàn cầu. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 29-9-1945, Người đã có Thư gửi Tổng thống hợp chủng quốc Hoa Kỳ khẳng định “những tình cảm về tình hữu nghị và sự ngưỡng mộ của chúng tôi- điều mà nhân dân chúng tôi cảm nhận đối với người Mỹ và những đại diện của nước Ngài tại đây, và điều đó tìm thấy sự biểu lộ tình cảm trong những trường hợp khác nhau, từ trong sâu thẳm trái tim chúng tôi”. Tiếp đó, ngày 17-10-1945, Hồ Chí Minh đã có Điện văn gửi Tổng thống H. Tơruman, khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện cử đại diện vào Uỷ ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông.
Ngày 16-7-1947, khi trả lời một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh khẳng định “chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước khác thật thà cộng tác với chúng tôi. Một là để xây dựng lại Việt Nam sau lúc bị chiến tranh tàn phá, hai là để điều hoà kinh tế thế giới và giữ gìn hoà bình”. Tháng 3-1949, trả lời một nhà báo, Người nói rõ chủ trương mở rộng quan hệ quốc tế sau khi hoà bình lập lại: “Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn”. Về ngoại thương, “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà”. Ngày 22-6-1947, trả lời một nhà báo nước ngoài, Người đáp: “Việt Nam có nhiều phụ nguyên, chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước công tác thật thà với chúng tôi”. Ngày 20-4-1949, trả lời phỏng vấn của báo Tribune, Người lại khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoan nghênh họ như anh em bầu bạn”. Khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước bạn. Chúng ta sẽ dựa theo 5 nguyên tắc lớn của bản tuyên bố Trung- Ấn và Trung- Diến để gây quan hệ hữu hảo với hai Chính phủ nhà vua Miên và Lào. Chúng ta phát triển quan hệ hữu hảo với các nước Đông- Nam Á. Đối với nước Pháp, chúng ta sẽ cố gắng lập lại mối quan hệ kinh tế và văn hoá trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên đều có lợi. Chúng ta đoàn kết với nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới”.
Khi đế quốc Mỹ bắt đầu tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ ở miền Nam và gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, trong cuộc tiếp và nói chuyện thân mật với phái viên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Italia, Giáo sư luật học La Para, Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút”. Nội dung này được nhắc lại một lần nữa khi Người tiếp phái viên của Tổng thống Pháp Gi. Xanhtơny ngày 5-7-1966. Trung tuần tháng 1-1967 khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ đang ở đỉnh cao, trong buổi tiếp đoàn đại biểu của Toà án Quốc tế sang Việt Nam điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sắn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí- nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng đất nước chúng tôi... Các ông hãy tin tôi khi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng khi đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”.
Tóm lại, căn cứ theo định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam trong đó có chủ trương, biện pháp thực hiện 8 mục tiêu, ta có thể thấy được từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đặt hòn đá tảng cho sự phát triển bền vững đó. Cần nói thêm rằng ngay từ khi gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò của khoa học, của sự bùng nổ tri thức loài người. Người coi sự hiểu biết của nhân loại trong thế kỷ XX vượt xa tổng số tri thức của tất cả của thời đại trước cộng lại. Theo Người, tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học. Và chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học, chắc chắn sẽ đưa loài người tới hạnh phúc vô tận. Với tất cả sự hiểu biết và trăn trở đó, Hồ Chí Minh dặn lại trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Đó cũng chính là định hướng phát triển bền vững theo tư tưởng Hồ Chí Minh./.
PGS, TS. Bùi Đình Phong
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)