Quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo tiến hành công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Một là, công tác dân vận phải xuất phát từ lợi ích của quần chúng nhân dân, thực hiện và bảo vệ lợi ích của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng không có lợi ích nào khác “Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị”; Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng và chính quyền phải thực hành phương châm: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”. Trước lúc đi xa Người còn không quên căn dặn: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”. Trong bất kỳ thời kỳ nào vẫn là việc của dân, do dân và vì dân. 

Hai là, thực hành dân chủ là phương thức cơ bản của công tác dân vận. 

Với quy trình bốn điểm về dân vận và công tác dân vận được Hồ Chí Minh đề ra: giải thích cho dân hiểu, bàn với dân, tổ chức để dân thi hành, cùng dân kiểm thảo lại công việc, được Đảng ta tổng kết thành phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đã nói lên vai trò của việc thực hành dân chủ trong công tác dân vận. Hồ Chí Minh đã ghi rõ: Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. 

Ba là, dân vận phải hướng tới mục tiêu đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế, xây dựng nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết là thành công: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Bởi vậy, dân vận phải hướng tới mục tiêu đoàn kết dân tộc trên cơ sở có sự “đồng tâm”, “đồng sức”, “đồng lòng”, “đồng thuận’, “đồng hưởng” của toàn dân, từ nhiệm vụ và mục tiêu đoàn kết, dân vận hướng toàn dân tộc vào thực hiện mục tiêu lý tưởng: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

Bốn là, dân vận và công tác dân vận là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước thông qua Mặt trận dân tộc thống nhất. Là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện sự lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có công tác dân vận. Dân là chủ và thực hiện quyền làm chủ của mình chủ yếu bằng nhà nước, trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật. Hồ Chí Minh đã nói “Nếu không có nhân dân thì chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường”. Là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn dân, song công tác dân vận phải được tiến hành thông qua Mặt trận dân tộc thống nhất, tổ chức thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc. Tuỳ theo các thời kỳ khác nhau của cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất có thể có những tên gọi khác nhau: Hội phản đế đồng minh (1930), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1976)... nhưng thực chất chỉ là một tổ chức chính trị rộng rãi, tập hợp đông đảo các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, đảng phái, các tổ chức, các cá nhân yêu nước ở trong và ngoài nước phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Trên cơ sở thực hiện nguyên tắc hiệp thương dân chủ, lấy việc thống nhất lợi ích tối cao của dân tộc và lợi ích của các tầng lớp nhân dân làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động, Mặt trận dân tộc thống nhất thực sự là tổ chức mà qua đó Đảng thực hiện sự lãnh đạo, Nhà nước thực hiện sự quản lý, nhân dân và cả hệ thống chính trị thực hành công tác dân vận. 

Để đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, cần thực thi có hiệu quả những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh như sau: 

Thứ nhất, phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của tổ chức và mỗi người dân, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận; nhất là các quan điểm trong Nghị quyết Trung ương 7, khoá IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Về công tác dân tộc, công tác tôn giáo”. Cần thiết phải nhắc lại năm chủ trương và giải pháp lớn được Đảng ta đề cập trong Nghị quyết Trung ương 7, khoá IX “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” để quán triệt: xây dựng những định hướng chính sách nhằm tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc; phát huy mạnh mẽ vai trò chính quyền nhà nước trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; mở rộng và đa dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vị trí vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao trách nhiệm công dân, xây dựng sự đồng thuận xã hội, đẩy mạnh và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thật sự là hạt nhân lãnh đạo khối đoàn kết toàn dân tộc. Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức của các cấp, các ngành phải có chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, mục đích, qui trình, nội dung, phương thức tiến hành công tác dân vận trong giai đoạn mới làm cơ sở cho công tác dân vận. 

Thứ hai, thực hiện tốt Qui chế dân chủ ở cơ sở, sáng tạo và thực hiện có hiệu quả những hình thức, phương pháp dân vận phù hợp với mỗi địa phương và từng cơ sở. Chủ nghĩa Mác- Lê nin đã chỉ rõ: chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Phát huy hơn nữa việc thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, sáng tạo, tìm tòi những hình thức, phương pháp dân vận thích hợp là yêu cầu của công tác dân vận trong thời kỳ mới; đồng thời phải gắn công tác dân vận, theo Hồ Chí Minh tức là dân vận phải khéo: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 

Thứ ba, đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, đồng thời với việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở các cấp, các ngành. Công tác dân vận là công việc của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, song tổ chức trực tiếp làm công tác dân vận đóng vai trò rất quan trọng. Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Khuyết điểm to ở nhiều nơi xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, mà không vận được cũng mặc... Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Đã đến lúc cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân vận từ trung ương đến cơ sở trên cơ sở xác định đúng chức năng, nhiệm vụ và tạo điều kiện cả về vật chất, tinh thần và pháp lý cho các tổ chức làm công tác dân vận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vừa “có tâm” vừa đủ “tầm”. Cán bộ làm công tác dân vận theo Hồ Chí Minh phải có tác phong: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Yêu cầu óc nghĩ đòi hỏi người làm công tác dân vận phải có trình độ, có năng lực làm công tác dân vận. Yêu cầu “mắt trông, tai nghe, chân đi” đòi hỏi người cán bộ phải sát cơ sở sát thực tế, đến với dân, phải “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Phong cách này chính là sự thể hiện phương châm của Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”, “Cán bộ vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ, là công bộc của dân”. 

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, toàn dân đoàn kết xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. 

Hồ Chí Minh đã từng nói: Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Thông qua phong trào thi đua yêu nước, nhiều hình thức, phương pháp dân vận được áp dụng có hiệu quả vào thực tế; nhiều hình thức, phương pháp mới nảy sinh, nhiều kinh nghiệm mới được tổng kết. 

Trong mỗi thời kỳ phát triển của cách mạng, Đảng ta luôn phát động phong trào thi đua yêu nước. Mặc dù với những hình thức và nội dung có khác nhau, song mục đích chung vẫn là khơi dậy và phát huy tất cả các lực lượng của mỗi người và của mọi người tạo thành lực lượng toàn dân, vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để công tác dân vận hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình - xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cần phải tồ chức và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, để nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, tạo động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Theo PGS.TS Dương Xuân Ngọc, Tạp chí Dân vận tháng 10/2005

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website