Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng và thường xuyên nhấn mạnh công tác quan trọng này phải dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và xuất phát từ thực tiễn cách mạng của Đảng, của dân tộc. Những luận điểm quan trọng của Người về vị trí, vai trò nội dung công tác tư tưởng, lý luận; nguyên tắc, phương châm công tác tư tưởng, lý luận là cơ sở để Đảng ta đề ra nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Về công tác tư tưởng, Hồ Chí Minh chú trọng chỉnh huấn tư tưởng trong cán bộ, đảng viên. Thực tế trong Đảng, bên cạnh đa số đảng viên gương mẫu, tận tâm, tận lực phục vụ cách mạng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ mắc sai lầm, khuyết điểm như không làm đúng chủ trương, chính sách của Đảng, chủ nghĩa cá nhân, hữu khuynh, tả khuynh trong công tác... Mặc dù khuyết điểm nhiều, ít, to, nhỏ khác nhau, nhưng nguyên nhân chính dẫn đến khuyết điểm là “vì trình độ lý luận thấp, vì không thật thà nghiêm khắc tự phê bình”, đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong công tác. Vì thế, cán bộ cần phải được chỉnh huấn, trong đó phải hết sức coi trọng chỉnh huấn tư tưởng. Người chỉ rõ: Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản” để nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Có hai thứ vũ khí sắc bén để giúp cán bộ, đảng viên cải tạo tư tưởng: cố gắng học tập lý luận gắn liền với thực hành; thật thà tự phê bình và phê bình. Trong phê bình và tự phê bình phải đảm bảo dân chủ. Với tinh thần đó, tất cả các đảng viên của Đảng “phải đào cho đến tận gốc rễ những sai lầm”.
Một trong những yêu cầu quan trọng của Đảng cách mạng chân chính là phải có những cán bộ Đảng hiểu biết lý luận cách mạng, gắn chặt lý luận với thực hành.
Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn cụ thể về nội dung, phương pháp và nguyên tắc giáo dục lý luận Mác-Lênin. Nội dung giáo dục lý luận phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ của cách mạng từ trình độ và năng lực thực tiễn của cán bộ trong từng thời kỳ cách mạng. Người nêu rõ sự cần thiết phải học tập lý luận CNXH khoa học và đường lối xây dựng CNXH ở Việt Nam. “Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao... rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể... khắc phục các bệnh quan liêu và cô độc hẹp hòi để liên hệ chặt chẽ với quần chúng, do đó mà phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng chục triệu quần chúng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn thế, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, phải tổ chức học tập lý luận trong Đảng, trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng.
Về phương pháp học tập lý luận, Hồ Chí Minh chỉ rõ: nếu “...chỉ đem tý luận khô khan nhét cho đầy óc họ. Rồi bày cho họ viết những chương trình, những hiệu triệu rất kêu. Nhưng đối với việc thực tế, tuyên truyền, vận động, tổ chức, kinh nghiệm chỉ nói qua loa mà thôi. Thế là lý luận suông, vô ích”; do đó, “... trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế. Lúc học rồi, họ có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo. Thế là lý luận thiết thực, có ích”.
Việc giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên phải đảm bảo tuân theo một số nguyên tắc cơ bản: thiết thực, chu đáo; giáo dục từ dưới lên trên; gắn lý luận với thực tiễn; nhằm đúng nhu cầu; chú trọng cải tạo tư tưởng. Một trong những nguyên tắc được Hồ Chí Minh nhấn mạnh là lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm. “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Hồ Chí Minh đề cao nguyên tắc “Phải biết tự động học tập”, ra sức học tập, học tập cái mới, tìm tòi cái mới và thực hiện cái mới với thái độ học tập lý luận đúng đắn, nghiêm túc. Thái độ học tập lý luận khiêm tốn thật thà, tránh kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn; tự nguyện, tự giác, coi học tập lý luận là nhiệm vụ cơ bản của cán bộ, đảng viên; nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng; bảo vệ chân lý; thật sự đoàn kết, thật thà tự phê bình và mạnh dạn phê bình, giúp nhau tiến bộ. Một điều Hồ Chí Minh lưu ý trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng là không nên chỉ chú trọng nội dung, phương pháp, nguyên tắc giáo dục tư tưởng, lý luận cho cán bộ, đảng viên mà còn phải chú ý đến đông đảo quần chúng nhân dân, củng cố nâng cao tư tưởng, tình cảm tốt đẹp của nhân dân với nhiệm vụ xây dựng đất nước, với chế độ XHCN.
Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, công tác tư tưởng và công tác lý luận của Đảng có mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng. Hai mặt tư tưởng và lý luận trong Đảng phải gắn liền thống nhất với nhau, không xem nhẹ hoặc quá coi trọng một mặt nào.
Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng, lý luận trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn xác định công tác tư tưởng, lý luận là một trong những hoạt động trọng yếu nhất nhằm xác lập, củng cố vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng mà cốt yếu là hệ tư tưởng XHCN. Đây là lĩnh vực tác động trực tiếp đến công tác xây dựng, củng cố và phát triển Đảng, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện mới. Cần nhấn mạnh một số điểm sau:
- Công tác tư tưởng, lý luận là bộ phận hữu cơ trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, đảm bảo cho Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững vai trò tiên phong, nâng cao đạo đức, trí tuệ, có đủ năng lực hoạch định đường lối, chiến lược, sách lược đúng đắn, sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên.
- Tiến hành công tác tư tưởng lý luận trong tình hình mới nhằm củng cố niềm tin, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
- Đẩy mạnh công tác tư tưởng, lý luận là không ngừng củng cố vững chắc nền tảng lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân lao động để thống nhất nhận thức và quyết tâm đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội về chính trị, phản động, kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN.
- Vai trò quan trọng và sụ phát triển của lý luận ngày nay đòi hỏi Đảng ta phải đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ lý luận có năng lực, có trình độ cao, có khả năng phát hiện và sáng tạo trong công tác. Cần đầu tư nghiên cứu và tổng kết thực tiễn để tìm ra nguyên nhân của việc chống suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chống tham nhũng, lãng phí... còn kém hiệu quả.
Trong mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực hiện thành công đổi mới, chỉnh đốn Đảng, hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của Đảng trong giai đoạn hiện nay, thì việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng, lý luận của Đảng có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, mang ý nghĩa quyết định. Đảng tiến hành đổi mới về tư duy lý luận, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới về nội dung, phương thức tiến hành công tác tư tưởng, lý luận đổi mới gắn liền với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tu tưởng, lý luận đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Theo Lý Thị Bích Hồng, Tạp chí Lịch sử Đảng, tháng 3/2005