Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về tài chính

Đảng ta khẳng định, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và tiếp tục có ý nghĩa quyết định sự phát triển của cách mạng nước nhà. Tài chính Việt Nam được hình thành từ ngày lập nước và từng bước trưởng thành, phát triển cùng đất nước. Trải qua 58 năm hình thành và phát triển, tài chính Việt Nam đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của Bác, ra sức phấn đấu phục vụ có hiệu quả sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Trong học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, cần vận dụng tinh thần cách mạng và khoa học của Người để giải quyết tốt những vấn đề đặt ra trong thực tiễn đổi mới kinh tế, đổi mới hoạt động tài chính. Từ tổng kết thực tiễn để bổ sung, làm phong phú thêm lý luận, trước hết là lý luận về tài chính trong nền kinh tế thị trường; về chức năng, nhiệm vụ, nội dung và giải pháp tài chính trong tình hình mới. 

Trước hết, nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về tài chính và cũng là hoài bão của Người là, "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Tài chính với chức năng tổ chức, khai thác và bồi dưỡng nguồn lực, phân phối và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ đắc lực các mục tiêu, nhiệm vụ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong từng thời kỳ cách mạng, từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Bác đã chỉ rõ rằng: "Ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà", nhưng cũng "phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng". Người yêu cầu, mọi chính sách của Chính phủ về kinh tế - tài chính, từ chính sách thuế, chi hành chính, quản lý biên chế, cho đến tăng gia sản xuất đều nhằm vào lợi ích của nhân dân, lợi ích của kháng chiến, kiến quốc. Người nói một cách thiết thực, cụ thể, dễ hiểu: "Chủ nghĩa xã hội là làm cho dân giàu, nước mạnh", "Làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc". Tài chính phải phục vụ và đạt cho được những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đang ra sức phấn đấu đạt tới. 

Thứ hai, tài chính phải lấy sản xuất làm gốc và phục vụ cho phát triển kinh tế, tăng gia sản xuất. Luận điểm đó cũng là cơ sở của tư tưởng Hồ Chí Minh về tài chính. Người nhấn mạnh, phải dựa vào sản xuất và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, làm nền và tạo sự vững vàng cho nền tài chính quốc gia. Tài chính với chức năng tập trung, phân phối và giám sát bằng đồng tiền mọi hoạt động kinh tế - xã hội, có nhiệm vụ bồi dưỡng, khai thác nguồn thu, phân phối, bố trí và sử dụng các nguồn lực đúng mục đích có hiệu quả. Nguồn lực của tài chính, mọi khoản thu của ngân sách nhà nước chủ yếu là từ sản xuất, từ kinh tế. Sản xuất có phát triển, có tích lũy thì tài chính nhà nước mới có nguồn thu, tài chính trong dân cư mới dồi dào và có tiềm lực mạnh. Bởi vậy, sản xuất là gốc, là nền tảng của tài chính, là yếu tố quyết định tiềm lực tài chính của quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của tăng gia sản xuất, khi Người "đề nghị phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất", "Phải ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm" và "Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm". Người nói một cách dễ hiểu: "Muốn xây dựng kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn, thì các nước tư bản dùng 3 cách: vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân. Những cách đó chúng ta đều không thể làm được. 

Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta". "Toàn thể đồng bào phải thi đua tăng gia sản xuất...Tăng gia sản xuất phải có kế hoạch thiết thực". Chính sách tài chính, hoạt động tài chính, đặc biệt là chính sách huy động nguồn lực, chính sách thuế, phí, lệ phí, chính sách động viên, phải giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên, vừa đảm bảo huy động được nguồn lực, vừa bảo vệ nguồn thu, bồi dưỡng và phát triển nguồn thu. Phải có tầm nhìn dài hạn trong chính sách thu. Khai thác nguồn thu, nhưng phải biết chăm sóc nguồn thu, biết khoan sức dân để lo kế bền lâu dài cho đất nước. 

Rõ ràng, sản xuất kinh doanh là gốc, là nền tảng của tài chính, cho nên tài chính phải phục vụ sản xuất và thúc đẩy sản xuất phát triển. "Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay". “Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết tiệm...để làm cho dân giàu, nước mạnh". Việc bố trí, phân phối nguồn lực tài chính, các khoản ngân sách nhà nước cho phát triển, cho tiêu dùng phải nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, cải thiện đời sống của nhân dân. Người yêu cầu: “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân làm cho dân". Người cũng chỉ ra rằng, tùy theo yêu cầu, tình hình và nhiệm vụ cách mạng, Chính phủ cần và có thể phải sử dụng chính sách tài chính, chính sách ngân sách thắt chặt hay nới nỏng. Chính sách ngân sách thắt chặt đòi hỏi tăng động viên, giảm bớt chi tiêu, hạn chế bội chi, tiến tới cân bằng ngân sách. Chính sách ngân sách nới lỏng cho phép giảm thuế, khoan sức dân, thỏa mãn nhu cầu chi tiêu bằng vay nợ (phát hành trái phiếu, công trái...), mà tiền vay và lãi vay sẽ trả bằng thuế trong tương lai. Nhưng dù sử dụng chính sách nào, Bác cũng yêu cầu: "Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân"... "Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được". 

Thứ ba, tư tưởng Hồ Chí Minh là xây dựng một nền tài chính quốc gia thống nhất, bảo đảm quản lý thống nhất và dân chủ nền tài chính quốc gia, giảm bội chi ngân sách, khống chế và kiểm soát lạm phát. Xử lý đúng đắn các mối quan hệ tích lũy và tiêu dùng trong phạm vi cả nước, giữa tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư; giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người cho rằng, cần "Thống nhất quản lý kinh tế tài chính”, “xây dựng được một nền kinh tế tài chính dân chủ”. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính ngày 20-2-1952, Người viết: "Tôi giúp vài ý kiến để anh em thảo luận. 

Năm ngoái, Chính phủ đã nâng cao công tác kinh tế tài chính, đã nhấn mạnh 3 điểm quan trọng là: 

- Tăng thu giảm chi, thống nhất quản lý tài chính, 

- Xây dựng ngân hàng và quản lý tiền tệ, 

- Phát triển mậu dịch. 

Công tác tài chính là then chốt”... 

Người đã khẳng định: "Những chính sách của Chính phủ như: 

Thống nhất tài chính, 

Chỉnh đốn biên chế, 

Thu thuế nông nghiệp, 

Đẩy mạnh thi đua, 

đều nhằm mục đích làm cho kháng chiến tiến mạnh, tăng gia sản xuất được nhiều và việc đóng góp của đồng bào được giản đơn, tiện lợi hơn". Bác luôn quan tâm “Xây dựng một nền kinh tế tài chính dân chủ” "Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai - sổ sách phải minh bạch". "Các nước anh em giúp chỉ là một phần. Còn tự lực cánh sinh là chính. Cho nên ta phải nêu cao tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà”. Người diễn đạt thật đơn giản, dễ hiểu các mối quan hệ lớn mà tài chính phải xử lý: “Nếu cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào và đồng bào cố gắng tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dân sẽ no ấm, mọi việc trôi chảy, thuế khóa dễ thu, tài chính dồi dào, dân no thì nước giàu”...Động viên dân tiết kiệm, tích lũy vốn, “thi đua mua công trái. Nhưng đồng thời chớ để cạn vốn tăng gia sản xuất của nhân dân" "Cải thiện sinh hoạt phải dựa trên cơ sở tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Bác cũng phê phán nghiêm khắc tư tưởng và cách làm không đúng, "Muốn đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng không muốn Nhà nước tích lũy vốn". Trong công tác tài chính, Người luôn nhắc nhở cán bộ: "Người cách mạng phải lo lắng trước nhân dân, nhưng phải lo lắng cho đúng" 

Thứ tư, Hồ Chí Minh rất coi trọng thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí một cách nhất quán và xuyên suốt trong quá trình xây dựng đất nước. Bác luôn nhấn mạnh: "Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc mấu chốt để xây dựng, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, để cải thiện đời sống nhân dân", người coi tiết kiệm là một quy luật, một phương pháp của một chế độ kinh tế, không phải chỉ tiết kiệm khi đất nước còn nghèo, mà ngay cả khi giàu có, và càng giàu có càng phải thực hành tiết kiệm. Ngày nay, ngay cả những nước công nghiệp phát triển, thu nhập quốc dân bình quân đầu người khá cao vẫn coi tiết kiệm là quốc sách. Các nước đang phát triển, nước nghèo, thu nhập quốc dân bình quân đầu người thấp như nước ta thì càng phải đặt tiết kiệm hơn ngàn lần là quốc sách. Nói chuyện tại Hội nghị chỉnh huấn Trung ương tháng 3-1961, Bác đã chỉ rõ: "Chúng ta chỉ có thể xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống” "Tiết kiệm giúp cho tăng gia và tăng gia giúp cho tiết kiệm, để đi đến kết quả tốt”. Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải nêu gương cần, kiệm, liêm, chính. Người nói: Khi có việc đáng làm, việc ích nước lợi dân, lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù hao tốn bao nhiêu công, tiêu hao bao nhiêu tiền của cũng sẵn sàng, nhưng khi không cần tiêu xài thì một hạt gạo, một đồng xu cũng không nên tiêu, không được tiêu. Tư tưởng, quan điểm của Bác là: "Làm ra nhiều, chi dùng ít. Không cần thì không chi dùng. Đó là tất cả chính sách kinh tế, tài chính của ta”. Tiết kiệm - theo Bác, "cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân”. Vì vậy, theo Người: Tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn "không phải xem đồng tiền to bằng cái nống", gặp việc đáng làm không làm, đáng tiêu không tiêu. Bác quan niệm tiết kiệm một cách toàn diện, hoàn chỉnh, bao gồm cả tiết kiệm của riêng, tiết kiệm của công. Nếu không biết tiết kiệm của riêng thì không thể tiết kiệm của công được. Nhưng nếu chỉ lo tiết kiệm của riêng, mà phung phí của công là không đúng. Theo Bác, tiết kiệm không chỉ lao động và tiền của mà cả thời giờ, tất cả mọi người phải tiết kiệm, "Ai cũng có thể và cũng nên tiết kiệm". Cùng với việc phát động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, Người lên án và phê phán gay gắt tệ nạn tham ô, lãng phí. Ngay từ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác thường xuyên nhắc nhở và áp dụng nhiều biện pháp giáo dục, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh tệ nạn tham ô, lãng phí. Người diễn đạt một cách dễ hiểu: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: 

Ăn cắp của công làm của tư 

Đục khoét của nhân dân 

Ăn bớt của bộ đội
 

Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô". Còn lãng phí, theo Bác, bao gồm nhiều mặt: lãng phí sức lao động, lãng phí thời gian, lãng phí của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên của nhân dân, của đất nước. Nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của tệ lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án: "Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Hơn nữa, chỉ có đẩy lùi được tệ nạn tham ô, lãng phí trong cơ quan nhà nước mới tạo cơ sở vận động nhân dân thực hành tiết kiệm. Người đi sâu phân tích những nguyên nhân của căn bệnh tham ô, lãng phí. Đó là do chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu. Do đó, biện pháp cơ bản để chống tham ô, lãng phí, thực hành tiết kiệm là chống chủ nghĩa cá nhân, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, biết dựa vào dân. Bác cho rằng, phải thực hành một chế độ tiết kiệm nghiêm ngặt, kiên quyết chống tệ nạn lãng phí ở các cơ quan và trong sinh hoạt. Chống cách tiêu dùng bừa bãi tiền của của nhân dân và vốn liếng của Chính phủ. Bác lên án gay gắt nạn phô trương hình thức, tiêu xài vô nguyên tắc, xa hoa lãng phí, ăn uống biếu xén trong dịp lễ tết, khai hội, những lễ kỷ niệm... Người cho rằng: “Chúng ta không thể tha thứ những việc phô trương, lãng phí như vậy". 

Những lời dạy của Người đến nay còn nguyên giá trị, là lời cảnh báo trước tình trạng tham ô, lãng phí công quỹ nhà nước đang khá nhức nhối trong đời sống của xã hội chúng ta. Đó cũng là sự đòi hỏi đối với công tác tài chính: Phải tăng cường chức năng giám sát, chức năng kiểm tra, kiểm soát, nâng cao hiệu quả và hiệu lực của các công cụ quản lý kinh tế - tài chính trong nền kinh tế thị trường hiện nay. 

Thứ năm, cán bộ nói chung và người làm công tác tài chính nói riêng là sự quan tâm lớn đối với Hồ Chí Minh. Khẳng định vai trò quan trọng của công tác quản lý kinh tế - tài chính đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh viết: "Trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế tài chính là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ, thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc”. Nhưng quản lý kinh tế, tài chính tốt hay không trước hết là do cán bộ, do người làm công tác quản lý, công tác tài chính. Người nói: "Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. 

Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. 

Bác ví cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Đó là điều kiện quan trọng của sản xuất kinh doanh và phải có lãi. Có cán bộ tốt thì chính sách, công việc gì cũng thành công, tức là có lãi. Quản lý tài chính là công việc phức tạp và nhạy cảm và càng phức tạp hơn trong sự nghiệp đổi mới, trong nền kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Do đó, rất cần những cán bộ, những người làm công tác tài chính tốt. Người làm công tác tài chính tốt, theo Bác, trước tiên phải là người có đạo đức cách mạng, phải khiêm tốn, học hỏi bạn bè, tích cực trau dồi nghiệp vụ, sẵn sàng phục vụ cho lợi ích chung của nhân dân, của xã hội; phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính, một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Người chỉ ra các khuyết điểm cần tránh là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, hoặc địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc quân phiệt quan liêu, óc hẹp hòi, ham chuộng hình thức, làm việc lối bàn giấy, vô kỷ luật, ích kỷ, tự kiêu, tự mãn, chủ quan, ba hoa, tham ô, lãng phí. Hơn ai hết, người làm công tác tài chính phải tẩy trừ và đấu tranh tẩy trừ thói tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu. 

Người làm công tác tài chính nhất thiết phải có tài năng. Bởi vì, không có tài thì làm việc gì cũng khó, thậm chí không hoàn thành được nhệm vụ. Tài năng của người làm công tác tài chính có thể hiểu là khả năng nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, thông thạo những công việc do mình phụ trách. Hơn nữa, trình độ chuyên môn phải ngày càng được nâng cao, công việc nghiệp vụ càng phải rõ ràng, cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh phải nâng cao trình độ lý luận, trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Bác nói: Cán bộ kinh tế tài chính phụ trách nhiều tiền của, mà chưa hoàn toàn thông thạo việc quản lý tiền của ấy. Cho nên chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Học đi đôi với hành. Phải lấy tự học làm cốt. Theo Bác, điều quan trọng là, thông qua học tập mà nắm được phương pháp tư duy đúng, rèn luyện tư duy độc lập và sáng tạo, nâng cao khả năng tự học để người cán bộ có thể tự hoàn thành nhiệm vụ và phải học tập suốt đời. 

Trong sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, công tác tài chính cũng không ngừng đổi mới, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước và đời sống nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Được Đảng lãnh đạo và được vũ trang bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, được soi sáng bằng tấm gương vĩ đại của Người, nền tài chính Việt Nam ngày càng vững vàng trong cơ chế quản lý kinh tế mới, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ: "Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh". 

PGS, TS. Đặng Văn Thanh
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website