Từ tư tưởng dân vận của Bác Hồ nghĩ về công tác dân vận hiện nay

Những tư tưởng đầu tiên của Bác Hồ về công tác dân vận được phát triển một cách hoàn chỉnh trong bài báo “Dân vận” đăng trên tờ Sự Thật ngày 15 tháng 10 năm 1949 mà chúng ta kỷ niệm 56 năm ngày ra đời bài báo cùng với dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Dân vận của Đảng. 

Cách đây hơn 80 năm, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Bác Hồ với bút danh Chú Nguyễn đã viết: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng. Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập, tự do”. 

Vì theo Hồ Chí Minh, cách mạng không phải là việc của một hai người, lật đổ ông vua, giết vài anh quan mà là “việc chung của dân chúng” (Đường kách mệnh). Muốn dân chúng đứng lên làm cách mạng, trước hết phải làm cho mọi người nhận rõ mục đích của việc mình làm, lại có phương pháp cách mạng đùng thì mới thành công, vì “Mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng, tâm đã đồng lại phải biết cách làm, thì làm mới chóng”. 

Bài báo là một tác phẩm rất ngắn, chỉ có 573 từ, mà chứa đựng những tư tưởng lớn về công tác dân vận. Bài báo không những chỉ ra quan điểm về dân vận mà còn nêu lên những quan điểm chỉ đạo công tác dân vận, phương thức dân vận và lực lượng làm dân vận. Xét về mặt văn phong, bài báo là một điển hình về lối diễn đạt súc tích, có tính khái quát cao, nhưng lại dễ hiểu, ngắn gọn, thật là một mẫu mực về cách viết vừa cổ điển vừa hiện đại, vừa có tính bác học vừa có tính quần chúng. Mỗi người cộng sản ở các giai đoạn khác nhau đều có thể coi bài báo là một tác phẩm kinh điển và cuốn cẩm nang trong việc xử lý mối quan hệ với nhân dân. 

Trước khi đi vào những nội dung chính, Hồ Chí Minh viết: “Việc dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu, chưa làm đúng nên cần phải nhắc lại”. Những dòng trên của Bác Hồ viết cách đây hơn nửa thế kỷ mà như mới với chúng ta hôm nay. Cùng với những tiến bộ trong công tác dân vận, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cán bộ, đảng viên, những yếu kém về mặt này vẫn thường xảy ra. Đứng về cấp vĩ mô, vẫn còn nhiều chủ trương chưa sát thực tế và ý nguyện của nhân dân nên khi vừa mới ra đời lại phải điều chỉnh. Còn ở cấp vi mô, còn tồn tại biết bao ví dụ về những hành động coi thường dân, quan liêu, mệnh lệnh, vô cảm trước dân, thậm chí “phản dân vận” như tham nhũng, ức hiếp dân, làm cho dân bất bình, oán ghét; mối liên hệ giữa Đảng, Chính quyền với nhân dân bị xói mòn. Cho nên việc thường xuyên nâng cao nhận thức, ý thức về dân vận lúc nào cũng là cần thiết. 

Bài báo “Dân vận” đặt ra rất nhiều vấn đề. Trong bài viết nhỏ này chỉ có thể đề cập đến một số tư tưởng lớn của Bác. Trước hết là tư tưởng dân chủ. Mở đầu cho phần chính của bài báo, Bác Hồ viết “Nước ta là nước dân chủ”, coi đây như là điểm xuất phát, tiền đề của công tác dân vận. 

Dân chủ là bản chất của chế độ ta. Trong chế độ dân chủ, người dân có vị trí làm chủ; người dân mới thật sự có địa vị cao nhất mà các chế độ khác dù có tuyên bố: “Dân là cao quý nhất” cũng không sao thực hiện được. Dân chủ vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của nhân dân. Đảng cầm quyền phải coi “Dân chủ là quý báu nhất của nhân dân”, “Thực hành dân chủ là chìa khoá vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Công tác dân vận phải coi thực hiện dân chủ là nội dung chủ yếu nhất. Chúng ta đã có nhiều bước tiến về thực hành dân chủ xã hội. Dân chủ ở cơ sở đã được coi trọng hơn. Hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã tiến bộ hơn trước. Song hiện nay dân chủ xã hội vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tượng vi phạm dân chủ còn nhiều. Nước ta đang ở trong tình trạng vừa thiếu dân chủ vừa thiếu kỷ cương, nhưng suy cho cùng thiếu kỷ cương là vì dân chủ chưa đầy đủ. Một trong 3 nguyên nhân của cơ chế dân chủ là nguyên tắc quy trình. Một tư tưởng dù tiến bộ đến đâu nếu không được quy trình hoá, quy chế hoá cũng không thể trở thành hiện thực. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được ghi vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) mà mãi đến năm 1998, sau khi có Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị và các Nghị định của Chính phủ mới thực sự có hiệu lực. Để xây dựng dân chủ, công tác dân vận nên tập trung góp phần xây dựng các cơ chế dân chủ trong bầu cử, trong việc thông qua các quyết định, trong việc tổ chức cho nhân dân tham gia quản lý, giám sát cũng như phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Việc tuyên truyền nâng cao ý thức dân chủ và chấp hành pháp luật cho nhân dân cũng là một nội dung quan trọng của công tác dân vận. Nếu dân chủ là nội dung chủ yếu thì chăm lo lợi ích nhân dân là cốt lõi của công tác dân vận. Trong bài báo “Dân vận”, Bác Hồ nêu một nguyên lý: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Đặt vấn đề lợi ích lên hàng đầu trong toàn bộ vấn đề “Nước ta là nước dân chủ” là tư tưởng rất sâu sắc, rất hiện đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mác trước đây đã viết: “tất cả những gì mà con người đấu tranh mà giành lấy đều dính liền với lợi ích của họ”. Chỗ khác nhau trong lợi ích của các chính đảng là lợi ích thuộc về ai, về giai cấp nào. Chỉ có Đảng cộng sản Việt Nam và một số Đảng Cộng sản khác, vừa là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân thì đồng thời cũng là đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động và dân tộc. 

Vấn đề lợi ích đối với công tác dân vận trở thành một quan điểm lớn của Đảng ta (Nghị quyết TƯ 8B khoá VI). Trong thực tế công tác dân vận cần hết sức coi trọng yếu tố lợi ích trong phát động của phong trào, các cuộc vận động, quan tâm sâu sắc đến những lợi ích cụ thể của quần chúng, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của dân, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trưởng. Cần uốn nắn những lệch lạc chỉ thấy lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, không thấy lợi ích toàn cục, lợi ích cộng đồng. 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là một tư tưởng rất nổi bật của Hồ Chí Minh, trở thành đường lối cơ bản của Đảng ta. Trong bài báo “Dân vận”, Người đề cập đến đại đoàn kết dân tộc với tinh thần triệt để nhất: “Không bỏ sót một người dân nào”. Tinh thần này phải được quán triệt trong công tác dân vận. Các hình thức tập hợp nhân dân phải hết sức đa dạng để đoàn kết tập hợp mọi người dân, mọi lứa tuổi vào tổ chức. Khác với thời kỳ chưa có chính quyền, công tác dân vận chỉ có điều kiện đi vào các đối tượng tiên tiến, giác ngộ, nay phải đi đến mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng. Càng khó khăn, càng lạc hậu lại càng cần đến công tác dân vận. 

Vấn đề phương thức và tác phong dân vận cũng được Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Người không chỉ nói mà còn hành động thực tế, nêu một tấm gương sáng mà trước đây ta thường khái quát thành tác phong Hồ Chí Minh. Bác Hồ viết: “Dân vận không chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước hết là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điều thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm tra thảo lại công việc rút ra kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Điều mà Bác Hồ viết trên đây chính là khẩu hiệu chúng ta thường nêu: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”. 

Về tác phong dân vận, Bác Hồ viết rất súc tích trong 12 từ “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. 

Để thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Nghị quyết Hội nghị TW lần thứ 7 (khoá IX) nêu: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói để dân hiểu, làm để dân tin”. Đây cũng là vấn đề rất thời sự hiện nay. Cuối cùng là vấn đề: “Ai phụ trách dân vận”. Bác Hồ viết: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt, Việt Minh v.v...) đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy là toàn bộ hệ thống chính trị đều làm dân vận mà như Nghị quyết hội nghị TW 8B (khoá VI) đã nêu thành một quan điểm lớn: Công tác quần chúng là trách nhiệm của Đảng, Chính quyền và đoàn thể nhân dân. Có điều đặc biệt là Bác Hồ nhấn mạnh: “Tất cả cán bộ, chính quyền” đều phải làm dân vận. Điều này rất có ý nghĩa trong điều kiện Đảng đã giành được chính quyền; mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân cũng chủ yếu thông qua mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân. Nghiên cứu lại tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận trong bối cảnh hiện nay đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc kết luận có tính khái quát rất cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 

Theo TS Đỗ Quang Tuấn, Tạp chí Dân vận tháng 10/2005.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5

(ĐCSVN) - Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; vi phạm quy định về khai thác thủy sản trong khu vực cấm bị phạt tới 90 triệu đồng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

(ĐCSVN) - Đồng chí Trương Thị Mai vừa ký Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website