Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam
Tại Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén… (8/9/1962). (Ảnh: Tư liệu)

Về tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: Từ xuất phát điểm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”(2), suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Theo Người, đề tài xuyên suốt và nguồn cảm hứng vô tận để báo chí cách mạng Việt Nam khai thác và tuyên truyền đó là: “chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(3). Do đó, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, vì có đường lối chính trị đúng thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được.

Về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh coi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng, vì “nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”(4). Đối với người làm báo cách mạng, theo Người, “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”, do đó “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”(5). Người căn dặn: “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hoá, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”(6).

Người cho rằng, nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”(7). Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia cách mạng. Một mặt, Người yêu cầu “Các báo chí và văn nghệ phải điều tra tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm trong việc phổ biến sáng kiến và kinh nghiệm. Đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc”(8). Mặt khác, Người đề nghị báo nên có mục “ý kiến bạn đọc”, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì “Phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy”(9).

Về tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam: Đây là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam, là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng. Người cho rằng, báo chí chỉ đúng về chính trị khi nó được lãnh đạo của một đảng, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, một đảng mang bản chất của giai cấp công nhân và gắn bó mật thiết với dân tộc, với nhân dân. Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? Đằng sau lời chỉ dẫn của Người: báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho hoà bình thế giới là nguyên tắc: Đảng phải lãnh đạo báo chí. Ngay từ rất sớm Người khẳng định nguyên tắc bất di, bất dịch ấy: “Ban Chấp hành Trung ương phải kiểm soát các báo chí của Đảng để tránh những khuyết điểm về kỹ thuật và chính trị”(10). Theo đó, Người yêu cầu “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu”(11). 

Để nâng cao tính Đảng, trong “Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng”, Người huấn thị: “Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1. Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng, để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thì: 3. Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy: 4. Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì: 5. Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát. Và: 6. Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa. Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây: Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều”(12).

Về xây dựng đội ngũ nhà báo vừa “hồng”, vừa “chuyên”: Từ tôn chỉ, mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từ vị trí và vai trò của nhà báo và hoạt động báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình; nhất là phải trau dồi lập trường chính trị vững chắc: “Chính vì thế cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”(13). Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”(14). Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo.

Người chỉ rõ: “đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”(15). Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Vì vậy, Người nhắc nhở: “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”(16).

Báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Về phần mình, hướng dẫn để báo chí và đội ngũ các nhà báo thực hiện đắc lực cho cách mạng, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân tức là Đảng đã làm tốt vai trò lãnh đạo báo chí.

Đảng ta đã quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng. Trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của Đảng, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; coi trọng phát tiển toàn diện báo chí, coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí như Điều 4, Luật Báo chí năm 2016 đã quy định đó là:

1. Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.

2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững./.

------------------------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.187

(2) (3) (4) (6) (11) (13) Sđd, tập 12, tr.166; tr.171; tr.166;  tr.166; tr.166;  tr.166;

(5) (9) Sđd, tập 13, tr.466; tr.464

(7) tập 14, tr.540

(8) Sđd, tập 7, tr.405

(10) Sđd, tập 3, tr.168

(12) (15) Sđd, tập 6, tr.102t; tr.102

(14) Sđd, tập 8, tr.205

(16) Sđd, tập 15, tr.667-668

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên. Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học.

Điều chỉnh quy định về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý

(ĐCSVN) – Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 99/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm p khoản 1 Điều 2 Nghị định số 83/2022/NĐ-CP ngày 18/10/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website