Ngành điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã được Bác Hồ quan tâm, chú trọng từ những ngày còn trong trứng nước. Khi điều kiện có thể, Người đã quyết định thành lập Doanh nghiệp Quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Những bộ phim đầu tiên ra đời, Bác Hồ luôn dành thời gian xem phim. Đáp lại, Điện ảnh nước nhà cũng đã ghi lại được rất nhiều hình ảnh quý báu về Người trong những năm tháng kháng chiến... Và Điện ảnh cũng đã ở bên Bác trong những giờ phút cuối cùng trước khi Người vĩnh biệt chúng ta...
Ngày 20/10/1946, chiến hạm Daymôngđuêcvin cập bến Hải Phòng đưa Bác trở về sau khi Người sang Pháp “làm thượng khách”. Bác dành nhiều phần “quà” cho điện ảnh. Bác nói: “có bột sẽ gột nên hồ”. Phần quà gồm: Hai bộ phim do Kiều bào Võ Quý Huân và Mai Trung Thứ quay: Phái đoàn Phạm Văn Đồng tại hội nghị Phôngtennơblô và Sức sống 25.000 kiều bào tại Pháp cùng bộ máy chiếu lưu động 16 ly Pallné và Débrie, bộ máy ghi tiếng vào đĩa mềm hiện đại. Hai bộ phim này đã được Ban ĐANA (điện ảnh, nhiếp ảnh ban đầu chỉ có 2 anh em Phan Nghiêm, Hoàng Thái sau thêm 4 người) đem chiếu lưu động suốt miền Bắc và miền Trung.
Toàn quốc kháng chiến, Ban ĐANA còn nằm trong Nha thông tin tuyên truyền trực thuộc Bộ Thông tin dời lên hang Chùa Trầm. Đúng giao thừa tết kháng chiến đầu tiên năm 1947, Bác đến thăm Ban ĐANA, Ban Vô tuyến điện, động viên anh em khắc phục thiếu thốn, đoàn kết nhau một lòng. Chợt Bác nhìn sang kỹ sư Pham Nghiêm - Người được giao xây dựng Ban ĐANA thấy anh mặc một chiếc áo vét tông có miếng rách ở vai đang điều khiển máy ghi âm. Bác chỉ vào chỗ rách và hỏi nhỏ Trần Kim Xuyến: “ở đây có cháu gái nào không?”...
Bác Hồ góp ý về nghiệp vụ cho nghệ sĩ điện ảnh cũng rất khéo léo và sâu sắc. Tại chiến khu Việt Bắc, có lần đạo diễn Phạm Văn Khoa đi quay tài liệu Bác Hồ thăm bà con ở Thái Nguyên. Đạo diễn bố trí xong mời Bác ra nói chuyện với bà con ở bên chiếc chõng tre có để sẵn nải chuối, ấm nước. Rất tự nhiên, Bác tới chiếc chõng và vui vẻ nói: “Đạo diễn mời Bác cháu ta đóng phim đấy!”. Nhưng rồi, máy quay trục trặc. Bác vui vẻ nói với bà con: chúng ta chiều chú Khoa làm lại lần nữa. Sau khi xong việc, Bác gọi đạo diễn tới: “Các chú có biết người làm nghề này ở Pháp họ gọi là gì không? Họ gọi là người săn hình ảnh. Đã săn thì phải sẵn sàng. Có cảnh tốt là quay, còn bố trí sẽ mất tự nhiên”.
Bác Hồ cũng đã từng làm người thuyết minh “chữa cháy” cho điện ảnh. Đó là dịp đạo diễn Vũ Phạm Từ và Nguyễn Hùng đem phim chiếu phục vụ Lớp Chỉnh huấn Trung cao tại Tân Trào. Hý hửng vì có một bộ phim nước ngoài, hai nghệ sĩ đem phim ra chiếu. Phim chưa có thuyết minh nên người xem chẳng hiểu gì. Bác bình tĩnh xem xong cuốn 1 rồi nói đưa micro cho Bác. Bác bắt đầu thuyết minh: đây là bộ phim Hoa bông của Liên Xô... cứ vậy khi chiếu hết từng cuốn Bác lại thuyết minh. Cuối buổi, Bác tới bên hai nghệ sĩ đang dọn máy: “Hôm nay Bác nghe được tiếng Nga nên thuyết minh giúp. Từ nay nếu chưa rõ nội dung phim thì đừng chiếu. Đầu bếp thì phải biết mình làm món gì chứ!”.
Theo sát những bộ phim tài liệu, những bộ phim truyện đầu tiên nhưng không bao giờ Bác “phê phán” hay áp đặt ý kiến chủ quan của mình. Nhiều nghệ sĩ như: Vũ Năng An, Vũ Phạm Từ, Bùi Đình Hạc, Lý Thái Bảo... khi đem phim lên chiếu phục vụ Bác, đều kể: Bác ngồi xem rất chăm chú. Trong khi đó, các nghệ sĩ lại chăm chú quan sát xem thái độ của Bác như thế nào. Hết phim, các nghệ sĩ đều nhao nhao xin Bác nhận xét. Đáp lại, Người quay sang hỏi những chiến sĩ bảo vệ, những người cùng xem... cảm tưởng của họ. Rồi Bác nói: “Các chú làm phim là để chiếu cho nhân dân xem. Phải lắng nghe ý kiến của nhân dân để làm cho hay cho tốt. (Bác cười vui vẻ). Nếu chỉ chờ nghe ý kiến của Bác thì... Bác khen các chú tự mãn, Bác chê thì các chú buồn”.
Đoàn kết là lời căn dặn của Bác không chỉ với các chiến sĩ. Với các nghệ sĩ điện ảnh, ngay từ những buổi đầu còn là học sinh Bác cũng rất quan tâm. Đó là khoá học của những nghệ sĩ tên tuổi sau này: Trà Giang, Lâm Tới, Trần Nga, Phi Nga, Lịch Du, Minh Châu, Ngọc Điệp... do giáo sư chuyên gia Azidaibe Paghimôp - đạo diễn Công huân của nước Cộng hoà Adécbaidan, giảng dạy. Khi tiễn Bác ra cổng, Người chưa lên xe ngay mà quay lại hỏi: “cháu nào hãy nói cho Bác nghe chiếc xe Bác đi đây, bộ phận nào quan trọng nhất?”. Học sinh trả lời: người thì nói cái đầu máy, người thì nói xăng dầu, bốn cái lốp... rồi chẳng ai chịu ai cứ nhao nhao lên. Cuối cùng tất cả quay lại nhờ bác phân định. Bác cười, chỉ tay vào những chiếc đinh vít ở bánh xe hỏi: “nếu không có những cái này xe có chạy được không? Như vậy có quan trọng không?”. Rồi Bác ôn tồn: “Ngôi sao sáng nhờ có trời tối. Nếu không có quay phim, không có những người sản xuất ra phim, không có những người ánh sáng thì ai thấy được các cháu là ngôi sao màn bạc. Vậy thì không có lý do gì những ngôi sao sáng kia lại xem thường một vòm trời tối. Rồi đây, các cháu sẽ thể hiện những con người mới để dân noi theo, những con người xấu để dân soi mình tránh. Nếu các cháu không khiêm tốn học hỏi để làm tốt, làm đúng thì dân sẽ bảo là bọn xướng ca vô loài. Các cháu học tốt tới đâu mà dân còn nói như vậy thì Bác sẽ không thấy vui...”.
Bác Hồ quan tâm, chăm lo nhiều đến ngành điện ảnh cũng là điều dễ hiểu. Ngay từ những năm bôn ba nước ngoài, Người đã hiểu sức mạnh của một ngành nghệ thuật mới. Ngoài ra, ít ai biết, Bác còn là bạn thân với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới như: Hăngri Bác buýt, hoạ sĩ Picatxô, Pôn Vayăng Cutuyariê... và đặc biệt với vua hề Sác Lô từ cuối năm 1911 tại Mỹ...
Trong bài viết này, chúng tôi không thể nói hết được những quan tâm của Bác Hồ với ngành điện ảnh Việt Nam, Nhưng những gì Bác đã dạy bảo sẽ in đậm mãi trong trái tim các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam.