Ngày 17-7-1947, Bác đề nghị đồng bào cả nước (chỉ trừ các cụ già thượng thọ, các cháu sơ sinh, các chiến sĩ ở mặt trận, những người đau yếu) hãy nhịn ăn một bữa "để giúp đỡ chiến sĩ bị thương". Bác dặn rất kỹ: Tuyệt đối không cưỡng bức, tính sổ tập trung để phân phối cho khắp, ra sức tuyên truyền, giải thích... Bác làm trước mọi người và vận động cả cơ quan Phủ Chủ tịch cùng hưởng ứng và gửi số tiền đó ngay cho Ban tổ chức Ngày thương binh toàn quốc.
Ngày 17-7-1947, Bác đề nghị đồng bào cả nước (chỉ trừ các cụ già thượng thọ, các cháu sơ sinh, các chiến sĩ ở mặt trận, những người đau yếu) hãy nhịn ăn một bữa "để giúp đỡ chiến sĩ bị thương". Bác dặn rất kỹ: Tuyệt đối không cưỡng bức, tính sổ tập trung để phân phối cho khắp, ra sức tuyên truyền, giải thích... Bác làm trước mọi người và vận động cả cơ quan Phủ Chủ tịch cùng hưởng ứng và gửi số tiền đó ngay cho Ban tổ chức Ngày thương binh toàn quốc.
Ngày 27-7-1947, Bác viết thư biểu dương việc bà Bá Huy đã lập một an dưỡng đường cho thương binh. Bác viết: "Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh".
Ngày 18-9-1947, Bác gửi tặng một nhóm đồng bào vùng tạm chiếm một vuông mùi xoa thêu để cảm tạ việc bà con đã mua một chiếc cúc với giá 10.000 đồng trong chiếc áo Bác đã tặng nhân Ngày thương binh.
Ngày 15-7-1948, Bác cổ vũ: "Từ trước đồng bào đã giúp đỡ nhiều. Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn. Vì vậy tôi mong và chắc rằng đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ mãi".
Tháng 9-1948, Bác gửi tặng cụ Tạ Quang Yên một tấm áo mà đồng bào đã biếu Bác, vì biết tin cụ có tới bốn người con "đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc".
Ngày 27-7-1949, Bác chỉ đạo Bộ Thương binh - Cựu binh không tổ chức lạc quyên "nhưng Bộ vẫn trông mong và hoan nghênh đồng bào tùy hoàn cảnh mà gửi thư tặng quà hoặc quyên giúp". Bác làm gương bằng cách gửi tặng một tháng lương của Bác. Nhiều năm sau Bác vẫn tiếp tục dành một tháng lương để góp vào quỹ thương binh, liệt sĩ.
Ngày 26-7-1951, Bác chỉ đạo rất cụ thể việc yêu cầu các xã "Tùy theo số ruộng đất trích được, mượn được hoặc khai khẩn được mà đón nhiều hoặc ít thương binh về xã". Bác phân tích: "Như thế thì đồng bào mỗi xã đã được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh; mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần, và vẫn có dịp tham gia sự hoạt động ích lợi cho xã hội".
Ngày 26-7-1952, Bác lấy gương đồng chí Nê-dốp (Liên Xô) và đồng chí Lý (Trung Quốc), người cụt hai chân, người mù hai mắt, mà vẫn trở thành Anh hùng lao động, để động viên thương binh. Bác viết: "Đồng bào sẵn sàng giúp, Chính phủ ra sức nâng đỡ, anh em có quyết tâm thì nhất định anh em dần dần tự túc được".
Tháng 7-1954, Bác viết thư cho cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh để chỉ đạo: "Tôi tiếp được báo cáo nhiều nơi khen ngợi một số anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ đã trở nên gương mẫu trong xã. Tôi mong rằng Bộ thường nêu những thành tích và những kinh nghiệm quý báu ấy để những xã khác và những anh em khác noi theo".
Ngày 17-7-1956, Bác nghiêm khắc nhắc nhở thương binh: "Nếu anh em nào có sai lầm, như công thần, ỷ lại, kém kỷ luật, kém tin tưởng, yêu cầu nhân dân quá đáng, không tích cực công tác... thì nên cố gắng sửa chữa".
Thật cảm động biết bao khi thấy trong Di chúc (bản viết bổ sung vào tháng 5-1968) để lại trước khi đi xa, Bác đã căn dặn hết sức kỹ lưỡng: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mọi người để họ có thể dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét".
Mỗi năm đến ngày 27-7, chúng ta nên đọc lại những lời căn dặn của Bác để xem những gì còn chưa làm được thì cố gắng mà làm, sao cho xứng đáng với tinh thần "Tổ quốc sẽ không bao giờ quên" đối với những người con ưu tú đã thật sự vì nước quên thân.
Nguyễn Lân Dũng