Di tích Bác Hồ trong Dự án làng hữu nghị Việt - Thái ở bản Mạy, Thái Lan

Thái-lan, một nước láng giềng phía tây của Việt Nam, đã từng là điểm dừng chân của nhiều nhà yêu nước Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc. 

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) trong quá trình bôn ba ở nước ngoài để tổ chức và vận động phong trào đấu tranh cách mạng, cũng đã hai lần tới hoạt động ở Thái-lan: Lần thứ nhất từ tháng 7-1928 đến tháng 11-1929, và lần thứ hai tháng 4-1930. 

Mấy năm gần đây, được sự giúp đỡ của chính quyền cùng các nhà khoa học Thái-lan, nhất là của cộng đồng người Thái gốc Việt, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiên cứu khảo sát để tìm hiểu về các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất bạn. Bước đầu đã thống kê được một số địa điểm Người đã từng tới ở các tỉnh, thành phố là Băng-cốc (BANGKOK), Phi Chít (PHICHIT), U-đon Tha-ni (UÐON THANI), Noọng Khai (NONGKHAI), Sa-kôn Na-khôn (SAKON NAKHON), U-bon Rát-cha-tha-ni (UBON RATCHATHANI), Mục-đa-hản (MUKÐAHAN), Ăm-nát-cha-rơn (AM NATCHARON), Na-khon Pha-nom (NAKHON PHANOM). Vì thời gian đã hơn 70 năm, nhân chứng trực tiếp hầu như còn rất ít, cho nên kết quả xác định di tích chưa được nhiều, có chăng chỉ còn truyền tụng nhiều dưới dạng phi vật thể những bài thơ ca ngợi Ðức Thánh Trần, những mẩu chuyện về Thầu Chín (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh) vận động, giác ngộ, tổ chức, giáo dục kiều bào đoàn kết thương yêu lẫn nhau, luôn luôn hướng về Tổ quốc, đồng thời tôn trọng phong tục, tập quán và đoàn kết với chính quyền, nhân dân Thái-lan. Trong số các di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại ở Thái-lan, Bản Mạy thuộc huyện Mương, tỉnh Na-khon Pha-nom nổi lên như một điểm sáng, thể hiện khá đầy đủ những nội dung để minh chứng cho những hoạt động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, Hội thân ái, Hội hợp tác, những tổ chức cách mạng tiền thân do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của Người sáng lập và cổ vũ. 

Cho đến hôm nay Bản Mạy vẫn giữ được gần như nguyên vẹn trong không gian dân tộc học của một làng thuần người Thái gốc Việt đã được thành lập cách đây hơn 100 năm. Ở mảnh đất công trung tâm làng, là ngôi đền thờ Ðức Thánh Trần Hưng Ðạo được bắt đầu xây dựng từ năm 1898, sau nhiều lần tu bổ, nâng cấp, hiện nay có được vẻ uy nghi đồ sộ như một ngôi đình làng ở Việt Nam. 

Bản Mạy có 127 nóc nhà, dân sống bằng nghề làm ruộng (trồng lúa nước), làm vườn, trồng rau, trồng cau, cây ăn quả và buôn bán khắp vùng đông bắc. Ngôn ngữ sử dụng giao tiếp hằng ngày bằng cả tiếng Việt và tiếng Thái. Chúng tôi đã có dịp ngồi nói chuyện với bà con nhiều lần và không khỏi ngỡ ngàng khi nghĩ mình đang ở trên đất Thái. 

Trong thời gian về vận động kiều bào ở Bản Mạy, lúc đầu Thầu Chín ở trong nhà ông Võ Trọng Ðài, một quần chúng giác ngộ và hăng hái. Ông Chín khuyên các hội viên trong Hội hợp tác làm một ngôi nhà đàng hoàng để làm nơi sinh hoạt tập trung. Bản thân ông Chín ngoài thời gian đi vận động và tổ chức phong trào yêu nước ở các vùng khác, đã tham gia nhiều hoạt động của Hội hợp tác Bản Mạy như dựng nhà, trồng lúa, đắp đường, đóng gạch... Ông rất nhiệt tình trong việc học tiếng Thái và dạy trẻ em chữ Việt. Ông tham gia các buổi dân làng cúng lễ ở đền Ðức Thánh Trần và trong các buổi tiếp xúc với đồng bào ở đây, Ông đã khéo léo nhắc nhở đồng bào tự hào với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông, yêu thương đùm bọc lẫn nhau và hướng về cội nguồn dân tộc. 

Trong ngày khánh thành Nhà hợp tác, ông Chín đã cùng mọi người trồng một dẫy dừa dọc theo bờ rào tiếp giáp với đường làng, trồng hai hàng bông bụt từ cổng vào sân Nhà hợp tác và trồng cây khế ngọt ngay đầu hồi nhà. Tháng 11-1929 ông Chín dời Thái-lan về Trung Quốc. Tháng 4-1930 ông có quay trở lại Thái-lan. Nhưng lần ấy ông chỉ tới Băng-cốc, U-đon Tha-ni, không có dịp về Bản Mạy. 

Tháng 9-2001, chính quyền tỉnh Na-khon Pha-nom, huyện Mương, xã Nỏng Giạt và bà con cư dân Bản Mạy đã chung góp tiền của, công sức, dựng lại đúng trên nền đất cũ của Nhà hợp tác một ngôi nhà chính ba gian, một ngôi nhà bếp, kho thóc và đang sưu tầm đưa trở về đây những vật dụng sinh hoạt như đúng với thời kỳ ông Chín và các đồng chí của Người đã sử dụng năm 1928 - 1929. 

Không chỉ dừng lại ở đây, với thiện ý tốt đẹp xây dựng Bản Mạy thành một biểu tượng của tình đoàn kết hữu nghị Việt - Thái, đồng thời thông qua đây phát triển du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư... từ những năm 1998 - 1999, tỉnh Na-khon Pha-nom đã quyết định di dời cơ quan chính quyền mương (thị xã) về ngay Bản Mạy, với hàng loạt công trình được quy hoạch kèm theo như trường đại học, sân vận động, bể bơi... và đặc biệt đầu năm 2003, Chính phủ Thái-lan đã phê duyệt Dự án làng hữu nghị Việt - Thái với mục tiêu giữ lại không gian dân tộc học làng Bản Mạy, với đền thờ Ðức Thánh Trần, Nhà hợp tác (di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh), đồng thời làm mới một số công trình, trọng tâm là khu Trung tâm thông tin với hội trường, nhà trưng bày triển lãm - thông tin giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước con người Việt Nam, về quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Thái. Bạn cũng có ý định cho dựng lại cả mô hình Nhà sàn Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch, Hà Nội, nhà quê ngoại Bác Hồ ở Kim Liên với tỷ lệ như thật ngay trong khuôn viên Trung tâm thông tin ở Bản Mạy. Trung tuần tháng 6-2003, đoàn công tác của Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam sang làm việc với tỉnh Na-khon Pha-nom và Cục Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thái-lan đã yêu cầu bạn không nên phục dựng các nhà di tích theo tỷ lệ 1/1, đồng thời gợi ý và được bạn hoan nghênh là Việt Nam sẽ tặng hai mô hình hai ngôi nhà nói trên, theo tỷ lệ 1/10 để bạn giới thiệu trong Nhà trưng bày ở trung tâm thông tin. 

Việc triển khai Dự án làng hữu nghị Thái - Việt đang rất khẩn trương, nếu mọi việc đều suôn sẻ, đầu năm 2004 tới, ở Bản Mạy (người Thái gọi là Bản Na Jok) huyện Mương, tỉnh Na-khon Pha-nom, cách Băng-cốc hơn 700 km, sẽ hiện diện một địa chỉ văn hóa - du lịch - lịch sử có tầm vóc bề thế, biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Thái-lan, nơi hẹn gặp của mọi tấm lòng của bà con xa quê hương luôn hướng về đất nước và là điểm đến của các bạn Thái-lan ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website