Phụ thân là ông Nguyễn Sinh Sắc, đỗ phó bảng năm 1901, quê làng Kim Liên (làng Sen) xã Chung Cự, cùng tổng, huyện với làng Hoàng Trù. Mẫu thân là bà Hoàng Thị Loan. Chị gái của Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Thị Thanh và anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm cả hai người đều tham gia nhiều hoạt động chống Pháp, bị chính quyền thuộc địa giam giữ, quản thúc nhiều năm.
Từ tuổi ấu thơ đến khi ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã tích luỹ được nhiều tri thức văn hoá dân tộc, văn hoá phương Đông qua những lớp học chữ Hán, và một mức độ nhất định văn minh Pháp tại nhiều trường tiểu học và Quốc học Huế. Đồng thời, Nguyễn Tất Thành còn được tiếp xúc, tiếp nhận tinh thần yêu nước của nhiều thầy học và nhiều chí sĩ cách mạng, tiêu biểu là Phan Bội Châu. Người chứng kiến nhiều phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ XX và chính Người tham gia phong trào chống thuế tại Huế năm 1908. Nhưng tất cả đều bị thất bại, đồng bào ta càng thêm khổ cực dưới ách thống trị của chế độ thuộc địa.
Tàu Latouche Treville đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Bình Định, khi ông Nguyễn Sinh Sắc làm tri huyện Bình Khê, nhưng đến năm 1910, ông bị cách chức tri huyện và triệu hồi về Huế. Lúc này, lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng giải phóng dân tộc càng thúc giục Nguyễn Tất Thành sang phương Tây, như Người đã nói với nhà báo, nhà thơ Nga Ôxíp Manđenxtam, năm 1923: “Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp Tự do - Bình đẳng - Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy".
Ý định của mình ra nước ngoài tìm cách cứu nước cũng được Người nói rõ với nhà văn Mỹ Anna Luy Xtơrông: "Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Điều đó khiến Nguyễn Tất Thành quyết định không cùng cha trở lại Huế, mà đến Phan Thiết dạy học tại Trường Dục Thanh khoảng 4-5 tháng, rồi vào Sài Gòn để thực hiện cuộc hành trình tìm đường cứu nước, mở đầu từ ngày 5-6-1911 trên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville). Người làm phụ bếp và mang tên gọi mới là Văn Ba.
Con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước đó rời bến cảng Sài Gòn đến Xingapo (8-6-1911), Côlômbô, Xrilanca (14-6-1911), cảng Xaít (Ai Cập, 30-6-1911), Mácxây (Pháp, 6-7-1911) rồi cập bến Lơ Havrơ (15-7-1911).
Đi đến đâu, Nguyễn Tất Thành cũng cố gắng quan sát nhận biết sâu sắc diện mạo thế giới tư bản chủ nghĩa để tích luỹ tri thức, nghiên cứu và đối chiếu lý luận với thực tế, tham gia các hoạt động xã hội để tìm cho ra những đặc trưng cơ bản của sự phân hoá, đối địch giữa người giàu với người nghèo, giữa những người bị áp bức và bị bóc lột với kẻ thống trị, giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với đế quốc chủ nghĩa xâm lược và thống trị.
Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.