Chiến tranh nông dân ở Đức

Dân tộc cũng có truyền thống cách mạng của mình. Có một thời kỳ mà nước Đức đã sản sinh ra những nhân vật có thể đặt ngang với những nhà cách mạng ưu tú nhất của các nước khác; mà nhân dân Đức đã thể hiện một tính kiên định và một tinh lực mà nếu ở một quốc gia tập trung thì sẽ có thể đem lại những kết quả hết sức tuyệt vời; mà nông dân và đám bình dân Đức đã ấp ủ những ý nghĩ và những kế hoạch khiến cho con cháu họ lắm lúc cũng còn rùng mình kinh hãi. 

Để đối lập lại với thái độ thờ ơ nhất thời biểu hiện ra ở hầu hết mọi nơi sau hai nǎm chiến đấu, đã đến lúc phải giới thiệu lại với nhân dân Đức những nhân vật vụng về nhưng chắc nịch của cuộc Chiến tranh nông dân vĩ đại. Từ đó đến nay ba thế kỷ đã trôi qua và nhiều điều đã thay đổi; tuy vậy, cuộc Chiến tranh nông dân cũng hoàn toàn không xa lắm đối với những trận chiến đấu của chúng ta ngày nay, và những kẻ địch cần phải chống lại phần lớn cũng vẫn là những kẻ địch như trước. Những giai cấp và bộ phận giai cấp đã phản bội khắp nơi trong những nǎm 1848 và 1849 thì chúng ta thấy chúng đã đóng vai trò phản bội ngay từ nǎm 1525, tuy rằng ở một giai đoạn phát triển thấp hơn. Và nếu sự phá hoại dữ dội của cuộc Chiến tranh nông dân trong những nǎm cuối chỉ biểu lộ ra ở từng nơi, ở Odenwald, ở Schwarzwald, ở Schlesien, thì điều đó tuyệt nhiên cũng không chừng minh tính ưu việt của cuộc khởi nghĩa hiện đại. 



Tình hình kinh tế và kết cấu xã hội của Đức


Trước hết, chúng ta hãy xem xét trên những nét vắn tắt tình hình nước Đức hồi đầu thế kỷ XVI. 

Công nghiệp Đức đã phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XIV và XV. Thủ công nghiệp phường hội ở thành thị đã thay thế công nghiệp nông thôn phong kiến có tính chất địa phương, nó sản xuất cho những khu vực rộng lớn hơn và thậm chí cho cả những thị trường xa xôi hơn. Ngành dệt dạ len thô và vải gai đã trở thành một ngành công nghiệp thường xuyên và rất phổ biến, còn ở Augsburg thì người ta đã sản xuất cả hàng len mịn và lanh mịn, cũng như sản xuất cả lụa. Bên cạnh ngành dệt thì những ngành sản xuất có liên quan tới nghệ thuật là những ngành được sự xa hoa của thế tục và của giáo hội cuối thời trung có nuôi dưỡng cũng phát triển đặc biệt rộng rãi: ngành kim hoàn, tạc tượng, chạm gỗ, khắc đồng và gỗ, làm khí giới, đúc huy chương, nghề tiẹn, v.v.. Một loạt phát minh ít nhiều quan trọng trong đó việc phát minh ra thuốc súng1 và máy in là những trang rực rỡ nhất trong lịch sử của chúng - đã góp phần lớn lao vào sự phát triển thủ công nghiệp. Thương nghiệp phát triển song song với công nghiệp. Nhờ có sự độc quyền hàng hải hàng thế kỷ của nó, Liên minh thương chính Hanse đã đưa được toàn bộ miền bắc Đức ra khỏi tình trạng man rợ thời trung cổ; và mặc dầu ngay từ cuối thế kỷ XV, nó đǎ bắt đầu suy tàn nhanh chóng trước sự cạnh tranh của người Anh và người Hà-lan, nhưng con đường thương mại lớn từ ấn-độ lên phía bắc - bất chấp những phát kiến của Vasco da Gama - vẫn tiếp tục đi qua Đức; và Augsburg, như trước dây, vẫn là kho hàng lớn chứa tơ lụa ý, gia vị ấn-độ và tất cả những sản phẩm của các nước phương Đông. Những thành thị ở miền Thượng Đức, nhất là Augsburg và Nurnberg, là trung tâm của sự giàu có và sự xa hoa khá lớn đối với thời đó. Việc khai thác nguyên liệu cũng phát triển rõ rệt. Những thợ mỏ Đức hồi thế kỷ XV là những thợ mỏ khéo léo nhất thế giới, và nhờ sự phồn vinh của thành thị, ngay cả nông nghiệp cũng đǎ thoát khỏi tình trạng man rợ thời trung cổ. Không những người ta biến những diện tích bỏ hoang bao la thành đồng ruộng, mà còn trồng trọt những cây thuốc nhuộm và những cây khác mang từ nước ngoài về, và việc phải chǎm sóc chúng nhiều hơn đã ảnh hưởng tốt đến toàn bộ nền nông nghiệp. 

Tuy thế sự phát triển của nền sản xuất trong nước Đức vẫn không theo kịp sự phát triển của nền sản xuất của các nước khác. Nông nghiệp Đức lạc hậu rất nhiều so với Anh và Hà Lan; công nghiệp Đức thua xa công nghiệp ý, Flandre và Anh, còn trong lĩnh vực thương nghiệp hàng hải thì người Anh và nhất là người Hà lan đã bắt đầu đánh bại người Đức. Dân cư vẫn còn rất thưa thớt. Nền vǎn minh ở Đức chỉ tồn tại ở từng nơi, tập trung xung quanh một số trung tâm công nghiệp và thương nghiệp cá biệt; lợi ích của ngay cả những trung tâm đó cũng rất khác nhau, và chỉ họa hoằn lắm mới có điểm giống nhau. Miền nam có những quan hệ thương mại và những thị trường tiêu thụ khác hẳn miền bắc; giữa miền đông và miền tây hầu như không có sự trao đổi. Không một thành thị nào có thể trở thành trung tâm công nghiệp và thương nghiệp cho cả nước, giống như Luân-đôn đǎ trở thành một trung tâm như thế đối với nước Anh chẳng hạn. Toàn bộ sự giao dịch trong nội địa hầu như chỉ hoàn toàn giới hạn trong ngành vận tải ven biển, đường sông, và vài con đường thương mại lớn từ Augsburg và Nurnberg qua Koln đi Hà-lan và qua Erfurt đi lên phía bắc. Cách xa những sông ngòi và những con đường thương mại có rất nhiều thành thị nhỏ hơn; bị gạt ra ngoài vòng trao đổi rộng lớn, những thành thị ấy vẫn cứ tiếp tục sống vất vưởng trong điều kiện sinh hoạt của thời trung cổ hậu kỳ, chỉ tiêu dùng rất ít hàng nhập của nước ngoài và cũng chỉ sản xuất rất ít hàng xuất khẩu. Trong dân cư ở nông thôn, chỉ có giai cấp quý tộc là tiếp xúc với những giới rộng rãi hơn và với những nhu cầu mới. Còn khối đông nông dân thì không bao giờ vượt ra khỏi phạm vi những quan hệ địa phương gần nhất, và khỏi cái chân trời dịa phương chật hẹp gắn liền với những quan hệ đó. 

Trong khi ở Anh và ở Pháp, sự phát triển của thương nghiệp và công nghiệp đã dẫn đến chỗ thống nhất những lợi ích trong phạm vi cả nước và do đó đã đưa đến sự tập trung về chính trị, thì ở Đức quá trình đó chỉ có thể dẫn đến chỗ tập hợp những lợi ích theo tỉnh, xung quanh những trung tâm thuần túy dịa phương, và do đó, đến sự phân tán về chính trị; sự phân tán này ít lâu sau lại được xác lập một cách đặc biệt vững chắc do nước Đức bị loại ra khỏi nền thương mại thế giới. Đế chế thuần tuý phong kiến ấy càng sụp đổ thì mối liên hệ giữa các miền của đế chế đó nói chung cũng càng tan rã; những kẻ hưởng những thái ấp lớn của đế chế bắt đầu biến thành những vương công gần như độc lập, còn những thành thị của đế chế ở một bên và bên kia là những hiệp sĩ của đế chế thì bắt đầu liên minh với nhau để khi thì chống lại nhau, khi thì chống lại các vương công hay chống lại hoàng đế. Chính quyền của đế chế, không còn nhận thức được địa vị của chính mình nữa, đã nghiêng ngả một cách bất lực giữa các thành phần khác nhau cấu thành đế chế, do đó ngày càng mất uy quyền; mưu toan của chính phủ định tập trung nhà nước theo kiểu Louis XI - mặc dầu mọi mưu kế và bạo lực - cũng không vượt quá việc củng cố mối liên hệ giữa các đất đai thừa hưởng được của nước áo. Nếu có những người cuối cùng đã được lợi và phải được lợi trong sự hỗn độn đó, trong vô số những cuộc xung đột chằng chịt với nhau đó, thì đó là những kẻ đại diện cho sự tạp trung trong chính ngay sự phân tán, những kẻ đại diện cho sự tập trung ở địa phương và ở tỉnh, tức là những vương công, bên cạnh họ chính ngay hoàng đế cũng ngày càng trở thành một vương công như tất cả những vương công khác. 

Trong những điều kiện đó, tình hình các giai cấp do thời trung có để lại đã thay đổi một cách cơ bản, và bên cạnh các giai cấp cũ đã hình thành những giai cấp mới. 

Các vương cộng nảy sinh từ tầng lớp đại quý tộc. Họ đã hầu như hoàn toàn độc lập đối với hoàng đế và có được phần lớn các chủ quyền. Họ tự mình tiến hành chiến tranh và ký kết hòa ước, nuôi quân đội thường trực, triệu tập nghị viện địa phương và đặt ra các thứ thuế. Họ đã làm cho một bộ phận lớn tiểu quý tộc và thành thị phải phục tùng chính quyền của họ và họ tiếp tục dùng đủ mọi thủ đoạn có thể làm được để sáp nhập vào lãnh thổ của họ những thành thị và lãnh địa của các nam tước còn trực tiếp phụ thuộc vào đế chế. Họ càng tỏ ra tập trung bao nhiêu đối với các thành thị và lãnh địa đó, thì họ lại tỏ ra chống tập trung bấy nhiêu đối với chính quyền của đế chế. Về mặt đối nội, sự cai quản của họ lúc đó cũng đã rất độc đoán. Thường thường họ chỉ triệu tập các hội nghị đẳng cấp khi họ không có lối thoát nào khác. Họ đặt ra các thứ thuế và thu tiền bất kỳ lúc nào họ muốn: quyền các đẳng cấp được tham gia biểu quyết về thuế khóa ít khi được thừa nhận, và lại càng ít khi được thực hiện. Và ngay cả khi quyền đó của các đẳng cấp được thực hiện thì vương công cũng thường chiếm được đa số nhờ hai đẳng cấp không phải nộp thuế nhưng lại được dự phần vào thuế -- giới hiệp sĩ và tǎng lữ lớp trên. Nhu cầu của các vương công về tiền tǎng lên cùng với sự xa hoa và những chi phí để nuôi triều đình, cùng với sự xuất hiện đội quân thường trực và những khoản chi ngày càng tǎng của công việc cai trị. Thuế khóa ngày càng nặng nề. Nhờ có những dặc quyền của mình, các thành thị phần lớn đã được bảo vệ khỏi ách thuế khóa; toàn bộ gánh nặng thuế khóa đều trút lên đầu nông dân, - nông dân trong lãnh địa của bản thân các vương công cũng như nông nô, nông dân bị lệ thuộc và nông dân nộp tô phong kiến cho các hiệp sĩ phải làm nghĩa vụ của người hưởng thái ấp. Khi thuế trực thu không đủ thì người ta đánh thuế gián thu; để lấp đầy quốc khố bị thủng người ta đã dùng đến những thủ đoạn tinh vi nhất của nghệ thuật tài chính. Khi tất cả những cái đó vẫn không đủ, khi không còn có gì để cầm cố được nữa, và khi không có một thành thị tự do nào của đế chế muốn cho vay nữa, thì người ta dùng đến những thủ đoạn làm tiền bẩn thỉu nhất: người ta đúc tiền không đủ giá trị, đặt ra thị giá cưỡng chế, khi cao khi thấp, tùy theo cái gì có lợi hơn cho ngân khố. Việc buôn bán những đặc quyền của thành thị hoặc những đặc quyền khác, rồi sau đó dùng bạo lực tước lại những đặc quyền ấy để bán với giá cao hơn, việc sử dụng mỗi mưu toan chống đối làm cái cớ để bắt nộp những khoản tiền bồi thường và để cướp bóc.,v.v. và v.v., đều là những nguồn thu nhập bình thường và rất hời của các vương công thời bấy giờ. Đối với các vương công, cả công lý cũng là một món hàng buôn bán thường xuyên và khá quan trọng. Tóm lại, những thần dân thời đó - những người ngoài ra lại còn phải thỏa mãn lòng tham riêng của những quan lại địa phương và viên chức của các vương công - đã được nếm đầy đủ tất cả mọi điều tuyệt diệu của chế độ cai trị "đầy tình phụ mẫu" . 

Tầng lớp quý tộc hạng trung hầu như hoàn toàn biến mất khỏi hệ tôn ti phong kiến thời trung cổ: một bộ phận trong tầng lớp đó vươn lên được địa vị những vương công nhỏ độc lập, còn một bộ phận khác thì tụt xuống hàng ngũ tiểu quý tộc. Tiểu quý tộc, tức là các hiệp sĩ, nhanh chóng đi tới chỗ diệt vong. Đại bộ phận đã hoàn toàn bị phá sản và chỉ sống bằng cách phục vụ các vương công, giữ các chức vụ quân sự hay dân sự ; một bộ phận khác ở vào thân phận chư hầu và lệ thuộc vào các vương công; cuối cùng, bộ phận nhỏ nhất phụ thuộc trực tiếp vào đế chế. Sự phát triển của ngành quân sự, vai trò ngày càng tǎng của bộ binh, việc cải tiến hòa khí - tất cả những điều đó đã làm mất tầm quan trọng của sự phục vụ quân sự của các hiệp sĩ với tư cách là kỵ binh nặng và đồng thời cũng thủ tiêu tính chất kiên cố của những pháo đài của hợ. Sự tiến bộ của công nghiệp đã làm cho các hiệp sĩ trở nên thừa, cũng giống như những thợ thủ công ở Nũrnberg. Những nhu cầu của hiệp sĩ về tiền đã góp phần đáng kể vào việc làm cho họ bị phá sản. Sự xa hoa trong các lâu đài sự ganh đua về mặt tráng lệ trong các cuộc đấu võ của các kỵ sĩ và trong các hội hè, giá vũ khí và ngựa, thì ngày càng tǎng cùng với những tiến bộ của sự phát triển xã hội, trong khi những nguồn thu nhập của các hiệp sĩ và các nam tước chỉ tǎng rất ít, hoặc hoàn toàn không tǎng. Những cuộc phân tranh cùng với những vụ cướp phá và những món tiền bồi thường không thể tránh khỏi, những vụ ǎn cướp trên đường cái lớn và những việc làm cao quý khác tương tự, dần dần đã trở thành một công việc quá nguy hiểm. Những khoản đảm phụ và những đóng góp nặng nề của các thần dân hầu như cũng không đem lại một thu nhập lớn hơn trước. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tǎng của họ, các ngài quý tộc phải dùng đến những thủ đoạn giống như các vương công. Sự cướp bóc của quý tộc đối với nông dân mỗi nǎm một tinh vi hơn. Nông nô bị bóp nặn đến giọt máu cuối cùng; những nông dân phụ thuộc phải gánh thêm những khoản thuế và đảm phụ mới với mọi lý do và dưới mọi tên gọi. Lao dịch, địa tô, phù thu lạm bổ, thuế thay đổi chủ, thuế di sản, tiền bảo hộ,v.v., tǎng lên một cách độc đoán, bất chấp tất cả mọi hợp đồng cổ. Người ta từ chối không xét xử, cả tòa án cũng bị mua chuộc, và nếu hiệp sĩ không thể dùng cách nào khác để bòn rút tiền của nông dân thì họ cứ việc tống giam nông dân và buộc người đó phải bỏ tiền ra chuộc lại tự do. 

Tiểu quý tộc cũng hoàn toàn không sống hòa thuận với những tầng lớp khác. Lớp quý tộc có nghĩa vụ chư hầu đối với các vương công thì tìm cách để trở thành trực tiếp phụ thuộc vào đế chế; quý tộc phụ thuộc vào đế chế thì tìm cách duy trì vị trí độc lập của mình; do đó không ngừng nổ ra những cuộc xung đột với các vương công. Hiệp sĩ coi tầng lớp tǎng lữ tự cao tự mãn là một đẳng cấp hoàn toàn thừa, và nhìn bằng con mắt thèm khát những dinh cơ rộng lớn của tǎng lữ và những của cải mà tǎng lữ góp nhặt được nhờ sống độc thân và quy chế của giáo hội. Hiệp sĩ luôn luôn bất hòa với thành thị. 

Họ là con nợ thường xuyên của thành thị, sông bằng cách cướp phá lãnh thổ của thành thị và cướp bóc thương nhân của thành thị, bằng tiền chuộc những người bị bắt làm tù binh trong các cuộc tranh chấp với các thành thị. Và khi vấn đề tiền tài càng trở thành vấn đề sông còn đối với họ, thì cuộc đấu tranh của giới hiệp sĩ với tất cả các tầng lớp đó trở nên ngày càng khốc liệt thêm. 

Giới tǎng lữ, đại biểu cho hệ tư tưởng phong kiến thời trung cổ, cũng chịu ảnh hưởng không kém của bước ngoặt lịch sử. Do việc phát minh ra máy in và do sự phát triển những nhu cầu của một nền thương nghiệp đang ngày càng mở rộng, giới tǎng lữ không những mất độc quyền về đọc và viết mà còn mất cả độc quyền về những trình độ học vấn cao hơn. Sự phân công lao động cũng đã diễn ra cả trong lĩnh vực trí óc. Đẳng cấp luật gia mới hình thành đã tước mất của tǎng lữ một loạt chức vị có nhiều ảnh hưởng nhất. Trên một mức độ đáng kể, tǎng lữ cũng đã bắt đầu trở nên thừa, khi chính bản thân họ xác nhận điều đó bằng sự lười biếng và sự ngu dốt ngày càng tǎng của họ. Nhưng càng trở nên thừa thì tǎng lữ lại càng trở nên đông đảo nhờ số của cải to lớn mà họ không ngừng làm tǎng lên bằng đủ mọi thủ đoạn có thể làm được. 

Giới tǎng lữ cũng chia thành hai giai cấp hoàn toàn khác nhau. Hệ tôn ti của giáo hội phong kiến hình thành nên giai cấp quý tộc: giám mục và tổng giám mục, trưởng tu viện, giáo chủ và các giáo chức cao cấp khác. Các giáo chức cao cáp đó của giáo hội đều hoặc giả tự mình là những vương công của đế chế, hoặc giả là những chúa phong kiến phục tùng chính quyền tối cao của những vương công khác và chiếm hữu những vùng đất đai rộng lớn có nhiều nông nô và dân cư lệ thuộc. Các giáo chức này không những bóc lột bầy tôi của họ một cách cũng tàn nhẫn như quý tộc và vương công, mà còn hành động vô liêm sỉ hơn nhiều. Để cướp đoạt đồng xu- cuối cùng của bầy tôi hoặc để làm tǎng thêm phần gia tài di chúc lại cho giáo hội, thì ngoài việc dùng bạo lực thô bạo ra họ còn dùng đến tất cả mọi thủ đoạn tinh vi của tôn giáo; ngoài những sự khủng khiếp của tra tấn ra họ còn dùng tất cả mọi sự khủng khiếp của việc rút phép thông công và của việc khước từ xá tội mọi mưu kế của việc xưng tội. Đối với những bậc đáng kính đó việc giả mạo giấy tờ là một thủ đoạn lừa đảo thông thường và quen thuộc nhất. Nhưng, mặc dầu là ngoài những khoản đảm phụ phong kiến thông thường và các khoản tô họ còn thu cả thuế thập phân nữa, tất cả những khoản thu nhập đó vẫn không đủ đối với họ. Để bòn rút nhiều tiền hơn nữa ở nhân dân, họ đã dùng đến xuất ra những tượng thánh và thành tích có phép mầu, tổ chức ra những cuộc hành hương cầu phúc và buôn bán những bùa miễn tội. 

Sự cǎm ghét không những của nhân dân, mà cả của quý tộc nữa, đối với cha cố, chính đã tập trung vào các tǎng lữ cao cấp đó và vào đội sen đầm thầy tu đông đúc của chúng, - đội sen đầm này ngày càng tǎng lên cùng với việc tǎng cường đàn áp về chính trị và tôn giáo. Trong trường hợp những tǎng lữ này phụ thuộc trực tiếp vào đế chế thì họ tạo thành một vật chướng ngại cho các vương công. Cuộc sống phóng khoáng của các giám mục và trường tu viện béo tốt và của đội quân thầy tu của họ đã gây nên sự ghen ghét của quý tộc và sự cǎm phẫn của nhân dân là những người phải trả tất cả những chi phí ấy, và lối sống ấy của những tǎng lữ cao cấp càng mâu thuẫn rõ rệt với những lời thuyết giáo của họ, thì lòng cǎm phẫn đó lại càng mạnh hơn. 

Bộ phận bình dân của giới tǎng lữ gồm có những mục sư ở nông thôn và thành thị. Họ đứng ngoài hệ tôn ti phong kiến của giáo hội, và không tham dự gì vào những của cải của giáo hội. Hoạt động của họ tương đối ít bị kiểm soát và mặc dầu tất cả tầm quan trọng của nó đối với giáo hội, nhưng trong lúc này hoạt động đó rất cần thiết hơn nhiều so với những sự phục vụ có tính chất cảnh sát của các thầy tu sống thường xuyên trong doanh trại. Vì vậy họ được trả lương tồi hơn rất nhiều và phần lớn chỉ được hưởng những món lộc rất ít ỏi. Xuất thân từ giới thị dân hay bình dân, họ khá gần gũi với hoàn cảnh sinh sống của quần chúng, nên mặc dầu là giáo sĩ, họ vẫn đồng tình với thị dân và bình dân. Việc tham gia các phong trào thời kỳ đó là ngoại lệ đối với các thầy tu, nhưng đối với họ thì lại là rất thông thường. Từ trong hàng ngũ của họ nảy sinh những nhà lý luận và những nhà tư tưởng của phong trào, và nhiều người trong bọn họ hoạt động với tư cách là đại biểu của bình dân và nông dân, đã vì thế mà chết trên đoạn đầu đài. Vì vậy sự cǎm thù của nhân dân đối với các giáo sĩ rất ít khi chĩa vào họ. 

Trên vương công và quý tộc có hoàng đế, thì trên tǎng lữ cao cấp và tǎng lữ hạ cấp cũng có giáo hoàng. Giống như người ta phải nộp cho hoàng đế "đồng pơ-phen-nich chung" và các thứ thuế của đế chế, người ta cũng phải nộp cho giáo hoàng các thứ thuế chung của giáo hội, dùng để trả cho sự xa hoa của tòa thánh Rô-ma. Không có một nước nào mà những thứ thuế ấy của giáo hội lại được thu-- nhờ thế lực và số lượng thầy tu đông đảo - một cách nhiệt tình và nghiệt ngã hơn ở Đức. Đặc biệt hà khắc là những món tiền công nhậm chức khi có dịp khuyết chức giám mục. Với những nhu cầu ngày càng tǎng, người ta nghĩ ra những thủ đoạn mới để kiếm tiền: buôn bán thánh tích và bán bùa xá tội, quyên góp nhân những ngày lễ, v.v. . Bằng cách đó, hằng nǎm có những số tiền rất lớn được chuyển từ Đức sang Rô-ma, và ách áp bức ngày càng nặng nề thêm vì tình hình ấy không những đã làm tǎng lòng cǎm thù đối với các giáo sĩ, mà còn kích thích tinh thần dân tộc, đặc biệt là trong hàng ngũ quý tộc một đẳng cấp có tinh thần dân tộc nhất của thời kỳ đó. 

Do sự phát triển của thương nghiệp và thủ công nghiệp, từ số dân cư công thương nghiệp lúc ban đầu của các thành thị thời trung cổ đã nảy sinh ba nhóm hết sức riêng biệt. 

Đứng đầu xã hội thành thị là những giòng họ quý tộc thành thị, những người gọi là "những kẻ quyền quý". Đó là những gia đình giàu có nhất. Chỉ có những gia đình ấy mới có chân trong hội đồng thành phố và họ chiếm tất cả các chức vụ của thành phố. Vì vậy không những họ quản lý các thu nhập của thành thị, mà còn tiêu xài những thu nhập ấy nữa. Mạnh vì giàu có, vì có địa vị quý phái cổ truyền được hoàng đế và đế chế công nhận, các gia đình ấy bóc lột bằng mọi cách cả công xã thành thị lẫn những nông dân thuộc quyền của thành thị. Các gia đình ấy làm nghề cho vay nặng lãi, bằng cách cho vay ngũ cốc và tiền, nắm mọi thứ độc quyền, lần lượt tước của công xã tất cả mọi quyền của nó và việc sử dụng chung các rừng rú và đồng cỏ của thành thị, chỉ sử dụng chúng để làm lợi riêng cho mình, tùy tiện quy định thuế đường, thuế cầu, thuế cổng và các thứ thuế khác, buôn bán các đặc quyền phường hội, chức thợ cả, quyền công dân và cả công lý nữa. Nông dân ở vùng lân cận cũng bị họ đối xử thẳng tay chẳng kém gì quý tộc hay tǎng lữ; hơn nữa, những trưởng quan và viên chức của thị xã ở nông thôn - tất cả đều là quý tộc thành thị - trong khi bóp nặn đã kết hợp tính tàn nhẫn và lòng gian tham của bọn quý tộc với cái tính cố chấp của bọn quan lại. Những thu nhập của thành phố góp nhặt như vậy được quản lý một cách hết sức tùy tiện; những giấy tờ thanh toán trong các sổ sách của thành phố, đơn thuần có tính chất hình thức, được tiến hành hết sức cẩu thả và rối rắm; những vụ biển thủ và thiếu hụt quỹ là một hiện tượng thông thường. Lúc đó, một đẳng cấp không đông, nắm đủ mọi đặc quyền, liên kết chặt chẽ với nhau bằng những quan hệ họ hàng và những lợi ích chung, có thể làm giàu một cách dễ dàng đến như thế nào nhờ vào các thu nhập của thành thị, điều đó ta có thể hình dung được một cách dễ dàng nêu ta nhớ lại những vụ gian lận và biển thủ đã bị phát giác hồi nǎm 1848 ở rất nhiều cơ quan quản lý thành phố. 

Bọn quý tộc thành thị quan tâm làm cho các quyền của công xã thành thị, nhất là về mặt tài chính, ở khắp nơi đều bị lãng quên di. Mãi về sau, khi những sự lạm dụng của các ngài ấy đã trở nên quá nghiêm trọng, thì các công xã mới bắt đầu hoạt động để ít nhất cũng nắm quyền kiểm soát bộ máy quản lý thành phố. Và các công xã đã thực sự khôi phục được quyền của họ ở phần lớn các thành thị. Nhưng do có những sự tranh chấp liên miên giữa các phường hội, do sự ngoan cố của bọn quý tộc thành thị và sự che chở của đế chế và của chính phủ các thành thị liên minh với họ, nên những thành viên quý tộc thành thị trong các hội đồng đã thực tế khôi phục được một cách rất nhanh chóng, khi thì bằng mưu kế, khi thì bằng bạo lực, sự thống trị không hạn chế cũ của chúng. Đầu thế kỷ XVI, ở tất cả các thành thị, công xã lại ở vào địa vị phái đối lập. 

Phái đối lập chống lại quý tộc thành thị chia thành hai bộ phận đã thể hiện ra rất rõ trong cuộc Chiến tranh nông dân. 

Phái đối lập của thị dân, tiền thân của phái tự do của chúng ta ngày nay, bao gồm những thị dân giàu có và trung bình, và cả một bộ phận lớn hay nhỏ tiểu thị dân, tùy theo điều kiện địa phương. Những yêu sách của phái này mang tính chất thuần túy lập hiến. Nó đòi quyền kiểm soát cơ quan quản lý thành phố và tham dự vào quyền lập pháp, bằng cách thông qua cuộc hội nghị của bản thân công xã hoặc thông qua các đại biểu của công xã (đại hội đồng, ủy ban công xã); thứ nữa, nó đòi hạn chế chế độ gia đình trị của quý tộc thành thị và chế độ quả đầu của một số ít gia đình, một chế độ ngày càng bộc lộ công khai ngay cả trong nội bộ bản thân giai cấp quý tộc thành thị. Ngoài ra, nhiều lắm thì phái đối lập của thị dân cũng chỉ đòi hỏi thay một vài ghế trong hội đồng bằng những thị dân xuất thân từ trong tấng lớp của họ. Phái này, tập hợp được ở đó đây một bộ phận bất mãn và sa sút trong giai cấp quý tộc thành thị, đã chiếm được một đa số lớn trong tất cả các hội nghị thường kỳ của công xã và trong các phường hội. Còn những người tán thành hội đồng, cũng như những người trong phái đối lập cấp tiến hơn, ngay cả khi cộng chung lại, cũng chỉ tạo thành một thiểu số nhỏ trong số những thị dân có đầy đủ quyền công dân. 

Dưới đây chúng ta sẽ thấy rằng phái đối lập "ôn hòa", "hợp pháp", "sung túc" và "có học thức" này trong phong trào của thế kỷ XVI cũng đóng đúng vai trò và cũng có đúng một sự thành công như kẻ kế tục nó, tức là đảng lập hiến, trong phong trào của những nǎm 1848-1849. 

Vả lại, phái đối lập của thị dân còn đấu tranh kịch liệt chống các giáo sĩ mà cuộc sống lười biếng, phóng khoáng và những tập quán đồi trụy đã làm cho họ hết sức phẫn nộ. Họ đòi phải có những biện pháp kiên quyết chống lại lối sống xấu xa của những vị đáng kính ấy. Họ đòi phải hủy bỏ quyền được xét xử riêng và quyền được miễn thuế của các giáo sĩ, và, nói chung, đòi phải giảm số tu sĩ. 

Phái đối lập bình dân gồm những thị dân bị phá sán và quần chúng dân cư thành thị không có quyền công dân: thợ bạn, người làm công nhật và đông đảo đại biểu của tầng lớp vô sản lưu manh mới xuất hiện, mà người ta đǎ thấy ngay từ ở những bước phát triển thấp nhất của các thành thị. Tầng lớp vô sản lưu manh nói chung là một hiện tượng mà người ta đã thày - dưới một dạng ít nhiều phát triển - trong hầu hết mọi giai đoạn phát triển của xã hội từ trước tới nay. Chính trong thời kỳ ấy, do chế độ phong kiến tan rã thành một xã hội trong đó mỗi một nghề nghiệp, mỗi một phạm vi sinh hoạt còn được bảo vệ bởi vô số đặc quyền, cho nên đám người không có một nghề nghiệp nhất định và không có chỗ cư trú thường xuyên đã tǎng lên rất nhiều. Trong tất cả các nước phát triển, chưa bao giờ số người lang thang lại nhiều như ở nửa đầu thế kỷ XVI. Một bộ phận trong bọn họ đã gia nhập quân đội trong thời chiến một bộ phận khác đi ǎn xin khắp nước, cuối cùng, bộ phận thứ ba thì kiếm sống một cách nghèo nàn ở các thành thị bằng những việc làm công nhật hoặc bằng những công việc khác không đòi hỏi phải thuộc về một phường hội nào đó. Tất cả ba thành phần ấy đều có vai trò của mình trong cuộc Chiến tranh nông dân: thành phần thứ nhất -- trong các dội quân của các vương công, những đội quân này đã đánh bại nông dân; thành thị phần thứ hai -- trong những hội âm mưu của nông dân và trong những đội quân nông dân, trong đó ảnh hưởng đồi bại của họ đã luôn luôn biểu lộ ra; thành phần thứ ba - trong những cuộc đấu tranh của các phe phái ở thành thị. Vả lại, không nên quên rằng phần lớn giai cấp này, cụ thể là bộ phận sống ở thành thị, hồi bây giờ còn giữ được phần lớn cái bản chất lành mạnh của nông dân, và trong một thời gian dài vẫn còn xa lạ với sự bất lương và đồi bại của tầng lớp vô sản lưu manh vǎn minh ngày nay. 

Như chúng ta thấy, phái đối lập bình dân ở thành thị trong thời kỳ đó bao gồm nhiều thành phần rất hỗn tạp. Nó tập hợp những thành phần đã bị phá sản của xã hội phong kiến và phường hội cũ, và những phần tử vô sản còn chưa phát triển, vừa mới nhú lên từ xã hội tư sản hiện đại đang nảy sinh. Một bên là những thị dân phường hội bị bần cùng hóa, còn bị ràng buộc bởi những đặc quyền vào trật tự thành thị hiện tồn; một bên là những nông dân bị đuổi ra khỏi những nơi quen thuộc của mình và những tôi tớ bị sa thải còn chưa thể trở thành những người vô sản. Giữ một vị trí trung gian giữa hai hạng người ó là thợ bạn: tạm thời họ đứng ngoài xã hội chính thức, và xét theo điều kiện sinh hoạt thì họ hết sức gần với giai cấp vô sản trong chừng mực nên công nghiệp hồi ấy và những đặc quyền của phường hội cho phép; nhưng đồng thời cũng chính vì những đặc quyền phường hội ấy mà hầu hết họ đều là những thị dân và những thợ cả phường hội tương lai. Vì vậy lập trường phe phái của cái đám hỗn hợp những phần tử tạp nham ấy, tất nhiên là hết sức không vững vàng và khác nhau tùy theo điều kiện địa phương. Trước Chiến tranh nông dân, phái đối lập bình dân tham gia đấu tranh chính trị không phải với tư cách là một đảng phái, mà chỉ như một đám đông huyên náo, thích thú việc cướp bóc, có thể mua và bán được bằng vài thùng rượu vang và theo đuổi phái đối lập của thị dân. Chỉ có những cuộc nổi dậy của nông dân mới biến họ thành một đảng phái, nhưng cả trong trường hợp này, trong những yêu sách và hành động của mình, đâu đâu họ cũng đi theo nông dân - đó là một bằng chứng rõ ràng nói lên rằng hồi đó thành thị còn phụ thuộc vào nông thôn đến chừng nào. Phái ấy chỉ hoạt động độc lập trong chừng mực nó đòi hỏi thiết lập độc quyền thủ công nghiệp của thành thị ở nông thôn, trong chừng mực nó phản đối việc giảm bớt những thu nhập của thành thị bằng cách bãi bỏ những đảm phụ phong kiến ở ngoại thành, v.v.; tóm lại, trong chừng mực nó hoạt động độc lập thì nó là phản động và phụ thuộc vào chính những phần tử tiểu tư sản của nó, như vậy là nó giáo đầu một cách đặc sắc cho tấn bi hài kịch mà giai cấp tiểu tư sản hiện đại đǎ trình diễn từ ba nǎm nay, dưới chiêu bài dân chủ. 

Chỉ có ở Thúringen, dưới ảnh hưởng trực tiếp của Munzer, và ở một số nơi khác, dưới ảnh hưởng của những học trò của ông, bộ phận bình dân trong dân cư thành thị mới bị lôi cuốn vào cơn bão tố cách mạng chung tới mức là trong đó, thành phần vô sản mới phôi thai đã nhất thời chiếm ưu thế so với tất cả những phần tử khác của phong trào. Giai đoạn này, giai đoạn tột đỉnh trong toàn bộ cuộc Chiến tranh nông dân, và diễn ra xung quanh nhân vật vĩ đại nhất của cuộc chiến tranh ấy là Thomas Munzer, đồng thời cũng là giai đoạn ngắn nhất. Lẽ dĩ nhiên, bộ phận bình dân này phải thất bại hết sức nhanh chóng, đồng thời phong trào của nó phải mang một dấu ấn chủ yếu là hoang đường và phương pháp biểu thị những yêu sách của nó hết sức không rõ ràng, chính bởi vì nó có một cơ sở ít vững chắc hơn cả trong các quan hệ xã hội hồi đó. 

Nằm dưới tất cả những giai cấp này, trừ những người bình dân ra, là đông đảo quần chúng nhân dân bị bóc lột: nông dân. Toàn bộ cái cơ cấu xã hội gồm vương công, quan lại, quý tộc, linh mục, quý tộc thành thị và thị dân, đều đè nặng lên vai nông dân. Dù là thuộc về một vương công, về một nam tước của đế chế, về một giám mục, về một tu viện hay một thành thị, ở đâu người nông dân cũng đều bị đối xử như là một đồ vật, như là một súc vật thồ, và đôi khi còn tệ hơn. Nếu anh ta là một nông nô thì anh ta hoàn toàn nằm dưới quyền của người chủ của mình. Còn nếu anh ta là một nông dân phụ thuộc thì chỉ riêng những khoản đảm phụ hợp pháp, được quy dịnh theo giao kèo, cũng đủ đè bẹp anh ta, thế nhưng những khoản đảm phụ này thì lại mỗi ngày một tǎng thêm. Họ phải làm việc phần lớn thời gian trên đất đai của lãnh chúa, còn đối với những khoản kiếm được cho bản thân trong ít giờ tự do thì họ phải đóng thuế thập phân, địa tô phong kiến, phụ thu lạm bổ, thuế nộp cho vương công [ Bede ], thuế hành quân (thuế quân vụ), thuế cho địa phương và cho đế chế. Anh ta không thể lấy vợ hay không thể chết, mà không nộp tiền cho lãnh chúa. Ngoài những lao dịch đã quy định anh ta còn phải làm cho người chủ nhân hậu của mình những việc như cắt rạ, hái quả dâu rừng, quả việt quất, bắt ốc sen, dồn thú rừng trong các cuộc sǎn bắn, bó củi, v.v.. Quyền đánh cá và sǎn bắn thuộc về lãnh chúa, và người nông dân phải lặng nhìn thú rừng phá hoại mùa màng của họ. Những bãi chǎn nuôi và những cánh rừng công xã của nông dân hầu hết mọi nơi đều bị lãnh chúa cưỡng đoạt. Và lãnh chúa không những định đoạt một cách tùy tiện tài sản của nông dân, mà cả thân thể họ, thân thể vợ họ và con gái của họ nữa. Lãnh chúa có quyền đêm đầu tiên. Bất kỳ lúc nào muốn là lãnh chúa cũng có thể tống nông dân vào nhà giam, ở đó việc tra tấn chắc chắn sẽ đến với họ như ngày nay kẻ bị bắt giam sẽ gặp người dự thẩm. Lãnh chúa đánh người nông dân đến chết hoặc ra lệnh chặt đầu họ nếu hắn muốn. Trong những chương giáo huấn của bộ luật Carolina38 nói đến việc "cắt tai", "xẻo mũi", "khoét mắt", "chặt ngón tay và bàn tay", "chặt đầu", "buộc người vào bánh xe đánh cho gẫy chân tay", "thiêu đốt", "kẹp bằng kìm nung đỏ", "phân thây", v.v., không một chương nào mà bón lãnh chúa nhân hậu và bọn bảo hộ họ lại không thể áp dụng đối với nông dân của chúng, tùy theo sở thích. Ai là người có thể bênh vực nông dân? Ngồi xử án là những nam tước, giáo sĩ, quý tộc thành thị hay luật gia, họ hiểu rõ người ta trả tiền cho họ để làm gì. Chính tất cả các đẳng cấp quan phương trong đế chế đều sống bằng cách bòn rút đến tận xương tủy người nông dân. 

Nhưng nông dân, mặc dù cǎm hận cái ách áp bức khủng khiếp, nhưng cũng vẫn khó bề đứng lên khởi nghĩa. Sự biệt lập của họ làm cho họ hết sức khó đạt tới một sự thỏa thuận chung nào đó. Thói quen chịu khuất phục từ thế hệ này qua thế hệ khác; ở nhiều địa phương, nông dân đã mất thói quen sử dụng vũ khí; tính chất tàn ác của tệ bóc lột lúc tǎng, lúc giảm tùy theo cá nhân bọn lãnh chúa, - tất cả những điều đó đã góp phần duy trì nông dân trong tình trạng phục tùng. Vì vậy, ở thời trung cổ, tuy chúng ta thấy có rất nhiều cuộc bạo động của nông dân địa phương, nhưng - ít ra là ở Đức - trước cuộc Chiến tranh nông dân, người ta chưa hề thấy một cuộc khởi nghĩa nào của giai cấp nông dân có tính chất cả nước. Thêm vào đó, một mình nông dân không có khả nǎng làm cách mạng, chừng nào họ còn đứng trước lực lượng có tổ chức của các vương công, quý tộc và thành thị thống nhất và đoàn kết với nhau. Chỉ có sự liên minh với các đẳng cấp khác mới có thể đem lại cho họ đôi chút triển vọng chiến thắng; nhưng họ làm sao có thể liên minh với các đẳng cấp khác, khi mà tất cả các đẳng cấp ấy đều bóc lột họ. 

Như vậy, chúng ta thấy rằng hồi đầu thế kỷ XVI, các đẳng cấp khác nhau của đế chế - vương công, quý tộc, giáo chức, quý tộc thành thị, thị dân, bình dân, và nông dân - họp thành một khối đông cực kỳ hỗn tạp, có nhưng nhu cầu rất nhiều vẻ, chéo nhau trong tất cả mọi hướng. Mỗi đẳng cấp đều cản đường đẳng cấp kia và không ngừng đấu tranh khi thì công khai, khi thì ngấm ngầm chống lại tất cả những đẳng cấp khác. Sự phân chia toàn dân tộc thành hai phe lớn, đã diễn ra vào bước đầu cuộc Cách mạng Pháp lần thứ nhất, và giờ đây đang diễn ra ở một mức độ phát triển cao hơn trong những nước tiên tiến nhất, hoàn toàn không thể có được trong những điều kiện hồi bấy giờ; sự phân chia ấy chỉ có thể xảy ra một cách gần giống như thế trong trường hợp tầng lớp dưới của dân tộc bị tất cả mọi đẳng cấp khác bóc lột - tức là nông dân và bình dân - nổi dậy. Người ta sẽ dễ dàng hiểu được cái mớ phức tạp những lợi ích, quan điểm và khát vọng của thời ấy, nếu nhớ lại rằng cái thành phần hiện nay, ít phức tạp hơn nhiều, của dân tộc Đức, gồm giới quý tộc phong kiến, giai cấp tư sản, giai cấp tiểu tư sản, nông dân và giai cấp vô sản, đã gây nên một sự rối rắm như thế nào trong hai nǎm qua. 

II 

[Những tập đoàn đối lập lớn và những hệ tư tưởng của họ - Luther và Mĩnzer]


Việc tập hợp những đẳng cấp rất nhiều vẻ hồi bấy giờ thành những liên minh lớn hơn hầu như đã không thể thực hiện được do sự phân quyền và sự độc lập của các địa phương và các tỉnh đới với nhau, do sự xa lạ giữa các tỉnh về mặt thương nghiệp và công nghiệp và tình trạng đường giao thông không tốt. Những điều đó đã khiến cho việc tập hợp ấy chỉ xuất hiện cùng với sự phổ biến rộng rãi những tư tưởng chính trị - tôn giáo cách mạng trong thời kỳ Cải cách tôn giáo. Việc các đẳng cấp khác nhau đấu tranh bảo vệ hay phản đối những tư tưởng ấy - thật ra thì rất chật vật và chỉ có tính chất đại khái - đã dẫn tới việc tập trung dân tộc Đức thành ba phe lớn: phe thiên chúa giáo hay phe phản động, phe Luther hay phe thị dân cải cách và phe cách mạng. Nếu ngay trong sự phân chia lớn lao này của dân tộc chúng ta thấy không có sự triệt để lắm, nếu trong hai phe trên, một phần chúng ta cũng gặp thấy những phần tử như nhau, thì đó là vì trạng thái tan rã của đa số các đẳng cấp quan phương còn sót lại từ thời trung cổ và vì sự phân quyền đã làm cho những đẳng cấp như nhau trong những địa phương khác nhau lại nhất thời có thể di theo những xu hướng đối lập nhau. Trong những nǎm gần đây, chúng ta thường có dịp thấy ở Đức những hiện tượng tương tự như vậy, cho nên chúng ta không nên ngạc nhiên trước sự kết hợp có vẻ rất hỗn tạp của tác đẳng cấp và giai cấp trong những mối quan hệ phức tạp hơn nhiều của thế kỷ XVI. 

Mặc dầu đã có những kinh nghiệm của thời gian gần đây nhất, hệ tư tưởng Đức vẫn cứ coi những cuộc đấu tranh chấm dứt thời kỳ trung cổ chỉ là những cuộc chửi mắng nhau dữ dội về thần học. Theo ý kiến những người am hiểu lịch sử và những nhà hoạt động quốc gia khôn ngoan ở nước ta, nếu như những con người của thời ấy có thể đồng ý với nhau về những công việc ở trên trời thì có lẽ họ sẽ không còn có một lý do nào để cãi vã nhau về những công việc trên trần thế. Những nhà tư tưởng ấy khá cả tin đến nỗi coi là thật tất cả những ảo tưởng mà một thời đại nào đó tự tạo ra vẽ bản thân nó, hay do những nhà tư tưởng của thời đó tạo ra vẽ thời đại của mình. Ví dụ, những con người thuộc loại ấy coi cuộc Cách mạng 1789 chỉ là một loạt những cuộc tranh luận quá sôi nổi về những ưu điểm của nền quân chủ lập hiến so với nền quân chủ chuyên chế, coi cuộc Cách mạng tháng bảy39 chỉ là một cuộc tranh cãi thực tiễn về tính chất vô cǎn cứ của cái hai40 chỉ là một mưu toan giải quyết vấn đề: "nền quân chủ hay chế độ cộng hòa?", v.v.. Về cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trong tất cả các vụ chấn động ấy, cuộc đấu tranh và biểu hiện đơn giản của nó là những khẩu hiệu chính trị được viết rõ trên các ngọn cờ - về cuộc đấu tranh ấy, ngay cả cho tới nay các nhà tư tưởng của chúng ta cũng vẫn không hiểu gì cả, mặc dầu nó đã được nói lên một cách khá rõ ràng không những qua các tin tức từ nước ngoài dội về, mà cả trong tiếng phàn nàn phẫn nộ của hàng ngàn và hàng ngàn những người vô sản ở nước ta. 

Ngay trong thời kỳ gọi là những cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ XVI, vấn đề trước hết vẫn là những lợi ích vật chất hết sức rõ ràng của các giai cấp; những cuộc chiến tranh ấy cũng là những cuộc đấu tranh giai cấp, chẳng khác gì những cuộc xung đột nội bộ xảy ra về sau này ở Anh và ở Pháp. Nếu hồi đó các cuộc đấu tranh giai cấp mang nhãn hiệu tôn giáo, nếu những lợi ích, nhu cầu và yêu sách của các giai cấp được che giấu dưới cái vỏ tôn giáo, thì điều đó cũng chẳng hề làm cho sự vật thay đổi chút nào và cũng dễ cắt nghĩa bằng những điều kiện của thời đại. 

Thời trung cổ đã phát triển trên một cơ sở hoàn toàn thô sơ. Nó đã xóa sạch nền vǎn minh cổ đại, nền triết học, chính trị, luật học cổ đại, để lại bắt đầu tất cả ngay từ đầu. Điều duy nhất mà nó mượn được của thế giới cổ đại đã diệt vong là Đạo cơ đốc và một số thành thị nửa tàn phá, đã mất hết nền vǎn minh cũ của chúng. Kết quả là, cũng giống như ở tất cả những giai đoạn phát triển lúc ban đầu, bọn giáo sĩ chiếm độc quyền trí dục, và bản thân nền giáo dục cũng mang một tính chất chủ yếu là thần học. Trong tay bọn giáo sĩ, chính trị và luật học, cũng như tất cả những khoa học khác, vẫn chỉ là những ngành của khoa thần học, và những nguyên lý thống trị trong thần học cũng được áp dụng cho chính trị và luật học: Những giáo lý của giáo hội đồng thời cũng là những định lý chính trị, và những đoạn Kinh thánh cũng có hiệu lực trước mọi tòa án như là luật pháp. Ngay cả khi đã hình thành một đẳng cấp luật gia riêng biệt, khoa luật học trong một thời gian dài vẫn còn được đặt dưới sự giám hộ của thần học. Và sự thống trị tối cao ấy của thần học trong tất cả các lĩnh vực hoạt động tinh thần đồng thời cũng là hậu quả tất yếu của cải vị trí mà giáo hội đã chiếm với tính cách là sự tổng hợp chung nhất và sự phê chuẩn chung nhất của chế độ phong kiến hiện tồn. 

Rõ ràng là trong những điều kiện như vậy thì tất cả mọi sự đả kích biểu hiện dưới một hình thức chung vào chế dộ phong kiến, và trước hết là những sự đả kích vào giáo hội, tất cả những học thuyết cách mạng - xã hội và chính trị phải đồng thời và chủ yếu là những tà thuyết về thần học. Để có thể đả kích vào những quan hệ xã hội hiện tồn thì cần phải tước bỏ cái vòng hào quang thiêng liêng của chúng. 

Sự đối lập có tính chất cách mạng chống chế độ phong kiến diễn ra suốt thời trung cổ. Tùy theo điều kiện của thời đại, nó xuất hiện khi thì dưới hình thức một thuyết thần bí, khi thì dưới hình thức một tà giáo công khai, khi thì dưới hình thức một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Về thuyết thần bí thì người ta biết rõ là phải Cải cách tôn giáo thế kỷ XVI đã phụ thuộc vào nó đến chừng nào; cả Mĩnzer cũng đã mượn của nó nhiều điểm. Tà giáo một phần là biểu hiện sự phản ứng của những mục đồng theo chế độ gia trưởng ở dãy núi Alpes, chống lại chế độ phong kiến thâm nhập vào sinh hoạt của họ (người Vaudois41) ; một phần là sự đối lập của các thành thị đã vượt quá khuôn khổ của chế độ phong kiến chống lại chế độ phong kiến (người Albigeois42, Arnold de Brescia, v.v.) một phần cũng là những cuộc nổi dậy công khai Picardie v.v..). ở đây, chúng ta có thể gạt ra một bên tà giáo gia trưởng của phái Vaudois, cũng như cuộc khởi nghĩa của người Thụy-sĩ, vì đó là những mưu toan phản động về hình thức và nội dung, muốn tách rời khỏi sự phát triển của lịch sử, hơn nữa, lại chỉ có một tầm quan trọng địa phương. Trong hai hình thái tà giáo khác của thời trung cổ, ngay từ thế kỷ XII, chúng ta đã thấy những triệu chứng của sự đối lập lớn giữa phe đối lập của thị dân và phe đối lập của bình dân - nông dân, những triệu chứng đã dẫn cuộc Chiến tranh nông dân đến thất bại. Sự đối lập ấy diễn ra suốt trong thời trung cổ hậu kỳ. 

Tà giáo của các thành thị - và nói cho đúng ra là tà giáo chính thức của thời trung cổ - chủ yếu là nhằm vào bọn giáo sĩ, nó tấn công vào tài sản và địa vị chính trị của chúng. Cũng như ngày nay, giai cấp tư sản đòi hỏi một gouvernement à bon marché, một chính phủ rẻ tiền, thị dân thời trung cổ cũng đòi hỏi trước hết là một eglise à bon marché, một giáo hội rẻ tien. Phản động xét về mặt hình thức, - giống như mọi tà giáo coi sự tiếp tục phát triển của giáo hội và của các giáo lý chỉ có thể là một sự thoái hóa, - tà giáo của thị dân đòi hỏi phục hồi chế độ đơn giản của giáo hội cơ đốc nguyên thủy và bãi bỏ đẳng cấp tǎng lữ biệt lập. Cái thiết chế rẻ tiền ấy bãi bỏ các thầy tu các giảm mục, tòa thánh Rô-ma, tóm lại, tất cả mọi thứ đắt tiền trong giáo hội. Các thành thị, bản thân là những nước cộng hòa, mặc dầu được đặt dưới sự bảo hộ của các vua chúa, nhưng với những sự đả kích của mình vào giáo hội, lần đầu tiên, dưới một hình thức chung, chúng đã nói lên cái luận điểm cho rằng hình thức thống trị bình thường của giai cấp tư sản là chế độ cộng hòa. Thái độ thù địch của chúng đối với nhiều giáo lý và luật lệ của giáo hội được giải thích một phần bởi những điều đã nói ở trên, một phần bởi những điều kiện sinh hoạt khác của họ. Ví dụ, không ai giải thích rõ nguyên nhân khiến họ công kích dữ dội chế độ độc thân của bọn giáo sĩ hơn là Boccaccio. Arnold de Brescia ở ý và ở Đức, người Albigeois ở miền nam nước Pháp, John Wycliffe ở Anh, Hus và người Caliste4 ở Bohême, là những đại biểu chính của xu hướng ấy. Sở dĩ sự chống đối chế độ phong kiến chỉ biểu hiện ra ở đây dưới dạng một sự chống đối chế độ phong kiến của giáo hội, thì đó chỉ là vì ở khắp mọi nơi, các thành thị đã là một đẳng cấp đã được công nhận và đã có đầy đủ khả nǎng để đấu tranh chống lại chế độ phong kiến thế tục, bằng cách dựa vào những đặc quyền của họ, nhờ vào vũ khí hoặc những hội nghị đẳng cấp. 

Cả ở miền nam nước Pháp cũng như ở Anh và ở Boheme, chúng ta cũng đã thấy phần lớn giai cấp tiểu quý tộc tham gia cuộc đấu tranh của các thành thị chống lại bọn giáo sĩ và đi theo các tà giáo, - một hiện tượng được giải thích bởi sự lệ thuộc của giai cấp tiểu quý tộc vào các thành thị, cũng như bởi sự đồng nhất về lợi ích giữa họ với các thành thị trong việc chống lại các vương công và các giáo chức cao cấp. Chúng ta sẽ lại gặp lại hiện tượng đó trong cuộc Chiến tranh nông dân. 

Thứ tà giáo biểu thị trực tiếp những nhu cầu của nông dân và bình dân, và hầu như lúc nào cũng kết hợp với khởi nghĩa, thì có tính chất hoàn toàn khác hẳn. Tuy nó tán thành tất cả những yêu sách của tà giáo thị dân đối với bọn giáo sĩ, giáo hoàng và việc đòi phục hồi chế độ giáo hội cơ đốc nguyên thủy, nhưng đồng thời nó còn đi xa hơn thế rất nhiều. Nó đòi tái lập sự bình đẳng của Đạo cơ đốc nguyên thủy giữa những thành viên trong công xã tôn giáo, cũng như đòi công nhận sự bình đẳng đó như là một tiêu chuẩn cả cho các quan hệ dân sự. Từ "sự bình đẳng giữa những người con của Chúa", nó đã rút ra sự bình đẳng của các công dân, và ngay hồi bấy giờ, một phần nào cũng đã rút ra cả sự bình đẳng về tài sản. Coi quý tộc bình đẳng với nông dân, quý tộc thành thị và thị dân có đặc quyền bình đẳng với những người bình dân, bãi bỏ chế độ lao dịch, địa tô, thuế khóa, các đặc quyền và ít ra là thủ tiêu những sự khác biệt nổi bật nhất về tài sản, đó là những yêu sách được đề ra một cách ít nhiều rõ rệt, với tính cách là những kết luận cần thiết rút ra từ học thuyết cơ đốc nguyên thủy. Tà giáo bình dân - nông dân ấy, vào thời kỳ phong kiến toàn thịnh, ví dụ như ở những người Albigcois, hãy còn khó có thể tách khỏi tà giáo thị dân, thì đến thế kỷ thứ XIV và XV, nó đã phát triển thành một quan điểm phe phái tách biệt rõ rệt, khi mà nó thường xuất hiện một cách hoàn toàn độc lập bên cạnh tà giáo của thị dân. Ví dụ, đó là trường hợp của John Ball, người tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa của Wat-Tyler ở Anh44, bên cạnh những môn đồ của Wycliffe; đó cũng là trường hợp của phái Taboritcs45 bên cạnh phái Caliste ở Bohême. ở phái Taborites ngay hồi bấy giờ thậm chí đã xuất hiện xu hướng cộng hòa dưới cái vỏ chính trị thần quyền, xu hướng đó sau này đã được tiếp tục phát triển ở những đại biểu của bình dân Đức vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI. 

Gắn liền với hình thức tà giáo ấy là sự kích thích quá độ của những giáo phái theo thuyết thần bí, của phái cuồng tín tự quất mình trước công chúng46, phái Lollard47, v.v.. là những người tiếp tục truyền thống cách mạng trong những thời kỳ phong trào đã bị đè bẹp. 

Bình dân hồi ấy là giai cấp duy nhất hoàn toàn đứng bên ngoài xã hội quan phương hiện tồn. Họ đứng bên ngoài những mối liên hệ phong kiến cũng như bên ngoài những mối liên hệ thị dân. Họ không có đặc quyền, cũng chẳng có tài sản; thậm chí họ cũng chẳng có một sản nghiệp gánh chịu những đảm phụ nặng nề như ở nông dân và tiểu thị dân. Về mọi phương diện họ đều không có của và vô quyền; điều kiện sinh sống của họ không trực tiếp liên quan gì đến những thiết chế hoạt động hồi bấy giờ là những thiết chế đã hoàn toàn không thèm đếm xỉa gì đến họ. Họ là triệu chứng sinh động của sự tan rã của xã hội phong kiến và thị dân - phường hội và đồng thời là những người tiên khu đầu tiên cua xã hội tư sản hiện đại. 

Cái địa vị ấy của bình dân cắt nghĩa tại sao ngay từ hồi ấy bộ phận bình dân trong xã hội đã không thể chỉ giới hạn trong một mình cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến và các thị dân có đặc quyền; tại sao, ít ra là trong trí tưởng tượng, nó phải vượt qua ngay cả những giới hạn của cái xã hội tư sản hiện đại vừa mới nảy sinh hồi đó; tại sao, khi không có một chút tài sản nào, nó đã phải hoài nghi những thiết chế, những quan niệm và những quan điểm vốn có đối với mọi hình thái xã hội xây dựng trên những mâu thuẫn giai cấp. Những mơ tưởng của thuyết ngàn nǎm48 của Đạo cơ đốc nguyên thủy đã là điểm xuất phát thuận tiện cho việc ấy. Nhưng đồng thời cái khát vọng không những muốn vượt quá hiện tại, mà còn vượt quá cả tương lai ấy, chỉ có thể là một khát vọng hoang đường, là sự cưỡng ép đối với thực tế, và ngay mưu toan đầu tiên muốn thực hiện nó trong thực tiễn cũng đã phải đẩy phong trào lại phía sau, vào những khuôn khổ chật hẹp mà những điều kiện hồi bấy giờ cho phép. Những sự đả kích vào chế độ tư hữu, yêu sách về chế độ công hữu tài sản, tất nhiên phải thoái hóa thành một tổ chức từ thiện thô thiển; sự bình đẳng mơ hồ của Đạo cơ đốc nhiều lắm cũng chỉ có thể quy thành sự "bình đẳng trước pháp luật" của giai cấp tư sản; việc bãi bỏ mọi quyền lực rốt cuộc đã trở thành việc thiết lập những chính phủ cộng hòa do nhân dân bầu ra. Sự đoán trước về chủ nghĩa cộng sản trong tưởng tượng đã trở thành sự đoán trước về những mối quan hệ tư sản hiện đại trong thực tế. 

Sự đoán trước về lịch sử sau này ấy, một sự đoán trước rất trái ngược với thực tế nhưng hoàn toàn có thể giải thích được bởi những điều kiện sinh hoạt của bộ phận bình dân, chúng ta thấy trước tiên trong nước Đức; ở Thomas Mĩnzer và phái của ông. Thật ra, ở những người Taborites cũng đã có một thứ cộng đồng tài sản kiểu thuyết nghìn nǎm, nhưng đó chỉ là một biện pháp thuần túy quân sự. Chỉ ở Mĩnzer, những tia tư tưởng cộng sản mới lần đầu trở thành biểu hiện của những khát vọng của một bộ phận hiện thực trong xã hội, chỉ ở ông ta lần đầu tiên chúng mới được diễn đạt rõ rệt tới một mức độ nhất định, và bắt đầu từ ông ta chúng ta lại thấy chúng trong mỗi cuộc nổi dậy lớn của nhân dân, cho đến lúc chúng dần dần hòa làm một với phong trào vô sản hiện đại; cũng giống như trong thời trung cổ, cuộc đấu tranh của nông dân tự do chống sự thống trị phong kiến đang ngày càng ràng buộc họ, hòa làm một với những cuộc đấu tranh của nông nô và nông dân phụ thuộc để thủ tiêu hoàn toàn ách thống trị phong kiến. 

Trong khi phe thứ nhất trong ba phe lớn, tức phe bảo thủ - thiên chúa giáo, tập hợp tất cả những phần tử quan tâm đến việc duy trì những trật tự hiện có, tức chính quyền của đế chế, tǎng lữ và một bộ phận vương công thế tục, tầng lớp quý tộc giàu có hơn, các giáo chức cao cấp và quý tộc thành thị, thì dưới lá cờ cải cách ôn hoà - thị dân của Luther lại tập hợp những phần tử hữu sản của phái đối lập: đông đảo tiểu quý tộc, giới thị dân, và ngay cả một bộ phận vương công thế tục, họ hy vọng làm giàu bằng cách tịch thu tài sản của giáo hội và muốn lợi dụng cơ hội để giành được độc lập nhiều hơn đối với đế chế. Sau cùng, nông dân và bình dân họp thành một đảng phái cách mạng mà những yêu sách và học thuyết dã được Mĩnzer trình bày một cách rõ rệt nhất. 

Cả về học thuyết lẫn tính cách và hành động, Luther và Mĩnzer đều là người đại diện chân chính cho phái của mình. 

Từ nǎm 1517 đến nǎm 1525, Luther đã trải qua một sự biến chuyển hệt như những người lập hiến hiện đại ở Đức từ nǎm 1846 đến nǎm 1849, hệt như mỗi phái tư sản đã đứng đầu phong trào một thời gian, và đã bị vượt ngay trong tiến trình của phong trào ấy bởi phe bình dân hay vô sản đứng sau họ. 

Sau nǎm 1517, khi lần đầu tiên Luther đả kích vào giáo lý và chế độ của giáo hội thiên chúa, thì sự đối lập của ông ta hoàn toàn chưa có một tính chất rõ ràng. Không vượt quá giới hạn những yêu sách của tà giáo thị dân trước đây, sự chống đối ấy cũng không loại bỏ một xu hướng nào cấp tiến hơn, và thật ra cũng không thể làm được điều ấy. Lúc đầu cần phải tập hợp tất cả những phần tử chống đối lại, cần phải phát huy một tinh lực cách mạng quyết liệt nhất và phải đem toàn bộ những tà giáo tồn tại trước đó ra đối lập với Đạo thiên chúa chính thống. Cũng giống như thế, nǎm 1847, những người tư sản tự do của chúng ta vẫn còn là những nhà cách mạng, vẫn tự gọi mình là những ngưới xã hội chủ nghĩa và cộng sản và mơ ước việc giải phóng giai cấp công nhân. Trong thời kỳ hoạt động đầu tiên ấy của ông ta, cái bản chất nông dân mạnh mẽ của Luther đã biểu hiện một cách mãnh liệt nhất. 

"Nếu sự giận dữ điên cuồng của chúng" (tức là của các giáo sĩ Rô-ma) "cứ tiếp tục kéo dài, thì theo tôi, có lẽ không có biện pháp nào ngǎn chặn nó tốt hơn là các vua chúa và vương công dùng bạo lực, tự vũ trang và tấn công vào những quân xấu xa đang đầu độc toàn thế giới ấy, và dùng vũ khí chứ không phải dùng lời nói để vĩnh viễn chấm dứt cái trò của chúng. Nếu chúng ta trừng phạt quân ǎn cắp bằng gươm, quân sát nhân bằng giá treo cổ, bọn tà giáo bằng lửa, thì tại sao chúng ta lại không tấn công vào bọn thầy tai hại tuyên truyền sự đồi bại ấy, vào bọn giáo hoàng, hồng y giáo chủ, giám mục, và tất cả cái bè lũ ở Sodoma Rô-ma bằng tất cả các loại vũ khí mà chúng ta có, tại sao chúng ta không rửa tay chúng ta trong máu cuả chúng?" 

Nhưng cái nhiệt tình cách mạng đầu tiên ấy không được lâu bền. Tia chớp mà Luther phát ra đã đánh trúng đích. Toàn thể nhân dân Đức đã chuyển động. Một mặt, nông dân và bình dân coi những lời kêu gọi của ông ta chống lại bọn giáo sĩ, coi những bài thuyết giáo của ông ta về tự do của Đạo cơ đốc là hiệu lệnh khởi nghĩa, mặt khác, những người thị dân ôn hòa hơn và một bộ phận lớn tiểu quý tộc đã tập hợp lại xung quanh ông ta; dòng thác chung thậm chí đã lôi cuốn được cả các vương công. Một số người thì tưởng rằng đã đến ngày thanh toán tất cả những kẻ áp bức mình; những người khác thì chỉ muốn chấm dứt thế lực của bọn giáo sĩ và sự lệ thuộc vào Rô-ma, thủ tiêu cái tôn ti trật tự thiên chúa giáo và làm giàu bằng cách tịch thu tài sản của giáo hội. Các phe phái phân rõ nhau ra và tìm được người đại biểu của mình. Luther đã phải lựa chọn giữa các phe phái ấy. Là người được vị tuyển hầu xứ Sachsen bảo hộ, là một giáo sư đáng kính ở trường đại học Wittenberg qua một đêm đã trở thành có thế lực và tiếng tǎm, một vĩ nhân được một đám đông sùng bái và xu nịnh vây quanh, Luther đã không do dự một phút nào. Ông ta từ bỏ những phần tử bình dân của phong trào và chuyển sang phe của thị dân, quý tộc và vương công. Những lời ông ta kêu gọi tiến hành một cuộc chiến tranh hủy diệt đối với Rô-ma thế là im bặt; giờ đây Luther bắt đầu tuyên truyền sự phát triển hoà bình và kháng cự thụ động (xin xem, chẳng hạn, "Gửi giai cấp quý tộc Đức", 1520, v.v.). Được Hutten mời đến gặp ông ta và Sickingen ở Ebemburg, trung tâm của cuộc âm mưu của quý tộc chống lại tǎng lữ và vương công, Luther đã trả lời: 

"Tôi không muốn người ta bảo vệ kinh Phúc âm bằng bạo lực và đổ máu. Lời nói đã chinh phục thế giới, nhờ lời nói mà giáo hội đã được duy trì, vậy thì cũng chính bằng lời nói mà giáo hội sẽ được phục hưng, còn những kẻ phản Chúa đã đạt được mục đích của chúng mà không dùng đến bạo lực thì chúng cũng sẽ bị diệt vong mà không cần đến bạo lực." 

Bước ngoặt ấy, hay nói cho đúng hơn, sự xác định phương hướng một cách rõ ràng hơn ấy của Luther đã mở đầu cho những cuộc mặc cả đi mặc cả lại xung quanh những thể chế và những giáo lý cần bảo tồn hay nên cải cách, mở đầu những mưu mô ngoại giao, sự thỏa hiệp, những gian kế và những sự thông đồng xấu xa, mà kết quả là bản tín điều Augsburg49, cái bản hiến pháp cuối cùng đã mặc cả được của giáo hội đã cải cách của thị dân. Đó cũng là một sự mua bán đầu cơ, giống như sự mua bán đầu cơ đã được lặp lại một cách chính xác đến phát tởm dưới hình thức chính trị, trong các quốc hội Đức, trong các quốc hội thỏa hiệp, trong các viện sửa đổi hiến pháp và trong Nghị viện Erfurt50. Trong những cuộc thương lượng ấy tính chất tiểu thị dân của phong trào cải cách tôn giáo quan phương đã biểu lộ ra một cách rõ rệt nhất. 

Việc Luther - từ lúc đó được công nhận là đại diện chính thức của cuộc Cải cách của thị dân - đã trở thành người tuyên truyền cho sự tiến bộ trong khuôn khổ luật pháp, - việc đó có những nguyên nhân sâu xa của nó. Đa số các thành thị đã ngả về phía một cuộc cải cách ôn hòa; giai cấp tiểu quý tộc ngày càng đi theo nó đông hơn; một số vương công tán thành nó, một số khác do dự. Có thể coi là thắng lợi của cuộc cải cách đã được bảo đảm ít ra là trong phần lớn nước Đức. Nếu sau đó sự phát triển hòa bình vẫn tiếp tục thì những địa phương khác sẽ không thể nào cưỡng lại được lâu dài sức ép của phái đối lập ôn hòa. Còn mọi sự chấn động có tính chất bạo lực thì đều nhất định sẽ làm cho phe phái ôn hòa xung đột với phe phái cực đoan của bình dân và nông dân, sẽ làm cho các vương công, giai cấp quý tộc và nhiều thành thị xa lánh phong trào; và chỉ còn có hai triển vọng có thể có: hoặc là nông dân và bình dân sẽ thắng phe thị dân, hoặc là tất cả các phe phái tiến bộ sẽ bị cuộc phục hưng Đạo thiên chúa đè bẹp. Còn sau khi đạt được thắng lợi- dù là hết sức nhỏ- các phe phái tư sản mưu toan dùng sự tiến bộ trong khuôn khổ của luật pháp để lựa chiều xoay xở giữa Seylla của cách mạng và Charybde của cuộc phục hưng , thì trong thời gian qua chúng ta đã có khả đủ những ví dụ. 

Vì do những điều kiện chính trị và xã hội chung của thời đó, kết quả của mọi sự biến đổi đều nhất dịnh phải có lợi cho các vương công và làm tǎng thêm quyền lực của chúng, cho nên cuộc cải cách của thị dân càng tách khỏi những phần tử bình dân và nông dân thì càng sa vào vòng kiểm soát của các vương công đã thừa nhận cuộc cải cách. Bản thân Luther ngày càng trở thành tôi tớ của bọn vương công và nhân dân đã biết rất rõ điều mình làm khi nói rằng Luther cũng đã trở thành một kẻ tay sai cho các vương công như những tên khác, và khi ném đá đuổi y ở Orlamĩnde. 

Khi Chiến tranh nông dân bùng nổ, và hơn nữa, ở những địa phương mà các vương công và quý tộc phần lớn là tín đồ Đạo thiên chúa thì Lĩther cô gắng đóng vai hòa giải. Lúc đó ông ta kịch liệt đả kích các chính phủ. Theo ông ta thì chính những hành động áp bức của các chính phủ đã gây ra cuộc khởi nghĩa; không phải nông dân đã phẫn nộ đứng lên chống lại các chính phủ mà chính là Thượng đế. Nhưng, mặt khác, lẽ dĩ nhiên khởi nghĩa cũng là trái với đạo trời và trái với kinh Phúc âm. Rút cục ông ta kêu gọi cả hai bên nên nhân nhượng lẫn nhau và chấm dứt sự việc một cách ổn thỏa. 

Nhưng, bất chấp những đề nghị hòa giải đầy thiện ý ấy, cuộc khởi nghĩa vẫn lan rộng nhanh chóng, lan cả đến những địa phương theo Đạo tin lành, đặt dưới quyền cai trị của các vương công, quý tộc và những thành thị thuộc phe của Luther, và nhanh chóng vượt quá cuộc cải cách "thận trọng" của thị dân. Chính tại địa phương ở kề sát bên Luther, ở Thĩringen, bộ phận cương quyết nhất của những người khởi nghĩa do Mĩnzer lãnh đạo đã đặt tổng hành dinh. Còn vài thắng lợi nữa là toàn bộ nước Đức sẽ bùng cháy, Luther sẽ bị bao vây và sẽ có thể bị đuổi đi qua dưới hai hàng giáo như một tên phản bội, và cuộc cải cách của thị dân sẽ bị dòng thác cách mạng dữ dội của bình dân và nông dân cuốn phǎng đi. Không còn thì giờ để suy nghĩ nữa. Đứng trước cách mạng, tất cả những sự bất hòa cũ đều được quên đi; so với những đoàn nông dân thì những tên tôi tớ của Sodoma Rô-ma chỉ là những con cừu ngây thơ, những đứa con hiền lành của Thượng đế; thị dân và vương cong, quý tộc và tǎng lữ, Luther và giáo hoàng cấu kết với nhau để chống lại "những bầy nông dân khát máu và cướp bóc". 

"Những ai có thể làm được thì phải phân thây chúng, phải bóp cổ và đâm chém chúng, một cách bí mật và công khai, giống như người ta giết những con chó dại!" - Luther thét lên. "Bởi thế, hỡi các ngài thân mến, các ngài hãy đến giúp đỡ, hãy cứu vớt, nếu ai có thể thì hãy đâm chúng, hãy đánh chúng, hãy bóp cổ chúng, và nếu trong việc này có ai bị chết thì hạnh phúc thay cho người đó, bởi vì không có một cái chết nào sung sướng hơn thế." 

Không được biểu hiện một sự nhân từ không đúng đối với nông dân. Những người nào thương xót những kẻ mà chính Thượng đế chẳng những không thương xót mà trái lại còn muốn trừng phạt và tiêu diệt, thì đó là những kẻ đồng lõa với quân phiến loạn. Sau này, bản thân nông dân sẽ biết, cảm ơn Thượng đế về việc sau khi đã bỏ ra một con bò thì họ có thể yên ổn hưởng dụng con khác; và cuộc khởi nghĩa sẽ vạch cho các vương công biết rõ tinh thần của đám dân đen là như thế nào, cai trị chúng chỉ có thể bằng sức mạnh mà thôi. 

"Người khôn ngoan nói: Cibus, onus et virga asino2, - nông dân chỉ cần cám yến mạch là đủ; họ không nghe lời nói và không biết lẽ phải, cho nên hãy làm cho họ biết nghe lời bằng roi vọt, và súng; bản thân họ xứng đáng với điều đó. Chúng ta phải cầu xin cho họ để họ biết vâng lời; nếu không thì không thể có sự nhân từ được Lúc đó, hãy để cho súng nói lên tiếng nói của chúng, nếu không họ sẽ gây hại gấp nghìn lần. " 

Chính bọn tư sản xã hội chủ nghĩa và bác ái trước kia của chúng ta cũng đã nói đúng như vậy khi giai cấp vô sản, sau những ngày tháng ba, đòi cái phần của mình trong quả thực thắng lợi. 

Với bản dịch Kinh thánh, Luther đã đem lại cho phong trào bình dân một vũ khí mạnh mẽ. Thông qua Kinh thánh, ông ta đã đem Đạo cơ đốc khiêm tốn của những thế kỷ đầu tiên đối lập với Đạo cơ đốc đã phong kiến hóa, đem bức tranh một xã hội chưa hề biết đến tôn ti trật tự phong kiến rất phức tạp và giả tạo đối lập với một xã hội phong kiến đang tan rã. Nông dân đã sử dụng vũ khí đó về mọi mặt để chống lại các vương công, quý tộc và tǎng lữ. Giờ đây Luther quay vũ khí ấy chống lại họ và từ Kinh thánh biên soạn ra một bản thánh ca thực sự ca tụng quyền lực do Thượng đế đặt ra, - một bản thánh ca mà từ xưa tới nay chưa một kẻ liếm gót chế độ quân chủ chuyên chế nào sáng tác hay hơn được! Quyền lực của vương công do Thượng đế ban cho, sự cam chịu phục tùng, cho đến cả chế độ nông nô, cũng được phê chuẩn nhờ Kinh thánh. Như vậy là không những phủ nhận cuộc khởi nghĩa nông dân, mà còn phủ nhận cả sự nổi loạn của chính Luther chống lại quyền lực tôn giáo và quyền lực thế tục; như vậy là Luther không những phản bội phong trào nhân dân, mà phản bội ngay cả phong trào thị dân, vì lợi ích của bọn vương công. 

Liệu chúng ta có cần phải nêu tên tuổi những người tư sản vừa mới đây lại đã dem lại cho chúng ta những ví dụ về một sự phủ nhận tương tự như thể cái dĩ vãng của chính bản thân họ, hay không? 

Bây giờ chúng ta hãy đem đối chiếu nhà cách mạng bình dân Mĩnzer với nhà cải cách thị dân Luther. 

Thomas Mĩnzer sinh tại Stolberg xứ Harz vào khoảng nǎm 1498. Cha ông, nạn nhân của sự độc đoán của bọn bá tước ở Stolberg, hình như bị treo cổ. Mới 15 tuổi, Mĩnzer đã sáng lập ra, trong trường học ở Halle, một hội kín chống lại viên tổng giám mục Magdeburg và giáo hội Rô-ma nói chung. Kiến thức sâu sắc của ông về khoa thần học hồi bấy giờ đã giúp ông giành được rất sớm học vị tiến sĩ và một chức tu sĩ hành lễ trong một nữ tu viện ở Halle. ở đây, ông rất coi thường những giáo lý và lễ nghi của giáo hội; trong khi hành lễ ông bỏ hẳn những lời nói về sự hóa thể và như Luther kể lại về Mĩnzer, ông ǎn bánh thánh chưa đem dâng cúng. Ông nghiên cứu chủ yếu là những tác phẩm của các nhà thần bí học thời trung cổ, và đặc biệt là những trước tác theo thuyết ngàn nǎm của Joachim ở Calabre. Triều đại ngàn nǎm, cuộc phán xét cuối cùng đối với giáo hội đồi bại và thế giới thối nát mà tác giả ấy tiên đoán và mô tả, đối với Mĩnzer hình như đã đến gần cùng với cuộc Cải cách tôn giáo và sự náo động chung của thời ấy. Việc giảng đạo của ông ở những vùng xung quanh rất được hoan nghênh. Nǎm 1520, ông đến Zwickau với tư cách là người đầu tiên truyền bá Phúc âm. ở đây ông đã gặp một trong những giáo phái nhiệt tín theo thuyết ngàn nǎm vẫn tiếp tục tồn tại bí mật trong nhiều địa phương; sự quy phục tạm thời và sự dè dặt của họ che đậy thái dộ đối lập ngày càng tǎng của các tầng lớp xã hội bên dừng lại chế độ tồn tại hồi đó; và giờ đây cùng với phong trào chung ngày càng sôi nổi, họ hoạt động ngày càng công khai và bền bỉ. Đó là phái rửa tội lại51 do Niklas Storch đứng đầu. Họ tuyên truyền là sắp có cuộc phán xét cuối cùng và triều đại ngàn nǎm; họ "thấy được Chúa hiện ra, có trạng thái xuất thần và tinh thần tiên tri đã nhập vào họ". Chẳng bao lâu, một cuộc xung đột giữa họ với hội đồng thành phố Zwickau đã nổ ra; Mĩnzer bênh vực họ nhưng không bao giờ tuyệt đối theo họ, và nói cho đúng ra dần dần làm cho họ chịu ảnh hưởng của mình. Hội đồng cương quyết chống lại phái rửa tội lại; họ buộc phải rời bỏ thành phố, và Mĩnzer đã cùng đi với họ. Lúc ấy là cuối nǎm 1521. 

Mĩnzer đến Praha, bắt liên lạc với những phần tư còn sống sót của phong trào Hus và tìm cách gây dựng cơ sở ở đây; nhưng bản tuyên ngôn của ông chỉ đem lại kết quả là bắt buộc ông lại phải trốn khỏi Bohême. Nǎm 1522, ông được bổ nhiệm làm nhà truyền giáo ở Allstedt, thuộc xứ Thĩringen. ở đây, ông bắt đầu cải cách việc cúng lễ. Ông đã bải bỏ hoàn toàn việc dùng tiếng la-tinh trước khi Luther còn chưa dám đi xa như vậy, và ông ra lệnh đọc cho nhân dân toàn bộ Kinh thánh, chứ không phải chỉ có những bản Phúc âm và những thư của các sứ đồ đã được ấn định cho các buổi lễ ngày chủ nhật. Đồng thời, ông tổ chức việc tuyên truyền ở những vùng chung quanh. Từ khắp nơi, nhân dân kéo đến ông, và chẳng bao lâu, Allstedt đã trở thành trung tâm của phong trào nhân dân chống các giáo sĩ trong toàn bộ xứ Thĩringen. 

Tuy vậy Mĩnzer trước hết vẫn là một nhà thần học; những đòn đả kích của ông vẫn hầu như chỉ nhằm vào bọn giáo sĩ. Nhưng ông không tuyên truyền cho một cuộc tranh luận bình tĩnh và cho sự tiến bộ hòa bình như Luther đã làm hồi bấy giờ, mà tiếp tục tiến hành những cuộc thuyết giáo mạnh mẽ trước đây của Luther và kêu gọi các vương công xứ Sachsen và nhân dân đứng lên vũ trang đấu tranh chống bọn giáo sĩ Rô-ma. 

"Chúa Jésus đã chẳng nói: Ta đến không phải để đem lại hòa bình mà là đem lại thanh gươm. Nhưng các người" (các vương công xứ Sachsen) "phải làm gì với thanh gươm ấy? Nếu các người muốn làm bày tôi của Thượng đế, thì không có cách nào khác hơn là sử dụng thanh gươm ấy để loại trừ và tiêu diệt những kẻ hung bạo đã cản đường cuốn Phúc âm. Chúa Jêsus đã phán một cách hết sức nghiêm (Phúc âm của thánh Luc, chương 19, 27): Các người hãy bắt những kẻ thù của ta đem đến đây và bóp chết chúng trước mắt ta... Các người hãy vứt bỏ những câu ba hoa trống rỗng nói rằng quyền lực của Chúa sẽ làm việc đó mà không cần đến gươm của các người; nếu không thì gươm sẽ có thể han rỉ trong vỏ. Đối với tất cả những kẻ chống lại thiên khải thì phải tiêu diệt hết không chút khoan hồng, như Ezechias, Cytus, Josias, Daniel và Elie đã tiêu diệt bọn giáo sĩ ở Baal, bởi vì nếu không thì giáo hội cơ đốc sẽ không thể trở lại cái nguồn gốc ban đầu của nó. Trong mùa hái nho, phải nhớ tất cả mọi cỏ dại trong vườn nho của Chúa. Chúa đã nói (quyển thứ nǎm của Moisơ chương 7): Các người chớ nên thương xót những kẻ vô thần, hǎy phá bỏ bàn thờ của chúng, hãy đập tan tượng thờ của chúng và đem đốt đi để cho cơn giận dữ của ta không giáng xuống các người. " 

Nhưng những lời kêu gọi các vương công ấy, tỏ ra vô hiệu, còn trong nhân dân thì tình hình sôi sục cách mạng ngày một tǎng lên, Mĩnzer - mà những tư tưởng ngày càng trở nên rõ ràng hơn, ngày càng táo bạo hơn - giờ đây quả quyết tách ra khỏi cuộc Cải cách tôn giáo của thị dân và từ đó công khai hoạt động với tư cách là một nhà có động chính trị. 

Học thuyết thần học và triết học của ông, đả kích tất cả những giáo lý cơ bản không chỉ của Đạo thiên chúa, mà cả của Đạo cơ đốc nói chung. Dưới hình thức cơ đốc giáo, ông tuyên truyền thuyết phiếm thần, một thứ thuyết giống một cách kỳ lạ với những quan điểm tư biện hiện đại và có những chỗ thậm chí gần như là thuyết vô thần. Ông không công nhận Kinh thánh là nguồn thiên khải duy nhất và hoàn hảo. Theo ông, thiên khải thật sự và sinh động là lý tính, một thiên khải đã tồn tại trong mọi thời đại ở tất cả mọi dân tộc, và hiện vẫn còn tồn tại. Đem Kinh thánh đối lập với lý tính, tức là lấy vǎn tự mà giết chết thần linh, bởi vì thần linh nói trong Kinh thánh không phải là cái gì tồn tại ngoài chúng ta; thần linh chính là lý tính của chúng ta. Lòng tin chẳng qua chỉ là sự thức tỉnh của lý tính trong con người và vì vậy cả những người theo Đạo đa thần cũng có thể có lòng tin. Nhờ có lòng tin ấy, nhờ có lý tính được thức tỉnh, con người giống với thần thánh và đạt tới hạnh phúc. Bởi thế, thiên đường không phải là một cái gì ở ngoài thế gian; phải tìm nó ở chính ngay trong cuộc sống này và sứ mệnh của các tín đồ là phải thiết lập thiên đường ấy, tức là vương quốc của Chúa ngay trên trái đất này. Không có thiên đường ngoài thế gian, cũng như không có địa ngục ngoài thế gian và việc bị nguyền rủa đời đời. Cũng như không có con quý nào khác ngoài những đam mê và những dục vọng xấu xa của con người. Chúa Jésus cũng là một người như chúng ta, một nhà tiên tri và một bậc thầy, và bữa ǎn tối cuối cùng của Chúa với các tông đồ chẳng qua cũng chỉ là một bữa ǎn kỷ niệm đơn giản, bánh mì và rượu nho dùng trong bữa ǎn ấy cũng chẳng có thêm một gia vị thần bí nào cả. 

Tuyên truyền những quan điểm ấy, Mĩnzer thường phải che đậy chúng bằng chính thứ ngôn ngữ cơ đốc giáo mà ngay nền triết học cận đại cũng đã phải dùng để che đậy mình trong một thời gian. Nhưng tư tưởng cơ bản có tính chất tà giáo sâu sắc lộ ra trong khắp các tác phẩm của ông, và người ta thấy ông rất ít coi trọng đến bức màn Kinh thánh ấy so với nhiều môn đồ của Hegel ngày nay. Vậy mà, giữa Mĩnzer và nền triết học hiện đại có cả ba thế kỷ. 

Học thuyết chính trị của ông gắn liền chặt chẽ với những quan điểm tôn giáo cách mạng ấy và vượt xa giới hạn của những quan hệ xã hội và chính trị trực tiếp tồn tại hồi bấy giờ, cũng như thuyết thần học của ông đã vượt xa giới hạn của những quan niệm tôn giáo thịnh hành hồi đó. Giống như triết học tôn giáo của Mĩnzer gần với thuyết vô thần, cương lĩnh chính trị của ông cũng gần với chủ nghĩa cộng sản, ngay cả trước cuộc Cách mạng tháng hai, nhiều môn phái cộng sản hiện đại cũng không có được một kho lý luận phong phú như "phái Mĩnzer" hồi thế kỷ XVI. Cương lĩnh ấy - đúng ra là một dự đoán thiên tài về những điều kiện giải phóng những phần tử vô sản lúc đó vừa mới bắt đầu phát triển lên trong đám bình dân, hơn là một sự tổng hợp những yêu sách của bình dân hồi bây giờ - đòi hỏi thiết lập ngay triều đại nghìn nǎm của Chúa ở trần gian do các nhà tiên tri dự kiến, bằng cách đưa giáo hội quay trở lại trạng thái đầu tiên của nó và xóa bỏ tất cả những thiết chế trái ngược với cái giáo hội gọi là cơ đốc giáo nguyên thủy, nhưng thực ra là một giáo hội hoàn toàn mới mẻ. Đối với Mĩnzer, thiên quốc chẳng qua chỉ là một chế độ xã hội trong đó không còn có những sự khác biệt giai cấp, không còn có tài sản tư hữu, không còn có chính quyền nhà nước tách biệt, đối lập với các thành viên của xã hội và xa lạ với họ. Tất cả các chính quyền hiện tồn, nếu không phục tùng cách mạng và không đi theo cách mạng, đều phải bị lật đổ, tất cả mọi công việc và tài sản phải là của chung và phải thực hiện một sự bình đẳng hoàn toàn. Một hiệp hội phải được sáng lập để thực hiện những điều đó không những trong toàn bộ nước Đức mà cả ở trong tất cả các nước theo Đạo cơ đốc nữa; nên mời các vương công và quý tộc gia nhập hiệp hội; nếu họ chối từ thì hiệp hội phải dùng vũ khí đánh đổ hoặc tiêu diệt bọn họ ngay khi có cơ hội thuận lợi đầu tiên. 

Mĩnzer bắt tay ngay vào việc tổ chức hiệp hội ấy. Những cuộc thuyết giáo của ông ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn và cách mạng hơn. Không giới hạn ở việc đả kích bọn giáo sĩ ông còn công kích, cũng với một sự hǎng say như vậy bọn vương công, quý tộc, và quý tộc thành thị; ông dùng những lời phẫn nộ để miêu tả cảnh áp bức hồi bấy giờ và đem bức tranh tưởng tượng về triều đại ngàn nǎm của sự bình đẳng xã hội và cộng hòa ra đối lập với cảnh ấy. 

Đồng thời, ông cho xuất bản hết bài vǎn châm biếm có tính chất cách mạng này đến bài khác và cử phái viên đi khắp nơi; còn ông thì tự mình đứng ra tổ chức hiệp hội ở Allstedt và những vùng lân cận. 

Kết quả đầu tiên của hoạt động tuyên truyền ấy là việc phá hủy giáo đường Đức bà Marie ở Mellerbach, gần Allstedt, theo điều rǎn: "Các người hãy phá hủy bàn thờ của chúng, đập gẫy cột trụ của chúng và đốt cháy tượng thờ của chúng, vì các người là một dân thần thánh" (Deuteronomium, chương 7, 652). Các vương công Sachsen thân chinh đến Allstedt để dẹp yên cuộc bạo động và ra lệnh triệu Mĩnzer đến lâu đài của họ. Tại đó ông đã đọc một bài thuyết giáo mà các vương công ấy chưa từng nghe thấy ở cửa miệng của Luther, con người mà ông gọi là "miếng thịt được nuông chiều ở Wittenberg". Dựa vào Tân ước, ông đòi phải giết chết bọn thống trị vô đạo nhất là bọn giáo sĩ và thầy tu, những kẻ dám coi Phúc âm là một tà giáo. Những kẻ vô đạo không có quyền được sống, trừ phi chúng được hưởng sự nhân từ của những nhân vật thượng đẳng. Nếu các vương công không tiêu diệt bọn vô đạo thì Thượng đế sẽ tước thanh gươm của họ, bởi vì sức mạnh của gươm thuộc về toàn thể công xã. Các vương công và các lãnh chúa là những ổ cho vay nặng lãi, trộm cắp và cướp bóc; chúng đã chiếm tất cả mọi sinh vật làm của riêng của chúng: cá dưới nước, chim trên trời, cây cỏ trên mặt đất. Rồi sau đó, chúng còn cấm dân nghèo: đừng ǎn cắp. Còn bản thân chúng thì chiếm đoạt tất cả những gì rơi vào tay chúng, chúng cướp bóc nông dân và thợ thủ công, lột da họ; nhưng khi họ chỉ phạm một lỗi nhỏ nhất thì liền bị treo cổ, và trước tất cả những điều đó, tiến sĩ Lĩgner3 đều nói: A-men! 

"Chính các lãnh chúa có lỗi về việc dân nghèo trở thành kẻ thù của họ. Họ không muốn xóa bỏ nguyên nhân của bạo động, vậy thì rốt cuộc làm thế nào xác lập được hòa bình? Ôi, thưa các ngài thân mến, Thượng đế sẽ dùng chiếc gậy sắt để đập vỡ các bình cũ một cách thật tuyệt vời! Tôi xin nói thật với các ngài rằng tôi sẽ vận động dân chúng đứng lên làm loạn. Xin tặm biệt! (xem Zimmermann, "Chiến tranh nông dân", quyển II, tr.75) 

Mĩnzer đã cho in bài thuyết giáo của ông. Vì việc ấy, người thợ in của ông ở Allstedt đã bị công tước Johann, xứ Sachsen, trừng phạt bằng cách buộc phải rời khỏi xứ sở; còn về những tác phẩm của bản thân Mĩnzer thì đều bị tuyên bố là phải chịu sự kiểm duyệt của chính phủ Weimar. Nhưng Mĩnzer bất chấp mệnh lệnh ấy. Ngay sau đó, ông cho in ở Mĩhlhausen, thành phố của đế chế, một tác phẩm cực kỳ kích động, trong đó ông kêu gọi nhân dân 

"mở rộng thêm lỗ hổng để cho cả thế giới có thể nhìn thấy và hiểu rõ những kẻ tai to mặt lớn của chúng ta, - những kẻ đã rất vô đạo biến Thượng đế thành một con người bé nhỏ được tô vẽ bôi bác-là những con người như thế nào", và ông kết thúc tác phẩm bằng câu: "Toàn thế giới sẽ phải chịu một chấn động lớn lao; xảy ra cảnh tượng là quân vô đạo sẽ bị lật đổ và những người hèn hạ sẽ được nâng lên." 

Và "Thomas Mĩnzer tay cầm búa" đã viết trên tờ bìa của cuốn sách với tính cách là đề từ: 

"Hãy nghe đây, ta đã đặt lời nói của ta vào miệng ngươi, hôm nay ta đã đặt ngươi lên trên các con người và các đế chế, để ngươi trốc rễ, phá hủy, đánh tan và đập vỡ, và để ngươi xây dựng và trồng trọt. Một bức tường sắt đá dựng lên trước vua chúa, vương công và giáo sĩ, trước nhân dân. Hãy chiến đấu đi, và thắng lợi sẽ dẫn một cách kỳ diệu bọn bạo chúa vô đạo hùng mạnh đến chỗ diệt vong." 

Việc Mĩnzer đoạn tuyệt với Luther và phe đảng của hắn đã chín muồi từ lâu. Chính Luther đã phải thừa nhận một loạt cải cách giáo hội do Mĩnzer thực hành mà không hỏi ý kiến hắn. Hắn theo dõi hoạt động của Mĩnzer một cách bực dọc và nghi ngờ của một nhà cải cách ôn hòa đối với một phái kiên quyết hơn và cấp tiến hơn. Ngay từ mùa xuân nǎm 1524, Mĩnzer đã viết thư cho Melanchthon - điển hình về một nhà học giả phi-li-xtanh, ốm yếu, luẫn quẫn trong thư phòng-- lên án cả ông ta và Lĩther là chẳng hiểu gì về phong trào cả. Họ cố gắng dập tắt phong trào ấy bằng sự tin tưởng mù quáng vào câu chữ của Kinh thánh, toàn bộ học thuyết của họ đã bị sâu bọ đục ruỗng. 

"Hỡi anh em thân mến, đừng chờ đợi và do dự nữa, thời cơ đã đến, mùa hè đã tới. Đừng kết bạn với bọn vô đạo; chúng cản trở không để cho lời của Thượng đế tác động một cách đủ mạnh mẽ. Chớ xu nịnh bọn vương công của các anh, nếu không các anh sẽ bị diệt vong cùng với chúng. Hỡi các vị học giả yếu đuối, các vị chớ bất bình, tôi không thể nào làm khác được." 

Đã nhiều lần Luther thách Mĩnzer tranh luận; nhưng Mĩnzer - sẵn sàng tiến hành cuộc chiến đầu bất cứ lúc nào trước nhân dân - không hề muốn bị lôi cuốn vào một cuộc bàn cãi về thần học trước một công chúng thiên vị của trường đại học Wittenberg. Ông không muốn biến "bằng chứng của thần linh thành một đặc quyền của riêng trường đại học". Nếu Luther chân thành, thì hắn hãy dùng ảnh hưởng của hắn để chấm dứt những hành động truy tố người in những cuốn sách của Mĩnzer và chấm dứt những việc cấm đoán của kiểm duyệt đi, để cho cuộc đấu tranh có thể tiếp diễn tự do trên báo chí. 

Lần này, sau khi tập sách cách mạng nói trên của Mĩnzer dược xuất bản, thì Lĩther tố cáo ông một cách công khai. Trong "Bức thư gửi các vương công xứ Sachsen chống lại tinh thần khởi loạn", hắn tuyên bố Mĩnzer là một công cụ của quỷ Satan và đòi các vương công phải can thiệp và trục xuất bọn xúi giục khởi loạn, vì bọn này không phải chỉ bằng lòng với việc truyền bá những thuyết có hại của chúng, mà còn kêu gọi khởi nghĩa và dùng bạo lực chống lại các nhà chức trách. 

Ngày 1 tháng tám, Mĩnzer bị đòi đến lâu đài Weimar để trả lời các vương công về việc bị kết tội là xúi giục khởi loạn. Có một số sự việc cực kỳ có hại cho ông: người ta đã phát hiện ra tổ chức bí mật của ông, người ta đã phát hiện rằng ông có nhúng tay vào việc thành lập những tổ chức của thợ mỏ và của nông dân. Người ta đe dọa phát lưu ông. Vừa về đến Allstedt thì ông được tin công tước Georg xứ Sachsen đòi phải đem nộp ông cho hắn: những bức thư của hiệp hội do chính tay ông viết đã bị tóm được, trong những bức thư ấy, ông kêu gọi bầy tôi của Georg vũ trang chống lại những kẻ thù của Phúc âm. Nếu ông không kịp thời rời khỏi thành phố thì đã bị hội đồng thành phố đem nộp cho hắn. 

Giữa lúc ấy, tình trạng kích động ngày càng tǎng lên trong nông dân và bình dân đã tạo điều kiện cực kỳ thuận lợi cho hoạt động tuyên truyền của Mĩnzer. Ông đã tìm được cho hoạt động tuyên truyền ấy những trợ thủ vô cùng quý báu trong phái rửa tội lần thứ hai. Những người theo môn phái này, vốn không có những giáo lý tích cực rõ ràng nào cả, chỉ liên kết với nhau bởi sự đối lập chung chống lại tất cả các giai cấp thống trị và bởi cái tín điều chung là rửa tội lần thứ hai, khổ hạnh trong lối sống, bền bỉ, cuồng tín, gan dạ trong công tác cổ động, họ ngày càng tập hợp lại xung quanh Mĩnzer. Không có nơi cư trú nhất định do bị truy nã, họ đi lang thang khắp nước Đức, và đâu đâu họ cũng tuyên truyền học thuyết mới, trong đó Mĩnzer đã giải thích cho họ rõ những nhu cầu và nguyện vọng của chính họ. Một số rất lớn trong bọn họ bị tra tấn, bị thiêu, hoặc bị hành hình bằng những hình thức khác, nhưng lòng dũng cảm và chí bền bỉ của những sứ đồ ấy vẫn không hề bị lay chuyển, và trong hoàn cảnh sự kích động của nhân dân tǎng lên nhanh chóng, hoạt động của họ đã đạt được những thành tựu cực kỳ to lớn. Vì vậy, sau khi trốn khỏi Thĩringen, Mĩnzer thấy cơ sở đã được chuẩn bị ở khắp mọi nơi và muốn đi tới chỗ nào cũng được. 

Gần Nĩrnberg, nơi ông đến trước tiên53, khoảng một tháng trước đấy một cuộc nổi dậy của nông dân đã bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Tại dây, Mĩnzer đã bắt đầu bí mật cổ động; chẳng bao lâu, người ta thấy xuất hiện những người bảo vệ những luận điểm thần học hết sức táo bạo của ông về tính chất không bắt buộc của Kinh thánh và sự vô giá trị của thánh lễ; những người ấy tuyên bố rằng Chúa Jêsus cũng chỉ là một con người bình thường và tuyên bố quyền lực của các lãnh chúa thế tục là vô đạo: Luther kêu lên: "Đó là quỷ Satan đang lảng vảng, là con ma ở Allstedt". Tại đây, tại Nĩrnberg, Mĩnzer đã cho in bài-ông trả lời Luther. Ông lên ám thẳng Luther là đã xu nịnh các vương công và với thái độ nửa vời của mình đã ủng hộ phe phản động. Nhưng bất chấp điều đó, nhân dân vẫn sẽ tự giải phóng, và lúc đó ngài tiến sĩ Luther sẽ như một con cáo mắc bẫy. Hội đồng thành phố ra lệnh cấm tác phẩm đó của ông, và Munzer phải rời Nĩrnberg. 

Từ đây ông đi qua Schwaben để đến Alsace, rồi đến Thụy-sĩ, và trở lại miền Thượng. Schwarzwald, nơi cách đây mấy tháng đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa, phần lớn là do những sứ đồ của ông thuộc giáo phái rửa tội lần thứ hai thúc đẩy. Chuyến đi tuyên truyền ấy của Mĩnzer rõ ràng đã góp phần một cách cǎn bản vào việc tổ chức đảng của nhân dân, vào việc xác định rõ rệt những yêu sách của họ, và cuối cùng, vào sự bùng nổ của cuộc tổng khởi nghĩa tháng tư 1525. ở đây cả hai mặt hoạt động của Manzer thể hiện ra một cách đặc biệt rõ rệt: một mặt là trong nhân dân, mà ông dùng những lời tiên tri của tôn giáo, ngôn ngữ duy nhất hồi bấy giờ quần chúng có thể hiểu được, để nói với họ, và mặt khác, trong những người đã biết rõ công việc, mà ông có thể nói thẳng về những xu hướng cuối cùng của ông. Nếu như trước kia, ở Thĩringen, ông đã tập hợp được xung quanh ông một nhóm người kiên quyết nhất, xuất thân không những từ nhân dân, mà còn từ tầng lớp dưới của tǎng lữ nữa, và giao cho nhóm đó đứng đầu hội bí mật, thì giờ đây ông đã trở thành trung tâm của toàn bộ phong trào cách mạng ở miền tây nam nước Đức, trở thành người tổ chức một hiệp hội lan rộng từ Sachsen và Thĩringen, qua Franken và Schwaben cho đến Alsace và biên giới Thụy-sĩ. Giờ đây, trong số những môn đồ của ông và trong số những thủ lĩnh của hội ta thấy có nhiều nhà cổ động của miền nam nước Đức, phần lớn là những tu sĩ cách mạng như Hubmaier ở Waldshut, Konrad Grebel ở Zĩrich, Franz Rabmann ở Grieòen; Shappeler ở Memmingen, Jacob Wehe ở Leipheim, tiến sĩ Mantel ở Stuttgart. Còn bản thân Mĩnzer thì phần lớn ở Grieòen, tại biên giới bang Schaffhausen, từ đây ông thường đi qua Hegau, Klettgau,v.v. . Các cuộc khủng bố đẫm máu mà bọn vương công và lãnh chúa lo sợ đã tiến hành ở khắp nơi để đối phó với cái tà giáo bình dân mới ấy đã góp phần không ít vào việc đẩy mạnh tinh thần khởi loạn và đoàn kết hiệp hội chặt chẽ hơn nữa. Mĩnzer đã cổ động như vậy trong khoảng nǎm tháng ở miền Thượng Đức; gần tới ngày thực hiện âm mưu, ông trở lại Thĩringen, nơi ông định đích thân lãnh đạo cuộc bạo động và là nơi mà sau này ta lại sẽ gặp ông. 

Chúng ta sẽ thấy tính chất và thái độ của hai lãnh tụ của hai phái phản ánh một cách trung thành đến thế nào lập trường của phái họ; thái độ do dự, sự sợ hãi của Luther trước phong trào ngày càng lớn, sự bợ đỡ hèn nhát của hắn trước các vương công đã phù hợp như thế nào với chính sách do dự, mập mờ của thị dân; và nghị lực cách mạng và quyết tâm của Mĩnzer đã tái hiện như thế nào trong bộ phận phát triển nhất của bình dân và nông dân. Điểm khác nhau chỉ là: trong khi Lĩther tự bằng lòng với việc biểu thị những quan điểm và khát vọng của đa số trong giai cấp của hắn và nhờ thế mà được nổi tiếng một cách hết sức rẻ tiền trong giai cấp ấy, thì trái lại, Mĩnzer vượt rất xa những quan niệm và nguyện vọng trực tiếp của nông dân và bình dân vào ông đã thành lập một đảng gồm những phần tử cách mạng ưu tú lúc bấy giờ, đảng này chừng nào còn có một tầm tư tưởng như ông và chia xẻ nghị lực của ông, thì bao giờ cũng chỉ là một thiểu số không đáng kể trong quần chúng khởi nghĩa. 

VII 

[Những hậu quả của cuộc Chiến tranh nông dân]


Với việc Geismaier rút lui về đất Venetien thì phần kết cuối cùng của cuộc Chiến tranh nông dân cũng chấm dứt. Nông dân khắp nơi lại sa vào ách thống trị của bọn chủ cũ của họ: tǎng lữ, quý tộc và quý tộc thành thị; những hiệp nghị đã ký kết ở nơi này nơi khác với bọn chúng đều bị vi phạm, những gánh nặng đã tồn tại trước kia còn đèo thêm những khoản tiền bồi thường lớn mà kẻ chiến thắng chất lên người chiến bại. Mưu toan cách mạng vĩ đại nhất của nhân dân Đức đã kết thúc bằng một sự thất bại nhục nhã và ách áp bức liền lập tức tǎng lên gấp đôi. Nhưng sự tồi tệ lâu dài trong tình cảnh của nông dân không phải là do cuộc khởi nghĩa bị đàn áp gây ra. Tất cả những gì mà bọn quý tộc, vương công và giáo sĩ có thể bóp nặn được của nông dân hết nǎm này qua nǎm khác, thì rõ ràng trước chiến tranh chúng cũng đã tước đoạt rồi; người nông dân Đức thời kỳ ấy có chỗ giống với người vô sản hiện đại là phần của họ trong sản phẩm lao động của họ chỉ giới hạn ở mức tối thiểu những tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì đời sống và tái sản xuất ra nòi giống họ. 

Như vậy, nói chung, ở đây chẳng có gì để lấy thêm được nữa. Quả thật là một số không ít trung nông khá giả hơn đã bị phá sản, một số lớn nông dân phụ thuộc đã buộc phải trở thành nông nô, cả từng khu vực đất công rộng lớn đã bị bọn vương công tịch thu, một số lớn nông dân, vì nhà cửa bị phá hủy, ruộng nương bị tàn phá và vì tình trạng rối ren chung, nên đã rơi vào đám dân lang thang hoặc trở thành những người bình dân thành thị. Song, chiến tranh và tàn phá là những hiện tượng hàng ngày của thời đại đó, và nói chung giai cấp nông dân có một mức sống quá thấp đến nỗi việc tǎng thuế khóa cũng không thể làm cho tình cảnh của họ trầm trọng hơn nữa trong một thời gian lâu dài. Những cuộc chiến tranh tôn giáo xảy ra sau đó, và cuối cùng, cuộc Chiến tranh ba mươi nǎm, với những sự tàn phá và giết hại dân chúng hàng loạt, diễn ra nhiều lần, đã đem lại cho nông dân những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều so với cuộc Chiến tranh nông dân; đặc biệt, cuộc Chiến tranh ba mươi nǎm đã thủ tiêu phần lớn những lực lượng sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp, và với việc đó cũng như với việc đồng thời phá hủy nhiều thành thị; cuộc chiến tranh đó trong một thời gian dài, đã làm cho nông dân, bình dân và thị dân phá sản lâm vào một tình cảnh giống như tình cảnh bần cùng của người Ai-rơ-len dưới cái dạng tồi tệ nhất của nó. 

Người chịu hậu quả nhiều hơn cả của cuộc Chiến tranh nông dân là giới tǎng lữ. Những tu viện và giáo đường của họ bị đốt phá, những đồ vật quý của họ bị cướp bóc, bị đem bán ra nước ngoài hoặc đem nấu chảy ra; những kho dự trữ của họ bị đem ǎn hết. ở khắp nơi, họ tỏ ra có ít khả nǎng chống cự hơn cả, đồng thời tất cả ngọn lửa cǎm thù của nhân dân lại chĩa vào họ nhiều nhất. Những đẳng cấp khác - vương công, quý tộc, thị dân thậm chí còn mừng thầm về nỗi bất hạnh của bọn giáo chức cao cấp đáng ghét. Chiến tranh nông dân đã làm cho ý kiến hoàn tục những tài sản của giáo hội có lợi cho nông dân trở thành phổ biến; các vương công thế tục và một phần các thành thị đã cố thực hiện việc hoàn tục ấy một cách có lợi cho chúng, và trong những xứ theo Đạo tin lành thì những lãnh địa của các giáo chức cao cấp chẳng bao lâu đã rơi vào tay các vương công và quý tộc thành thị. Đồng thời, sự thống trị của các vương công là tǎng lữ cũng bị tổn hại: cả về mặt này các vương công thế tục cũng biết khai thác lòng cǎm thù của nhân dân. Ví dụ chúng ta thầy trưởng tu viện ở Fulda, cựu tôn chủ của Philipp von Hessen, đã rớt xuống hàng chư hầu của ông này như thế nào. Ví dụ, thành phố Kempten, đã buộc vương công - trưởng tu viện của họ phải bán cho thành phố với một giá rẻ mạt cả một loạt những đặc quyền quan trọng của hắn. 

Quý tộc cũng bị thiệt hại nhiều. Phần lớn những lâu dài của họ bị phá hủy, một số gia tộc vào loại có thế lực nhất bị phá sản và chỉ còn sinh sống được bằng cách đi phục vụ các vương công. Sự bất lực của quý tộc trước nông dân đã được chứng minh: khắp nơi, ở chỗ nào họ cũng bị đánh bại và phải đầu hàng; chỉ có những đội quân của các vương công là đã cứu được họ. Giai cấp quý tộc ngày càng mất ý nghĩa của nó với tư cách là một đẳng cấp trực thuộc đế chế và rơi vào tình trạng lệ thuộc vào các vương công. 

Các thành thị, nói chung, cũng không thu được lợi gì cuộc Chiến tranh nông dân. Sự thống trị của quý tộc thành thị lại được củng cố ở hầu hết mọi nơi, còn sự chống đối của thị dân thì bị dập tắt trong một thời gian dài. Như vậy, thói cổ hủ cũ của quý tộc thành thị đã tiếp tục kéo dài cho tới tận cuộc Cách mạng Pháp, làm tê liệt thương nghiệp và công nghiệp về mọi mặt. Ngoài ra, các vương công còn bắt thành thị phải chịu trách nhiệm về những thắng lợi nhất thời mà phải thị dân hay bình dân đã giành được trong quá trình đấu tranh trong các thnàh thị ấy. Những thành thị nào trước kia đã thuộc về lãnh địa của vương công thì đều phải đóng những khoản tiền bồi thường rất nặng, mất hết đặc quyền và trở thành những nô lệ bất lực trước sự chuyên chế và gian tham của các vương công (Frankenhausen, Arnstadt, Schmalkalden, Wỹrzburg, v.v. và v.v.); những thành thị thuộc đế chế bị sáp nhập vào các lãnh địa của vương công (ví dụ Mỹhlhausen) hoặc ít nhất cũng bị đặt dưới sự bảo hộ của các vương công lân cận, như trường hợp một số lớn thành thị thuộc đế chế ở miền Franken. 

Trong những hoàn cảnh như thế, kết cục của cuộc Chiến tranh nông dân chỉ có lợi dụng cho riêng các vương công. Ngay từ đầu bản trình bày của chúng tôi, chúng ta đã thấy rằng tình trạng kém phát triển về công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp ở nước Đức đã khiến cho không thể tập hợp được những người Đức thành một dân tộc, mà chỉ cho phép có một sự tập trung ở địa phương và từng tỉnh, do đó những người đại diện cho sự tập trung ấy trong cảnh phân tán – tức là các vương công - đã họp thành một đẳng cấp duy nhất phải được lợi về mọi thay đổi trong những quan hệ xã hội và chính trị hồi đó. Trình độ phát triển của nước Đức hồi đó hết sức thấp, và đồng thời hết sức không đồng đều trong các tỉnh khác nhau, đến nỗi là bên cạnh những công quốc thế tục vẫn có thể tồn tại những lãnh địa độc lập của giáo hội, những thành thị cộng hòa và những bá tước và nam tước có chủ quyền; nhưng đồng thời sự phát triển ấy lại diễn ra - mặc dầu rất chậm và rất yếu, - theo hướng tập trung ở tỉnh, nghĩa là làm cho tất cả những đẳng cấp còn lại của đế chế đều phụ thuộc vào quyền lực của các vương công. Vì vậy chỉ còn lại có các vương công là có thể được lợi khi cuộc Chiến tranh nông dân kết thúc. Đó là điều đã xảy ra trong thực tế. Không những chúng được lợi một cách tương đối do sự suy yếu của những kẻ cạnh tranh với chúng -- tǎng lữ, quý tộc và các thành thị, - mà còn được lợi một cách tuyệt đối, vì chúng đã thu được spolia opima (chiến lợi phẩm chính) trên lưng tất cả các đẳng cấp khác. 

Những tài sản của giáo hội được hoàn tục một cách có lợi cho chúng; một bộ phận giai cấp quý tộc, bị phá sản một nửa hoặc hoàn toàn, dân dần phải lệ thuộc vào quyền lực tôi cao của chúng; các khoản tiền bồi thường chiến tranh đánh vào các thành thị và các công xã nông dân đã dồn về ngân khố của chúng; ngoài ra, do việc xóa bỏ một số lớn những đặc quyền của thành thị, nên ngân khố này đã được tự do hơn rất nhiều trong việc thực hiện những mánh khóe tài chính quen thuộc của nó. 

Tình trạng phân tán của nước Đức - mà kết quả chính của cuộc Chiến tranh nông dân là làm trầm trọng thêm và củng cố thêm tình trạng phân tán ấy - đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc chiến tranh đó. 

Chúng ta đã thấy nước Đức bị phân tán đến như thế nào -- không những bị chia xẻ thành vô số tỉnh độc lập, hầu như hoàn toàn xa lạ với nhau, mà ở mỗi tỉnh ấy dân chúng lại còn chia ra thành nhiều đẳng cấp và nhóm đẳng cấp khác nhau nữa. Ngoài vương công và giáo sĩ ra, chúng ta còn thấy có quý tộc và nông dân ở nông thôn, quý tộc thành thị, thị dân và bình dân ở thành thị; tất cả đều là những đẳng cấp có lợi ích hoàn toàn xa lạ với nhau, ngay cả khi những lợi ích của họ không va chạm lẫn nhau hoặc không mâu thuẫn trực tiếp với nhau. Và ở trên tất cả cái mớ chằng chịt những lợi ích phức tạp đó, lại còn có những lợi ích của hoàng đế và của giáo hoàng nữa. Chúng ta đã thấy rằng những lợi ích khác nhau đó rốt cuộc đã họp thành ba nhóm lớn-một cách khó nhọc, không hoàn thiện và - tùy theo điều kiện địa phương- không giống nhau như thế nào, rằng mặc dầu có sự tập hợp khó nhọc ấy, mỗi đẳng cấp vẫn chống lại khuynh hướng phát triển quốc gia do hoàn cảnh quyết định, vẫn thực hiện sự vận động của mình trên cơ sở tự mình phải gánh lấy hết mọi hậu quả, do đó mà đã xung đột không những với các đẳng cấp bảo thủ, mà còn xung đột với tất cả các đẳng cấp chống đổi khác, và cuối cùng đã phải thất bại. Đó là trường hợp của quý tộc trong cuộc khởi nghĩa của Sickingen, của nông dân trong cuộc Chiến tranh nông dân, và của thị dân trong toàn bộ cuộc cải cách hiền lành của họ. Cũng vì vậy mà ngay cả nông dân và bình dân trong phần lớn các miền ở nước Đức cũng đã không thể đi tới một hành động chung và đã cản trở lẫn nhau. Chúng ta cũng đã thấy sự phân tán ấy trong cuộc đấu tranh giai cấp, sự thất bại hoàn toàn của phong trào cách mạng và kết quả nửa vời của phong trào thị dân, do sự phân tán ấy gây ra, là do những nguyên nhân nào quyết định. 

Phần trình bày trên đã chỉ cho mọi người thấy rõ rằng sự phân tán cục bộ, địa phương và tầm mắt hẹp hòi cục bộ, địa phương- kết quả tất yếu của sự phân tán ấy,- đã đưa toàn bộ phong trào đến chỗ diệt vong như thế nào; rằng cả thị dân, cả nông dân, cả bình dân đều không có khả nǎng đạt tới một hành động tập trung có tính chất cả nước như thế nào; rằng nông dân chẳng hạn, đã tự mình hoạt động riêng trong mỗi tỉnh, luôn luôn từ chối không chịu giúp đỡ những nông dân khởi nghĩa của các vùng lân cận, và vì thế, trong những trận giao chiến lẻ, đã lần lượt bị tiêu diệt như thế nào bởi những đội quân mà nông dân khởi nghĩa. Những hiệp định đình chiến và những hiệp nghị khác nhau mà những đám đông khác nhau ký kết với những địch thủ của họ là bấy nhiêu hành vi phản bội sự nghiệp chung; và việc những đám đông khác nhau chỉ có thể thống nhất lại với nhau không phải do tính chất chung ít nhiều của những hành động của chính họ, mà chỉ vì họ đụng phải một kẻ thù chung đã đánh bại họ, - tình hình đó là một bằng chứng rõ rệt nhất về sự xa lạ của nông dân ở các tỉnh khác nhau đối với nhau. 

ở đây, tự nhiên người ta cũng lại thấy một điều tương tự với phong trào nǎm 1848-1850. Nǎm 1848, lợi ích của các giai cấp đối lập cũng đi đến xung đột nhau, mỗi giai cấp đều hành dộng cho mình. Giai cấp tư sản, đã phát triển quá xa đến mức không còn có thể chịu đựng lâu hơn được nữa chế độ chuyên chế quan liêu - phong kiến, nhưng còn chưa đủ mạnh để buộc được những yêu cầu của các giai cấp khác trong xã hội phải phục tùng ngay những yêu cầu của bản thân mình. Giai cấp vô sản, -- còn quá yếu nên không thể hy vọng nhanh chóng vượt qua giai đoạn tư sản và mau chóng cướp lấy chính quyền, - cũng đã kịp nếm đủ vị ngọt bùi của chế độ tư sản dưới chế độ chuyên chế và nói chung, cũng đã phát triển khá cao, để nhận thấy - dù chỉ là trong giây lát - sự giải phóng của giai cấp tư sản là sự giải phóng bản thân mình. Khối đông trong dân tộc – tiểu tư sản, chủ các xưởng nhỏ (thợ thủ công) và nông dân - bị giai cấp tư sản, lúc đó còn là bạn đồng minh tự nhiên của họ, bỏ mặc cho số phận vì họ đã tỏ ra quá ư cách mạng, ở đôi nơi họ còn bị giai cấp vô sản bỏ rơi vì chưa đủ tiên tiến; bản thân khối đông ấy đến lượt nó lại hết sức phân tán, họ cũng không đạt được gì cả và giữ thái độ đối lập đối với những đồng minh của họ trong phe đối lập, từ phía hữu cũng như từ phía tả. Rốt cuộc là tất cả các giai cấp tham gia phong trào nǎm 1848 cũng đều có tính chất hạn chế địa phương không kém gì so với nông dân hồi nǎm 1525. Hằng nǎm cuộc cách mạng địa phương và tiếp theo sau đó là bấy nhiêu cuộc phản cách mạng cũng được tiến hành một cách không bị trở ngại như thế, việc duy trì nguyên vẹn sự phân chia thành những tiểu quốc, v.v. và v.v., chứng minh khá hùng hồn điều đó. Sau hai cuộc cách mạng Đức nǎm 1525 và nǎm 1848 và những kết quả của hai cuộc cách mạng ấy, kẻ nào còn có thể tán nhảm về nền cộng hoà liên bang thì kẻ ấy chỉ đáng được cho vào nhà thương điên mà thôi. 

Nhưng, mặc dầu tất cả những sự giống nhau, cả hai cuộc cách mạng- cuộc cách mạng thế kỷ XVI và cuộc cách mạng nǎm 1848-1850 - vẫn khác nhau rất cǎn bản. Cuộc cách mạng nǎm 1848 nếu không chứng tỏ sự tiến bộ của nước Đức thì ít ra cũng chứng tỏ sự tiến bộ của châu Âu. 

Ai là kẻ được lợi trong cuộc Cách mạng 1525? – Các vương công. Ai là kẻ được lợi trong cuộc Cách mạng 1848? Các vương công lớn, áo và Phó. Đằng sau những vương công nhỏ nǎm 1525 là giới tiểu thị dân bị cột vào chúng vì thuế má. Đằng sau những vương công lớn nǎm 1850, đằng sau nước áo và nước Phổ, là giai cấp tư sản lớn hiện đại, đã mau chóng bắt chúng phải phục tùng mình nhờ khoản nợ của nhà nước. Còn đằng sau giai cấp tư sản lớn là giai cấp vô sản. 

Cuộc cách mạng nǎm 1525 chỉ là một công việc địa phương của nước Đức. Khi người Đức bắt đầu tiến hành cuộc Chiến tranh nông dân của mình, thì người Anh, người Pháp, người Tiệp và người Hung đã hoàn thành cuộc chiến tranh nông dân của họ rồi. Nếu nước Đức đã bị phân tán thì châu Âu còn bị phân tán nhiều hơn. Cuộc Cách mạng 1848 không phải là một công việc địa phương của nước Đức, mà là một pha cá biệt của những sự kiện vĩ đại ở châu Âu. Những nguyên nhân thúc đẩy cuộc cách mạng này trong suốt quá trình diễn biến của nó không hạn chế trong những giới hạn chật hẹp của một nước, hoặc thậm chí của một bộ phận của thế giới. Hơn thế nữa, những nước là vũ đài của cuộc cách mạng ấy lại là những nước đã tham dự ít nhất vào việc làm nảy sinh ra nó. Những nước đó là những nguyên vật liệu ít nhiều vô ý thức và thụ động, được nhào nặn trong tiến trình của một phong trào mà ngày nay toàn thế giới đều tham gia, một phong trào mà trong những quan hệ xã hội hiện nay, dĩ nhiên là có thể chỉ thể hiện ra đối với chúng ta như là một lực lượng xa lạ nào đó, mặc dầu rốt cuộc, nó chẳng phải là cái gì khác ngoài phong trào của chính bản thân chúng ta. Vì thế cuộc cách mạng nǎm 1848-1850 không thể kết thúc như cuộc cách mạng nǎm 1525. 

-------------
1.Thuốc súng - như giờ đây điều đó đã được chứng minh một cách tuyệt đối - đã do người ả-rập học được của Trung quốc thông qua con đường ấn độ, và chính người ả-rập đã du nhập thuốc súng cùng với súng vào châu Âu qua con đườngTây ban nha. [Chú thích của Ǎng-ghen cho lần xuất bản nǎm 1875] 
2. Thức ǎn, hàng nặng và roi vọt: đó là những điều cần cho con lừa. 
3. Một cách chơi chữ, Lĩgner: người nói dối (Mĩnzer muốn chỉ Luther).
 

 

 

 

Phri-đrích Ǎng-ghen

 

Tuyển tập Mác-Ǎng-ghen, Nxb Sự thật Hà Nội 1981, tập II, tr.186-200

Viết vào mùa hè 1850 Theo đúng bản in trong cuốn: Phi-đrích Ǎng-ghen, "Chiến Tranh nông dân ở Đức".

Lần xuất bản thứ ba, Leipzig, 1875 
 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website