Tác phẩm “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước” của Ph. Ăngghen

1. Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm

Năm 1877, L. H. Moócgan, đại biểu của phái duy vật tự phát người Mỹ, đã hoàn thành tác phẩm Xã hội cổ đại hay các cuộc khảo cứu những con đường tiến bộ của loài người từ thời đại mông muội qua thời đại dã man đến thời đại văn minh (hay “Xã hội cổ đại”), làm rõ nhiều vấn đề lịch sử trước khi loài người bước vào thời đại văn minh - chế độ chiếm hữu nô lệ. Năm 1884, một năm sau khi Mác mất, Ăngghen tìm thấy bản thảo viết tay tóm tắt tác phẩm Xã hội cổ đại của L.H.Moóc-gan của Mác viết từ những năm 1880, 1881 và biết Mác có ý định viết một tác phẩm xung quanh vấn đề này nhưng chưa kịp.

Tiếp tục ý định của Mác, theo Ăngghen có thể xem như là sự thực hiện một di chúc do Mác để lại, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5-1884 Ăngghen đã viết tác phẩm Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước. Khi viết tác phẩm này, Ăngghen sử dụng những nhận xét và phê phán của Mác về tác phẩmXã hội cổ đại của L. H. Moócgan, đưa những tư liệu từ các nghiên cứu trước đó của mình về lịch sử Hy Lạp, La Mã, Airơlen và người Giécmanh thời cổ v.v., kế thừa và phê phán nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, Pháp, Đức, Bắc Mỹ và Nga nhằm chứng minh sự đúng đắn của những quan niệm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác. Tác phẩm được in lần đầu tiên ở Xuyrích (Đức) vào đầu tháng 10-1884, sau đó được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau[1].

Trong tác phẩm này, Ăngghen phân tích một cách khoa học về những giai đoạn phát triển sớm nhất của lịch sử nhân loại, về quá trình tan rã của chế độ công xã nguyên thuỷ, về quá trình hình thành, những đặc trưng của các xã hội có giai cấp dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và giải thích những đặc điểm của sự phát triển của các quan hệ gia đình trong các hình thái kinh tế - xã hội khác nhau. Đặc biệt, Ăngghen luận chứng nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh vấn đề nhà nước như nguồn gốc và bản chất, đặc trưng và chức năng của nhà nước; đồng thời, chứng minh sự tất yếu diệt vong của nhà nước khi xã hội cộng sản văn minh hoàn toàn thắng lợi.

2. Những nội dung chủ yếu của tác phẩm

a) Luận giải về nguồn gốc và bản chất của nhà nước

Từ những khảo cứu thực tế lịch sử, dựa trên lập trường duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, Ăngghen đã luận chứng một cách khoa học nguồn gốc, bản chất, quy luật hình thành và phát triển của nhà nước như một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển của xã hội loài người[2]. Nhà nước, theo đó, không phải là một thực thể quyền lực từ bên ngoài áp đặt vào xã hội, mà là sản phẩm của một xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, là bằng chứng của những mâu thuẫn, của những phân chia xã hội thành các lực lượng đối lập nhau mà tự chúng không thể giải quyết được. Để những mặt đối lập và những giai cấp có quyền lợi mâu thuẫn nhau ấy không đi đến tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt cả xã hội, thì cần phải có một lực lượng tựa hồ như đứng trên xã hội, có nhiệm vụ làm dịu xung đột và giữ cho xung đột trong vòng trật tự, lực lượng ấy là nhà nước.

Những tiền đề kinh tế và xã hội của sự xuất hiện nhà nước, theo Ăngghen, là sự ra đời của chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và xã hội phân chia thành giai cấp. Nhà nước là sản phẩm của xã hội đã phân chia giai cấp, là kết quả của những mâu thuẫn giữa các giai cấp không thể điều hoà được, là sản phẩm của sự phát triển xã hội. Trong xã hội cộng sản nguyên thuỷ chưa cần có một quyền lực công cộng tách khỏi nhân dân và đứng đối lập với nhân dân, thích ứng với tình trạng kinh tế thấp kém là tình trạng chưa phân hoá giai cấp, là những thị tộc, bộ lạc và đứng đầu các tổ chức này là các tộc trưởng do nhân dân bầu ra. Quyền lực của những tộc trưởng này dựa vào sức mạnh đạo đức và uy tín, quyền hành và chức năng của cơ quan quản lý xã hội chưa mang tính chính trị. Các thủ lĩnh, trong đó có thủ lĩnh quân sự, do nhân dân bầu ra không phải là người cai trị, họ chỉ thực hiện ý chí của nhân dân và không có đặc quyền, đặc lợi.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội đã đưa lại năng suất lao động ngày một cao và xuất hiện của cải dư thừa. Đây là điều kiện khách quan làm xuất hiện sự chiếm đoạt của cải ở một số người có quyền lực và sự phân hoá xã hội thành những giai cấp đối kháng. Sau lần phân công lao động xã hội thứ ba, đã có sự tích tụ của cải về một số ít người và sự bần cùng hoá một số đông người. Sự ra đời của chế độ tư hữu và phân chia xã hội thành giai cấp như vậy đã làm cho chế độ cộng sản nguyên thuỷ tan rã.

Mặt khác, chiến tranh cướp bóc và tranh giành lãnh thổ giữa các thị tộc, bộ lạc đã làm tăng quyền lực cho thủ lĩnh quân sự. Cùng với chế độ phụ quyền, quyền thừa kế chức vụ thủ lĩnh quân sự ngày càng làm cho họ giàu có, địa vị thống trị của họ được củng cố. Họ bóc lột nhân dân ngày càng thậm tệ và trở thành lực lượng đối lập với nhân dân. Cơ quan tổ chức của thị tộc, bộ lạc dần dần tách khỏi gốc rễ của nó trong nhân dân, từ chỗ là công cụ của nhân dân trở thành cơ quan thống trị và áp bức nhân dân. Cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp đối kháng lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử xã hội, chủ nô và nô lệ, dẫn tới nguy cơ các giai cấp đó tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội. Các tổ chức thị tộc, bộ lạc mất đi khả năng tự điều tiết, quản lý và một cơ quan quyền lực đặc biệt là nhà nước ra đời. Quá trình hình thành nhà nước gồm nhiều giai đoạn, trong đó có giai đoạn cơ quan quản lý dưới chế độ cộng sản nguyên thuỷ chuyển hoá thành cơ quan nhà nước. Đồng thời, do các đặc điểm về kinh tế - xã hội và lịch sử khác nhau nên có nhiều phương thức hình thành nhà nước khác nhau, như các phương thức Aten, Rôma, Giécmanh hay phương Đông v.v. chẳng hạn.

Về bản chất, nhà nước là bộ máy của một giai cấp này dùng để trấn áp một giai cấp khác. Nhà nước là tổ chức chính trị của giai cấp thống trị về kinh tế nhằm bảo vệ trật tự hiện hành và đàn áp sự phản kháng của các giai cấp khác. Nhà nước chỉ là công cụ chuyên chính của một giai cấp, không có và không thể có nhà nước đứng trên giai cấp và nhà nước của mọi giai cấp. Đối với đông đảo người sống trên một lãnh thổ rất rộng lớn, thì nhà nước là mối liên hệ chủ yếu nhất liên kết họ lại với nhau, nhưng nhà nước ngày càng trở thành kẻ áp bức và bóc lột đối với họ. Nhà nước ra đời không những không thủ tiêu bóc lột mà còn biến bóc lột thành một chế độ.

b) Luận giải về những đặc trưng cơ bản của nhà nước

Bất cứ nhà nước nào, theo Ăngghen, cũng có những đặc trưng cơ bản sau đây:Thứ nhất, nhà nước là cơ quan phân chia và quản lý dân cư theo địa vực. Địa vực thì ổn định còn dân cư thì ngày càng di động, nên người ta phải lấy sự phân chia địa vực cư trú làm nơi cho dân chúng thực hiện những quyền và nghĩa vụ của mình, không kể họ thuộc về thị tộc hay bộ lạc nào. Cách tổ chức dân cư theo địa vực cư trú ngày càng được thừa nhận trong tất cả các quốc gia và làm nên sự khác biệt giữa nhà nước với thị tộc, bộ lạc trước đây. Các thị tộc, bộ lạc được hình thành dựa trên cơ sở những quan hệ huyết thống còn nhà nước được hình thành trên cơ sở phân chia dân cư theo địa vực cư trú và quyền lực nhà nước có hiệu lực đối với mọi cư dân sống trên địa vực ấy. Thứ hai, nhà nước là một cơ quan quyền lực có tính chuyên nghiệp và cưỡng chế đối với mọi thành viên trong xã hội, quyền lực này không còn ăn khớp với dân cư tự tổ chức thành lực lượng vũ trang nữa. Trước đây những người đứng đầu thị tộc, bộ lạc quản lý xã hội bằng đạo đức và uy tín, còn giờ đây những người đại diện cho nhà nước thực hiện quyền lực bằng sự cưỡng bức của pháp luật. Hơn nữa, nhà nước không phải chỉ gồm những người được vũ trang mà có cả công cụ vật chất phụ thêm nữa, như nhà tù và các loại cơ quan cưỡng bức mà xã hội thị tộc, bộ lạc không hề biết đến.Thứ ba, để duy trì nhà nước cần phải có những sự đóng góp của cư dân là thuế. Thuế là các khoản bắt buộc phải nộp cho nhà nước, là nguồn thu chính để nuôi sống bộ máy nhà nước. Việc thu thuế dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước với sự hậu thuẫn của các cơ quan và phương tiện cưỡng chế.

c) Luận giải về những chức năng của nhà nước

Trước hết, theo Ăngghen, nhà nước có hai chức năng là chức năng thống trị của giai cấp và chức năng xã hội. Chức năng thống trị của giai cấp nói lên rằng bất cứ nhà nước nào cũng là công cụ chuyên chính của một giai cấp, sẵn sàng sử dụng mọi công cụ, biện pháp có thể để bảo vệ sự thống trị của giai cấp đó. Chức năng xã hội của nhà nước nói lên rằng bất cứ nhà nước nào cũng phải thực hiện việc quản lý những hoạt động chung vì sự tồn tại của xã hội. Hai chức năng này có mối quan hệ qua lại với nhau, chức năng xã hội là cơ sở của sự thống trị chính trị và sự thống trị chính trị còn kéo dài chừng nào nhà nước còn thực hiện chức năng xã hội của nó.

Đồng thời, nhà nước với tư cách là đại biểu cho chủ quyền của một quốc gia còn thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại. Chức năng đối nội của nhà nước là duy trì trật tự xã hội theo lợi ích của giai cấp cầm quyền. Nhà nước xây dựng và thực thi các chính sách, sử dụng quân đội, cảnh sát, bộ máy tuyên truyền và các công cụ khác nhằm duy trì và phát triển xã hội theo những nguyên tắc và chuẩn mực nhất định. Nhà nước thực hiện chức năng đối nội là chủ yếu, vì nó ra đời và tồn tại trước hết trên phạm vi quốc gia - dân tộc. Chức năng đối ngoại của nhà nước là bảo vệ lãnh thổ quốc gia, trong một số trường hợp là mở mang lãnh thổ quốc gia và quan hệ với các nước khác vì lợi ích của giai cấp thống trị cũng như lợi ích quốc gia. Chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước đều xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị.

d) Luận giải về vấn đề nhà nước tiêu vong

Theo Ăngghen, nhà nước tiêu vong cũng là một tất yếu như sự xuất hiện của nó trong điều kiện xã hội nhất định. Nhà nước không tồn tại, cũng như từ xa xưa xã hội đã có thời kỳ không cần đến nhà nước, thậm chí không có một khái niệm nào về nhà nước. Đến một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội, giai đoạn đương nhiên phải gắn liền với sự phát triển của kinh tế và phân chia xã hội thành giai cấp thì sự xuất hiện của nhà nước trở thành một tất yếu. Nhưng sẽ đến thời kỳ sự tồn tại của những giai cấp nói trên không còn là một tất yếu nữa, hơn nữa sự tồn tại của các giai cấp còn là trở ngại trực tiếp cho sản xuất. Khi giai cấp không còn thì nhà nước cũng không tránh khỏi tiêu vong.

Giai cấp vô sản giành lấy nhà nước và biến những tư liệu sản xuất thành sở hữu của xã hội, từng bước tự xoá bỏ mình với tư cách một giai cấp, xoá bỏ sự khác biệt giai cấp và mọi sự đối lập giai cấp, đồng thời xoá bỏ cả nhà nước. Khi nhà nước đã trở thành đại diện của toàn thể xã hội, không còn giai cấp nào bị áp bức nữa, không còn đấu tranh sinh tồn cá nhân nữa, vai trò của nhà nước sẽ mất dần đi. Nhà nước sẽ đi đến chỗ tự tiêu vong cũng là một tất yếu khách quan khi nó đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình, khi chủ nghĩa cộng sản văn minh được hoàn thành.

Trong tác phẩm này Ăngghen còn bàn về các hình thức nhà nước và cho rằng hình thức cộng hoà dân chủ là hình thức nhà nước ngày càng trở nên tất yếu đối với chúng ta, vì hình thức nhà nước đó không chính thức thừa nhận sự chênh lệch về của cải nữa mà của cải chỉ có thể phát huy quyền lực của nó một cách gián tiếp. Chừng nào giai cấp vô sản chưa trưởng thành đến mức có thể tự giải phóng, thì phần lớn họ sẽ xem chế độ hiện tồn như một chế độ duy nhất có thể có được về mặt chính trị. Nhưng khi giai cấp vô sản đã trưởng thành thì nó tự tổ chức thành một đảng riêng biệt và cái ngày mà cái nhiệt kế đầu phiếu phổ thông chỉ điểm sôi trong những người công nhân, thì họ cũng như các nhà tư bản sẽ biết phải làm gì.

3. Ý nghĩa của tác phẩm

Với tác phẩm này, Ăngghen đã trả lời một cách khoa học câu hỏi nhà nước là gì, nó xuất hiện như thế nào và trên cơ sở nào, tại sao trong các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhà nước lại có các hình thức và vai trò khác nhau. Chỉ ở đâu có giai cấp, mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp thì mới có nhà nước. Nhà nước xuất hiện là do những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà. Nhà nước là cơ quan thống trị của một giai cấp này đối với một số giai cấp khác, nhà nước có bản chất giai cấp của nó. Từ việc chỉ ra nguồn gốc xuất hiện nhà nước, bản chất giai cấp của nhà nước và tính chất bóc lột, áp bức giai cấp của các kiểu nhà nước chủ nô, phong kiến và tư sản, Ăngghen nêu lên quan điểm về một nhà nước kiểu mới - nhà nước của giai cấp vô sản khác về chất so với các kiểu nhà nước áp bức, bóc lột và bác bỏ những quan điểm phản khoa học về vấn đề nhà nước.

Những luận điểm của Ăngghen về nhà nước trong tác phẩm này thể hiện sự phát triển và hoàn chỉnh về cơ bản và có hệ thống các quan điểm của chủ nghĩa Mác về vấn đề nhà nước. Dựa trên quan điểm duy vật về lịch sử và các sự kiện lịch sử, Ăngghen đã chứng minh các hình thức quan hệ gia đình và quan hệ sở hữu, các hình thức giai cấp và nhà nước là do lịch sử quy định và thay đổi theo lịch sử. Những luận điểm này trở thành cơ sở lý luận cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc những năm cuối của thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đến nay./.

 

------------------------------

[1]. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và tái bản nhiều lần. Năm 1886 xuất bản lần thứ hai, năm 1889 xuất bản lần thứ ba ở Stútgát. Tháng 11-1891 xuất bản lần thứ tư, có sửa đổi và bổ sung những tư liệu mới, trong đó có những công trình nghiên cứu mới của nhà bác học người Nga M.M.Côvalépxki. Những lần xuất bản sau đó đều dựa theo nguyên bản của lần xuất bản thứ 4, năm 1891.

[1]. Ăngghen phân tích các giai đoạn văn hoá tiền sử của xã hội loài người, hôn nhân và quan hệ của hôn nhân và gia đình với sự phát triển của xã hội, nguồn gốc của chế độ tư hữu và của nhà nước. Trên cơ sở đó để lý giải nguồn gốc và sự tiêu vong của nhà nước.

 

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website