(ĐCSVN) - V.I.Lênin kế thừa và phát triển sáng tạo di sản tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, sáng tạo học thuyết về chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân trong điều kiện chủ nghĩa tư bản đã bước vào giai đoạn phát triển của chủ nghĩa đế quốc. Chính những điều kiện lịch sử đó đòi hỏi cấp bách tổ chức và xây dựng chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân.
1. Những nguyên tắc cơ bản của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân
Một là, chủ nghĩa Mác là nền tảng, tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. V.I.Lênin viết: “Chủ nghĩa Mác là lý luận của phong trào giải phóng của giai cấp vô sản”[1] và đương nhiên nó tất yếu phải trở thành hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản. V.I.Lênin chứng minh rằng: nắm được lý luận cách mạng thì giai cấp vô sản và đội tiên phong của nó có được vũ khí tư tưởng mạnh mẽ nhất, còn bản thân lý luận khi thông qua họ sẽ trở thành sức mạnh vật chất to lớn. Người chỉ rõ: “Chỉ đảng nào được một lý luận tiên phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”[2]. Bản thân quy luật ra đời của Đảng Cộng sản (là sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân) quy định Đảng Cộng sản phải lấy chủ nghĩa Mác làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Đây là tiêu chuẩn cơ bản để xem xét một đảng có phải là chính đảng mácxít hay không và là tiêu chuẩn hàng đầu để xác định bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Hai là, Đảng là một bộ phận của giai cấp công nhân, là đội tiên phong chính trị có tổ chức và là tổ chức chặt chẽ nhất, giác ngộ nhất của giai cấp công nhân. Kế thừa tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin khẳng định: “Đảng phải là đội tiền phong, là người lãnh đạo quảng đại quần chúng giai cấp công nhân; toàn thể (hay hầu như toàn thể) giai cấp này hành động dưới sự kiểm soát và lãnh đạo của các tổ chức đảng, nhưng họ không gia nhập tất cả và không được gia nhập tất cả vào Đảng”[3]. Đảng là của giai cấp, Đảng gắn liền, không tách rời giai cấp, nhưng Đảng không phải là toàn bộ giai cấp. Không được lẫn lộn giữa Đảng với giai cấp. Nếu lẫn lộn Đảng với giai cấp có nghĩa là phủ nhận vai trò của Đảng là đội tiền phong của giai cấp và trên thực tế là thủ tiêu Đảng, V.I.Lênin chỉ ra rằng: “Không được lẫn lộn Đảng, tức là đội tiên phong của giai cấp công nhân với toàn bộ giai cấp”[4].
Ba là, khi có chính quyền, Đảng là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị của chủ nghĩa xã hội và là một bộ phận của hệ thống đó. Khi đã giành được chính quyền, theo V.I.Lênin cuộc đấu tranh giai cấp chưa chấm dứt, mà tiếp tục diễn ra dưới những nội dung, hình thức và phương pháp mới. Để phối hợp hành động và hướng hoạt động của cả hệ thống chính trị vào xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, theo V.I.Lênin “về nguyên tắc, Đảng Cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa”[5]. Muốn vậy, theo V.I.Lênin, là bộ phận của hệ thống đó nên Đảng phải là “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”[6].
Bốn là, tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản trong xây dựng tổ chức sinh hoạt và hoạt động của Đảng. Nguyên tắc này bảo đảm phát huy tính tích cực và sáng tạo của các tổ chức đảng và đảng viên đồng thời bảo đảm xây dựng Đảng thành một tổ chức tập trung thống nhất có kỷ luật nghiêm minh. V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Các Đảng ra nhập quốc tế cộng sản phải được xây dựng theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong thời kỳ nội chiến gay gắt hiện nay, Đảng cộng sản chỉ có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình nếu Đảng được tổ chức một cách tập trung nhất, nếu trong Đảng có một kỷ luật sắt gần giống như kỷ luật quân sự và nếu Trung ương Đảng là một cơ quan có uy tín mạnh mẽ có quyền lực rộng rãi được toàn thể đảng viên tin cậy”[7]...
Năm là, Đảng là một khối thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng. Đoàn kết thống nhất là quy luật trong xây dựng và phát triển của Đảng, là nguồn sức mạnh vô tận của Đảng, là điều kiện để đoàn kết giai cấp. Người dạy: “Đảng là một khối tự nguyện, nếu như nó không tẩy sạch khỏi bản thân nó những đảng viên tuyên truyền quan điểm chống đảng, thì nó không thể tránh khỏi tan rã, trước tiên tan rã về tư tưởng, sau sẽ tan rã cả về vật chất”[8].Để bảo đảm sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn luôn được củng cố và phát triển, Đảng phải có kỷ luật sắt, nghiêm chỉnh thực hiện tự phê bình và phê bình: “Thái độ của một chính Đảng trước những sai lầm của mình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất và chắc chắn nhất để xem xét Đảng ấy có nghiêm túc không, có thực sự làm tròn nghĩa vụ của mình đối với giai cấp mình và đối với quần chúng lao động không...”[9].
Sáu là, Đảng phải tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng, phải thường xuyên đưa những người không đủ tiêu chuẩn và những phần tử cơ hội ra khỏi Đảng. Đảng là đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, Đảng chỉ có thể làm tròn được vai trò ấy một khi trong Đảng bao gồm những chiến sĩ tiên phong. Tích cực kết nạp những đại biểu ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vào Đảng là biện pháp quan trọng để cải thiện thành phần, chất lượng của Đảng, để nâng cao uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời: “Phải đuổi cổ ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên cộng sản đã quan liêu hoá, không trung thực, nhu nhược”[10].
Bảy là, chủ nghĩa quốc tế vô sản là một trong những nguyên tắc quan trọng của việc xây dựng tổ chức, hoạt động của Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân. Chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân là bản chất của Đảng Cộng sản. Bản chất đó bắt nguồn từ vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Do đó, V.I.Lênin khẳng định: “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”[11].
2. Ý nghĩa đối với xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay
Trước hết, phải khẳng định, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo những nguyên tắc cơ bản của V.I.Lênin về Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân vào xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là cội nguồn sức mạnh, khẳng định tính chính danh và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta; đồng thời là “lửa thử vàng” để khẳng định Đảng ta là chính đảng mácxít mang bản chất giai cấp công nhân. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ làm rõ một số cống hiến đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam.
Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Một trong những cống hiến xuất sắc của Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin là luận điểm của Người về sự thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến. Các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học quan niệm Đảng cộng sản ra đời là sự kết hợp của hai yếu tố: Chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân. Luận điểm đó hoàn toàn đúng đối với các nước phương Tây, khi giai cấp công nhân đã bước lên vũ đài chính trị với tư cách là một lực lượng chính trị độc lập, được lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin dẫn đường. Tuy nhiên, ở các nước phương Đông, đặc biệt là ở những nước thuộc địa nửa phong kiến như ở Việt Nam, bị chủ nghĩa thực dân thống trị, nền kinh tế hết sức lạc hậu, què quặt, công nghiệp gần như chưa phát triển, giai cấp công nhân tuy đã ra đời và sống khá tập trung song còn nhỏ bé, chưa đại diện cho toàn bộ phong trào dân tộc. Chính từ nhận thức đó, trong quá trình chuẩn bị thành lập Đảng, Hồ Chí Minh đã định hướng đúng đắn cho sự vận động của hai quá trình: một là, đưa phong trào yêu nước chuyển dần từ lập trường quốc gia sang khuynh hướng mácxít, rồi từ khuynh hướng mác xít chuyển sang lập trường cộng sản; hai là, đưa phong trào công nhân chuyển dần từ trình độ tự phát sang trình độ tự giác. Nhân tố đóng vai trò quyết định bảo đảm sự chuyển biến về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước là chủ nghĩa Mác - Lênin. Sau này, trong tác phẩm Ba mươi năm hoạt động của Đảng, Người khái quát: “Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương vào đầu năm 1930”[12].
Hai là, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng... Quá trình đi tìm đường cứu dân, cứu nước, Hồ Chí Minh đã khảo sát nghiên cứu thực tiễn vô cùng phong phú, sinh động nhất là khi Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và trong tác phẩm Đường cách mệnh, Người đã khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[13]. Đảng với tư cách là lãnh tụ chính trị, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc, trước hết Đảng phải là một tổ chức chính trị tiên tiến, đại diện cho trí tuệ của giai cấp và dân tộc, Đảng phải có một học thuyết cách mạng, khoa học làm nền tảng tư tưởng, lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin. Người nhấn mạnh: “Chủ nghĩa Mác - Lênin đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[14]. Nhất quán tư tưởng ấy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung và phát triển năm 2011) (gọi tắt là Cương lĩnh 2011) của Đảng đã ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình”[15].
Ba là, Đảng Cộng sản Việt Nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản và gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ của nhân dân. Hồ Chí Minh đã khái quát những yêu cầu xây dựng Đảng kiểu mới thành các nguyên tắc sau: Tập trung dân chủ gắn với thực hiện triệt để nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tự phê bình và phê bình; Đảng có kỷ luật nghiêm minh và tự giác; đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng không chỉ là tiêu chuẩn của một đảng chân chính mà còn là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là vấn đề cơ bản trong xây dựng Đảng, là nguồn gốc mọi sức mạnh của Đảng. Hồ Chí Minh quan niệm Đảng ra đời là vì lợi ích của nhân dân, do dân tổ chức lên. Một Đảng như vậy phải trở lại phục vụ cho dân, cho Tổ quốc. Người yêu cầu Đảng muốn lãnh đạo được nhân dân thì phải hiểu dân, phải học dân, phải nâng đỡ dân bởi “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”[16]. Rất nhiều lần Người đã nói, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Hai tư cách người lãnh đạo, người đầy tớ luôn thống nhất với nhau trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.
Bốn là, Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Để xứng đáng là một Đảng mácxít chân chính, lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của giai cấp và dân tộc, Đảng phải thường xuyên chăm lo xây dựng chỉnh đốn Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta khẳng định, đây không phải là một giải pháp tình thế, một chủ trương thụ động mà là một việc làm thường xuyên để bảo đảm giữ vững được sự lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn cách mạng. Điều này được Hồ Chí Minh lúc sinh thời nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người đã căn dặn: “Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”[17]. Theo Hồ Chí Minh, “xây dựng” và “chỉnh đốn” là hai vấn đề có mối quan hệ biện chứng. Phải trên cơ sở xây dựng mà chỉnh đốn, chỉnh đốn cũng nhằm mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Mục đích của xây dựng và chỉnh đốn Đảng, theo Người là làm trong sạch và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng, bảo đảm cho Đảng luôn luôn xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
Nhất quán tinh thần ấy, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có nhiều Nghị quyết chuyên đề, Chỉ thị về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đặc biệt, là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) đã khẳng định, phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta./.
[1] V.I.Lênin, Toàn tập, tập26, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1980, tr.281.
[2] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 6, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1978, tr.32.
[3] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 7, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1979, tr.352.
[4] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 28, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1979, tr.289.
[5] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva,1976, tr.453.
[6] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva,1976, tr.33.
[7] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1977, tr.34.
[8] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1979, tr.51.
[9] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva,1979, tr.51.
[10] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 44, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva, 1978, tr.154.
[11] V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát xcơva,1977, tr..206.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.406
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.289
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.563
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.88
[16] Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.432
[17] Hồ Chí Minh,Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.616
TS. Nguyễn Công Dũng