“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tác động sâu sắc đến tiến trình phát triển của cách mạng thế giới

“Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” được C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo xong vào tháng 02-1848 và xuất bản lần đầu tiên vào trung tuần tháng 3 năm đó, giữa lúc chủ nghĩa tư bản đã phát triển ở mức cao, giữ quyền thống trị ở châu Âu và bắt đầu bành trướng thế lực sang châu Phi, châu Á với các cuộc chinh phục bằng bạo lực. Vào thời điểm đó, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” không chỉ là bản cáo trạng đanh thép đối với chủ nghĩa tư bản, mà còn là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh phá bỏ xiềng xích và mọi sự áp bức, bất công trong xã hội tư bản. Sự ra đời của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào công nhân - đó là sự phát triển từ tự phát đến tự giác. Tư tưởng khoa học và cách mạng trong văn kiện lịch sử này nhanh chóng thâm nhập vào giai cấp vô sản và lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân lao động, trở thành lực lượng vật chất vĩ đại. Nhiều cuộc cách mạng xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã nổ ra và giành được những thắng lợi rất quan trọng, làm thay đổi bộ mặt của thế giới đương đại.

Vậy vì sao “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” lại trở thành cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới và có ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình phát triển của cách mạng thế giới? Có thể cắt nghĩa rằng, đây là một tác phẩm kinh điển chủ yếu của chủ nghĩa xã hội khoa học, trong đó C. Mác và Ph. Ăngghen trình bày nhiều luận điểm và nguyên lý mang tính chất phổ biến cả về mặt lý luận và thực tiễn, có giá trị là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.

Về mặt lý luận, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có nhiệm vụ thuyết trình sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản; sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp vô sản hiện đại; những căn cứ khách quan, nội dung khoa học và tính chất cách mạng của chủ nghĩa cộng sản. Đồng thời, nó còn có nhiệm vụ đập tan mọi câu chuyện hư truyền về “bóng ma cộng sản” mà các thế lực chính trị phản động ở châu Âu khi ấy đều hoảng sợ và tìm cách bôi nhọ, phản bác. Về mặt thực tiễn, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” có nhiệm vụ trình bày công khai mục đích, nhiệm vụ, những biện pháp cách mạng và lập trường, chiến lược, sách lược của những người cộng sản nhằm lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, thiết lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiến hành cải tạo xã hội tư bản và xây dựng xã hội mới văn minh, tiến bộ hơn, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đánh giá về tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, V. I. Lênin khẳng định: “Cuốn sách nhỏ ấy có giá trị bằng hàng ngàn bộ sách, tinh thần của nó đến bây giờ vẫn cổ vũ và thúc đẩy toàn thế giới giai cấp vô sản có tổ chức và đang chiến đấu của thế giới văn minh”(1).

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C. Mác và Ph. Ăngghen vạch rõ bản chất đích thực của chủ nghĩa tư bản; những quy luật vận động riêng của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và các mâu thuẫn nội tại không thể khắc phục trong lòng xã hội tư bản; phân tích sâu sắc lịch sử các cuộc đấu tranh để tự giải phóng mình của giai cấp vô sản; trên cơ sở đó, chứng minh xã hội tư bản nhất định sẽ bị thay thế bằng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa, một xã hội mà chính chủ nghĩa tư bản, về khách quan, đã và đang chuẩn bị những điều kiện, tiền đề cho sự hình thành của nó. Đó chính là biện chứng khách quan của lịch sử phát triển xã hội loài người, được C. Mác và Ph. Ăngghen khái quát bằng luận điểm có tính khoa học và cách mạng rất sâu sắc: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(2). Các ông còn nhấn mạnh: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(3). Những luận điểm đó của các nhà kinh điển mác-xít là cơ sở lý luận và phương pháp luận để soi rọi vào tiến trình phát triển của cách mạng thế giới đương đại.

Khi nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân và phong trào công nhân, C. Mác và Ph. Ăngghen nhận thấy sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội hoàn toàn mới, không còn áp bức, bất công, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa. Chỉ có giai cấp vô sản mới có khả năng đảm nhận được sứ mệnh lịch sử to lớn và cao cả đó, bởi “Trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập với giai cấp tư sản thì chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng. Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”(4). Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C. Mác và Ph. Ăngghen cho rằng, sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân phải là sự nghiệp “tự giải phóng”; đồng thời nhấn mạnh, trong cuộc đấu tranh cách mạng đó, giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Các ông đã đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng:“Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!” (về sau, khẩu hiệu này được V. I. Lênin bổ sung: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”). Khẩu hiệu trong cương lĩnh đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới không những công khai tuyên bố tính chất quốc tế và kêu gọi tình đoàn kết của cách mạng vô sản, mà còn là ngọn cờ dẫn dắt ý chí và hành động trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc của giai cấp công nhân các nước chống lại sự áp bức, nô dịch của giai cấp tư sản, đồng thời thúc đẩy tiến trình phát triển của cách mạng thế giới chuyển biến cả về lượng và chất.

Một trong những nội dung quan trọng và thiết yếu được C. Mác và Ph. Ăngghen trình bày trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” là: Trong khi thực hiện sứ mệnh lịch sử “tự giải phóng” giai cấp mình, giai cấp công nhân còn thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả là giải phóng nhân dân lao động, giải phóng các dân tộc và toàn thể nhân loại. Bởi vì, trong xã hội tư bản, không chỉ giai cấp vô sản bị chủ nghĩa tư bản thống trị, bóc lột, bị “bần cùng hóa”, mà các tầng lớp nhân dân lao động, các dân tộc cũng bị giai cấp tư sản thống trị và nô dịch. Vì thế, cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản luôn luôn gắn chặt chẽ với cuộc đấu tranh dân tộc. C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ: “Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc”(5). Do đó, giai cấp vô sản ở mỗi nước khi tiến hành cuộc đấu tranh để “tự giải phóng” giai cấp mình khỏi sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, trước hết phải giành lấy chính quyền, tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, tự mình trở thành dân tộc, nghĩa là phải lãnh đạo, trở thành lực lượng lãnh đạo của cả phong trào cách mạng của nhân dân lao động và của cả dân tộc. Để xóa bỏ nguồn gốc sinh ra bất bình đẳng, áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ: “Hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”(6). Khi sự đối kháng giữa các giai cấp trong nội bộ quốc gia, dân tộc không còn nữa thì sự thù địch giữa các quốc gia, dân tộc cũng đồng thời mất theo. Tất nhiên, để thực hiện sứ mệnh lịch sử đó, giai cấp công nhân phải được tập hợp, đoàn kết xung quanh bộ tham mưu chiến đấu của mình là đảng cộng sản - nơi tập trung những đại biểu kiên trung nhất, cách mạng nhất và ưu tú nhất của giai cấp công nhân. Những tư tưởng, quan điểm nói trên của C. Mác và Ph. Ăngghen được nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” cũng đã chi phối, tác động sâu sắc đến tiến trình cách mạng của các dân tộc trên thế giới, nhất là trong thế kỷ XX và trong điều kiện hiện nay.

Như vậy, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời đã thức tỉnh giai cấp công nhân và nhân dân lao động, làm cho họ ý thức được một cách nhanh chóng và sâu sắc vai trò lịch sử của mình trước giai cấp, dân tộc và nhân loại. Tính cách mạng triệt để của nó là ở chỗ, lần đầu tiên những người cộng sản - hạt nhân tiên tiến nhất của giai cấp công nhân - trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về quan điểm, mục đích, biện pháp của mình để đập tan câu chuyện hoang đường về “bóng ma cộng sản”, cùng mọi luận điệu xuyên tạc, công kích chủ nghĩa cộng sản của các thế lực phản động, cơ hội, xét lại. Từ đây, những người cộng sản và giai cấp công nhân quốc tế đã có vũ khí lý luận và cương lĩnh để hành động, để đấu tranh chống lại giai cấp tư sản không chỉ bằng bạo lực, bằng lực lượng vật chất, mà còn bằng cả lý luận phản ánh hiện thực khách quan của phong trào vô sản thế giới.

Dưới ánh sáng của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong 170 năm qua đã giành được những thành tựu quan trọng, biến chủ nghĩa xã hội từ lý luận, học thuyết thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. Những cuộc cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc theo quỹ đạo của cách mạng vô sản đã bùng nổ dữ dội ở nhiều nước, ở khắp các châu lục. Đó là Công xã Pa-ri năm 1871; tiếp đến, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, mở ra thời đại mới trong lịch sử loài người - thời đại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; rồi đến sau Chiến tranh thế giới thứ hai là thắng lợi của hàng loạt cuộc cách mạng xã hội kiểu mới ở cả châu Âu, châu Á và châu Mỹ La-tinh, và từ đây, chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới; đồng thời hàng trăm quốc gia, dân tộc đã vùng lên đấu tranh chống lại chế độ áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và giành được độc lập ở những mức độ khác nhau, làm sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ và kiểu mới. Rõ ràng, lý tưởng của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã tác động sâu sắc đến tiến trình phát triển của cách mạng thế giới, thúc đẩy lịch sử nhân loại phát triển theo chiều hướng khách quan là hướng đến xây dựng một xã hội công bằng, nhân đạo, phù hợp với bản chất con người.

Nhưng lịch sử không bằng phẳng, trơn tru. Con đường cách mạng thế giới từng diễn ra quanh co, khi cao trào, lúc thoái trào, có lúc nơi này hoặc nơi khác cách mạng đứng trước những trở lực tưởng như không vượt qua nổi. Điển hình là sự chống phá quyết liệt của chủ nghĩa đế quốc với chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với đó là do đảng cộng sản ở những nước này có những sai lầm về đường lối, mắc phải bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí và do cả sự phản bội của một số người lãnh đạo, đứng đầu của đảng, đã dẫn đến sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở những nơi đó và hệ lụy đau xót là làm tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới. Song, điều cần nhận rõ, đây chỉ là sự sụp đổ của những mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể, chứ không phải là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội nói chung, với tư cách là một nấc thang phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản. Và một sự thật hiển nhiên hiện nay là, nhiều nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Cu Ba…, với dân số khoảng 1,5 tỷ người (chiếm khoảng 1/5 dân số thế giới), đang tiến hành cải cách và đổi mới rất mạnh mẽ và đúng hướng, vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa đã lựa chọn. Ngay cả ở những nước mà chế độ xã hội chủ nghĩa đã tan rã, các lực lượng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại và đang quyết liệt đấu tranh để giành lại vị thế trong xã hội. Ở không ít nước tư bản chủ nghĩa phát triển, phong trào cộng sản và phong trào công nhân vẫn không ngừng mở ra những cuộc đấu tranh vì dân chủ, dân sinh, công bằng và tiến bộ xã hội. Hiện nay, dù chủ nghĩa xã hội đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển, nhưng ngay trong xã hội tư bản, rất nhiều học giả tư sản vẫn có đánh giá khách quan rằng, học thuyết Mác vẫn là đỉnh cao của trí tuệ loài người, vẫn tràn đầy sức sống trong một thời đại đầy biến động chính trị. Có một nghịch lý là, chính sự tác động của học thuyết Mác, trong đó có những nguyên lý cơ bản mà C. Mác và Ph. Ăngghen nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đã buộc chủ nghĩa tư bản hiện đại phải điều chỉnh, sửa đổi một phần các khuyết tật và lực cản trong lòng xã hội tư bản để thích nghi và tồn tại.

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã trải qua những thử thách lớn lao trên con đường hiện thực hóa lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Điều đó cho thấy, ở đâu và lúc nào, những luận điểm, nguyên lý cơ bản của nó được nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện khách quan, thì ở đó và lúc đó, cách mạng vượt qua được những thử thách để phát triển. Ngược lại, ở đâu và lúc nào, những luận điểm, nguyên lý của nó bị hiểu sai, vận dụng sai, hoặc nhận thức và vận dụng một cách giáo điều, máy móc, thì ở đó và lúc đó, cách mạng gặp trắc trở, khó khăn, hoặc bị tổn thất, thậm chí bị thất bại.

Vì vậy, phương pháp luận chung nhất đối với những người cộng sản chân chính trong vận dụng những luận điểm, nguyên lý cơ bản của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước hiện nay là: cần hiểu thấu đáo và vận dụng sáng tạo những luận điểm, nguyên lý nào mà từ đó đến nay vẫn hoàn toàn đúng đắn và giữ nguyên giá trị; còn những luận điểm, nguyên lý nào trước đây đúng, nhưng do tình hình thế giới ngày nay đã có sự đổi thay lớn lao mà khi đó C. Mác và Ph. Ăngghen chưa dự đoán hết được, nên không còn phù hợp nữa, thì cần có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển. Đó mới chính là thái độ khách quan, khoa học và cách mạng của người cộng sản chân chính. Điều này cũng hoàn toàn nhất quán với tinh thần phê phán cách mạng mà C. Mác và Ph. Ăngghen đã viết trong “Lời tựa” của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” cho bản tiếng Đức (xuất bản năm 1872): “Mặc dầu hoàn cảnh đã thay đổi nhiều trong hai mươi lăm năm qua, nhưng cho đến nay, xét về đại thể, những nguyên lý tổng quát trình bày trong Tuyên ngôn vẫn còn hoàn toàn đúng”; và “Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II. Đoạn này, ngày nay mà viết lại thì về nhiều mặt, cũng phải viết khác đi”(7). Cho nên, mỗi lần vượt qua thử thách, tư tưởng của các nhà kinh điển mác-xít được nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt và bền vững của nó. “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” càng được nhận thức đầy đủ và được vận dụng đúng đắn, sáng tạo, thì tác động của nó đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay cũng như đối với tiến trình phát triển của cách mạng thế giới trong thời đại ngày nay càng to lớn và sâu sắc hơn.

Sinh thời, V.I. Lênin đã nêu tấm gương mẫu mực về sự trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vào điều kiện cụ thể của nước Nga. Trong cuộc đấu tranh chống những phần tử cơ hội, xét lại và bảo vệ thành quả của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga, V.I. Lênin rất coi trọng đấu tranh với mọi biểu hiện của chủ nghĩa giáo điều. Người đã tiên phong phá vỡ những quan niệm cũ kỹ về chủ nghĩa xã hội bằng việc đề ra “Chính sách kinh tế mới” (NEP), góp phần làm phong phú lý luận của chủ nghĩa Mác. V. I. Lênin căn dặn: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”(8). Người còn chỉ rõ phương châm hành động của các đảng cộng sản: “Phải chú trọng đến cuộc sống sinh động, đến những sự thật chính xác của hiện thực”(9).

Ở Việt Nam, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam gần 90 năm qua, Đảng ta đã trực tiếp tham dự vào việc bảo vệ và phát triển những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” nói riêng. Trước mỗi bước ngoặt lịch sử của cách mạng, Đảng ta luôn vững vàng bản lĩnh chính trị, kiên định giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa, loại trừ mọi biểu hiện và ảnh hưởng của chủ nghĩa giáo điều, cơ hội, xét lại để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, với những nguyên lý ghi trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”. Thực tiễn cách mạng Việt Nam càng phát triển đi lên, đặc biệt là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hơn 30 năm qua theo định hướng xã hội chủ nghĩa đạt được nhiều thành tựu, càng khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, con đường đi lên của cách mạng nước ta có những thời cơ và thuận lợi mới, song cũng gặp không ít nguy cơ và thách thức to lớn, cần phải nỗ lực vượt qua. Trong khi đó, chủ nghĩa xã hội thế giới lại đang ở bước thoái trào. Những khó khăn và thách thức đan xen đã và đang cản trở sự phát triển của cách mạng, song Đảng ta tiếp tục khẳng định với đầy đủ căn cứ khoa học và thực tiễn rằng, lịch sử xã hội loài người vẫn tiếp tục tiến lên theo những quy luật mà “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã dự báo; thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; việc đưa đất nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử nhân loại.

Trong tình hình mới, Đảng ta rất chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng Đảng về chính trị. Vì vậy, trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta chỉ rõ: “Chú trọng xây dựng Đảng về chính trị. Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới”(10). Điều đó một lần nữa khẳng định, dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, những nguyên lý cơ bản đã được trình bày trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” vẫn là ánh sáng soi đường cho Đảng ta, dân tộc ta tiến tới thực hiện mục tiêu, lý tưởng của mình là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội./.

----------------------------------------------

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 26, tr. 10

(2), (3), (4), (5), (6) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 613, 628, 610, 611, 624

(7) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 18, tr. 128

(8) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 232

(9) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Sđd, t. 31, tr. 162-163

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 199

 

Trung Dũng, Tạp chí Cộng sản

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới

(ĐCSVN) - Ngày 19/3/2024, đồng chí Trương Thị Mai ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.

Sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và khu vực, quốc tế.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

(ĐCSVN) - Các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội; là văn hoá ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Liên kết website