BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
*
Số: 13-CT/TW
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Hà Nội, ngày 02 tháng 05 năm 2002
|
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
Về việc lãnh đạo Đại hội các cấp Hội Nông dân Việt Nam
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những năm qua nông dân cả nước, trong đó Hội Nông dân Việt Nam giữ vai trò nòng cốt đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng. Sản xuất nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện, liên tục với mức tăng trưởng khá, đời sống của đại bộ phận nông dân được cải thiện; nhìn chung tình hình chính trị - xã hội ở nông thôn ổn định, nhiều vùng có bước phát triển khá.
Hội Nông dân Việt Nam đã được xây dựng và không ngừng phát triển, hệ thống tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở được kiện toàn và ngày càng vững mạnh; nội dung và phương thức hoạt động của Hội được đổi mới; Hội đã tập hợp rộng rãi nông dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá thì tổ chức và hoạt động của Hội có những mặt còn hạn chế. Cơ sở Hội phát triển chưa đều; nội dung, phương thức hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; chức năng đại diện lợi ích hợp pháp và chính đáng của nông dân chưa được thực hiện đầy đủ. Một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Hội hoạt động có hiệu quả.
Để Đại hội các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Nông dân Việt Nam đạt kết quả tốt, tạo bước phát triển mới trong phong trào nông dân và Hội Nông dân Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và các nghị quyết của Trung ương có liên quan, đặc biệt là các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX), góp phần xứng đáng vào quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu các cấp uỷ và tổ chức đảng, các cấp, các ngành làm tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo ban chấp hành các cấp Hội chuẩn bị tốt nội dung Đại hội. Báo cáo tổng kết công tác Hội trong nhiệm kỳ cần đánh giá đúng thực trạng phong trào nông dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, quan tâm đến sự tiến bộ về chính trị, tinh thần của giai cấp nông dân, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bức xúc hiện nay đối với nông dân; khẳng định những việc đã làm được, nêu rõ những việc chưa làm được về các mặt hoạt động của Hội, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhất là đề ra được những chủ trương, biện pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nông dân.
2. Chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm dân chủ việc lựa chọn, giới thiệu và bầu cử nhân sự vào Ban chấp hành khoá mới thật sự có chất lượng. Cần bố trí cấp uỷ viên đủ năng lực giữ chức vụ chủ chốt của các cấp Hội. Những cán bộ tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cán bộ chủ chốt của các cấp Hội phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức và lối sống lành mạnh, am hiểu về nông dân, nông thôn, nông nghiệp, được hội viên tín nhiệm; có năng lực vận động, thuyết phục cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của Hội Nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; thực hiện một bước trẻ hoá và luân chuyển cán bộ Hội.
3. Các cấp uỷ, tổ chức đảng và uỷ ban nhân dân các cấp tạo điều kiện thuận lợi để hội nông dân các cấp tổ chức tốt Đại hội. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị 59, ngày 15-12-2000 của Bộ Chính trị (khoá VIII) và Quyết định 17, ngày 24-1-1998 của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện để Hội Nông dân tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tiêu cực xã hội ngay từ cơ sở.
4. Hội Nông dân Việt Nam lập kế hoạch và hướng dẫn tổ chức Đại hội các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV vào cuối năm 2003 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đại biểu của Hội Nông dân các cấp cần coi trọng chất lượng, hiệu quả, thiết thực, thật sự dân chủ, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức.
5. Ban Dân vận Trung ương và các ban có liên quan, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ các tỉnh uỷ, thành uỷ có trách nhiệm giúp Ban Bí thư chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
T/M BAN BÍ THƯ
Phan Diễn