Nghị định số 121/2017/NĐ-CP ngày 6/11/2017 của Chính phủ quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam
  • Quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam
  • 121/2017/NĐ-CP
  • Nghị định
  • Nội chính - Pháp luật
  • 06/11/2017
  • 01/01/2018
  • Chính phủ
  • Nguyễn Xuân Phúc
Nội dung:

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 121/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2017

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM

 

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thi hành tạm giữ, tạm giam ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ; tạm giam số 94/2015/QH13;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về xây dựng, thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng (gọi chung là xây dựng, quản lý, sử dụng) cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Tuân thủ Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự, Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

2. Mọi thông tin liên quan đến việc thi hành tạm giữ, tạm giam của người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải được thu thập, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác, khách quan, khoa học và quản lý, sử dụng đúng mục đích, theo đúng quy định của pháp luật.

3. Khai thác, sử dụng đúng mục đích, bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người bị tạm giữ, người bị tạm giam được giữ bí mật theo quy định của pháp luật.

4. Việc xây dựng, khai thác, sử dụng thông tin liên quan đến người bị tạm giữ, người bị tạm giam phải bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

5. Quản lý chặt chẽ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam, bảo đảm an toàn, an ninh và bảo mật theo quy định của pháp luật trong việc quản lý dữ liệu; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước; bảo đảm sự tương thích, thông suốt an toàn giữa các hệ thống thông tin.

Điều 4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Cố tình làm sai lệch thông tin, cung cấp thông tin sai lệch.

2. Tự ý lập, tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin, tài liệu.

3. Cố tình sử dụng sai mục đích kết quả thu thập, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam xâm phạm quyền tự do, danh dự, đời tư và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và nhà nước theo quy định của pháp luật.

4. Chiếm đoạt, làm hỏng, mất tài liệu, mua bán, chuyển giao, tiêu hủy trái phép thông tin, tài liệu.

5. Truy cập trái phép, thay đổi, giả mạo, sao chép, tiết lộ, gửi, hủy trái phép tài liệu lưu trữ điện tử, tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn hoặc hủy hoại thông tin và cơ sở dữ liệu.

Điều 5. Kinh phí bảo đảm cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Kinh phí thực hiện việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

2. Việc quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Chương II

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Điều 6. Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam là tập hợp thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

2. Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam do Bộ Công an thống nhất quản lý là một bộ phận của cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam,

3. Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm:

a) Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân;

b) Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.

Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân được kết nối với Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân. Bộ Công an sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng ban hành hướng dẫn việc kết nối, cung cấp thông tin về thi hành tạm giữ, tạm giam giữa Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân với Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.

Điều 7. Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân

1. Trung tâm cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an có chức năng xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể điều kiện bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của Trung tâm cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an.

2. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh, cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp huyện, trại tạm giam, nhà tạm giữ có trách nhiệm:

a) Xây dựng, quản lý, sử dụng thông tin về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi quản lý;

b) Cung cấp thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam về Trung tâm cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an.

3. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về việc kết nối, cung cấp thông tin về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân.

Điều 8. Hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân

1. Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng có chức năng xây dựng, quản lý, sử dụng hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân có trách nhiệm:

a) Xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân;

b) Cung cấp thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong Quân đội nhân dân về Trung tâm cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an để xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương, Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:

a) Xây dựng, quản lý, sử dụng thông tin về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi quản lý;

b) Cung cấp thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam về Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể về việc kết nối, cung cấp thông tin về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.

Điều 9. Thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam trong cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm:

a) Số liệu về người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

b) Tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

c) Tình hình về biên chế, nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ phục vụ công tác thi hành tạm giữ, tạm giam;

d) Các thông tin khác có liên quan đến công tác thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm các thông tin, tài liệu quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 17 Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 10. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam là quá trình thực hiện các nhiệm vụ: Thu thập, tích lũy tập hợp thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam; chuẩn hóa, nhập và cập nhật hoàn chỉnh các thông tin đã thu thập, tập hợp được vào hệ thống lưu trữ điện tử, theo một cấu trúc nhất định, phù hợp với nhu cầu quản lý nhà nước về người bị tạm giữ, tạm giam.

2. Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam được xây dựng phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu quốc gia, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, an toàn, an ninh thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật.

3. Các hình thức thu thập, cập nhật thông tin:

a) Báo cáo định kỳ, báo cáo vụ việc, báo cáo chuyên đề về thi hành tạm giữ, tạm giam và các số liệu thống kê theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

b) Hồ sơ quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam;

c) Các cơ sở dữ liệu có liên quan;

d) Các hình thức khác.

4. Các cơ quan có quyền thu thập thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam:

a) Trung tâm cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an; Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp tỉnh; Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam cấp huyện; trại tạm giam; nhà tạm giữ trong Công an nhân dân;

b) Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương, Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.

5. Các cơ quan có quyền thu thập thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định tại khoản 4 Điều này có quyền yêu cầu đính chính, bổ sung hoặc tự đính chính, bổ sung thông tin khi có sai sót, nhầm lẫn hoặc còn thiếu.

Điều 11. Lưu trữ, bảo quản cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam là tài sản quốc gia phải được quản lý, bảo vệ chặt chẽ, an toàn theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan được giao quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm xây dựng các giải pháp kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ, quy định về việc quản lý cơ sở dữ liệu, vận hành hệ thống, an ninh, an toàn thông tin, lưu trữ dữ liệu, kiểm tra hệ thống.

3. Việc bảo quản cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam phải bảo đảm an toàn trong nơi lưu trữ thích hợp và thường xuyên cập nhật sao lưu bảo đảm tính toàn vẹn khả năng truy cập của cơ sở dữ liệu.

Điều 12. Khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Các hình thức khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam bao gồm:

a) Qua mạng máy tính nội bộ;

b) Bằng văn bản hoặc phiếu đề nghị cung cấp.

2. Đối tượng khai thác và sử dụng:

a) Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam;

b) Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam;

c) Cơ quan kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam;

d) Cơ quan tiến hành tố tụng;

đ) Người bị tạm giữ, người bị tạm giam.

3. Nguyên tắc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam:

a) Các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam được quyền khai thác dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Việc khai thác cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam ngoài phạm vi quản lý phải được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có thẩm quyền phê duyệt; nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử phải được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.

b) Trường hợp các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có yêu cầu tra cứu, cung cấp thông tin, tài liệu lưu trữ về người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và Luật lưu trữ; nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử phải được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.

4. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành quy trình tiếp nhận, xử lý yêu cầu về khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam,

Điều 13. Trao đổi dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam và các cơ sở dữ liệu khác liên quan

1. Việc trao đổi dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam và các cơ sở dữ liệu khác liên quan phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Thông tin về người bị tạm giữ, người bị tạm giam thuộc cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam được cung cấp cho cơ sở dữ liệu về phòng, chống tội phạm để phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ THI HÀNH TẠM GIỮ, TẠM GIAM

Điều 14. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Công an

1. Bộ Công an giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.

2. Nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.

3. Xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.

4. Thống nhất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trên phạm vi toàn quốc.

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Quốc phòng

Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân và có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.

2. Xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho việc xây dựng, quản lý, sử dụng hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.

3. Cung cấp dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân về Trung tâm cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc Bộ Công an để xây dựng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam trên phạm vi toàn quốc.

4. Chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, quản lý, sử dụng hệ cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam trong Quân đội nhân dân.

5. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an trong việc thực hiện quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam.

Điều 17. Trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tại địa phương phối hợp với cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật,

Điều 18. Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam khi được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin do mình cung cấp.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi được khai thác thông tin về thi hành tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm sử dụng thông tin đúng mục đích, không được cung cấp, để lộ thông tin dưới bất kỳ hình thức nào và phải kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý dữ liệu có thẩm quyền về những sai sót của dữ liệu được cung cấp.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1 Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Nguyễn Xuân Phúc

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Liên kết website