Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030
  • Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030
  • 2128/QĐ-TTg
  • Quyết định
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • 29/12/2017
  • 29/12/2017
  • Thủ tướng Chính phủ
  • Vũ Đức Đam
Nội dung:

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2128/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU DU LỊCH QUỐC GIA PHONG NHA - KẺ BÀNG, TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật du lịch ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (sau đây viết tắt là Khu DLQG) Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Vị trí, quy mô Khu du lịch

Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc địa bàn các xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Thượng Trạch và Tân Trạch thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Diện tích khu vực tập trung phát triển Khu du lịch là 2.500 ha.

2. Quan điểm phát triển

a) Phát triển du lịch Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng gắn liền với bảo tồn, phát huy tối ưu những lợi thế điều kiện tự nhiên về cảnh quan và đa dạng sinh học, các giá trị tiêu biểu đã được thế giới và quốc gia công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, Di tích quốc gia đặc biệt; bảo đảm phù hợp với công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã cam kết tham gia, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan.

b) Thúc đẩy kết nối liên vùng, liên ngành; tập trung đầu tư khai thác có chọn lọc thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống hang động, giá trị về đa dạng sinh học, địa chất, địa hình và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển Khu du lịch bền vững theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm; nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, dịch vụ, khẳng định thương hiệu của Khu DLQG.

c) Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường thu hút các nguồn lực tham gia đầu tư phát triển Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng gắn với phát triển bền vững kinh tế vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình;

d) Phát triển du lịch, dịch vụ bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên rừng, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; kết hợp hài hòa với các mục tiêu phát triển về kinh tế, an sinh xã hội.

3. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung

Phấn đấu đến năm 2025, Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Khu DLQG trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao với sản phẩm đặc trưng là thám hiểm hang động; nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng sinh học, văn hóa hóa bản địa và di tích khảo cổ.

b) Mục tiêu cụ thể

- Chỉ tiêu về khách du lịch: Đến năm 2025, đón khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 300,000 lượt khách quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, trong đó khoảng 500.000 lượt khách quốc tế.

- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Đến năm 2025 đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 8.200 tỷ đồng.

- Nhu cầu buồng phòng: Đến năm 2025 nhu cầu lưu trú khoảng 1.200 buồng, Phấn đấu đến năm 2030 nhu cầu lưu trú khoảng 2.500 buồng.

- Chỉ tiêu việc làm: Đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 7.200 lao động, trong đó khoảng 2.400 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động, trong đó trên 4.600 lao động trực tiếp.

4. Các định hướng phát triển chủ yếu

a) Định hướng phát triển thị trường khách du lịch

- Thị trường khách du lịch quốc tế:

+ Tập trung khai thác thị trường khách du lịch theo chuyến trọn gói với các sản phẩm du lịch tổng hợp, kết hợp với các địa phương khác trên tuyến miền Trung và tuyến Bắc - Nam; trong đó tập trung chính vào thị trường khách có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Đông Bắc Á.

+ Đẩy mạnh thu hút các thị trường khách du lịch có mục đích cụ thể như: du lịch thám hiểm hang động, du lịch nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng sinh học, du lịch cộng đồng, thể thao mạo hiểm... đến từ các thị trường Bắc Mỹ, Châu Úc và Tây Âu. Từng bước mở rộng khai thác thị trường khách du lịch đến từ các nước Đông Nam Á.

- Thị trường nội địa: Tiếp tục củng cố, duy trì thị trường khách du lịch truyền thống (khách đi theo chuyến du lịch trên tuyến Bắc - Nam, khách đi theo tuyến du lịch kết nối với các tỉnh Bắc Trung Bộ). Ở các giai đoạn phát triển tiếp theo, ưu tiên đẩy mạnh khai thác phân khúc thị trường mới gồm: khách đi theo đoàn, khách du lịch tự do, khách du lịch theo các nhóm sở thích cụ thể.

b) Định hướng phát triển sản phẩm du lịch

- Sản phẩm du lịch đặc thù:

+ Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, theo những quy định khai thác nghiêm ngặt, gắn với những giá trị tiêu biểu đã được thế giới và quốc gia công nhận là du lịch thám hiểm hang động (hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm, hang Va - hang Nước Nứt, thung lũng Sinh tồn, hang Thủy Cung...);

+ Phát triển đa dạng các mô hình du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu tìm hiểu đa dạng sinh học Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các giá trị vẽ khảo cổ học, địa chất, địa mạo và tìm hiểu văn hóa bản địa.

- Các sản phẩm du lịch chính:

+ Du lịch tham quan: tham quan hệ thống hang động như động Thiên Đường, động Phong Nha, hang Tối...

+ Du lịch trải nghiệm gắn với với hệ sinh thái rừng: tham quan, ngắm cảnh sông Chày, rừng Gáo, thác Gió, thác Mơ, Trung tâm cứu hộ linh trưởng, Vườn thực vật, tuyến sinh thái Nước Moọc...

+ Du lịch tìm hiểu lịch sử cách mạng: Hang tám Thanh niên xung phong (hang Tám Cô), bến phà Xuân Sơn, sân bay Khe Gát, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, các di tích lịch sử trên đường 20 Quyết Thắng và hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại...

+ Du lịch cộng đồng: tìm hiểu văn hóa các tộc người Arem, người Rục, người Bru, người Vân Kiều...

+ Du lịch nghỉ dưỡng tại các hồ lớn như Khe Ngang, Bồng Lai...

- Các sản phẩm du lịch bổ trợ: Đi bộ dã ngoại, đạp xe theo các tuyến đường mòn, thể thao, vui chơi giải trí, bơi lội, chèo thuyền trên sông, du lịch gắn với lễ hội như Đua thuyền, Hội thi cá trắm trên Sông Son...

c) Định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch

- Nguyên tắc tổ chức không gian phát triển khu du lịch: Khai thác hợp lý lợi thế tài nguyên du lịch tự nhiên; hình thành mối liên hệ giữa các phân khu, các điểm du lịch; hạn chế tối đa di chuyển dân cư, giảm thiểu tối đa tác động đến cảnh quan, môi trường, đời sống, hoạt động sản xuất của người dân; bảo đảm kiến trúc hài hòa của các công trình, dự án xây dựng với cảnh quan thiên nhiên trong khu du lịch; không chặt phá rừng, hủy hoại thiên nhiên, không gây ô nhiễm môi trường.

- Tập trung phát triển hạ tầng từ lõi khu du lịch lan tỏa theo cấu trúc hình hoa bốn cánh, với năm phân khu gồm Phân khu Trung tâm và các phân khu Bắc, Nam, Đông, Tây có tính chất đặc trưng sau:

+ Phân khu Trung tâm (nằm chủ yếu trên địa bàn xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch): Phát triển Đô thị du lịch Phong Nha gắn với Phân khu Hành chính - Dịch vụ của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; là đầu mối tập trung đón khách, cung cấp hạ tầng đô thị, cơ sở lưu trú, chương trình du lịch và kiểm soát chất lượng dịch vụ của Khu DLQG. Ưu tiên phát triển sớm các công trình Trung tâm điều hành hành chính của Khu DLQG, các trung tâm dịch vụ du lịch phục vụ du khách như nhà hàng, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí...

+ Phân khu Bắc (nằm chủ yếu trên địa bàn xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch): Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch và sản xuất hàng hóa phục vụ cho Khu DLQG. Phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng tại các hồ lớn như: hồ Khe Ngang, hồ Khe Su. Phát triển một số điểm du lịch cộng đồng tại các làng, xóm bán sơn địa có cảnh quan hấp dẫn.

+ Phân khu Nam (bao gồm một phần xã Sơn Trạch, Thượng Trạch và Tân Trạch, huyện Bố Trạch): Phát triển có sự kiểm soát nghiêm ngặt về số lượng khách và thời gian tham quan đối với các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch thám hiểm hang Sơn Đoòng, hang Én, hệ thống hang Vòm; du lịch tìm hiểu văn hóa tộc người Arem, người Rục...

+ Phân khu Đông (nằm chủ yếu trên địa bàn xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch): Phát triển du lịch cộng đồng tại bản Rào Con, Phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm sống với rừng, nghiên cứu - tìm hiểu đa dạng sinh học tại các tuyến du lịch xuyên phân khu. Phát triển các điểm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại hồ Đồng Suôn, hồ Bồng Lai,

+ Phân khu Tây (bao gồm một phần xã Xuân Trạch và Thượng Trạch, huyện Bố Trạch): Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch lịch sử - văn hóa tại các điểm di tích trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Phát triển du lịch sinh thái với các quy định nghiêm ngặt, du lịch trải nghiệm gắn với hệ sinh thái rừng Phong Nha - Kẻ Bàng, du lịch nghiên cứu - tìm hiểu đa dạng sinh học tại các tuyến du lịch xuyên phân khu.

d) Định hướng phát triển các tuyến du lịch

- Tuyến liên kết quốc tế: Kết nối Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng để đón khách quốc tế qua đầu mối giao thông quốc tế của tỉnh Quảng Bình từ: sân bay Đồng Hới, ga đường sắt Đông Hới, cảng biển Hòn La. Kết nối với các nước Đông Dương thông qua tuyến đường bộ xuyên Á đến cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Cà Roòng.

- Tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng: kết nối Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng với các tỉnh, thành phố trong cả nước để đón khách du lịch thông qua cảng biển Hòn La, cảng sông Ranh, các cảng du lịch trên sông Son, sân bay Đồng Hới, ga đường sắt Đồng Hới, đường Hồ Chí Minh, các tuyến quốc lộ 1A, 12A, QL15...; liên kết hợp tác với các trung tâm du lịch lớn của quốc gia trên tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”.

- Tuyến du lịch nội tỉnh: Hình thành tuyến không gian lễ hội từ thành phố Đồng Hới đến Đô thị Phong Nha.

- Các tuyến trong Khu DLQG:

+ Đầu tư nâng cấp các tuyến du lịch đang khai thác như: Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới; khám phá thung lũng Hamada - hang Trạ Ang, thung lũng Sinh Tồn - hang Tối; ngắm cảnh thiên nhiên suối Rào Thương - hang Én; khám phá hang Va - hang Nước Nứt; tuyến du lịch trên Sông Chày - Hang Tối; tuyến tham quan động Phong Nha - động Tiên Sơn; tham quan khu du lịch sinh thái động Thiên Đường, điểm du lịch sinh thái suối Nước Moọc; tham quan vườn thực vật, di tích lịch sử hang tám thanh niên xung phong (hang Tám Cô) và đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.

Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên và môi trường và các công ước quốc tế về bảo vệ di sản thế giới mà Việt Nam tham gia.

+ Phát triển các tuyến tham quan mới trong Khu DLQG gồm: Tuyến du lịch đường thủy sông Son - sông Troóc - sông Chày; tuyến tham quan hô Gia Phái - núi Bến Đập; tuyến du lịch đại chúng vòng quanh phân khu Trung Tâm. Phát triển các tuyến du lịch liên kết phân khu Trung tâm với các phân khu ngoài gồm: vòng cung Bắc (phân khu Bắc) dành cho du lịch cộng đồng và sinh thái đồng bằng; vòng cung Đông (phân khu Đông) dành cho du lịch sinh thái nghiêm ngặt với các hoạt động thám hiểm hang động, nghiên cứu đa dạng sinh học; vòng cung Tây (phân khu Tây) dành cho du lịch sinh thái nghiêm ngặt và du lịch cộng đồng; vòng cung Nam (phân khu Nam) dành cho du lịch sinh thái và sinh thái nghiêm ngặt với những trải nghiệm sâu về “Vương quốc hang động Phong Nha - Kẻ Bàng”.

+ Phát triển mới các tuyến nhánh đi bộ trong rừng xuất phát từ Phân khu Trung tâm tới các điểm du lịch đặc trưng của Khu DLQG gồm: tuyến Đông Gát - Phường Lập, tuyến Phường Lập - Ke Sen, tuyến suối nước Moọc - Trộ Mợng, tuyến hang Sót - hang Khỉ, tuyến Ba Da - Sơn Đoòng, tuyến Nước Nứt - Bản Đoòng, tuyến sông Bùng, tuyến thác Gió - Ba gen...

đ) Định hướng phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

- Về cơ sở lưu trú: Ưu tiên phát triển các loại hình lưu trú cao cấp, khu nghỉ dưỡng, điều dưỡng cao cấp tại khu vực các hồ lớn: Gia Phái; Khe Ngang, Khe Su, Đồng Suôn, Bồng Lai... Phát triển các cơ sở lưu trú tập trung tại phân khu Trung tâm, làng du lịch sinh thái (làng nghề thị trấn Troóc, bản Arem, bản Rào Con, bản Khe Gát.,.); nhà nghỉ cộng đồng tại các điểm du lịch cộng đồng, các trạm nghỉ dưới tán cây rừng và một số điểm du lịch hang động.

- Cơ sở vui chơi giải trí: Phát triển các loại hình vui chơi giải trí tại đô thị Phong Nha; chuỗi công viên du lịch chuyên đề dọc theo đường 20 Quyết Thắng gồm: Vườn thực vật, thác Gió, công viên sinh vật cảnh quốc gia, khu tái hòa hợp linh trưởng, công viên động vật bán hoang dã...

- Cơ sở thương mại dịch vụ: Hình thành các cơ sở dịch vụ thương mại, khu phố bán lẻ, nhà hàng tập trung chủ yếu tại đô thị Phong Nha; các cơ sở giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm địa phương phân bố tại các chợ xã, điểm dịch vụ thôn, bản; các cơ sở bán hàng lưu niệm phân bố tại các điểm du lịch.

- Phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ hướng phát triển sản phẩm và tổ chức không gian du lịch: Nhà văn hóa và các điểm dịch vụ du lịch cộng đồng được hợp nhất trong một không gian và quản lý theo thiết chế địa phương; chuẩn hóa các cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trạm cứu hộ và phân bố đều theo khoảng cách phục vụ nhằm bảo đảm an toàn du lịch; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các trạm dừng chân, điểm du lịch với các quy trình bảo trì, vận hành thường xuyên.

e) Định hướng đầu tư phát triển Khu du lịch

- Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng, bao gồm vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, vốn từ các tổ chức, doanh nghiệp, thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Trong đó ưu tiên thu hút các nguồn đầu tư vào các phân khu chức năng theo quy hoạch để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.

- Căn cứ vào khả năng cân đối vốn hàng năm, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật; xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu Khu DLQG, phát triển nguồn nhân lực, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.

5. Giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch

- Công bố, triển khai các quy hoạch và dự án đầu tư trong Khu DLQG; rà soát, tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án thành phần của khu du lịch; ban hành Quy chế quản lý Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

- Đề xuất mô hình đơn vị quản lý Khu DLQG theo quy định của Luật du lịch và pháp luật liên quan trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý Vườn quốc gia, để thống nhất quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng, các hoạt động khai thác, phát triển, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, theo đúng Quy chế quản lý và quy hoạch được phê duyệt.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ 2 năm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch.

- Đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng và các hạng mục công trình chính theo cấu trúc và phân khu đã lựa chọn; xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực nhằm phục vụ công tác quản lý và kiểm soát phát triển; điều chỉnh bổ sung hoặc bố trí các hạng mục công trình được nghiên cứu theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt (nếu cần thiết) làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý sử dụng đất đai, triển khai các chương trình phát triển và lập dự án đầu tư.

- Tuyệt đối chấp hành khu vực khoanh vùng bảo vệ của Vườn quốc gia, bảo đảm hành lang bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh học theo đúng pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng và các quy định pháp luật liên quan khác trong phạm vi Quy hoạch.

b) Giải pháp về đầu tư và thu hút vốn đầu tư

- Ưu tiên bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước để hoàn thiện cơ sở hạ tầng khung, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; xúc tiến quảng bá thương hiệu Khu DLQG, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu theo quy định.

- Tập trung xúc tiến, kêu gọi đầu tư theo danh mục các dự án ưu tiên đầu tư. Thực hiện lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa và Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch, các dự án của các bộ, ngành liên quan ở trung ương và địa phương để hỗ trợ phát triển Khu du lịch theo quy định.

- Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đầu tư, các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng theo hướng khuyến khích các dự án đầu tư đa năng. Xem xét miễn tiền thuê đất đối với một số dự án đầu tư xây dựng trong Khu DLQG theo quy định tại Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về tiền thuê đất, thuê mặt nước.

c) Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch thông qua các chương trình đào tạo phù hợp, trong đó chú trọng các nội dung đào tạo về quản lý quy hoạch du lịch và quản lý dự án du lịch.

- Thực hiện chuyển giao công nghệ quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, từng bước đảm nhận vị trí quản lý quan trọng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch cao cấp.

- Xây dựng các chương trình đào tạo nghiệp vụ và kỹ năng chuyên môn. Hỗ trợ đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng nghề du lịch cho lao động gián tiếp, người dân địa phương tham gia kinh doanh du lịch tại Khu du lịch và khu vực phát triển du lịch cộng đồng.

- Áp dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch tại Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

d) Giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, quản lý, phát huy giá trị các tài nguyên hang động và xử lý ô nhiễm môi trường.

- Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp sử dụng nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ xây dựng thân thiện với môi trường. Áp dụng tiêu chuẩn xanh đối với cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí trong Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng, nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên du lịch và bảo vệ môi trường.

đ) Giải pháp xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch

- Xây dựng kế hoạch quảng bá về “hình ảnh” và “thương hiệu” đặc trưng riêng có của Khu DLQG, gắn kết trong kế hoạch phát triển thương hiệu chung của du lịch Việt Nam và vùng du lịch Bắc Trung Bộ, Tập trung xúc tiến quảng bá du lịch Khu DLQG theo bộ nhận diện thương hiệu “Vương quốc hang động”.

- Hình thành và triển khai hoạt động các trung tâm cung cấp thông tin du lịch, tổng đài cung cấp thông tin; khai thác hệ thống giới thiệu hình ảnh về Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng của UNESCO, tăng cường quảng bá hình ảnh và thương hiệu của Di sản thiên nhiên thế giới thông qua các kênh ngoại giao, mạng xã hội.

e) Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch

- Xây dựng Đề án phát triển sản phẩm du lịch, khai thác phát triển các tuyến, điểm du lịch phù hợp với từng phân khúc thị trường khách du lịch. Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch mới cao cấp theo định hướng thị trường.

- Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch thám hiểm hang động, du lịch nghiên cứu đa dạng sinh học và nghỉ dưỡng cao cấp. Từng bước nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm du lịch đặc thù và sản phẩm du lịch chính.

- Nâng cao chất lượng các dịch vụ bổ trợ như: Dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe, dịch vụ vận chuyển, vệ sinh công cộng, các bảng chỉ dẫn du lịch, dịch vụ hỗ trợ thông tin và các tiện ích bảo đảm chất lượng môi trường, an ninh và an toàn cho khách du lịch.

g) Giải pháp liên kết phát triển du lịch

- Mở rộng và đa dạng hóa các hình thức liên kết với các điểm du lịch khác trong tỉnh Quảng Bình; với các điểm, các Khu DLQG khác trong vùng du lịch Bắc Trung Bộ theo “Con đường di sản Miền Trung”. Tăng cường hợp tác, liên kết với các trọng điểm du lịch trên tuyến Ninh Bình - Thanh Hóa -Quảng Bình và liên kết các di sản thế giới trong khu vực Đông Nam Á; với các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung và cả nước để trao đổi kinh nghiệm về quản lý phát triển khu du lịch, liên kết đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, khai thác thị trường khách du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, du lịch,

- Mở rộng hợp tác, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ quốc tế để đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển khu du lịch,

h) Giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

- Tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới. Xác định cụ thể và áp dụng nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch trên các tuyến du lịch sinh thái, thám hiểm, tìm hiểu đa dạng sinh học trong Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch đóng góp tích cực và trách nhiệm cho các hoạt động bảo tồn, tôn tạo tài nguyên tự nhiên, chi trả dịch vụ môi trường và bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.

- Áp dụng các quy định kiểm soát chặt chẽ số lượng khách du lịch, thường xuyên giám sát các tác động tới môi trường từ hoạt động du lịch tại Khu DLQG để kịp thời có biện pháp điều chỉnh, bảo vệ. Đối với các hoạt động du lịch có khả năng gây tác động tới môi trường tự nhiên cao (du lịch nghiên cứu, thám hiểm hang động, tìm hiểu đa dạng sinh học, thể thao mạo hiểm...) chỉ được tổ chức tại các khu vực được cho phép, tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường và chỉ được thực hiện khi có sự phép và giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý Khu DLQG.

- Áp dụng các giải pháp kỹ thuật bền vững môi trường trong quy hoạch, thiết kế công trình, công nghệ thi công xây dựng. Các dự án phát triển du lịch đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện giám sát môi trường trong quá trình triển khai thi công xây dựng. Có phương án phòng ngừa khẩn cấp để ứng phó kịp thời trong mọi sự cố môi trường.

- Xây dựng quy trình quản lý môi trường đối với toàn Khu du lịch; quản lý và vận hành hệ thống hạ tầng môi trường của Khu du lịch theo quy định. Xây dựng hệ thống thông tin, cảnh báo thiên tai; kịch bản biến đổi khí hậu và đề xuất các giải pháp ứng phó với các sự cố thiên tai đột xuất. Nâng cao năng lực khắc phục hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, giảm thiểu tình trạng ngập lụt Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

i) Giải pháp bảo đảm an ninh quốc phòng

- Sử dụng có hiệu quả đất đai để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch gắn với giữ gìn quốc phòng, an ninh trong phạm vi Quy hoạch; bảo đảm tuân thủ đúng quy định tại Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động tham quan, du lịch theo quy chế quản lý hoạt động của Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch; quy định cụ thể về các hoạt động của khách du lịch và cộng đồng dân cư bảo đảm an ninh, quốc phòng.

- Các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế, dự án khả thi phải lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Quốc phòng trước khi phê duyệt và triển khai để bảo đảm không chồng lấn hoặc gây ảnh hưởng đến vị trí đóng quân, các công trình quốc phòng, khu vực có vai trò quan trọng đối với bảo vệ an ninh quốc phòng trên địa bàn và loại trừ nguy cơ phương hại đến an ninh quốc gia.

- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, chính quyền địa phương với các đơn vị an ninh, quốc phòng có liên quan trong quá trình lập dự án, đầu tư xây dựng và tổ chức các hoạt động du lịch.

- Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm an ninh quốc phòng cũng như các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra.

- Kết hợp hoạt động của các trạm nghỉ, điểm dừng chân, trung tâm du lịch với công tác kiểm lâm, bảo vệ rừng nhằm tăng cường an ninh, bảo vệ các nguồn tài nguyên thực vật có giá trị cho Khu du lịch.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình tổ chức công bố Quy hoạch; với các Bộ, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Quy hoạch.

b) Đồng chủ trì với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, phối hợp các Bộ, ngành liên quan thẩm định hồ sơ thiết kế các dự án quy hoạch và dự án đầu tư có ảnh hưởng, tác động lớn tới Khu KDQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Các dự án ưu tiên đầu tư thuộc danh mục ưu tiên đầu tư ban hành kèm theo Quyết định này phải có ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch căn cứ vào quy mô, tính chất của từng dự án và quy định của pháp luật.

c) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch và kêu gọi vốn đầu tư phát triển Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, cân đối kinh phí hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước để thực hiện Quy hoạch theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

3. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Quy hoạch.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình

a) Đề xuất mô hình quản lý Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng theo quy định của pháp luật, bảo đảm tinh gọn hiệu quả đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh.

b) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch; ban hành Quy chế quản lý Khu DLQG Phong Nha - Kẻ Bàng; thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo tình hình thực hiện Quy hoạch gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (vào tháng 12 hàng năm); định kỳ 5 năm, 10 năm tiến hành sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch để kiến nghị cấp có thẩm quyền các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

c) Rà soát, tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng khu du lịch, quy hoạch chi tiết và dự án khả thi cho các phân khu chức năng quan trọng nhằm thu hút, kêu gọi đầu tư.

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư trên cơ sở Danh mục các dự án ưu tiên ban hành kèm theo Quyết định này.

Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thống nhất đề xuất việc điều chỉnh bổ sung hoặc giảm bớt các dự án.

đ) Chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị và hạ tầng môi trường cho Khu du lịch; lồng ghép đầu tư du lịch với đầu tư cho các lĩnh vực khác; xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư phát triển Khu du lịch.

e) Chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương hỗ trợ ngành du lịch tỉnh Quảng Bình triển khai các giải pháp thực hiện Quy hoạch.

g) Chỉ đạo giám sát chặt chẽ, quản lý tốt việc bảo vệ tài nguyên, môi trường Khu DLQG, đặc biệt đối với những khu vực cảnh quan tự nhiên, hệ thống các hang, động, sông, hồ, di tích lịch sử...; tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia gìn giữ và phát huy giá trị tài nguyên du lịch hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khai thác lâu dài.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, các cơ quan và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

(đã ký)

Vũ Đức Đam

 

--------

PHỤ LỤC

DANH MỤC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH QUỐC GIA PHONG NHA - KẺ BÀNG, TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 2128/QĐ-TTg ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ)

 

TT

Tên dự án

Phân kỳ thực hiện

A

Dự án cắm mốc giới quy hoạch

2017-2020

 

 

B

Các dự án phát triển điểm du lịch

 

 

 

1

Khu dịch vụ, đón tiếp và điều hành cửa ngõ phía Bắc

 

2021-2025

 

2

Trạm du lịch - bảo vệ rừng Đồn 593

 

2021-2025

 

3

Điểm tham quan Hang Sơn Đoòng

2017-2020

 

 

4

Điểm tham quan HangÉn

2017-2020

 

 

5

Điểm du lịch cộng đồng Bản Đoòng

2017-2020

 

 

6

Tổ chức tham quan Khu Tái hòa hợp linh trưởng

 

2021-2025

 

7

Điểm tham quan Đền tưởng niệm AHLS đường 20

2017-2020

 

 

8

Trạm du lịch - bảo vệ rừng Vực Tằng

2017-2020

 

 

9

Khu dịch vụ, đón tiếp và điều hành cửa ngõ phía Đông

 

2021-2025

 

10

Khu dịch vụ, đón tiếp và điều hành cửa ngõ phía Nam

 

2021-2025

 

11

Khu dịch vụ, đón tiếp và điều hành cửa ngõ phía Tây

 

2021-2025

 

12

Điểm du lịch cộng đồng thôn Phường Lập

2017-2020

 

 

13

Điểm du lịch cộng đồng thôn Chày

2017-2020

 

 

14

Điểm tham quan Suối nước Moọc

2017-2020

 

 

15

Trạm du lịch - bảo vệrừngBắc Thiên Đường

2017-2020

 

 

16

Trạm du lịch - bảo vệ rừng KM40

 

2021-2025

 

17

Trạm du lịch - bảo vệ rừng 254

 

 

2026-2030

18

Trạm du lịch - bảo vệ rừngUBò

 

 

2026-2030

19

Khu dịch vụ, đón tiếp và điều hành Đô thị du lịch Phong Nha

2017-2020

 

 

20

Bảo tồn, phát triển điểm tham quan lịch sử Bến đò Xuân Sơn

2017-2020

 

 

21

Nâng cấp Điểm tham quan Động Phong Nha

2017-2020

 

 

22

Nâng cấp Điểm tham quan Động và Chùa Tiên Sơn

2017-2020

 

 

23

Công viên du lịch sinh thái Thung Tre

2017-2020

 

 

24

Điểm tham quan Hang Tối

 

2021-2025

 

25

Điểm tham quan Hang Bảy tầng

 

2021-2025

 

26

Điểm tham quan Hang Tròn

 

 

2026-2030

C

Các dự án phát triển, nâng cấp tuyến du lịch và tuyến hạ tầng kỹ thuật

1

Nâng cấp tuyến du lịch ĐT.20 Quyết Thắng

 

2021-2025

 

2

Nâng cấp tuyến du lịch Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây

 

 

2026-2030

3

Xây dựng tuyến du lịch Ba Da - Sơn Đoòng

 

2021-2025

 

4

Xây dựng tuyến du lịch Nước Nứt - Bản Đoòng

 

 

2026-2030

5

Xây dựng đường du lịch bắc Sông Son (từ Hồ Chí Minh Đông sang Hồ Chí Minh Tây qua điểm du lịch Trằm Mé)

2017-2020

 

 

Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đu tư, tùy thuộc vào khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho tng thời kỳ./.

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File

Ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng

(ĐCSVN) - Ngày 10/10, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký Quyết định số 190-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng.

Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

(ĐCSVN) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 189-QĐ/TW ngày 08/10/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Bộ Chính trị ban hành quy định phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong điều tra, xét xử

(ĐCSVN) – Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tập trung tuyên truyền những chủ đề lớn, trọng tâm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu thông tin chính xác, kịp thời với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, phong phú, sinh động gắn với tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong năm 2024, 2025.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website