Thông tư liên tịch số 110/2016/TTLT-BTC-BKHCN, ngày 30/6/2016 của liên Bộ: Tài chính, Khoa học và công nghệ hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu
  • Hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu
  • 110/2016/TTLT-BTC-BKHCN
  • Thông tư
  • Xuất - Nhập khẩu
  • 30/06/2016
  • 01/09/2016
  • Liên Bộ
  • Trần Việt Thanh, Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Nội dung:

 

BỘ TÀI CHÍNH - BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/2016/TTLT-BTC-BKHCN

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2016

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN PHỐI HỢP KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG VÀ THÔNG QUAN HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

 

Căn cứ Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá số 05/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá;

Căn cứ Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết, biện pháp thi hành một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 2 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 36/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa nhập khẩu.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này hướng dẫn nội dung phối hợp trong hoạt động kiểm tra chất lượng và thông quan hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định của pháp luật.

2. Thông tư này không áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sau:

a) Hành lý của người nhập cảnh; tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân trong định mức miễn thuế;

b) Hàng hóa của các tổ chức, cá nhân ngoại giao, tổ chức quốc tế trong định mức miễn thuế;

c) Mẫu hàng để quảng cáo không có giá trị sử dụng; hàng mẫu để nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phục vụ sản xuất;

d) Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại;

đ) Quà biếu, tặng trong định mức miễn thuế;

e) Hàng hoá trao đổi của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế;

g) Hàng hoá, vật tư, thiết bị, máy móc tạm nhập - tái xuất không tiêu thụ tại Việt Nam;

h) Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;

i) Hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan (không áp dụng đối với hàng hóa từ kho ngoại quan đưa vào nội địa tiêu thụ);

k) Nguyên liệu, vật tư, hàng mẫu để gia công cho thương nhân nước ngoài, để sản xuất hàng xuất khẩu;

l) Hàng hóa kinh doanh bán miễn thuế cho khách xuất cảnh (quản lý theo chế độ tạm nhập - tái xuất);

m) Hàng hóa tái nhập khẩu để sửa chữa, tái chế theo yêu cầu của đối tác nước ngoài;

n) Hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp;

o) Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh;

p) Hàng hoá do Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý chuyên ngành quy định được miễn, giảm kiểm tra chất lượng từng trường hợp cụ thể.

3. Hàng hóa nhập khẩu là chất phóng xạ, sản phẩm có phóng xạ thực hiện theo Luật Năng lượng nguyên tử và các văn bản quy định, hướng dẫn chi tiết thực hiện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Người khai hải quan theo quy định tại Khoản 14, Điều 4 của Luật Hải quan và Điều 5 của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

2. Cơ quan kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu gồm: cơ quan kiểm tra nhà nước trực thuộc các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; các tổ chức được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chỉ định chức năng kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu (sau đây gọi là cơ quan kiểm tra chất lượng);

3. Tổ chức đánh giá sự phù hợp về chất lượng hàng hóa nhập khẩu;

4. Cơ quan hải quan, công chức hải quan;

5. Cơ quan nhà nước khác trong phối hợp thực hiện nội dung quy định có liên quan tại Thông tư liên tịch này.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Cơ quan kiểm tra chất lượng, tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa và thông báo kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Thông tư hướng dẫn của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực liên quan.

2. Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục đưa hàng về bảo quản, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa mang về bảo quản theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và Thông tư số 38/2015/TT-BTCngày 25/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

3. Ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật nêu trên, cơ quan kiểm tra chất lượng, tổ chức đánh giá sự phù hợp và cơ quan hải quan có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Thông tư liên tịch này.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phối hợp trong hoạt động lấy mẫu và kiểm tra, đánh giá sự phù hợp hàng hóa nhập khẩu

1. Quy trình lấy mẫu hàng hóa, biên bản lấy mẫu hàng hóa để phục vụ đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo các văn bản hướng dẫn chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy của các Bộ quản lý chuyên ngành về quản lý nhà nước về chất lượng.

2. Lấy mẫu hàng hóa tại địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan:

a) Cơ quan kiểm tra, tổ chức đánh giá sự phù hợp và cơ quan hải quan có trách nhiệm thống nhất thời điểm kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa; đảm bảo một lô hàng chỉ kiểm tra, lấy mẫu một lần (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác) để tạo thuận lợi cho người khai hải quan trong xuất trình hàng hóa;

b) Người khai hải quan có trách nhiệm thông báo cho đơn vị hải quan giám sát lô hàng khi cơ quan kiểm tra, tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành lấy mẫu hàng hóa để thực hiện giám sát hàng hóa theo quy định.

3. Lấy mẫu hàng hóa tại địa điểm bảo quản của người khai hải quan:

a) Cơ quan hải quan khi giải quyết đưa hàng về bảo quản có trách nhiệm ghi rõ trên văn bản đề nghị của người khai hải quan ngày, giờ lô hàng được vận chuyển về địa điểm bảo quản trong nội địa; người khai hải quan có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra, tổ chức đánh giá sự phù hợp khi lô hàng về đến địa điểm bảo quản để tổ chức kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa;

b) Trường hợp trong quá trình lấy mẫu, nếu tổ chức đánh giá sự phù hợp phát hiện hàng hóa nhập khẩu có số lượng, chủng loại không phù hợp với hồ sơ đăng ký; tình trạng hàng hóa không được bảo quản đúng quy định như: bao bì, niêm phong không còn nguyên vẹn (đối với hàng hóa có bao bì, niêm phong của nhà sản xuất) thì lập biên bản lấy mẫu, ghi đầy đủ những đặc điểm bất thường trong quá trình lấy mẫu đồng thời báo cáo bằng văn bản trong thời hạn tối đa 24 giờ làm việc cho Cơ quan quản lý chất lượng có thẩm quyền và cơ quan hải quan để xử lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch này;

c) Trường hợp Tổ chức đánh giá sự phù hợp phát hiện sai phạm nhưng không báo cáo thì phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện đánh giá sự phù hợp và gửi kết quả cho người khai hải quan trong thời hạn tối đa 07 ngày, kể từ ngày kiểm tra hoặc lấy mẫu hàng hóa. Trường hợp vì lý do kỹ thuật hoặc lý do khách quan phải kéo dài thời gian đánh giá sự phù hợp, tổ chức đánh giá sự phù hợp thông báo ngay lý do và thời hạn trả kết quả đánh giá sự phù hợp cho người nhập khẩu báo cáo cơ quan kiểm tra, cơ quan hải quan để cho phép kéo dài thời gian và theo dõi.

5. Tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện đánh giá sự phù hợp và gửi kết quả (bản fax hoặc file ảnh) cho cơ quan kiểm tra không quá 04 giờ làm việc, kể từ khi kết quả được phát hành.

Điều 5. Phối hợp Thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng

1. Cơ quan kiểm tra thực hiện kiểm tra và ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng trong thời hạn tối đa 03 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả đánh giá sự phù hợp đối với lô hàng có đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Cơ quan kiểm tra chất lượng gửi kết quả kiểm tra cho Cổng thông tin một cửa quốc gia (trường hợp có kết nối thông tin) theo quy định tại Điều 35 Luật Hải quan, để cơ quan hải quan thực hiện thông quan hàng hoá.

Trường hợp chưa thực hiện kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, cơ quan kiểm tra gửi Thông báo kết quả kiểm tra bằng bản fax hoặc file ảnh tới cơ quan hải quan để thông quan hàng hoá.

Trường hợp không gửi được thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan thì cơ quan kiểm tra gửi cho người khai hải quan để nộp cho cơ quan hải quan thông quan hàng hóa.

3. Trường hợp vì lý do kỹ thuật hoặc lý do khách quan phải kéo dài thời gian kiểm tra, đánh giá sự phù hợp, kết quả kiểm tra hoặc kết luận xử lý thì cơ quan kiểm tra có văn bản thông báo lý do và thời hạn trả kết quả kiểm tra, xử lý cho người khai hải quan và cơ quan hải quan biết.

4. Mẫu giấy thông báo kết quả kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu do các Bộ quản lý chuyên ngành về quản lý nhà nước về chất lượng ban hành thực hiện. Trong đó, có kết luận rõ Lô hàng đạt/ không đạt chất lượng nhập khẩu và biện pháp khắc phục (đối với hàng hóa không đạt chất lượng).

Điều 6. Phối hợp cung cấp thông tin

1. Các cơ quan, tổ chức cần trao đổi thông tin cho nhau bao gồm:

a) Cơ quan hải quan;

b) Cơ quan kiểm tra chất lượng;

c) Tổ chức đánh giá sự phù hợp.

2. Những thông tin cần cung cấp:

a) Cơ quan hải quan trong quá trình làm thủ tục hải quan phát hiện lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng có nguy cơ không đảm bảo chất lượng quy định thì thông báo cho cơ quan kiểm tra chất lượng lưu ý trong quá trình kiểm tra hàng hóa, hoặc đề nghị cơ quan kiểm tra chất lượng tiến hành kiểm tra hàng hóa tại địa điểm làm thủ tục hải quan;

b) Cơ quan chức năng quản lý, cơ quan kiểm tra chất lượng, tổ chức đánh giá sự phù hợp có thông tin về lô hàng dự kiến nhập khẩu có nguy cơ vi phạm về chất lượng, hoặc xác định lô hàng nhập khẩu cùng chủng loại với mặt hàng bị kiểm tra trong lưu thông không đáp ứng yêu cầu chất lượng, thì áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu nhập, đồng thời thông báo cho cơ quan hải quan phối hợp giám sát hàng hóa đến khi có kết quả kiểm tra đáp ứng yêu cầu chất lượng mới thông quan hàng hóa;

c) Cơ quan kiểm tra chất lượng, tổ chức đánh giá sự phù hợp trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu đối với lô hàng được đưa về bảo quản, nếu phát hiện hàng hóa nhập khẩu có số lượng, chủng loại không phù hợp với hồ sơ đăng ký; hàng hóa bị tẩu tán một phần hoặc toàn bộ lô hàng thì xử lý theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch này hoặc thông báo cho cơ quan hải quan để phối hợp xử lý.

3. Phương tiện cung cấp thông tin

a) Phương tiện thông tin: điện thoại; fax; mạng Internet; dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; trực tiếp.

b) Các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm cung cấp: số điện thoại, số fax, địa chỉ email, địa chỉ của cơ quan, tổ chức mình cho cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn tỉnh, thành phố, liên tỉnh thành phố (địa bàn quản lý hải quan) để gửi và nhận thông tin theo quy định;

4. Hình thức cung cấp thông tin: gọi điện thoại, gửi bản fax, gửi thư qua email (giữa các cơ quan tổ chức liên quan); công văn (đối với cơ quan cấp trên); ghi vào trang 2 Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng (đối với cơ quan hải quan, cơ quan kiểm tra, tổ chức đánh giá sự phù hợp); ghi vào trang 2 văn bản đề nghị đưa hàng về bảo quản (đối với cơ quan hải quan) bằng hình thức viết tay hoặc khắc dấu để đóng.

5. Thời hạn cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức liên quan: Trong 04 giờ làm việc hoặc chậm nhất 02 ngày làm việc kể từ ngày có thông tin nêu tại Khoản 2 Điều này.

Điều 7. Phối hợp xử lý vi phạm hành chính

1. Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan do cơ quan hải quan hoặc cơ quan chức năng khác phát hiện phải được lập biên bản và xử lý vi phạm theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan.

2. Những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do cơ quan kiểm tra chất lượng hoặc cơ quan chức năng khác phát hiện thì lập biên bản và xử lý vi phạm theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Điều 8. Trách nhiệm của người khai hải quan

1. Thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp được các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định để đánh giá, giám định chất lượng hàng hóa nhập khẩu.

3. Nộp kết quả đánh giá sự phù hợp lô hàng cho cơ quan kiểm tra, nộp kết quả kiểm tra chất lượng cho cơ quan hải quan để hoàn thành thủ tục thông quan theo quy định của pháp luật

4. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu có kết quả kiểm tra không đáp ứng yêu cầu chất lượng thì có quyền đề nghị với cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng (bằng văn bản) trong việc lựa chọn biện pháp khắc phục: tái chế, tiêu hủy, tái xuất, chuyển mục đích sử dụng để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật.

Trường hợp người khai hải quan lựa chọn biện pháp tái chế hàng hóa, tại văn bản đề nghị cần nêu rõ phương án tái chế hàng hóa, địa chỉ tái chế, người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện tái chế hàng hóa.

5. Thực hiện quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chịu mọi chi phí liên quan đến việc khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp

1. Thực hiện đánh giá chất lượng hàng hóa nhập khẩu trong phạm vi được các Bộ quản lý chuyên ngành chỉ định; cấp chứng chỉ chất lượng hàng hóa nhập khẩu cho người khai hải quan theo quy định của pháp luật.

2. Phối hợp với cơ quan hải quan, cung cấp thông tin có liên quan quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này và theo dõi, giám sát người khai hải quan thực hiện biện pháp khắc phục hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chất lượng.

3. Thu phí đánh giá chất lượng hàng hóa theo quy định hiện hành.

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra chất lượng

1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng của người khai hải quan, tiếp nhận bản fax hoặc file ảnh thông báo kết quả đánh giá chất lượng từ tổ chức đánh giá sự phù hợp, thực hiện kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa (trong trường hợp cần thiết), ra thông báo kết quả kiểm tra chất lượng trong thời hạn quy định của pháp luật và quy định tại Thông tư liên tịch này.

2. Phối hợp với cơ quan hải quan cung cấp thông tin có liên quan quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này và theo dõi, giám sát người khai hải quan thực hiện biện pháp khắc phục hàng hóa không đáp ứng yêu cầu chất lượng.

3. Trường hợp phát hiện vi phạm trong quá trình kiểm tra thực tế lô hàng, lập biên bản và báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính và hướng dẫn tại Điều 7 của Thông tư liên tịch này.

Điều 11. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan

1. Thực hiện thủ tục hải quan, thủ tục đưa hàng về bảo quản và thông quan hàng hóa phải kiểm tra chất lượng theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại Thông tư liên tịch này.

2. Phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng, tổ chức đánh giá sự phù hợp trong việc kiểm tra, lấy mẫu hàng hóa theo quy định của pháp luật hải quan và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; theo dõi giám sát hàng hóa phải áp dụng biện pháp khắc phục (tái chế, tiêu hủy, tái xuất, chuyển mục đích sử dụng); cung cấp thông tin có liên quan quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Phối hợp với cơ quan kiểm tra trong việc áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

3. Tổ chức tiếp nhận thông báo kết quả kiểm tra chất lượng: bản điện tử (qua Cổng thông tin một cửa quốc gia), hoặc bản fax/file ảnh (từ cơ quan kiểm tra), hoặc bản chính (từ người khai hải quan) để thông quan hàng hóa.

4. Phát hiện vi phạm pháp luật, lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2016.

2. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 37/2001/TTLT-BKHCNMT-TCHQ ngày 28/6/2001 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Tổng cục Hải quan hướng dẫn thủ tục hải quan và kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng.

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ có chức năng quản lý nhà nước về chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Khoản 2 Điều 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư liên tịch này.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan thì các tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để giải quyết; trường hợp gặp vướng mắc thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì phản ảnh về Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc Bộ quản lý chuyên ngành có liên quan để xem xét giải quyết theo thẩm quyền quy định của pháp luật./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Trần Việt Thanh

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG

(đã ký)

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

Văn bản khác

Số hiệu
Trích yếu
Ngày ban hành
Ngày hiệu lực
File
22/2017/NĐ-CP
24/02/2017
15/04/2017

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website