Công ước số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc Thông qua ngày 26/7/1973, Việt Nam phê chuẩn ngày 24/6/2003

Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 6 tháng 7 năm 1973, trong kỳ họp thứ năm mươi tám, và

Sau khi đã quyết định chấp thuận một số đề nghị về tuổi tối thiểu được đi làm việc, là vấn đề thuộc điểm thứ tư trong chương trình nghị sự kỳ họp, và

Ghi nhận những nội dung của Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp), 1919, Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc trên biển), 1920, Công ước về Tuổi tối thiểu (nông nghiệp), 1921, Công ước về Tuổi tối thiểu (làm dưới hầm tàu và đốt lò), 1921, Công ước về Tuổi tối thiểu (phi công nghiệp), 1932, Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc trên biển) (xét lại), 1936; Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp) (xét lại), 1937, Công ước về Tuổi tối thiểu (phi công nghiệp) (xét lại), 1937, Công ước về Tuổi tối thiểu (đánh cá), 1959, và Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc dưới mặt đất), 1965, và

Xét rằng đã đến lúc phải quy định một văn bản quốc tế chung để sẽ từng bước thay thế văn bản hiện có được áp dụng trong các khu vực kinh tế có hạn định, nhằm hoàn toàn hủy bỏ việc sử dụng lao động trẻ em, và

Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế, thông qua ngày 26 tháng 7 năm 1973, Công ước dưới đây gọi là Công ước về Tuổi tối thiểu, 1973.

Điều 1

Mọi Nước thành viên chịu hiệu lực của Công ước này cam kết theo đuổi một chính sách quốc gia, nhằm bảo đảm thật sự việc bãi bỏ lao động trẻ em và nâng dần tuổi tối thiểu được đi làm việc hoặc được lao động tới độ tuổi mà các thiếu niên có thể phát triển đầy đủ nhất về thể lực và trí lực.

Điều 2

1. Mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này, trong bản tuyên bố kèm theo văn bản phê chuẩn, sẽ phải ghi rõ tuổi tối thiểu được đi làm việc hoặc được đi lao động trên lãnh thổ của mình và trên những phương tiện vận chuyển có đăng kiểm trong lãnh thổ của mình; với sự bảo lưu những quy định tại các Điều từ 4 đến 8, Công ước này, không một ai ở tuổi dưới mức tối thiểu đó được đi làm việc hoặc được lao động trong bất cứ nghề nào.

2. Mọi Nước thành viên sau khi đã phê chuẩn Công ước này, có thể có những tuyên bố mới để thông báo cho Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế biết rằng đã nâng cao tuổi tối thiểu đã ghi trước đó.

3. Tuổi tối thiểu ghi theo Đoạn 1 Điều này sẽ không được dưới độ tuổi kết thúc chương trình giáo dục bắt buộc và bất kỳ trường hợp nào cũng không được dưới 15 tuổi.

4. Mặc dầu có những quy định tại Đoạn 3 Điều này, mọi Nước thành viên mà nền kinh tế và các phương tiện giáo dục chưa phát triển đầy đủ thì, sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức hữu quan nếu có, của người sử dụng lao động và của người lao động có thể ghi mức tối thiểu là 14 tuổi trong giai đoạn đầu.

5. Mọi Nước thành viên đã quy định mức tối thiểu là 14 tuổi theo Đoạn trên, thì trong các báo cáo theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế, phải cho biết:

a) Lý do quyết định của họ vẫn tồn tại;

b) Hoặc rằng họ sẽ thôi không dựa vào Đoạn 4 nói trên, kể từ một thời điểm đã chỉ rõ.

Điều 3

1. Đối với mọi loại việc làm hoặc loại lao động nào mà tính chất hoặc điều kiện tiến hành có thể có hại cho sức khỏe, an toàn hoặc phẩm hạnh của thiếu niên, thì mức tối thiểu không được dưới 18 tuổi.

2. Những loại việc làm hoặc lao động nêu trong Đoạn 1 nói trên sẽ do pháp luật hoặc quy định hoặc do cơ quan có thẩm quyền xác định, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức hữu quan nếu có của người sử dụng lao động và của người lao động.

3. Mặc dầu có những quy định của Đoạn 1 nói trên, pháp luật quốc gia hoặc cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức hữu quan nếu có của người sử dụng lao động và của người lao động, cho phép các thiếu niên được sử dụng hoặc đi làm việc ngay từ độ tuổi 16, với điều kiện là an toàn và phẩm hạnh của họ phải được bảo đảm đầy đủ, phải có sự dạy dỗ cụ thể và thích đáng, hoặc đào tạo nghề cho họ trong ngành hoạt động tương ứng.

Điều 4

1. Chừng nào cần thiết và sau khi đã tham khảo ý kiến các tổ chức hữu quan nếu có của người sử dụng lao động và của người lao động, cơ quan có thẩm quyền có thể không áp dụng Công ước này cho một số loại công việc hoặc lao động hạn chế, nếu việc áp dụng Công ước này cho những loại công việc hoặc lao động đó sẽ gây ra những khó khăn đặc biệt và quan trọng cho việc thi hành.

2. Mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này, trong báo cáo đầu tiên về việc áp dụng Công ước này theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế, phải chỉ rõ kèm theo lý do để chứng minh những loại việc làm nào là đối tượng được loại ra theo Đoạn 1 Điều này, và trong báo cáo sau đó, sẽ phải tường trình tình hình pháp luật và tập quán của mình đối với những loại việc làm đó, vạch rõ mình đã áp dụng hoặc dự định sẽ áp dụng Công ước này ở mức độ nào đối với những loại việc nói trên.

Điều 5

1. Mọi Nước thành viên mà nền kinh tế và các phương tiện hành chính chưa phát triển đầy đủ thì có thể giới hạn phạm vi áp dụng Công ước này trong giai đoạn đầu sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức hữu quan nếu có của người sử dụng lao động và của người lao động.

2. Mọi Nước thành viên muốn sử dụng Đoạn 1 Điều này, thì trong bản tuyên bố kèm theo văn bản phê chuẩn của mình, phải ghi rõ những ngành hoạt động kinh tế nào hoặc những loại cơ sở sẽ áp dụng những quy định của Công ước này.

3. Phạm vi áp dụng Công ước này ít nhất phải bao gồm: các ngành công nghiệp khai khoáng; các ngành công nghiệp chế tạo; xây dựng và các công trình công cộng; điện; khí đốt và nước; các dịch vụ vệ sinh y tế; vận tải; lưu giữ trong kho và giao thông; các đồn điền và các cơ sở nông nghiệp khác chủ yếu được khai thác nhằm mục đích thương mại, trừ những cơ sở gia đình hoặc quy mô nhỏ, sản xuất cho thị trường địa phương và không thường xuyên sử dụng lao động làm công ăn lương.

4. Mọi Nước thành viên đã giới hạn phạm vi áp dụng Công ước theo Điều này:

a) Sẽ phải chỉ rõ trong các báo cáo theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế tình trạng chung về thiếu niên và trẻ em đi làm việc hoặc lao động trong những ngành hoạt động được loại ra khỏi phạm vi áp dụng của Công ước này, cũng như mọi tiến bộ đã đạt được nhằm áp dụng rộng rãi hơn những quy định của Công ước.

b) Bất kỳ lúc nào cũng có thể mở rộng phạm vi áp dụng Công ước bằng một bản tuyên bố gửi cho Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.

Điều 6

Công ước này không áp dụng cho lao động do trẻ em hoặc thiếu niên tiến hành trong các cơ sở giáo dục phổ thông, trong các trường dạy nghề hoặc kỹ thuật hay trong các trường lớp đào tạo nghề khác, cũng không áp dụng cho lao động do những người từ 14 tuổi trở lên tiến hành trong các cơ sở, nếu lao động này được tiến hành theo đúng những điều kiện mà cơ quan có thẩm quyền quy định sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức hữu quan nếu có của người sử dụng lao động và của người lao động, và nếu lao động đó là một bộ phận không tách rời:

a) Của một chương trình giáo dục hoặc đào tạo nghề mà trách nhiệm trước hết thuộc một nhà trường hay một trường lớp đào tạo nghề;

b) Hoặc của một chương trình đào tạo nghề, được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và được tiến hành chủ yếu hoặc toàn bộ trong phạm vi một cơ sở;

c) Hoặc của một chương trình hướng nghiệp nhằm tạo điều kiện dễ dàng cho việc lựa chọn nghề nghiệp hay lựa chọn một hướng đào tạo nghề nào đó.

Điều 7

1. Pháp luật hoặc quy định quốc gia có thể cho phép sử dụng lao động hoặc lao động của người từ 13 đến 15 tuổi trong những công việc nhẹ nhàng hoặc vào những công việc mà:

a) Không có khả năng tác hại đến sức khỏe hoặc sự phát triển của họ;

b) Phương hại việc chuyên cần học tập, việc họ tham gia vào những chương trình hướng nghiệp hay đào tạo nghề đã được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận, hoặc phương hại khả năng giáo dục mà họ đã nhận được

2. Pháp luật hoặc quy định có thể cho phép sử dụng lao động hoặc lao động của những người từ 15 tuổi trở lên tuy chưa học hết chương trình giáo dục bắt buộc, trong các công việc nào thỏa mãn các điều kiện đã nêu trong các khoản 1) và b) của Đoạn 1 trên đây.

3. Cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định những hoạt động nào trong đó việc sử dụng hoặc lao động sẽ được phép tiến hành theo đúng các Đoạn 1 và 2 Điều này, và sẽ quy định số giờ và những điều kiện của việc sử dụng hoặc lao động đó.

4. Mặc dầu có những quy định tại các Đoạn 1 và 2 Điều này, Nước thành viên nào đã sử dụng những quy định của Đoạn 4 Điều 1 vẫn có thể, chừng nào còn dựa vào những quy định đó, thay thế các độ tuổi 12 và 14 cho các độ tuổi 13 và 15 đã nêu trong Đoạn 1 và thay thế độ tuổi 14 cho độ tuổi 15 và nêu trong Đoạn 2 Điều này.

Điều 8

1. Sau khi đã tham khảo ý kiến các tổ chức hữu quan nếu có của người sử dụng lao động và của người lao động cơ quan có thẩm quyền có thể, như một ngoại lệ đối với việc cấm sử dụng hoặc cấm lao động nêu tại Điều 2 Công ước này, cấp giấy phép trong những trường hợp cá biệt để được tham gia các hoạt động như việc biểu diễn nghệ thuật.

2. Giấy phép cấp như vậy phải giới hạn và quy định những điều kiện của việc sử dụng hoặc lao động đã được cho phép.

Điều 9

1. Cơ quan có thẩm quyền phải có các biện pháp cần thiết, kể cả những chế tài thích đáng, để bảo đảm việc thi hành hữu hiệu những quy định của Công ước này.

2. Pháp luật hoặc quy định, hoặc cơ quan có thẩm quyền phải xác định những người nào có trách nhiệm phải tuân thủ những quy định để Công ước có hiệu lực.

3. Pháp luật hoặc quy định, hoặc cơ quan có thẩm quyền phải quy định các sổ đăng ký hoặc các tài liệu khác mà người sử dụng lao động phải lập và xuất trình những sổ hoặc những tài liệu đó ghi rõ tên, tuổi hoặc ngày sinh đã được chứng nhận, nếu có thể, của những người dưới 18 tuổi mà mình sử dụng hoặc đang làm việc cho mình.

Điều 10

1. Công ước này xét lại: Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp), 1919, Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc trên biển), 1920, Công ước về Tuổi tối thiểu (nông nghiệp), 1921, Công ước về Tuổi tối thiểu (làm dưới hầm tàu và đốt lò), 1921, Công ước về Tuổi tối thiểu (phi công nghiệp), 1932, Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp), (xét lại), 1937, Công ước về Tuổi tối thiểu (phi công nghiệp) (xét lại), 1937, Công ước về Tuổi tối thiểu (đánh cá), (1959), và Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc dưới mặt đất), 1965, theo những điều kiện dưới đây.

2. Việc Công ước này có hiệu lực sẽ không ngăn cản việc phê chuẩn Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc trên biển) (xét lại), 1936; Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp) (xét lại), 1937; Công ước về Tuổi tối thiểu (phi công nghiệp) (xét lại), 1937; Công ước về Tuổi tối thiểu (đánh cá), 1959, và Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc dưới mặt đất), 1965.

3. Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp), 1919, Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc trên biển), 1920, Công ước về Tuổi tối thiểu (nông nghiệp), 1921, Công ước về Tuổi tối thiểu (làm dưới hầm tàu và đốt lò), 1921, sẽ hoàn toàn đóng cửa việc phê chuẩn, khi các Nước thành viên tham gia các Công ước đó tán thành việc đóng cửa bằng cách phê chuẩn Công ước này, hoặc bằng một bản tuyên bố gửi cho Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.

4. Khi công ước này bắt đầu có hiệu lực và những nghĩa vụ của Công ước được chấp nhận:

a) Bởi một Nước thành viên đã tham gia Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp) (xét lại), 1937 và đã ghi rõ theo đúng Điều 2 Công ước này, một mức tối thiểu ít nhất là 15 tuổi, thì sẽ đương nhiên bãi ước ngay việc phê chuẩn Công ước trước.

b) Bởi một Nước thành viên đã tham gia đối với những công việc phi công nghiệp theo tinh thần của Công ước về Tuổi tối thiểu (phi công nghiệp), 1932, Công ước đó, thì sẽ đương nhiên bãi ước ngay việc phê chuẩn Công ước đó;

c) Đối với những công việc phi công nghiệp theo tinh thần của Công ước về Tuổi tối thiểu (phi công nghiệp) (xét lại), 1937, bởi một Nước thành viên đã tham gia Công ước đó mà đã ghi rõ theo đúng Điều 2, Công ước này, một mức tối thiểu ít nhất là 15 tuổi thì sẽ đương nhiên bãi ước ngay việc phê chuẩn Công ước đó;

d) Đối với công việc trên biển, bởi một Nước thành viên tham gia Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc trên biển (xét lại), 1936 và đã ghi rõ theo đúng Điều 2 Công ước này một mức tối thiểu ít nhất là 15 tuổi, hoặc xác nhận rằng Điều 3 Công ước này được áp dụng cho công việc trên biển, thì sẽ đương nhiên bãi ước ngay việc phê chuẩn Công ước về tuổi tối thiểu, 1936;

e) Đối với việc đánh cá trên biển, bởi một Nước thành viên đã tham gia Công ước về Tuổi tối thiểu (đánh cá), 1959 và đã ghi rõ theo đúng Điều 2 Công ước này, một mức tối thiểu ít nhất là 15 tuổi, hoặc xác nhận rằng Điều 3 Công ước này được áp dụng cho việc đánh cá trên biển, thì đương nhiên bãi ước ngay việc phê chuẩn Công ước trước;

f) Bởi một Nước thành viên đã tham gia Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc dưới mặt đất), 1965, và đã ghi rõ theo đúng Điều 2 Công ước này, một mức tối thiểu ít nhất là ngang với tuổi tối thiểu mà họ đã ghi rõ khi áp dụng Công ước năm 1965, hoặc xác nhận rằng độ tuổi đó, theo đúng Điều 3 Công ước này, được áp dụng cho các công việc dưới mặt đất, thì sẽ đương nhiên bãi ước ngay việc phê chuẩn Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc dưới mặt đất), 1965.

5. Việc chấp nhận những nghĩa vụ của Công ước này khi Công ước bắt đầu có hiệu lực, thì:

a) Sẽ bãi ước việc phê chuẩn Công ước về Tuổi tối thiểu (công nghiệp), 1919, theo Điều 12 của Công ước đó;

b) Sẽ bãi ước việc phê chuẩn Công ước về Tuổi tối thiểu (nông nghiệp), 1921, theo Điều 9 của Công ước đó, nếu Nước thành viên đã chấp nhận những nghĩa vụ của Công ước này đối với nông nghiệp;

c) Nếu Nước thành viên đã chấp nhận những nghĩa vụ của Công ước này đối với công việc trên biển, sẽ bãi ước việc phê chuẩn Công ước về Tuổi tối thiểu (công việc trên biển), 1920, theo Điều 10 của Công ước đó, và sẽ bãi ước việc phê chuẩn Công ước về Tuổi tối thiểu (làm dưới hầm tàu và đốt lò), 1921, theo Điều 12 của Công ước đó.

Các Điều từ 11 đến 18

Những quy định cuối cùng mẫu.

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website