Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO)

Đây là tổ chức liên chính phủ bao gồm 183 nước thành viên (2008). Ngân sách hoạt động là nguồn ngân sách thường xuyên do các nước thành viên của FAO đóng góp và nguồn từ Chương trình hỗ trợ tài chính được cấp chủ yếu từ Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ uỷ thác của các ngân hàng hoặc của các nước tài trợ. Năm 1993, nguồn ngân sách thường xuyên của FAO đạt 673,1 triệu USD, đến năm 2003, con số đó chỉ đạt khoảng 650 triệu USD.

Do ngân sách sụt giảm, FAO đã kêu gọi các nước thành viên tăng mức đóng góp nhằm nâng ngân sách thường xuyên lên 2,2% là mức để FAO không phải cắt giảm các chương trình hoạt động đã cam kết tại các nước. Mức ngân sách 2006 - 2007 của FAO đã tăng lên 765 triệu USD. Hoạt động của FAO có tư cách như một trung tâm thu thập và phân tích các thông tin, tư vấn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, lương thực và dinh dưỡng trên phạm vi toàn cầu. FAO cũng là một diễn đàn quốc tế quan trọng về lương thực và nông nghiệp, đồng thời tư vấn về chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đối với các nước thành viên, FAO khuyến khích và tìm nguồn tài chính để hỗ trợ chương trình hợp tác kỹ thuật giữa các nước thành viên mà tiêu biểu là hợp tác Nam-Nam.

Mặt khác, FAO hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ các quốc gia thành viên nâng cao mức dinh dưỡng và mức sống của người dân, thông qua việc tăng cường sản xuất, chế biến, cải thiện thị trường và phân phối sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm; khuyến khích phát triển nông thôn và nâng cao điều kiện sống của người nông dân nông thôn, qua đó thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

Đứng đầu FAO là Tổng giám đốc, hiện là ông Giắc Diúp (Jacques Diouf), quốc tịch Xê-nê-gan. Bộ máy hoạt động của FAO gồm: Đại hội đồng, Hội đồng và các Uỷ ban chuyên trách. Đại hội đồng là cơ quan quyền lực cao nhất, đại biểu là các quốc gia thành viên họp hai năm/một lần để thông qua các chương trình và ngân sách cho các hoạt động của FAO. Hội đồng gồm 49 nước thành viên do Đại hội đồng bầu (nhiệm kỳ 3 năm). Hội đồng là cơ quan lãnh đạo của FAO và có nhiệm kỳ 3 năm. Các Uỷ ban chuyên trách (Uỷ ban Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thuỷ sản vv…) có trách nhiệm giúp Hội đồng và Đại hội đồng giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của mình.

Để thực hiện các mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về lương thực, FAO đã tiến hành một số cải tổ về cơ cấu tổ chức, tăng cường quyền lực và phân cấp cho các văn phòng khu vực và văn phòng quốc gia, lập văn phòng tiểu khu vực, tăng cường các dự án trên thực địa. Với chủ trương “Kỹ thuật của FAO, kinh nghiệm thực tiễn ở khu vực và các nước”, nhìn chung, hoạt động nghiệp vụ của FAO đã có hiệu quả hơn.

Một số lĩnh vực hợp tác của FAO:

- Trong khuôn khổ các dự án UNDP, ngoài UNDP và nước nhận viện trợ, FAO tham gia như một thành viên thứ ba. Trong mối quan hệ này, FAO vừa là cơ quan điều hành dự án, vừa là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp chuyên gia cho dự án.

- Hợp tác thông qua Chương trình hợp tác kỹ thuật: Đây là sự hỗ trợ của FAO dưới hình thức dự án trợ giúp các nước thành viên. Mỗi dự án trị giá khoảng từ 250.000 USD đến 500.000 USD, trích từ nguồn ngân sách thường xuyên của FAO. Chương trình hợp tác kỹ thuật cung cấp vốn và kỹ thuật dưới các hình thức như chuyên gia, dịch vụ tư vấn và cung cấp trang thiết bị cho dự án. Khoảng 60% dự án loại này hỗ trợ trực tiếp cho các nước nhận viện trợ và 40% cho các chương trình quốc tế khác. Đặc trưng của dự án c ủa Chương trình hợp tác kỹ thuật là không cần tổ chức các đoàn đánh giá khi dự án kết thúc. Trung bình thời gian thực hiện dự án là một năm, tuy nhiên, ngoại lệ có dự án kéo dài nhưng không được quá hai năm.

- Hợp tác thông qua Quỹ uỷ thác của FAO, là nguồn viện trợ nước ngoài của các chính phủ, các ngân hàng và các tổ chức trên thế giới thông qua FAO thực hiện và quản lý.

- Hợp tác thông qua Sáng kiến Chương trình lương thực truyền thông (TeleFood)
Sáng kiến này được FAO đưa ra năm 1997, theo đó, hàng năm FAO phát động thực hiện sáng kiến nhằm huy động thêm nguồn tài chính cho các dự án chống đói nghèo; thông qua các hoạt động truyền thông giúp nâng cao nhận thức của người dân về nạn đói nghèo trên thế giới. Nguồn vốn cho mỗi dự án thuộc loại này khoảng 10.000 USD/dự án.

- Hợp tác thông qua chương trình đặc biệt về an ninh lương thực (SPFS-Special Programme for Food Security), Chương trình này hiện đang được triển khai ở 69 quốc gia nhằm nâng cao năng lực cho các nhóm nông dân và các hộ nghèo thành thị, giúp họ vuợt qua những trở ngại, có đuợc cơ hội trong việc giải quyết vấn đề an ninh lương thực bền vững.

- Hợp tác thông qua Chương trình hợp tác giữa các nước đang phát triển, gọi tắt là hợp tác Nam-Nam. Mục đích của Chương trình là khuyến khích sự giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước đang phát triển, cho phép nước nhận dự án cơ hội tiếp cận kinh nghiệm của các nước đang phát triển khác thông qua việc sử dụng chuyên gia của chính các nước đang phát triển thực hiện dự án. Nội dung chủ yếu của Chương trình hợp tác Nam-Nam là nước đang phát triển này cung cấp kinh nghiệm, chuyên gia trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vv .. cho các nước đang phát triển khác. Chương trình được đánh giá cao vì chi phí cho chuyên gia thấp, dễ chia sẻ kinh nghiệm vì các nước đang phát triển thường có điều kiện và trình độ phát triển tương tự nhau.

Quan hệ hợp tác Việt Nam với FAO

Việt Nam lập quan hệ hợp tác với FAO từ năm 1975. Đến năm 1978, FAO chính thức mở Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Trong thời gian đó, quan hệ hợp tác ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực. Hỗ trợ của FAO đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam một cách có hiệu quả và thu được những thành tựu to lớn. Cho đến nay, FAO đã giúp Việt Nam thực hiện hơn 100 dự án, tập trung vào các lĩnh vực lập chính sách, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, an ninh lương thực, dinh dưỡng. Tổng số tiền viện trợ cho Việt Nam trị giá trên 100 triệu USD.

Kể từ năm 1997 đến nay, Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác ba bên với 6 nước: Senegal, Bê-nanh, Madagasca, Cộng hoà Công gô, Lào, Mali. Trong thời gian trên, hơn 300 chuyên gia Việt Nam đã sang công tác tại các nước đó. Nhìn chung, các dự án hợp tác ba bên đã phát huy hiệu quả. Các chuyên gia và kỹ thuật viên Việt Nam đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp, thiết thực, góp phần giải quyết một số khó khăn trong việc thực hiện chương trình an ninh lương thực các nước đối tác.

Trong những năm qua, FAO đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Dịch tễ thế giới và một số chính phủ viện trợ khẩn cấp về tài chính và kỹ thuật giúp Việt Nam kiểm soát và dập dịch cúm gia cầm. Đáng chú ý là hai dự án: Dự án trợ giúp khẩn cấp nhằm khống chế dịch cúm gia cầm độc lực cao, trị giá 390.000 USD và Chương trình viện trợ khẩn cấp kiểm soát dịch cúm gia cầm tại CPC, Lào, Indonesia và Việt Nam với tổng trị giá 1,6 triệu USD trong đó Việt Nam được khoảng 400.000 USD.

FAO đã triển khai Dự án Chương trình hợp tác kỹ thuật "Xây dựng năng lực khuyến nông trình diễn và hỗ trợ phát triển nông-lâm kết hợp tại tỉnh Quảng Nam", với kinh phí 1.661.000 USD do Chính phủ Italia tài trợ thông qua FAO.

FAO hỗ trợ 2 dự án của Chương trình hợp tác kỹ thuật cho Viện Chiến lược phát triển và Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu hỗ trợ quy hoạch tổng thể phát triển đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh trung du miền núi phía bắc, trị giá khoảng 800.000 USD.

Quan hệ Việt Nam-FAO đang phát triển thuận lợi. FAO đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong Chương trình hợp tác Nam-Nam và tiếp tục dành cho Việt Nam các dự án Chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán và phòng chống dịch bệnh gia cầm. Hiện nay, mặc dù FAO đang gặp khó khăn về tài chính và phải tập trung giúp đỡ các nước kém phát triển và các nước có thu nhập thấp và thiếu hụt lương thực nhưng FAO vẫn dành cho Việt Nam sự giúp đỡ, tập trung vào 4 lĩnh vực:

An ninh lương thực và dinh dưỡng: FAO đã giúp ta xây dựng Chương trình quốc gia về an ninh lương thực và Chương trình hành động quốc gia về dinh dưỡng.

Phát triển nông nghiệp bền vững: FAO đã giúp Việt Nam phát triển chiến lược nông nghiệp thông qua việc cử chuyên gia tham gia đoàn đánh giá tổng thể về nông nghiệp và hình thành ý tưởng về dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; thiết kế các dự án phát triển nông thông ở 5 tỉnh phía bắc; triển khai chương trình quản lý cây trồng tổng hợp chống sâu bệnh…

Thủy sản: FAO đã có nhiều chương trình hợp tác, giúp Việt Nam phát huy tiềm năng phong phú về nghề cá và nuôi trồng thủy sản. FAO giúp Việt Nam phát triển nuôi tôm mà đến nay sản phẩm xuất khẩu của ngành đã đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn, ổn định. Các dự án của FAO về nuôi cá nước ngọt rất thành công ở Việt Nam, nhất là ở các tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Ngoài ra, FAO cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ để củng cố và phát triển bền vững nghề cá.

Lâm nghiệp và quản lý rừng đầu nguồn: FAO hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề nâng cao tiềm năng phát triển, nguồn lợi của rừng và đất rừng nhằm cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường cho người dân, và cho nhu cầu của các thế hệ tương lai. Trên nguyên tắc đó, FAO hỗ trợ cho ngành lâm nghiệp Việt Nam thực hiện 4 mục tiêu: Giảm và tiến tới chấm dứt nạn phá rừng; Bảo tồn đa dạng sinh học; Bảo vệ rừng đầu nguồn, và Cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng.

              BVK (tổng hợp)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

(ĐCSVN) - Theo phương án nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu tại Hội nghị toàn quốc sáng 1/12, sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

Phương án sáp nhập các ủy ban của Quốc hội và cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng thông báo chuyên đề về các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18. Theo phương án định hướng được nêu sẽ giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phương án giảm 4 cơ quan Đảng, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương

(ĐCSVN) - Sáng 1/12, đồng chí Lê Minh Hưng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Quy trình kỷ luật đảng viên thuộc thẩm quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư

(ĐCSVN) - Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa ký Quyết định số 165-QĐ/TW ngày 6/6/2024 của Bộ Chính trị ban hành Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Liên kết website