Phong trào Không liên kết (NAM) - Non-Aligned Movement (NAM)

I. Một số nét về lịch sử hình thành và phát triển

1. Sự ra đời của phong trào không liên kết

Mặc dù hết sức đa dạng về văn hoá tín ngưỡng, về chế độ chính trị- xã hội, về lợi ích dân tộc, nhưng các nước không liên kết có nhiều đặc điểm giống nhau: đều đã bị thực dân đô hộ, kinh tế kém phát triển, cùng chung nguyện vọng muốn có hoà bình ổn định để xây dựng đất nước, thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, Đó là cơ sở khách quan để phong trào có thể trở thành một tập hợp lực lượng rộng rãi, đoàn kết gắn bó trong một cương lĩnh hành động tối thiểu.

Tháng 3/1947, Thủ tướng Nehru triệu tập tại New Delhi hội nghị Đại biểu các tổ chức và đoàn thể quần chúng, về sau được gọi là Hội nghị về quan hệ châu Á lần thứ nhất.

Tháng 1/1949, theo đề nghị của Miến Điện, Thủ tướng Nehru tổ chức Hội nghị Châu Á lần thứ hai tại New Delhi.

Tháng 4/1954, Thủ tướng 5 nước Ấn Độ, Mianmar, Indonesia, Pakistan và Xri Lanca họp tại Colombo để thảo luận các vấn đề quan tâm chung như: chống thực dân và phân biệt chủng tộc, chiến tranh lạnh, vấn đề thử vũ khí hạt nhân và hợp tác kinh tế. Tại đây Thủ tướng Nehru tuyên bố rằng đa số các nước tham dự Hội nghị theo đuổi chính sách đối ngoại không liên  kết (KLK). theo đề nghị của Indonesia, 5 nước này quyết định sẽ triệu tập một Hội nghị các quốc gia độc lập Châu Á và Châu Phi trong năm 1955. Sau đó 5 nước lại gặp nhau tại Bogor (12/1954) và quyết định Hội nghị Á, Phi sẽ họp tại thành phố Bandung của Indonesia từ 18 đến 24/4/1955.

Từ cuối năm 1954 đến tháng 4/1955 đã diễn ra một loạt cuộc tiếp xúc ngoại giao quan trọng của Thủ tướng Nehru (Ấn Độ) với Tổng thống Nasser (Ai Cập), Tổng thống Tito (Nam Tư), đặc biệt với Thủ tướng Chu Ân Lai (Trung Quốc). Trước ngày khai mạc Hội nghị Bandung, Ấn Độ và Trung Quốc ra thông cáo chung nêu lên 5 nguyên tắc chỉ đạo quan hệ giữa hai nước có chế độ chính trị – xã hội khác nhau, về sau được gọi là 5 nguyên tắc chung sống hoà bình. Đó là:

*Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau;

*Không xâm lược lẫn nhau;

*Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau;

*Bình đẳng và hai bên cùng có lợi;

*Cùng tồn tại hoà bình.

Tham dự Hội nghị Bandung 1955 gồm các chính phủ của 29 nước Á-Phi, trong đó có 23 nước Châu Á (Afghanistan, Miến Điện, ấn Độ, Indonesia, Goócdani, Iran, Irắc, Yemen, Trung Quốc, Campuchia, Lào, Xiri, Libăng, Nepal, Pakistan, A rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Xri Lanca, Philippin, Thái Lan, Nhật, Việt Nam dân chủ Cộng hoà và 6 nước Châu Phi (Ai Cập, Ghana, Ethiopia, Liberia, Libya và Sudan). Ghana tham dự Hội nghị trước khi được chính thức trao trả độc lập, Síp và Palextin tham dự với tư cách quan sát viên. Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu.

Những đề tài chính được thảo luận tại Bandung là hoà bình thế giới, an ninh của các nước Á-Phi, cùng tồn tại hoà bình và láng giềng thân thiện, giải phóng các dân tộc Á-Phi khỏi ách thống trị thực dân và phân biệt chủng tộc... Trong quá trình Hội nghị đã nảy sinh bất đồng quan điểm gay gắt giữa các nước tán thành chính sách KLK và những nước tham gia các khối quân sự, có nguy cơ làm Hội nghị tan vỡ.

Tháng 4/1961 các Tổng thống Ai Cập, Nam Tư và Indonesia gửi thư chung cho nguyên thủ 21 nước đề nghị tổ chức một hội nghị các nước KLK. Ngày 18/5/61 các Tổng thống Naser, Tito, Sukarno gửi thư chính thức mời những nước đó dự Hội nghị trù bị tại Cairo.

Hội nghị trù bị tại Cairo từ ngày 5 đến 12/6/1961 để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao của các nước KLK tại Nam Tư vào tháng 9/1961, đã bàn về vai trò và chính sách của phong trào KLK trong tương lai. Những nước tham dự Hội nghị trù bị Cairo cho rằng cần biến khu vực các nước không cam kết... thành một nhân tố cơ bản gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế, khẳng định sự trung thành đối với chính sách không cam kết như là một biện pháp xử lý tích cực các vần đề mà thế giới đang gặp phải (về từ ngữ, cụm từ không liên kết chỉ được sử dụng chính thức từ Hội nghị cấp cao Belgrade, Trước đó, Hội nghị trù bị Cairo dùng cụm từ không cam kết). Một đóng góp rất quan trong của Hội nghị trù bị Cairo là việc soạn thảo 5 tiêu chuẩn thành viên của Phong trào được Hội nghị cấp cao Belgrade thông qua và có hiệu lực cho đến ngày nay.

Hội nghị các vị đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước KLK tại Nam Tư vào đầu tháng 9/1961 đã chính thức khai sinh ra Phong trào không liên kết.

2. Một số nét về quá trình phát triển

*1961-1964: Giai đoạn thành lập, Phong trào theo đường lối ôn hoà của 5 nước chủ xướng: không liên kết và đứng giữa các khối.

*1964-1969: Phong trào khủng hoảng. Các thế lực phản động gây chiến tranh ở nhiều nơi, mâu thuẫn Xô-Trung bộc lộ gay gắt, các nước KLK chủ chốt gặp khó khăn, phong trào không có điều kiện nhóm họp.

*1969-1989: Cùng với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống xâm lược và sự ra đời của một loạt các quốc gia độc lập dân tộc, Phong trào có xu thế chung chống đế quốc, đã tham gia và có tiếng nói tích cực vào quan hệ quốc tế.

*1989- 4/1999: Sau chiến tranh lạnh, Phong trào tiếp tục phát triển và giữ vai trò là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của các nước không liên kết và đang phát triển trong quan hệ quốc tế, tham gia tích cực vào các nỗ lực gìn giữ hoà bình, đấu tranh giải trừ quân bị, chống áp đặt, bảo vệ chủ quyền quốc gia, xây dựng trật tự thế giới mới, cải tổ và dân chủ hoá các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc (LHQ).

3. Các hội nghị cấp cao

Hội nghị Belgrade tháng 9/1961 có 25 thành viên chính thức; Hội nghị Cairo 1964, 47 thành viên; Hội nghị Lusaka 1970, 58 thành viên, Hội nghị Alger 1973, 76 thành viên; Hội nghị Colombo 1976, 86 thành viên; Hội nghị Havana 1979, 95 thành viên; Hội nghị New Delhi 1983, 101 thành viên; Hội nghị Harare 1986, 101 thành viên, Hội nghị Belgrade 1989, 104 thành viên; Hội nghị Jakarta 1992, 108 thành viên; Hội nghị Cartagena (Colombia) 1995, 113 thành viên; Hội nghị Đơ-ban 1998 (Nam Phi), 114 thành viên; Hội nghị Kuala Lumpur (Malaysia) 2003, 116 thành viên.

II. Cơ cấu và thủ tục hoạt động của phong trào không liên kết

1. Tôn chỉ mục đích

Phong trào Không liên kết đấu tranh cho quyền tự quyết của các dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, thủ tiêu chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, theo năm nguyên tắc chỉ đạo: hoà bình, độc lập, phát triển, không liên kết và không tham gia khối, nhóm quân sự, chính trị nào.

2. Tiêu chuẩn thành viên

*Là nước có chính sách độc lập.

*Kiên định ủng hộ các phong trào độc lập dân tộc.

*Không là thành viên của bất cứ một liên minh quân sự đa phương nào thành lập trong bối cảnh các cuộc xung đột giữa các cường quốc.

*Nếu một nước có hiệp định quân sự đa phương với một cường quốc, hoặc là thành viên của một hiệp định phòng thủ khu vực thì hiệp định hoặc hiệp ước đó không được ký kết trong bối cảnh những cuộc tranh chấp giữa các cường quốc.

*Nếu một nước đã nhượng căn cứ quân sự cho một nước ngoài, thì sự nhượng đó không được tiến hành trong bối cảnh các cuộc tranh chấp giữa các cường quốc.

- Số nước thành viên hiện nay (tính đến 2/2004): 116

- Số lượng quan sát viên hiện nay (tính đến 2/2004): 16 nước và 7 tổ chức quốc tế

- Số lượng khách mời: 31 nước và 43 tổ chức quốc tế (tại Hội nghị Cấp cao KLK lần thứ 13, Kuala Lumpur, Malaysia)

3. Cơ cấu tổ chức

Phong trào này không có trụ sở hay cơ chế thường trực (Uỷ ban Phối hợp hoạt động theo cơ chế ad-hoc tại LHQ)

Phong trào Không liên kết là một loại thể chế quốc tế đặc biệt, là một hiện tượng mới trong luật pháp quốc tế. Nó không phải đơn thuần là một Hội nghị hoặc Diễn đàn Liên chính phủ họp định kỳ, mà cũng không phải là một tổ chức của các nước do một điều ứơc quốc tế lập ra, có điều lệ rõ ràng và được thể chế hoá chặt chẽ. Mức độ thể chế hoá của Phong trào tương đối lỏng lẻo và thể hiện chủ yếu ở tập quán và lề lối hoạt động.

Qua thực tiễn hoạt động, đã hình thành một hệ thống tổ chức gồm 3 cấp:

* Hội nghị cấp cao các vị đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ các nước KLK, thông thường 3 năm họp một lần. Nguyên thủ của nước đăng cai Hội nghị cấp cao trở thành Chủ tịch đương nhiệm và là người phát ngôn của Phong trào.

* Giữa hai kỳ Hội nghị cấp cao, có hội nghị toàn thể các Bộ trưởng Ngoại giao.

* Cơ quan thường trực của Phong trào là Uỷ ban phối hợp, thường xuyên hoạt động ở cấp đại sứ - đại diện các nước KLK bên cạnh Liên hợp quốc tại New York. Uỷ ban phối hợp có thể họp cấp Bộ trưởng khi cần.

4. Thủ tục làm việc

Phong trào Không liên kết áp dụng các thủ tục hiện hành của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, có khác Liên hợp quốc về một điểm cơ bản, đó là thông qua quyết định bằng "nhất trí" (consensus), không phải bằng bỏ phiếu. "Consensus" có nghĩa là sự "nhất trí áp đảo", chứ không phải là "nhất trí tuyệt đối", đi đôi với quyền "bảo lưu" ý kiến của nước nào không tán thành "nhất trí", là sự thể hiện tinh thần dân chủ và tính mềm dẻo trong quá trình thông qua quyết định.

* Lần đầu tiên khái niệm consensus được thảo luận trực tiếp ở Hội nghị Kabul (5/1973) của Uỷ ban trù bị cho HNCC lần thứ 4 (Alger 5-9/9/1973) với nhiều quan điểm khác nhau. Chủ tịch Hội nghị đúc kết các ý kiến trong một tuyên bố giải thích khái niệm consensus như sau và đã được Phong trào chấp nhận rộng rãi:

* "Trong mươì hai năm qua kể từ Hội nghị lần thứ nhất của các nước KLK, từ thực tiễn đã rút ra được ý kiến tổng hợp và làm cân đối quan điểm của các nước về những vấn đề quan trọng, và thông qua các quyết định bằng consensus - "nhất trí" . Từ ngữ này có nét đặc thù phần nào khó định nghĩa, khó diễn đạt bằng lời nói, nhưng tất cả chúng ta có bản năng để hiểu nó nghĩa là gì. Nó đòi hỏi sự thông cảm và tôn trọng các quan điểm khác nhau kể cả những quan điểm bất đồng, và hàm chứa sự nhân nhượng lẫn nhau, tạo cơ sở cho một quá trình thích nghi lẫn nhau giữa các nước thành viên theo tinh thần thực sự không liên kết. Nói cách khác, consensus đơn giản có nghĩa là sự hội tụ của các quan điểm ("convergence of views").

* Nguồn gốc của phương thức consensus xuất phát chủ yếu từ tính đa dạng về thành viên của Phong trào KLK. Tính đa dạng này đã được Hội nghị Kabul (5/1973) giải thích như sau: "Phong trào KLK bao gồm nhiều nước thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới, với nhiều đặc thù về chủng tộc và văn hoá, chế độ chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, trong sự đa dạng đó của các nước KLK, có sự thống nhất cơ bản về mục đích. Sự thống nhất trong đa dạng là bản chất của sức mạnh và sức sống của Phong trào."

Từ đó về sau, từ ngữ "thống nhất trong đa dạng" được thường xuyên nhắc đến như một châm ngôn của Phong trào KLK. Trong quá trình thông qua các quyết định của Phong trào, sự "thống nhất trong đa dạng" ở đây còn được hiểu là consensus đi đôi với quyền được bảo lưu ý kiến.

* Việc bảo lưu: Mặc dù tại Kabul có sự giải thích như trên về khái niệm consensus, nhưng việc áp dụng trong thực tế đối với từng vấn đề cụ thể không phải là đơn giản mà còn tuỳ thuộc vào so sánh lực lượng bên trong Hội nghị và xu thế chung lúc đó. Khái niệm "bảo lưu", tức là cho phép những nước có ý kiến khác với kết luận của chủ tịch cuộc họp có quyền bảo lưu quan điểm của mình bằng cách phát biểu tại hội nghị hoặc bằng văn bản gửi cho Chủ tịch Hội nghị.

* Tại Hội Nghị Cấp Cao 7 New Delhi (7-12/3/1983), "Quyết định về biện pháp tăng cường thống nhất, đoàn kết và hợp tác giữa các nước đang phát triển" đã quy định cụ thể thêm về lề lối làm việc của Uỷ ban phối hợp và thể thức thông qua các quyết định bằng consensus. Hội nghị cho rằng: việc thông qua các quyết định bằng "nhất trí" đã trở thành thông lệ của Phong trào, mặc dù còn một số khó khăn trong việc sử dụng phương thức consensus. Phong trào khẳng định thêm: "Nhất trí vừa là quá trình vừa là bản thân công thức thoả hiệp cuối cùng được hình thành sau những cuộc tham khảo, thảo luận và đàm phán để đi đến một lập trường nói chung được chấp nhận. Nói cách khác, consensus là sự hội tụ và hài hoà các quan điểm thể hiện sự đồng ý rộng rãi nhất của Hội nghị nhằm tăng thêm hoặc chí ít duy trì sự thống nhất và sức mạnh của phong trào".

Thực tế từ ngày Phong trào mới ra đời cho đến nay chứng minh rằng đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, đảm bảo đoàn kết nội bộ và phù hợp tính chất đa dạng của Phong trào. Mặc dù có ngươì chỉ trích phương pháp thông qua các quyết định bằng "nhất trí", đòi thay thế bằng phương pháp bỏ phiếu, nhưng nguyện vọng chung của tuyệt đại đa số các nước thành viên là cần duy trì phương pháp "nhất trí" vì nó là đặc thù của Phong trào Không Liên Kết.

III. Đánh giá chung về phong trào

Phong trào Không liên kết tồn tại hơn ba thập niên và không ngừng phát triển. Số thành viên chính thức tăng hơn 4 lần, từ 25 lên 116 (Đông Timo và St.Vincent - Grenadines là những thành viên mới nhất từ tháng 2/2004).

Nhìn lại lịch sử của Phong trào, chúng ta thấy sự đóng góp của Phong trào vào việc giải quyết các vấn đề trọng đại của thế giới là to lớn và nói chung là tích cực. Hoạt động của Phong trào luôn thể hiện cuộc đấu tranh gay go phức tạp giữa hai khuynh hướng: giữa một bên là khuynh hướng tăng cường đoàn kết nội bộ, mở rộng hợp tác với các lực lượng hoà bình và dân chủ khác với một bên là các thế lực đồng minh công khai hoặc dấu mặt của đế quốc muốn lái Phong trào đi chệch mục tiêu cơ bản, làm suy yếu Phong trào.

Trong chiến tranh lạnh, Phong trào KLK với những nguyên tắc, mục tiêu cơ bản của mình, đã có vai trò và đóng góp quan trọng vào đời sống chính trị quốc tế nói chung và việc bảo vệ lợi ích đối với các nước đang phát triển nói riêng. Tình hình thế giới, thực tế, đã có những biến đổi sâu sắc theo chiều hướng tích cực nhờ có sự đoàn kết đấu tranh của các lực lượng hoà bình, độc lập và dân chủ mà Phong trào Không liên kết là một bộ phận. Phong trào đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh hạt nhân, đòi giải trừ quân bị và thành lập khu vực hoà bình và phi hạt nhân. Phong trào đã cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc, là lực lượng quan trọng trong cuộc đấu tranh đòi thiết lập trật tự kinh tế quốc tế mới và trật tự thông tin quốc tế mới. Phong trào có đóng góp đáng kể vào việc giải quyết tranh chấp và xung đột giữa các nước thành viên bằng biện pháp hoà bình.

Sau chiến tranh lạnh, Phong trào, trong thời kỳ đầu, đã có những khó khăn nhất định trong việc xác định lại mục tiêu cho hoạt động của mình khi thế giới không còn hai cực. Tình hình hiện nay cho thấy các nước đang phát triển tiếp tục đứng trước nguy cơ can thiệp và áp đặt có hại cho độc lập chủ quyền và quyền lợi của mình. Do vậy các nước này tiếp tục có nhu cầu tham gia vào Phong trào để có một diễn đàn phối hợp với nhau, góp phần bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và phát triển của mình, chống sự áp đặt của các nước lớn và chống sự bất bình đẳng trong quan hệ Bắc-Nam, để phối hợp lập trường chung tại LHQ và các diễn đàn quốc tế khác. Trong bối cảnh đó, phong trào KLK tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu là một tập hợp lực lượng chính trị hùng hậu, là diễn đàn quan trọng để các nước không liên kết đang phát triển hình thành tiếng nói chung đối với các vấn đề toàn cầu quan trọng liên quan đến hoà bình, an ninh và phát triển.

Kể từ Hội nghị cấp cao 10 ( Jarkarta 1992 ), Phong trào KLK đã có những bước điều chỉnh nhất định nhằm thích ứng với tình hình mới. Các quốc gia thành viên đều nhất trí cho rằng: Phong trào có khả năng và cần tiếp tục phát huy tiếng nói và vai trò chính trị trong tình hình mới hiện nay vì hoà bình, phát triển, tự quyết dân tộc, độc lập và chủ quyền quốc gia. Phong trào tiếp tục là chỗ dựa tinh thần, là tập hợp đoàn kết rộng rãi của 114 nước đang phát triển vì những lợi ích căn bản chung của các nước này và vì mục tiêu phấn đấu cho một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, lành mạnh. Việc Phong trào liên tục có thêm thành viên mới (tăng từ 108 kể từ Hội nghị Cấp cao 10 năm 1992 lên 116 thành viên tại Hội nghị Cấp cao 13 năm 2003) đã tiếp tục thể hiện sức sống, sự hấp dẫn và khẳng định vai trò chính trị không thể thiếu của mình. Ngày càng có nhiều nước bên ngoài Phong trào mong muốn được làm quan sát viên, khách mời chứng tỏ vị thế, tầm quan trọng của diễn đàn này trong việc tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách có tính khu vực hoặc toàn cầu.

Trong các năm gần đây, phong trào đã có nhiều hoạt động quan trọng nhằm tăng cường đoàn kết thống nhất về vai trò, phương pháp làm việc cũng như hợp tác theo hướng thực chất về kinh tế, văn hoá, y tế ... thông qua cơ chế tham khảo thường xuyên tại LHQ và các hội nghị quan trọng trong đó có: Cuộc họp cấp bộ trưởng về phương pháp làm việc của phong trào (5/96 tại Ca-ta-hê-na, Cô-lôm-bi-a), Hội nghị cấp bộ trưởng về hợp tác văn hoá (5/97 tại Men-đơ-lin, Cô-lôm-bi-a), Hội nghị bộ trưởng Uỷ ban Phối hợp (5/98 tại Ca-ta-hê-na, Cô-lôm-bi-a), và Hội nghị Bộ trưởng Y tế KLK (tại Havana, Cuba) từ 24-26/6/98.

Trước ngưỡng cửa của thiên niên kỷ mới, các nước KLK và đang phát triển nói chung đang đứng trước những thách thức to lớn về phát triển kinh tế, phải đương đầu với những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá và khu vực hoá. Nhìn chung, các nước KLK vẫn phải tiếp tục đấu tranh giải quyết các vấn đề về đói nghèo, tình trạng bất ổn định về xã hội, xung đột sắc tộc tôn giáo, đối phó với chính sách cường quyền, xu hướng áp đặt và can thiệp của một số nước lớn, trong khi tiếp tục phấn đấu cho một trật tự thế giới mới công bằng dân chủ hơn, đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển.

Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 13 Phong trào Không liên kết tại Malaysia (từ 22 đến 25/2/2003) , nguyên thủ các nước thành viên đã cùng nhau xem xét tình hình thế giới và hoạt động của phong trào trong những năm trước đó kể từ sau Hội nghị Cấp cao KLK lần thứ 12 tại Durban, Nam Phi (29/8-3/9/1998), thảo luận và đề ra các biện pháp nhằm đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa các nước thành viên, thống nhất tiếng nói của phong trào trên nhiều lĩnh vực có tầm quan trọng toàn cầu liên quan đến hoà bình an ninh và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết và củng cố vị thế của phong trào KLK trong đời sống chính trị quốc tế để phong trào có thể đương đầu tốt hơn với các thách thức của thế kỷ 21.

Trong thời gian tới, sức sống, vai trò và vị thế của Phong trào phụ thuộc vào nỗ lực của chính các nước thành viên và điều đặc biệt quan trọng là các nước này cần tăng cường sự đoàn kết, phối hợp trong các diễn đàn đa phương về chính trị cũng như về kinh tế và các vấn đề có tính toàn cầu khác, đồng thời thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Trong khi tiếp tục giữ vững các mục tiêu, nguyên tắc hoạt động cơ bản của phong trào vì hoà bình, độc lập dân tộc và phát triển, Phong trào cần phát huy tính năng động và thực lực của các nước thành viên và có những điều chỉnh cần thiết nhằm thích ứng với tình hình quốc tế đang biến chuyển từng ngày để tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa tồn tại của mình trong đời sống chính trị quốc tế.

IV. Quan hệ Việt Nam và phong trào không liên kết

Năm 1955 Việt Nam tham dự Hội nghị Á - Phi ở Bangdung (Indonesia), Hội nghị được nhiều người xem như là tiền thân của Phong trào KLK. Tại Hội nghị, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy đoàn kết giữa các nước mới giành độc lập, góp phần xác lập những nguyên tắc cơ bản sau này trở thành các nguyên tắc chỉ đạo cho hoạt động của phong trào KLK.

Từ năm 1970 đến năm 1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam làm quan sát viên (Hội nghị Georgetown, Guyana năm 1972), rồi làm thành viên Phong trào (tại Hội nghị cấp cao IV Angiê, 1973).

Năm 1976 tại Hội nghị cấp cao V (Colombo, Sri Lanca), nước Việt Nam thống nhất gia nhập Phong trào. Bằng tấm gương sáng và thắng lợi của sự nghiệp chống ngoại xâm của mình, Việt Nam đã sớm gắn bó và đóng góp vào những mục tiêu và quá trình hình thành Phong trào KLK. Ngay cả khi chưa là thành viên chính thức của phong trào, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh của các nước KLK và đang phát triển. Sau khi giành độc lập (năm 1945), Việt Nam đã đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, góp phần quan trọng xoá bỏ chủ nghĩa thực dân, chống chủ nghĩa đế quốc. Từ khi tham gia phong trào, Việt Nam đã tham dự tất cả các Hội nghị Cấp cao và Hội nghị ngoại trưởng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực tăng cường đoàn kết đề cao vai trò của Phong trào, nỗ lực đấu tranh cho mục tiêu hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Việt Nam luôn coi trọng việc tham gia của mình vào phong trào KLK, coi đó là chủ trương nhất quán, một bộ phận của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá và đa dạng hoá, bổ sung cho quan hệ song phương, khu vực và quốc tế của mình. Với những thành tựu đáng kể trong công cuộc đổi mới của mình, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của các nước không liên kết đang phát triển.

(Nguồn Bộ Ngoại giao)

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Về chính sách thu hút, trọng dụng người tài

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Chính sách, chế độ đối với người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

(ĐCSVN) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Ban Bí thư chỉ thị về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

(ĐCSVN) - Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025.

Hướng dẫn kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng

(ĐCSVN) - Tại văn bản số 08-HD/UBKTTW ngày 18/11/2024, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Liên kết website