Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.” 1
Dân chủ - mà nội dung thực chất là quyền lực thuộc về nhân dân, từ chỗ là một khát vọng, ngày nay nó đã trở thành một nguyên tắc cơ bản của thể chế dân chủ nói chung và dân chủ XHCN nói riêng. Từ khát vọng đến việc xác lập thành một nguyên tắc pháp lý cho đến khi trở thành một chế độ dân chủ hiện thực - theo tư tưởng của C.Mác quả là một quá trình đầy khó khăn, phức tạp, lâu dài.
1. Một trong những nội dung cơ bản trong học thuyết chính trị mácxit- lêninnit là sự luận giải về tương quan giữa nền dân chủ tư sản và nền dân chủ vô sản (dân chủ XHCN); là xác định cách thức, con đường đảm bảo cho nhân loại có thể tiến tới một xã hội dân chủ, văn minh, nhân đạo và đấu tranh cho một xã hội dân chủ hiện thực theo tư tưởng cách mạng và khoa học đã, đang và sẽ là thực tiễn sinh động của phong trào công nhân và các lực lượng tiến bộ trong thời đại ngày nay.
Trên cơ sở luận chứng rằng, quyền bình đẳng xã hội hoàn toàn không thể thực hiện được trong một chế độ xã hội dựa trên nền của sự bất bình đẳng về kinh tế. Những người mácxít cho rằng: Chỉ có con đường cách mạng triệt để - xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ mọi hình thức áp bức nô dịch giai cấp, dân tộc mới thật sự đạt tới bình đẳng hiện thực. Và điều đó khách quan nằm trong bản chất sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, nằm trong nội dung hợp thành của cuộc cách mạng XHCN.
Trên thực tế, trong các giai đoạn tiến triển của nó, những cuộc cách mạng xã hội do Đảng Cộng sản ở các nước lãnh đạo từ giữa cuối thế kỷ XIX đến nay đều diễn ra theo trục cơ bản đó. Xét ở một phương diện nhất định, đó là một quá trình tiến hoá chính trị - xã hội gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người ở một quốc gia dân tộc và trên phạm vi toàn thế giới. Logic của tiến trình lịch sử ấy, ở Việt Nam đã, đang và sẽ gắn liền với sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng, lãnh đạo thực hiện. Chính vì lẽ đó, hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định dân chủ XHCN là một giá trị hợp thành trong mục tiêu của toàn bộ sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Nếu nói rằng: “Sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước thực hiện thành công bước đầu công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của đất nước đã tăng lên rất nhiều, tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn theo con đường xã hội chủ nghĩa”2, thì cũng hết sức khiêm tốn để khẳng định rằng: Một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định cho những thành quả đó là sự ra đời, sự xác lập vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước.
Sản sinh ra từ hiện thực phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào yêu nước và phong trào công nhân Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; từ bản chất và khả năng thực tế, được sự thẩm định trong suốt tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác lập vai trò lực lượng chính trị duy nhất đảm đương được sứ mệnh lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động Việt Nam cùng thực hiện mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH - Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Với tư cách là lực lượng chính trị duy nhất cầm quyền - cho dù là kết quả tất yếu của lịch sử, điều đó không có nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam tự yên tâm, bằng lòng với những gì đã có, đã làm được. Cần lưu ý rằng, trong điều kiện chưa có chính quyền, thì sự tồn vong của một đảng chính trị luôn phụ thuộc vào sự che chở, đùm bọc, ủng hộ của quần chúng nhân dân. Vì vậy, Đảng không thể không vì dân, không thể xa dân. Nhưng khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền, thì nguy cơ đó là rất lớn - Bệnh kiêu ngạo cộng sản, bệnh quan liêu, xa dân là thứ bệnh mà Lênin, Bác Hồ đã từng cảnh báo. Trên thực tế, những cảnh báo đó đã có lúc, có nơi không được các đảng Cộng sản cầm quyền trên thế giới có những giải pháp tích cực đề phòng, ngăn chặn… Và đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ở một mức độ nhất định, căn bệnh này vẫn là nguy cơ tiềm ẩn: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp,… làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”3. Mặc dù từ ngày đổi mới đến nay, Đảng ta đã nói nhiều, làm nhiều để chạy chữa căn bệnh đó, song xét một cách tổng thể: “Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội”4 và “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”5.
Nguyên nhân của thực trạng trên có thể là khách quan hoặc chủ quan, nhưng nếu từ góc độ dân chủ để xem xét, có thể nói:
Thứ nhất, cả về lý luận cũng như trong thực tiễn cho thấy: để đảm đương vai trò lãnh đạo xã hội, vai trò cầm quyền trong chế độ dân chủ, trước hết Đảng ta nói chung và mỗi đảng viên cộng sản nói riêng phải là “lực lượng đại diện cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc, thời đại” (Lênin); hay là “đội tiền phong dũng cảm và bộ tham mưu sáng suốt của giai cấp vô sản, của nhân dân lao động và của cả dân tộc” (Hồ Chí Minh).
Cũng vì lẽ đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), khi diễn đạt về Đảng nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”6. Xác định như vậy, không hề làm giảm đi tính giai cấp của Đảng, vả lại khi nói “Đảng lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”7, thì đó là tiêu chí căn cốt nhất để khẳng định bản chất của Đảng rồi.
Tất nhiên, triển khai nội dung này trong thực tế cần phải tập trung quán triệt những vấn đề cơ bản sau:
- Cần nhận thức và xử lý biện chứng mối quan hệ giữa giai cấp, dân tộc và thời đại trong mọi chủ trương, chính sách và mọi hoạt động của Đảng. Nói cách khác, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải vừa làm cho Đảng thấm nhuần lý luận tiên phong để làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong, nhưng đồng thời Đảng phải sống trong sự đùm bọc, chở che của nhân dân, của dân tộc thì mới trường tồn. Xa rời lợi ích của nhân dân, của dân tộc, sớm muộn, Đảng sẽ không còn nguồn sống.
- Cụ thể hoá những nội dung có tính thể chế và cơ chế để thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Trên thực tế, khi thực hiện nguyên tắc này vẫn còn tồn tại những cách hiểu, cách làm rất khác nhau, trong đó có không ít nơi biến dân chủ thành hình thức để thâu tóm quyền lực cá nhân, tạo ra sự chuyên quyền, lộng quyền. Chỉ có thể dựa vào những quy định có tính thể chế và thông qua một cơ chế rõ ràng, minh bạch mới kịp thời phát hiện những cách làm của những cá nhân nhân danh tập thể, dùng quyền để “lái”, để “áp đặt” nhiều quyết định đi ngược nguyện vọng, lợi ích chính đáng của số đông vì sự phát triển chung.
- Thực hiện một cách thực tế hơn nữa nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng. Bởi trên thực tế, cách thức đang làm nặng về hình thức. Rất nhiều sai trái, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên thường đến khi gây hậu quả nghiêm trọng cho Đảng, cho dân, cho đất nước thì tổ chức Đảng mới vỡ nhẽ… Ở đây không chỉ đơn thuần là sự hô hào về tư tưởng, rèn luyện về nhân cách, đạo đức, mà vấn đề là phải được giải quyết từ cơ chế thẩm định, giám sát, đánh giá giữa lời nói và kết quả việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên. Có thể mở rộng nhiều hình thức để thu thập thông tin đánh giá, góp ý của quần chúng đối với cán bộ, đảng viên. Muốn thẩm định, đánh giá đúng thì phải cụ thể hoá, chi tiết hoá, công khai hoá những yêu cầu, tiêu chuẩn và kết quả hoạt động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo xã hội, Đảng cầm quyền trong thể chế dân chủ, một mặt Đảng phải định hướng sự phát triển của đất nước, của xã hội bằng những quyết sách chính trị đúng đắn, có tính khả thi; mặt khác phải thông qua công tác tổ chức, công tác cán bộ để xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị nói chung và bộ máy Nhà nước nói riêng.
- Trên cơ sở phương pháp phân tích hệ thống, có thể thấy sức mạnh - chất lượng và hiệu quả của hệ thống chính trị ở nước ta không chỉ phụ thuộc vào chất lượng và hiệu quả của từng nhân tố cấu thành (Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội), mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc giải quyết mối quan hệ giữa các nhân tố đó, tức là sự phân định chức năng, thẩm quyền giữa các nhân tố nói trên; phải thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, tức là thực hiện sao cho hệ thống chính trị của chúng ta vận hành nhằm đạt tới mục đích bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân (trước hết là quyền lực Nhà nước), trong đó Đảng Cộng sản là hạt nhân lãnh đạo của cả hệ thống và Nhà nước là trụ cột của hệ thống đó.
- Với tư cách là trụ cột của hệ thống chính trị, Nhà nước mạnh, hoạt động có hiệu quả là tiêu chí phản ánh tập trung sức mạnh và hiệu quả của hệ thống chính trị, trong điều kiện hiện nay đó là Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Nhà nước đó tương thích với đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa đảm đương tốt vai trò điều tiết, định hướng, nhưng lại vừa là cộng sự tin cậy để kích thích kinh tế thị trường phát triển rộng khắp mọi lúc, mọi nơi, đủ sức hội nhập quốc tế.
Ở đây, việc đảm bảo cho Nhà nước thực sự của dân, tức là do dân tự do lựa chọn thông qua bầu cử bằng phiếu bầu là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phương diện dân chủ. Đành rằng, Đảng cầm quyền phải lo công tác nhân sự trong bộ máy Nhà nước, nhưng “ý Đảng và lòng dân” phải có sự đồng thuận. Đừng để xẩy ra hiện tượng chưa bầu cử mà đã đoán biết được chắc chắn ai đã “đắc cử” rồi; hoặc lá phiếu của dân không thực hiện theo “ý Đảng”.
Muốn vậy, Đảng nên đưa ra nhiều phương án, nhiều ứng cử viên của Đảng vào một chức vụ Nhà nước, còn kết quả là ai trúng cử, cũng đều là người của Đảng. Nên chăng, cần từng bước thử nghiệm để đi đến cách bầu cử trực tiếp của nhân dân đối với những người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương hiện nay.
Phải hoàn thiện và đổi mới một bước mạnh mẽ hơn nữa cơ quan lập pháp - cơ quan có chức năng đặc biệt quan trọng - “sản xuất” thể chế. Có thể mở rộng hơn nữa thành viên Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp theo đúng nghĩa là những người làm luật: đề xuất, soạn thảo và biểu quyết thông qua luật.
Thứ ba, khi đã xem dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu, động lực của CNXH ở nước ta hiện nay, thì việc bảo đảm và phát huy dân chủ trong hệ thống chính trị, trong xã hội là một trong những yêu cầu cấp thiết. Đương nhiên, đây là một quá trình không ngừng hoàn thiện về nhận thức lẫn tổ chức thực hiện, quá trình đó đòi hỏi sự nỗ lực từ phía nhân tố lãnh đạo, quản lý (hệ thống chính trị) lẫn từ phía quần chúng nhân dân.
- Về nhận thức, cần nhấn mạnh rằng trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, thực tế cho thấy tầm quan trọng của yếu tố nội lực, nội sinh. Nếu không có những giải pháp tích cực, hiệu quả để nâng cao khả năng, trình độ, sức mạnh, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh, phẩm hạnh của con người Việt Nam - sức mạnh của cả dân tộc thì hoặc sẽ bị đánh bật ra khỏi dòng chảy của thời đại hoặc sẽ bị nhấn chìm trong dòng chảy đó.
Chúng ta coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, thì phải có sự đầu tư, đổi mới rất mạnh mẽ, rất cơ bản lĩnh vực này.
Mở rộng dân chủ trong Đảng là điều kiện quyết định bảo đảm và phát huy dân chủ trong xã hội. Đây là nguyên tắc hoạt động của Đảng và được Đảng ta thường xuyên thực hiện. Mỗi đảng viên, cán bộ có quyền làm chủ cơ quan, tổ chức và phải được bảo vệ trong việc đấu tranh thực hiện dân chủ. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước trên mọi mặt đời sống xã hội là điều kiện bảo đảm và phát huy dân chủ, hạn chế những kẽ hở và sai lầm dẫn đến tiêu cực. Vấn đề đáng quan tâm trước hết là bầu cử trong Đảng, vì Đảng ta là Đảng cầm quyền, nên việc bầu cử trong Đảng như thế nào, thì xã hội sẽ như thế.
Sức mạnh của đất nước, dân tộc là sức mạnh của toàn dân, của chế độ, nền tảng của sức mạnh đó, phương thức con đường để tạo dựng và phát huy sức mạnh đó chính là sự đồng thuận giữa “ý Đảng, lòng dân” - Để làm được điều này, có thể xem việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một khâu có tính đột phá, là vấn đề cực kỳ quan trọng, là giải pháp hữu hiệu đối với việc phát huy dân chủ trong tình hình hiện nay.
Không ai có thể phủ nhận giá trị hiện thực của quá trình triển khai, tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong những năm qua, nhưng cũng chính trong quá trình đó, đã bộc lộ ra không ít vấn đề cần phải bổ sung, điều chỉnh để thúc đẩy và nâng cao tính hiệu quả của nó.
Phải “có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp. Thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; chống tập trung quan liêu, khắc phục dân chủ hình thức”8.
Rõ ràng rằng vấn đề dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở là vấn đề vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài; đồng thời là mối quan tâm chung của các nhà lãnh đạo, quản lý ở các cấp. Mở rộng dân chủ ở cơ sở là nội dung cơ bản của việc phát triển dân chủ XHCN.
Hiện nay có tình trạng, nhiều cán bộ và người dân chưa thấy hết tầm quan trọng của vấn đề dân chủ: Một số cán bộ lãnh đạo không biết hoặc lãnh đạo không theo nguyên tắc dân chủ, nhiều công dân đã được trao quyền dân chủ rồi, nhưng không biết sử dụng quyền đó, không coi đó là quan trọng để phát huy nó; thậm chí còn có biểu hiện thờ ơ, coi thường, làm tầm thường hoá nó, làm tha hoá cả những nội dung thiêng liêng và cao cả của dân chủ. Nhất là trong bầu cử.
Chúng ta thường nêu: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đây là phương châm quan trọng để dân có thể làm chủ. Nhưng biết, bàn, làm, kiểm tra cái gì? Bằng cách nào? Ở đâu? Và khi nào? Từng người dân đơn lẻ, lăn lộn mưu sinh hàng ngày làm sao đủ điều kiện để biết, bàn, làm và kiểm tra được?
Bên cạnh đó, tình trạng quan liêu của không ít chính quyền các cấp (xa dân là đặc trưng bản chất của quan liêu), hành chính hoá, đặc biệt là tình trạng nhũng nhiễu chưa giảm đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Tất cả những thực trạng trên đều dẫn đến tình trạng xa dân, đứng trên dân (mặc dù tất cả đều nói là vì dân), thậm chí cơ sở cũng xa dân, không nắm được dân.
Để thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, trước mắt cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức dân chủ cho người dân, thực sự hướng về cơ sở, đến với dân, nói cho dân nghe và nghe dân nói. Công tác tư tưởng phải gắn với vấn đề dân sinh, dân trí, dân quyền để thực hiện được dân chủ.
Hai là, xây dựng Đảng cùng với đổi mới hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, trong sạch, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường giáo dục pháp luật.
Ba là, trong thực hiện dân chủ ở nước ta hiện nay, nên chăng việc ứng cử, tranh cử đặt ra một cách phổ biến hơn. Gần đây chúng ta đã có nhiều tiến bộ là đã có số dư trong bầu cử. Tuy nhiên, bầu cử phải bảo đảm tính chính xác, khoa học, khách quan, trung thực.
Bốn là, để phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân, cần phải có những quy chế cụ thể, nền nếp, nhanh chóng khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Năm là, nâng cao chế độ dân chủ đại diện, mở rộng và có cơ chế thực hiện dân chủ trực tiếp để hỗ trợ cho việc nâng cao chế độ dân chủ đại diện.
Sáu là, hoàn thiện những thiết chế bảo đảm thực hiện dân chủ hoá đời sống xã hội và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Bảy là, phát huy vai trò và tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách và thực hiện vai trò phản biên, giám sát xã hội./.
_______________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tr 84-85.
2. Sđd, tr 20-21.
3. Sđd, tr 173.
4. Sđd, tr 171.
5. Sđd, tr 172.
6. Sđd, tr 88.
7. Sđd, tr 88.
8. Sđd, tr 239.