I. Nhận định của ĐCS Việt Nam về xu thế phát triển của lịch sử
Nhận định về xu thế phát triển về lịch sử là nội dung rất quan trọng của các đảng công sản trong quá trình lãnh đạo nước mình thực hiện SMLS toàn thế giới của GCCN. Nhận thức đó phản ánh hai vấn đề lớn: một, nhận định về bối cảnh và xu thế chung; hai, tự giác coi cuộc cách mạng ở nước mình là một bộ phận của cách mạng thế giới. Theo đó, việc nhận thức đầy đủ và đúng đắn xu thế của lịch sử có mối quan hệ mật thiết với lộ trình, quy mô và tốc độ của cách mạng.
Đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn coi ''cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới'' và đặt nó trong xu thế của thời đại. Nhận thức này liên tục được hoàn thiện thông qua Cương lĩnh chính trị và Văn kiện các Đại hội Đảng. Đại hội XI vừa qua đã đánh dấu mốc nhận thức của Đảng ta về xu thế phát triển của lịch sử thông qua 2 văn kiện quan trọng là Cương lĩnh bổ sung, phát triển và Báo cáo chính trị của ĐH XI.
Nhận định về xu thế thời đại của Cương lĩnh bổ sung và phát triển năm 2011 phản ánh đánh giá của Đảng về một giai đoạn ''từ nay đến giữa thế kỷ XXI”, hiển nhiên là đánh giá quan trọng nhất và cần được quan tâm đầu tiên. Thực chất đây là nhận thức về bối cảnh lớn của thời kỳ quá độ lên CNXH của Việt Nam. Nó thể hiện nhiều nhận thức mới so với Cương lĩnh 1991 về thời đại và thế giới trong tương lai. Có thể thấy điều đó khi so sánh 2 cương lĩnh như sau.
Về các yếu tố cấu thành nội dung của thời đại hiện nay và góp phần định hình xu thế chung của thế giới đương đại, Cương lĩnh bổ sung, phát triển những nhận thức mới sau đây:
* Một là, bổ sung nhận thức về các yếu tố kinh tế - kỹ thuật góp phần thúc đẩy và định hình xã hội hiện đại. Đây là cơ sở duy vật lịch sử để nhận định về xu thế của nó.
So với Cương lĩnh 1991, Cương lĩnh 2011 đã làm rõ hơn mấy nhân tố sau: Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại được gắn liền với kinh tế tri thức và toàn cầu hóa (thay cho quốc tế hóa). Kinh tế tri thức là trình độ mới của LLSX trong các giai đoạn xã hội hóa và toàn cầu hóa, là một trong những ''vật mang'' các thành tựu KH&CN hiện đại và cả kinh tế tri thức đến với các quốc gia. Đánh giá tác động của nó là ''sâu sắc với quá trình phát triển của các nước'' (thay cho nhận thức về tác động ''cuốn hút tất cả các nước với mức độ khác nhau'' của Cương lĩnh 1991) đã phản ánh và thể hiện rõ hơn vai trò chủ động, tự giác của chủ thể quá trình phát triển về khả năng và diện tác động của yếu tố kinh tế - kỹ thuật này.
Báo cáo chính trị ĐH XI chỉ ra tác động sâu sắc của các yếu tố này không chỉ thuần túy trên lĩnh vực kinh tế mà còn góp phần vào những nhân tố xã hội: ''Toàn cầu hoá và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức'' thông qua quá trình ''cơ cấu lại thể chế, các ngành, lĩnh vực kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở các nước''. Theo đó tương quan sức mạnh kinh tế giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn có quan hệ ảnh hưởng nhiều với nước ta, có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó là những tác động tiêu cực, bất ổn do toàn cầu hóa mang lại như làm chậm tốc độ phục hồi sau khủng hoảng kinh tế; ''chủ nghĩa bảo hộ phát triển dưới nhiều hình thức''; ''Cạnh tranh về kinh tế - thương mại, tranh giành các nguồn tài nguyên, năng lượng, thị trường, công nghệ, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao... giữa các nước ngày càng gay gắt. Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp''...Tất cả những tác động này đều thông qua ''kênh dẫn truyền'', ''vật mang'' là toàn cầu hóa.
Như vậy, nhận thức nổi bật về các yếu tố kinh tế - kỹ thuật hiện nay là vai trò rất to lớn cả chiều tích cực - thúc đẩy và chiều thách thức - đặt vấn đề của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, trình độ kinh tế tri thức của thế giới hiện đại đang phát triển ''mạnh như vũ bão'' mang lại nhiều tiền đề thuận lợi cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội song mặt xã hội của chúng cũng đặt ra nhiều thách thức với định hướng xã hội chủ nghĩa. Có thể thấy được một số thách thức lớn sau đây:
Thứ nhất, tình trạng bất bình đẳng xã hội sẽ tăng trong quá trình chuyển biến sang kinh tế tri thức; không phải ai cũng có điều kiện, năng lực để tiếp cận tri thức và công nghệ, theo đó phân phối theo lao động sẽ khác nhau giữa người lao động có trình độ khác nhau. Có nhà nghiên cứu gọi tình trạng thiếu tri thức - thông tin là một dạng nghèo đói - ''đói tri thức'', trong thế giới đương đại. Dạng đói này làm cho nhiều người bị tách khỏi dòng chủ lưu của phát triển. Lạc hậu về kinh tế, bất bình đẳng trong quyền được học tập là hai nhân tố chính tạo ra vấn đề này.
Thứ hai, chính trị hiện đại đang chi phối mạnh mẽ kinh tế tri thức. Biểu hiện trước tiên là lợi ích của những chủ thể tham gia vào kinh tế tri thức như các quốc gia, dân tộc; các tập đoàn kinh doanh... Quyền và lợi ích của các chủ thể này sẽ quy định mức độ tham gia, những điều khoản cho sự tham gia và sự chuẩn bị nhiều mặt cho quá trình đó. Ưu thế về kinh tế tri thức đang được chủ nghĩa tư bản khai thác, lợi dụng để tạo ra ưu thế, sự chèn ép với các quốc gia đang phát triển khác. Đó chính là những điều kiện chính trị -xã hội trong quá trình tiếp nhận - chuyển giao các sản phẩm của kinh tế tri thức: luật bảo hộ sản phẩm công nghệ, quyền tác giả - sở hữu trí tuệ, chống độc quyền, bảo hộ... Trong bối cảnh chính trị - xã hội hiện đại, muốn đi vào kinh tế tri thức không đơn giản chỉ là có tri thức, có vốn là dễ dàng bước vào trình độ này. Những rào cản, những điều luật, những ''luật chơi'' do chủ nghĩa tư bản áp đặt đang là những cản trở lớn cần phải thấy và vượt được khi chủ nghĩa xã hội hướng tới kinh tế tri thức.
Thứ ba, có một vấn đề ngày càng lộ rõ là có hai lực tác động theo hai hướng đang làm lớn dần khoảng cách với kinh tế tri thức. Vấn đề này xuất hiện ngay trong lòng các nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và có lẽ đây là nhận thức mới được làm rõ trong thập niên gần đây. Lực thứ nhất là vươn lên, hướng tới kinh tế tri thức; Lực thứ hai, xuất phát từ một vài nhóm lợi ích mà chủ yếu là những nhóm gắn với lĩnh vực quản lý nhà nước (cán bộ và doanh nhân) nhóm này đang cố gắng níu giữ cơ chế cũ hoặc lợi dụng những kẽ hở của quản lý để trục lợi. Với nhóm này, tình trạng quản lý thiếu dân chủ, không minh bạch, cơ chế xin cho... là cơ hội để tham nhũng và lợi dụng. Trước đây, vào thập niên 90, khi mua về công nghệ cũ - lạc hậu... có thể người ta còn biện bạch rằng ''do hạn chế về nhận thức, kinh nghiệm'' nhưng các vụ án tham những ở PMU (2006), Dự án 112 CP ''Tin học hoá quản lý văn phòng'' (2007) Công ty Veđan phá hoại môi trường (2008); vụ Vinashin (2010)... là những ví dụ điển hình cho thấy biết luật mà vẫn cứ làm bừa. Chính họ cũng là lực cản trực tiếp và to lớn đối với sự phát triển kinh tế tri thức ở nước ta.
Trong tương lai gần, những nhân tố này bên cạnh những thuận lợi, cơ hội phát triển, thì khó khăn thách thức là to lớn, phức tạp và không thể xem thường. Bởi vì, những nhân tố đó không tồn tại tự thân mà luôn gắn với con người, với những lợi ích khác biệt. Điều này rõ hơn khi quan sát các yếu tố chính trị - xã hội sau đây.
Hai là, bổ sung, hoàn thiện nhận thức về các nhân tố chính trị - xã hội đương đại tác động vào xụ thế chung và thực tiễn xây dựng CNXH ở nước ta. Các nhân tố này thể hiện trên hai phương diện: xu thế lớn và những nét cơ bản của tình hình chính trị thế giới.
Đây là một trong những nội dung nhận thức được tập trung bổ sung và phát triển nhiều nhất khi so sánh hai Cương lĩnh. Cả hai đều hàm chứa những cục diện, đặc điểm và hướng vận động khá phức tạp. Tính hai mặt của tình hình và quan hệ chính trị - xã hội quốc tế hiện nay vừa định hình xu thế lớn là ''Hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển'' vừa xác nhận tính chất khó khăn, phức tạp trong quá trình thể hiện và tương tác với các biểu hiện phức tạp và có tính ly tâm với xu thế lớn: Tiêu biểu là ''...đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp''. Báo cáo chính trị Đại hội XI còn làm rõ thêm về ''các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao trong các lĩnh vực tài chính - tiền tệ, điện tử - viễn thông, sinh học, môi trường... còn tiếp tục gia tăng.''
Như vậy, các yếu tố tiêu cực và mang tính ly tâm với xu thế lớn có khá nhiều, biểu hiện đa dạng hầu khắp các lĩnh vực và chưa có khả năng giải quyết trong tương lai gần. Nhận thức rõ hiện trạng này để thấy rõ những nhân tố gây khó khăn trở ngại cho một thế giới hòa bình, dân chủ, công bằng, phát triển bền vững và quá độ lên CNXH của nhân loại. Song, lịch sử cũng chứng minh rằng, ''nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành'' (C.Mác). Hai nhóm nhân tố: nhu cầu phát triển trong bối cảnh LLSX hiện đại đang phát triển mạnh mẽ và bảo vệ lợi ích của quốc gia dân tộc sẽ là các nhân tố thúc đẩy và buộc cả nhân loại phải tìm giải pháp cho những vấn đề toàn cầu. Theo đó, ''Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hoá trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển...''
Có ba nhóm quan hệ cùng tác động vào tình hình và định hình xu thế lớn trên của quan hệ quốc tế hiện đại:
Nhóm thứ nhất là quan hệ giữa CNXH và CNTB. Đây là quan hệ chính trị xã hội được quan tâm hàng đầu. Đánh giá về CNXH hiện thực của Cương lĩnh 2011 đã kế thừa nhiều nhận định của Cương lĩnh 1991 về vai trò to lớn của hệ thống XHCN trong thời đại ngày nay, rằng ''đã đạt những thành tựu to lớn về nhiều mặt, từng là chỗ dựa cho phong trào hoà bình và cách mạng thế giới, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội''. Điều đó cũng cắt nghĩa cho giá trị và sức sống của CNXH hiện nay, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ''một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển''. Những nguyên nhân, kinh nghiệm rút ra từ thất bại, khủng hoảng giai đoạn vừa qua sẽ là bài học quý báu để CNXH tiếp tục cải cách, đổi mới và phát triển. Vì vậy cùng những bước hồi phục của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, CNXH hiện thực cải cách và đổi mới sẽ vẫn là những chủ thể chính trị quan trọng góp phần định hình diện mạo chính trị thế giới trong tương lai.
CNTB hiện đại là mặt thứ hai của quan hệ chính trị xã hội hiện đại. Về phương pháp luận tư duy tương lai, Mác có một tư tưởng rằng ''không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ.'' Cương lĩnh 2011 chỉ ra 3 nét tiêu biểu của CNTB hiện đại: 1- nó còn còn tiềm năng phát triển, 2 - về bản chất nó vẫn là một chế độ áp bức, bóc lột và bất công; 3 - ''mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc và ''Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động sẽ quyết đinh vận mệnh của chủ nghĩa tư bản. Chính những nhân tố đó sẽ góp phần định hình tương lai nhân loại. Theo đó, từ nay đến 2050, CNTB vẫn là một thực thể vừa đối lập, vừa đồng hành và có tác động qua lại với CNXH.
Nhóm thứ hai là ''Các nước đang phát triển, kém phát triển phải tiến hành cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp chống nghèo nàn, lạc hậu, chống mọi sự can thiệp, áp đặt và xâm lược để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc.” Theo đó, hạt nhân là vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc và sự ''xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới'' giữa các nước trong bảo vệ lợi ích ấy. Đây cần được xem là một nhận định quan trọng của các Văn kiện ĐH XI.
Có mấy nét mới của lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hoá kinh tế hiện nay. Sự mở rộng quan niệm về chủ quyền và các yếu tố lợi ích là điểm đầu tiên. Chủ quyền quốc gia được xác định trong không gian ba chiều (vũ trụ, lãnh thổ - lãnh hải và tài nguyên dưới mặt đất) và bị chi phối thêm chiều thứ tư là thời gian - triển vọng. Đó là lợi ích của các quốc gia đang phát triển trong một thế giới toàn cầu hoá và trong chiến lược toàn cầu hoá lợi ích của những nước lớn đang có tham vọng trên ''bàn cờ lớn''. Điều đáng quan tâm là do tính hữu hạn của không gian phát triển (chủ quyền và biên giới) cho nên các toan tính lợi ích của nhiều nước lớn thường mang tính chất đế quốc. Theo đó, lợi ích của một nước lớn có khi xuất hiện và được quan tâm trên mức bình thường không chỉ khi ở sát kề mà cả khi nó ở cách biên giới của họ cả ngàn dặm, khi nó là một triển vọng của vài thập niên sau, thậm chí cả thế kỷ sau. Và, nó buộc các quốc gia đang phát triển, muốn sống hoà bình yên ổn làm bạn với tất cả, không chuốc thù oán với một ai... phải coi thứ lợi ích đế quốc ấy là đối tượng để cảnh giác bằng tầm xa của tư duy chiến lược quốc phòng an ninh quốc gia.
Tranh chấp chủ quyền trên vùng lãnh hải, thềm lục địa là vấn đề đang nóng dần. Biên giới và chủ quyền quốc gia kết hợp với xung đột bởi ''biên giới mềm” sẽ vẫn là điểm nhạy cảm nảy sinh tranh chấp, xung đột quân sự. Đây sẽ là trung tâm của các vấn đề quốc tế suốt thế kỷ XXI. Hiện nay, hầu hết các đường biên trên lãnh thổ đã được xác đinh. Phần còn lại là ''miền mờ'' tương đối - là xác định lãnh hải và vùng chủ quyền. Hướng về đại dương để khai thác tài nguyên, phát triển vị thế lại đang là xu thế chung của các nước có biển, và theo đó là tranh chấp - xung đột - chiến tranh cục bộ ... Nói chung là các nguy cơ với quốc phòng an ninh quốc gia đã mở rộng ra hướng biển, từ biển mà tới. Thềm lục đia, tranh chấp chuyền vùng biển đảo sẽ là trận tuyến đầu tiên và trận địa phòng ngự của nhiều quốc gia.
Đối tượng thành đối tác và ngược lại, trong đối tác có yếu tố đối tượng trong đối tượng có mặt đối tác - chuyển hoá ấy được chuyển biến rất nhanh thậm chí chỉ trong một thập kỷ, song cũng có thể nhanh tới mức bất ngờ. Có thể xét đoán vấn đề này thông qua các động thái chính trị của các nhà cầm quyền và bang giao quốc tế. Hai yếu tố đó lại bị chi phối bởi đường lối - chiến lược mà đường lối thì bao giờ cũng từ vấn đề ý thức hệ.
Những bất trắc trong một thế giới toàn cầu hoá kinh tế sẽ mang đến cho một quốc gia đang phát triển nhiều điều rắc rối khó lường và cũng kích hoạt sớm những xung đột chủ quyền - lãnh thổ. Trước mắt, nó gây ra khủng hoảng tài chính hiện nay và làm suy giảm tốc độ tăng trưởng vài % GDP của mỗi quốc gia, làm bộc lộ những điểm yếu cốt tử của một nền kinh tế, nó làm bùng phát những vấn đề về năng lực quản lý xã hội... Đại loại là nó làm quốc gia ấy phải đối diện và phải giải quyết những vấn đề từ bên trong. Tư duy đế quốc có một giải pháp khá thông lệ là đẩy những rắc rối nội bộ ra thành xung đột ngoại biên. Chính vì thế, khi bối cảnh quốc tế hội đủ những điều ấy, thì tư duy chiến lược an ninh quốc gia của những nước đang phát triển phải bắt đầu nghĩ tới những thách thức, thử thách mới, sắp xuất hiện mà lẽ ra, có thể nó chưa tới.
Cùng với ''diễn biến hoà bình'', những âm mưu lấn chiếm, thôn tính lãnh thổ sẽ là hai nguy cơ trực diện, song hành và đặt vấn đề trực tiếp đối với tư duy về quốc phòng - an ninh quốc gia. Nó kết hợp tới hàng loạt học thuyết mới trên thế giới về kinh tế - quân sự và chính trị để tạo ra nhiều tình huống có vấn đề cho tư duy chiến lược. Bảo vệ chế độ chính trị và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia sẽ là hai vấn đề thường trực và có quan hệ biện chứng trong tư duy và hành động của chiến lược xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Nhóm vấn đề thứ ba là những vấn đề toàn cầu cấp bách có liên quan đến vận mệnh loài người buộc toàn thể nhân loại phải cùng quan tâm và chung sức giải quyết. ''Đó là giữ gìn hoà bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chống khủng bố, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, hạn chế sự bùng nổ về dân số, phòng ngừa và đẩy lùi những dịch bệnh hiểm nghèo...''
Nếu như lợi ích quốc gia dân tộc là nhân tố có tính chia rẽ tiềm tàng các quốc gia trong bối cảnh hiện nay, thì những vấn đề toàn cầu cấp bách lại buộc họ phải quan tâm và xích lại gần nhau. ''Việc giải quyết những vấn đề đó đòi hỏi sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các quốc gia, dân tộc''. Quá trình phát triển của Việt Nam cũng không thề tách rời bối cảnh và tính quy định của những xu thế xuất hiện từ các nhân tố chính trị - xã hội của bối cảnh ấy.
Theo đó, ''Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc.''
II. Về sự lựa chọn con đường đi lên CNXH ở Việt Nam
Cương lĩnh 2011 nêu 3 luận cứ cơ bản cho sự khẳng định ''Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tich Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử.''
CNXH - khát vọng của nhân dân Việt Nam. Tổ quốc được độc lập - tự do - hạnh phúc, đất nước được thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh... là những khát vọng lớn lao mà cụ thể, bình dị của cả dân tộc Việt Nam nhiều thế kỷ nay. Có mối quan hệ biện chứng giữa CNXH với tư cách là một chế độ chính trị - xã hội với các khát vọng trên. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, những khát vọng ấy đã từng bước được hiện thực hóa và luôn nằm trong lộ trình của con đường đi lên CNXH của Việt Nam. Thời kỳ đổi mới chính là quãng thời gian mà những mục tiêu, khát vọng trên của cả dân tộc đạtđược nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lich sử. Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu sắc sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN là để thực hiện những khát vọng đó của cả dân tộc.
Chính từ góc độ tiếp cận này, CNXH ở Việt Nam tìm được sự đồng thuận lớn của cả dân tộc với mục tiêu chung là độc lập dân tộc gắn liền CNXH.
CNXH - sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc chỉ có con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và công bằng để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành… đó là những mục đích mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trọn đời cống hiến và cũng là quan niệm cụ thể của Người về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Và suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã tận hiến cho mục tiêu ấy.
Được Chủ tich Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ vững định hướng XHCN trong quá trình lãnh đạo dân tộc hơn 80 năm qua. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là ngọn cờ mà Đảng luôn gương cao và cũng chính từ đây định hình sức mạnh và xu thế phát triển của Dân tộc trong thời gian tới. Đảng ta cũng ý thức được rằng: “Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tế, tôn trọng quy luật khách quan.” Và, nguy cơ hàng của một đảng lãnh đạo - cầm quyền là “sai lầm về đường lối”. Vì vậy, định hướng quá trình phát triển của đất nước, bên cạnh khát vọng của dân tộc, trước hết phải căn cứ vào những điều kiện khách quan và xu thế của lịch sử.
Đi lên CNXH là phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã vạch ra nguyên nhân sâu xa cho sự ra đời của CNXH chính là từ xu thế xã hội hóa của LLSX hiện đại, từ xu thế dân chủ hóa đời sống chính trị. Xu thế ấy ngày càng rõ trong thực tế kinh tế - chính trị hiện đại. Vài thập niên gần đây, bất cứ thể chế chính trị nào không ý thức được và tuân theo những xu thế ấy đều gặp khủng hoảng chính trị và suy thoái kinh tế. Những cuộc khủng hoảng lớn của mô hình CNXH ở Liên xô và Đông Âu, cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế hiện nay ở ngay những nước trung tâm của CNTB, những rối ren về chính trị xã hội gần đây ở các nước vùng Bắc Phi... xác nhận điều đó.
Cũng từ thực tế, người ta thấy rằng, các biện pháp khắc phục khủng hoảng, nếu xa rời xu thế xã hội hóa và dân chủ hóa đều không có kết cục tốt đẹp. Thất bại của cải tổ ở Liên xô, Đông Âu trước đây là ví dụ điển hình về những sai lần trong tư nhân hóa kinh tế và sai lầm khi lựa chọn giải pháp đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập khi phát triển dân chủ theo kiểu phương Tây. Cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới gần đây (từ năm 2008) tuy chưa đến hồi kết, song có điều rõ ràng là người ta đã thừa nhận rằng: ''chủ nghĩa tự do mới đã thất bại''; CNTB hiện đại đã phải tiếp tục điều chỉnh theo hướng xã hội hóa bằng cách tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, điều tiết, hạn chế vai trò ''bàn tay vô hình'' của thị trường, quan tâm hơn đến lợi ích của xã hội...Thực tế này xác nhận lời của Lênin: ''Ngày nay thì chủ nghĩa xã hội đang hiện ra trực tiếp, trên thực tiễn, trong mỗi biện pháp quan trọng tạo thành một bước tiến trên cơ sở chủ nghĩa tư bản hiện đại ấy''1.
Cần lưu ý rằng, quá trình điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trước tiên là để củng cố, duy trì sự thống trị của bản thân nó. Đó là cái cơ bản để tạo ra độc quyền vốn khoa học và công nghệ cho chủ nghĩa tư bản và tạo sức mạnh thách đố, lấn át ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chủ nghĩa đế quốc cũng chưa bao giờ từ bỏ dã tâm ngăn chặn, tiêu diệt chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Hiện nay, và trong vài thập niên tới, không loại trừ những hành động phiêu lưu của chủ nghĩa đế quốc gây xung đột nội bộ, bao vây, cấm vận...có thể gây nhiều khó khăn cho chủ nghĩa xã hội. Đồng thời sự phát triển của chủ nghĩa tư bản cũng tạo ra ngày càng nhiều nhân tố tự phủ định nó và cũng không loại trừ khả năng tiến hoá - diễn biến hòa bình ngay trong một số nước tư bản.
Thế giới hiện nay đang vận động khá phức tạp với nhiều khuynh hướng và nhân tố, song có một ''mẫu số chung'' là ''hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn''.
Hai nhân tố cơ bản sau quy định điều đó:
Nhân tố thứ nhất là sự phát triển mạnh mẽ của LLSX hiện đại với các biểu hiện là kinh tế tri thức và toàn cầu hóa kinh tế. Nhân loại đang bước vào một trình độ mới của sản xuất trên cơ sở của tri thức khoa học và công nghệ hiện đại. Vai trò của tri thức ngày càng tăng đối với tăng năng xuất lao động xã hội, sử dụng tối ưu tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái...là một thực tế. Song cần nhận rõ, tri thức ở đây khá đa dạng, gồm tri thức - kỹ năng để sản xuất, tri thức được hoá thân vào công nghệ, tri thức để quản lý quá trình sản xuất và để marketing sản phẩm, giúp nó trở thành hàng hoá... chứ không chỉ là tri thức trừu tượng hay chỉ để thoả mãn nhu cầu nhận thức. Thực tiễn sản xuất hiện đại và quan điểm duy vật về lịch sử cho chúng ta hiệu rõ hơn rằng, tri thức chỉ trở thành một nguồn lực, một lực lượng sản xuất trực tiếp khi nó được gắn kết, hoá thân vào công nghệ và sức lao động. Đây là giá đỡ vật chất của tri thức, là điều kiện để tri thức hiển thị vai trò của nó. Chỉ có thể hiệu rõ vai trò là nguồn lực trong phát triển của tri thức khi tiếp cận nó từ góc độ này. Bản thân tri thức không thôi, tự nó chưa làm ra của cải vật chất. Nhận thức này hàm ý, muốn sử dụng kinh tế tri thức làm công cụ để thúc đẩy quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam thì cần phải chú ý tới mặt xã hội của vấn đề: công bằng trong điều kiện học tập và nâng cao trình độ văn hoá tay nghề; tạo điều kiện cho những người lao động (công nhân, trí thức và nông dân) tiếp cận với công nghệ ở trình độ kinh tế tri thức để từ đó làm chủ và sáng tạo ra công nghệ mới; làm tăng hàm lượng chất xám trong hàng hoá v.v. Mặt khác, muốn có một bối cảnh, môi trường xã hội thuận lợi để hướng tới và khai triển những ưu việt của kinh tế tri thức thì chỉ có CNXH đích thực mới có thể tạo ra không gian xã hội cho mỗi người và cho mọi người phát huy nhĩmg năng lực sáng tạo một cách tự do và toàn diện.
Nhân tố thứ hai chính là vấn đề lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh chính trị hiện đại. Có hai lực chi phối lợi ích này: sức phát triển của LLSX hiện đại, phân công lao động quốc tế thì khiến cho các quốc gia buộc phải liên hệ, chấp nhận sự tương tác, cộng sinh với nhau; còn tính chất của QHSX, lợi ích cục bộ và tư duy thiển cận về lợi ích quốc gia dân tộc lại là tác nhân khiến cho xuất hiện các xung đột, chia rẽ và “Xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới.” Hai lực này dường như trái chiều và gây nên khá nhiều tình huống cho chính trị thế giới: đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp…
Tuy vậy, một điều rõ nét là thế giới dường như đang tái cấu trúc lực lượng theo hướng: ''Tình hình thế giới trong hơn một thập kỷ qua, nổi lên mâu thuẫn gay gắt giữa một bên là thế lực hiếu chiến mưu toan thống trị thế giới và các thế lực theo đuôi chúng, với một bên là nhân dân lao động và các lực lượng đấu tranh chống chiến tranh, chống chủ nghĩa bá quyền, bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc, chủ quyền, sự bình đẳng giữa các quốc gia và lợi ích mỗi nước.''2 Theo đó, sẽ là một trật tự mới sẽ dần được xác lập theo nguyên tắc hai cực, một bên là CNXH, nhân loại tiến bộ đang đấu tranh vì dân chủ, chủ quyền quốc gia dân tộc, tiến bộ xã hội và quyền phát triển... Và bên kia, là các thế lực của chủ nghĩa đế quốc, các tập đoàn tư bản, các nước theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan các thế lực cực hữu nắm chính quyền, bọn phản động khủng bố quốc tế... Quan niệm này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn rõ nét hơn về cuộc đấu tranh chính trị hiện đại. CNXH vẫn là một giải pháp và một lực lượng để thế giới hòa bình, dân chủ và phát triển.
Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam cần nhận thức rõ và được đặt vào trong xu thế đó./.
___________
1. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, tập 34, tr. 258
2. Hội nghị Trung ương 8 khoá IX Đảng Cộng sản Việt Nam – Theo Đổi mới và phát triển ở Việt Nam một số vấn đề lý luận và thực tiễn, GS.TS Nguyễn Phú Trọng (chủ biên) Nxb CTQG H.2006, tr.43